Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chùm thơ Phạm Hồ Thu

Phạm Hồ Thu
Thứ tư ngày 27 tháng 3 năm 2013 8:21 PM

Hà thành cổ điển

Sao ta nhớ một Hà Thành cổ điển
Những mái ngói rêu phong tưởng đã sáo mòn trong bao lời nói cũ
Chiều nay đàn sâm cầm đập cánh
Mang hồn rêu phong trở về…

Thảng thốt tiếng leng keng tàu điện
Chở tuổi thơ ta trôi về chợ Bưởi
Trôi về Hà Đông xứ lụa
Rồi trả ta về Hà Nội phố
Hoa lá vương trong hồn

Những người đàn bà cổ điển hơn mọi mùa cổ điển
Chớp mắt dịu dàng đắm đuối
Tiếng “ Vâng” nhẹ như gió thoảng
Ai đã từng nghe mà không ngộ ra hạnh phúc
Suốt đời mang theo….

Dìu dặt đường chiều
Hương hoa sấu tháng ba, hương sữa nồng tháng tám
Dạ lan hương giấu mặt
Lan theo một tiếng thầm thì…

Sao ta nhớ một Hà Thành cổ điển
Người đàn ông ta yêu tận cùng chân thật
Anh tặng ta lời yêu thì thầm như dao chém đá
Không gì có thể đổi thay…

Anh có thể thổi vào ta khúc buồn lặng lẽ
Khúc lặng lẽ của rêu phong phố cổ
Vì thế mùa thu ta yêu mùa hè ta nhớ
Mướt mát tình yêu cái đẹp
Để ta mãi là người đàn bà cổ điển
Như giọt sương kia, như nỗi nhớ này…

            Tháng 08 – tháng 10/2012

 

Bài hát cũ
và anh đã đến…

Em mệt mỏi biết mấy! Những cánh diều đang bay, những con cá đang bơi, những dòng sông vẫn mâĩ miết chảy, những cánh hoa vẫn nở đêm đêm… Sao em mệt mỏi- mệt mỏi biết mấy!

Anh đã đến đấy ư? Bài ca anh gợi nhớ về một phương trời nào xa lắc. Sao ta không gặp nhau từ những ngày xưa ấy?

Em thuở ấy, cô gái thơ ngây có hai bím tóc, đôi mắt to tròn, nhìn gì cũng yêu, thấy gì cũng lạ. Em sẽ cười lanh lảnh nếu nghe lời cầu hôn nghiêm chỉnh… Em bây giờ mệt mỏi biết mấy!

Ngày ấy anh ở đâu -  người đàn ông có gương mặt buồn bã và biết im lặng của em? Ngày ấy anh ở đâu, tiếng hát anh gửi về phương trời nào ru những cánh chim xa? Sao anh không đến tìm em để em bây giờ mệt mỏi biết mấy?

Còn gì nữa không trong nụ cười mệt mỏi của thời gian? Sao đôi cánh chim xa vẫn còn chấp chới? Sao tiếng rú con tàu vẫn về ga hối hả? Sao những cơn gió vẫn lang thang trên những cánh đồng chiều. Và tiếng chim hót mải mê vẫn bừng lên buổi sáng đánh thức những giọt sương sa?

Còn gì nữa trong ta, trong anh – gương mặt mệt mỏi? Và hình như tiếng hát đã cất lên rồi. Tiếng hát gọi về phương trời nào xa lắc. Tiếng hát gọi tên một bài hát cũ… Anh đã đến đấy ư ,nhịp điệu mới của một bài hát cũ ?
 
    Tháng 8 - 2012

 
     Tình ca ghi ở Hà thành
 

                Tưởng nhớ nhà văn Băng Sơn - người viết nhiều về Hà Nội
Tôi bất ngờ gặp dáng chị nghiêng bên những đóa sen
Hương sen thoang thoảng trong chiều
Hình như cả sen và người chờ đợi…[
Cái dáng đợi chờ tôi đã gặp ở đâu, lâu lắm
Ở bảo tàng chăng?
Ở câu chuyện cổ tích chăng?

Bất ngờ trở về từ phố xưa
Mái đầu anh bạc
Hình như anh vừa tìm ra vẻ đẹp khác của mùa thu
Hình như anh vừa tìm ra mùi hương của một cây gì lạ lắm.
Hình như anh vừa từ Hoàng Thành trở vể
Hình như anh định viết về sự níu giữ cái đẹp…

Chiều Hà thành bình yên
Chúng tôi nói chuyện về những điều giản dị
Về những gian khó đi qua, ngày mai sắp đến
Về nỗi lo kinh thành sẽ vắng hàng cây cơm nguội
Những cây sao cuối phố Lò Đúc đàn cò không quay về đậu
Vườn đào Nhật Tân mùa này dâng hoa lần cuối…
Và tôi bỗng muốn viết gì đó về một tình yêu có thật
Một hạnh phúc có thật
Hạnh phúc của người đàn bà sinh ra là để dịu dàng
                                     cho người đàn ông của mình.
Và người đàn ông chỉ hạnh phúc khi có người
                             đàn bà duy nhất để hiến dâng…
Chùm thơ của tác giả Phạm Hồ Thu
Một gương mặt bơ vơ
 
Tại sao tôi lại đóng đinh ánh nhìn của mình vào gương mặt ấy
Một gương mặt bơ vơ
Tại sao trái tim tôi quặn thắt khi nhìn gương mặt ấy
Một gương mặt bơ vơ?
   *
*    *
Từ lúc nào chúng ta đã quen nhìn vẻ đẹp của nụ cười, vẻ đẹp của
những gương mặt tươi sáng
Từ lúc nào chúng ta đã quên gương mặt của Nguyễn Trãi
đã từng than: “Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi”
Từ lúc nào chúng ta quên những giọt nước mắt đầm đầm giấu
trong vạt áo nâu của Mẹ?
Và những người lính
Những người lính ra đi mãi mãi không về?
   *
*    *
Biết lấy gì dâng tặng?
Tôi chạy về phía quê hương hái hết những bông hoa đồng nội
Quỳ xuống bên đường
Và đợi
Tôi đợi người – gương mặt bơ vơ…
 
Tháng 3-2012
 
 
 
Thế giới của Hoàng tử Bé

(Nhân đọc lại Hoàng tử Bé của nhà văn Pháp A. Saint Exypéry)
 
Hãy nhìn lên bầu trời
Nhìn thầm
Những ngôi sao dịu dàng cất tiếng cười, những ngôi sao
không gặp hiểm nguy
Thế giới mong manh
Mong manh nụ cười, mong manh ánh mắt
Mong manh những giọt sương
Cẩn thận nào anh yêu
Mong manh đẹp, mong manh dễ vỡ…
  *
*   *
Thế giới này thật đông những kẻ mình trần mắt thịt
Mải mê với những phép tính cộng
Mặc những bông hoa âm thầm nở
Mặc những vì sao mọc
Mặc ta yêu người đầm đầm nước mắt…
   *
*    *
Vỡ tan rồi, anh yêu
Thế giới của Hoàng tử Bé
Mặt trời lặn
Tiếng những ngôi sao thì thầm
Những bông hoa bật nở cùng nũng nịu
Xứ sở ta yêu
Những giọt lệ thật vô cùng huyền bí…
 
Viết tháng 5-2010
Sửa tháng 2-2012
 
 
 
Đêm Bethoven
Viết cho những lứa đôi của thế hệ tôi
 
Bản giao hưởng Định mệnh đã vang lên. Xin cảm ơn Người – Bethoven, những âm thanh chói sáng của Người đã phủ lên hai ta và bạn bè ta cái giai điệu mãnh liệt ngợi ca sự sống. Phủ lên nụ hôn này tiếng một dòng sông thao thiết chảy, tiếng vỗ cánh của chú đại bàng ngàn tuổi, tiếng núi đổ rền vang xao xuyến, tiếng thinh không lẳng lặng, tiếng thì thầm muôn thuở ngợi ca Con Người…
 
Người đừng hỏi vì sao ta hôn lên đôi mắt buồn này, vầng trán buồn này dành cho ta vĩnh viễn và ta nói rằng: Nụ - hôn – này – vĩnh - viễn - của – anh.
 
Người đừng hỏi vì sao ta trở nên cứng rắn hơn mọi người đàn bà, yếu mềm hơn mọi người đàn bà, dịu dàng hơn mọi người đàn bà, nũng nịu hơn mọi người đàn bà trong vòng tay Người xiết chặt và hóa đá vào nụ hôn Người.
 
Dỗ dành được chăng tiếng guitar chảy bên dòng sông Thu ngày ấy đã giấu của ta biệt tăm tuổi trẻ? Dỗ dành được chăng cái âm thanh lao xao của những người con gái, con trai cùng thời chúng ta, một lần cùng ta cất cao tiếng hát rồi mãi mãi ra đi không trở về.
 
Dỗ dành được chăng nước mắt của người con gái anh yêu và người con trai ta nhớ ngày ấy chia tay ta ra trận rồi không thể nào gặp lại.
 
Đi tìm lại nụ cười xưa, ánh mắt xưa, giai điệu xưa, dịu dàng xưa. Nào ai nói hộ ta tại sao nụ cười này, nụ hôn này, ánh buồn này cũng trở thành di chỉ?
 
Cuộc đời mong manh sao - sự sống và cái chết. Không gào thét nhưng phải yêu nhau nghìn lần hơn nữa để ta còn kịp nói với mai sau rằng ta đã sống, đã yêu, đã yêu cuộc đời này vạn lần thêm nữa trước giờ phút chia xa…
 
Bản giao hưởng Định mệnh đã vang lên, xin cảm ơn Người – Bethoven, những âm thanh chói sáng của Người mừng một ngày Tình yêu trở lại…
 
Hà Nội, 18-2-2012

 
NGƯỜI ĐÀN BÀ BA MẶT

Khi tôi đứng trước tượng Dương Vân Nga – người đàn bà làm vợ của hai đời vua, người coi đền bảo tôi: “hãy nhìn  mà xem, bức tượng này ba mặt, ba vẻ mặt khác nhau của một người đàn bà”
(PHT)
Nàng đấy ư – Dương Vân Nga?
Sao lại đứng góc chùa này mà khóc?
Sao lại đứng ở góc chùa này mà tỏa sáng
cái ánh sáng dịu dàng thiên thần ngày làm mẹ?
Sao lại đứng ở góc chùa này mà chờ đợi
trong hân hoan nụ tình yêu?
Nàng đấy ư – Dương Vân Nga?
 
Thôi hãy nén đau thương bời bời ngày mất vị
       Quân Vương thứ nhất
Chén ngọc Người dâng ta đã từng uống cạn
 trong cỏ cây, hoa lá, khóc cười
Nén nước mắt vào trái tim người đàn bà kiêu hãnh
 biết vui buồn cùng xứ sở...
Thôi hãy thêm một lần tỏa nụ cười dịu dàng thần
tiên muôn thuở phủ lên gương mặt con thơ
Thêm một lần chờ đợi, hân hoan dâng áo bào cho
 người chiến binh mang gương mặt tình nhân...
Ngày mai chàng ra trận. Rồi chàng sẽ trở về dâng
 tặng ta lễ vật là bình yên xứ sở...
Thêm một lần làm người đàn bà biết sống thật với
 mình, không bịa tạc, không giả trá – tình yêu nhân
 danh sự sống – một giấc mơ nở Đóa – Con Người
Nàng đấy ư – Dương Vân Nga?
Cảm ơn sự tưởng tượng phi thường của người nghệ sĩ
 đã tạc bức tượng nàng thành người đàn bà ba mặt.
Một gương mặt đau thương vô biên, một dịu dàng
muôn thuở, một ánh cười kiêu hãnh ngày dâng tặng
 áo bào giục người tình ra trận.
Còn sự hoàn hảo nào hơn để nói về người đàn bà này?
Nàng đấy ư – Dương Vân Nga...
       2007 - 2010