Cách đây ba, bốn năm, khi ông mới về nhậm chức quan đầu tỉnh của Hà Nội tôi đã viết cho ông một lá thư ngỏ đăng trên báo và trên mạng nhưng rồi cũng như bao nhiêu thư ngỏ của những trí thức, học giả, văn nghệ sĩ gửi tới ông đều rơi vào im lặng. Tôi chợt nghĩ đến một vị Giáo hoàng quyền lực tót vời còn trả lời thư của một cháu bé thì từ sự im lặng, phớt lờ của ông tôi hiểu trình độ văn hoá, phép đối nhân xử thế của ông đến đâu. Nên hôm nay tôi chỉ viết những dòng bộc bạch như một bài báo về sự bất bình của ngưòi Hà Nội gốc trước sự quản lý của một vị đang đứng đầu Hà Nội nhưng lại đang phá nát thành phố thân yêu của chúng tôi. Vừa rồi ông tỏ vẻ đau lòng vì năng lực cạnh tranh của Hà Nội bị giảm so với thành phố địa phương khác. Cách đây vài tháng ông Nghị bí thư thành uỷ Hà Nội lại tuyên bố đại ý ”quan chức Hà nội trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm không ai bị kém quá”. Những lời tuyên bố hùng hồn của ông Nghị chỉ là sự khẳng định một sự bao che, bỏ phiếu tín nhiệm một cách vô trách nhiệm, sợ bị mất ghế và vô cảm đối với dân nên mới có kết quả đỏ loè lên thế. Ông Nghị thử một lần xuống khu vực Kim Ngưu xem dòng sông đen kịt, thối um giữa lòng Hà nội. Thử một lần vi hành như ngưòi dân thường sẽ nghe thấy dân nói gì về các vị quan Hà Nội. “Tham như…, ngu như …”. Xem các vị quan phường cho thuê vỉa hè, hống hách, nạt nộ dân nghèo, các bà mẹ trẻ khổ sở chạy học cho con ngay từ mẫu giáo, xem người bệnh Thủ đô khốn khổ ra sao giữa các bệnh viện nổi tiếng Bạch Mai ( ngày xưa người Hà Nội chúng tôi gọi là nhà thương Cống Vọng), Bệnh viện 108 ( tên cũ là nhà thương Đồn Thuỷ).Xem nạn tắc đường mỗi khi giờ đi làm, tan tầm vì sự xây cất khách sạn, trung tâm thương mại bừa bãi ra sao, xem ra thải ngập ngụa giữa phố phường, xem người mà có hộ khẩu Hà Nội ăn nói, đối xử theo kiểu thiếu thanh lịch chẳng Tràng An chút nào. Rồi ngay cả ông vơớ tư cách là một thị trưởng mà có những đợt mưa to, gió lớn làm chết ba, bốn người giữa Hà Nội, ông cũng không có một lời chia buồn nào cho phải đạo … Còn sự đau buồn vì sự kém năng lực cạnh tranh của Hà nội của ông Thảo chung qui xuất phát từ sự quản lý kém cỏi của hai ông đứng đầu cùng bộ máy quản lý năng lực quá yếu kém, thiếu bản lĩnh, vô cảm trước nguyện vọng của dân nên Hà Nội giờ đây mới loạn xạ với đủ thứ tệ nạn, từ ăn cắp, ăn trộm, trấn lột, đến giá cả chặt chém, vứt rác, bẻ hoa, xâm phạm di tích mỗi khi có lễ hội đến bám đuổi khách du lịch …khiến khách du lịch nứơc ngoài cũng ngạc nhiên sợ hãi vì thủ đô mà dường như đang sống trong khu rừng thiếu luật pháp, rồi các công sở gần đây lại chạy theo mốt đặt trước cửa những con vật chả hiểu vật gì chỉ biết rập lại y xì thứ vật của Tàu. Thật buồn. Tôi nghe đồn ông Thảo là Kiến trúc sư, vậy mà hình như tôi nhớ không nhầm trong vòng hơn bốn, năm qua ông không những làm cho Hà Nội tươi đẹp, thành phố hơn mà còn nhốn nháo, bụi bặm, bừa bãi hơn với những công trình được xây cất một cách tuỳ tiện, bát nháo, thiếu mỹ quan. Trong đợt kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long đáng ra là một dịp làm cho Hà Nội đẹp hơn, hiện đại, và Hà Nội hơn nhưng đáng buồn thay hàng nghìn tỉ đồng tiền của dân đóng thuế dưới sự chỉ đạo của ông chỉ làm cho cảnh quan Hà Nội đáng buồn, đáng xấu hổ hơn với hàng loạt công trình lai căng, kém chất lượng, lãng phí kiểu như Bảo tàng Hà Nội, công viên Hoà Bình, Đại Lộ Thăng Long …Hình như ông không có lòng tự ái khi thấy Đà Nẵng - một thành phố do một vị lãnh đạo xêm xêm tuổi ông, cũng trong giai đoạn ông cầm quyền đã biến thành một thành phố đẹp, đáng sống, nghiêm chỉnh như thế nào. Chưa hết, tôi cũng như bao nhiêu trí thức, văn nghệ sĩ cảnh báo ông về sự thu hẹp, băm nát hồ Tây bằng những dự án, những công trình thô lậu làm mất vẻ đẹp của Hồ Dâm đàm, biến chiếc hồ nổi tiếng hàng nghìn năm, lá phổi của Hà nội dần thành cái ao bị bao quanh những công trình trọc phú và phi kiến trúc. Bài học Hồ Tây giờ bị bê tông hoá bao quanh với những nhà cao tầng đang thành ao như thế chưa đủ hay sao mà không hiểu vì quyền lợi gì, hay vì sự không am hiểu cảnh quan, kiến trúc của Hà Nội, quen lôi quản lý ở một tỉnh nhỏ mà ông Thảo lại kí quyết định cho xây một khách sạn 16 tầng ( ngày 29/3/2013 bộ máy quản lý a dua của ông trên mạng lại thanh minh là chỉ có 12 tầng) cách thắng cảnh Hồ Gươm 200 mét. Thưa kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo, không hiểu ông học trường nào mà ông lại xem thường cảnh quan, khoảng không gian dành cho một thắng cảnh như vậy. Thật đáng buồn và cũng thật đáng trách cho ông với tư cách là một vị thị trưởng nhưng suốt trong quá trình mấy năm ông ngồi ở chiếc ghế đó ông chỉ làm Hà Nội thêm xấu đi, mất dần sự thanh cảnh, thanh lịch của Hà thành. Tôi không tính đến chuyện ông và ông Nghị vì lợi ích vật chất nào đấy không tính toán đến mỗi chữ kí quyền lực của các ông mang lại cho các ông cái gì mà tôi chỉ nghĩ hai ông là những ngưòi ở tỉnh khác đến cai trị Hà nội. Do từ những tỉnh khác đến nên không hiểu đặc trưng của vùng đất đế đô, thiếu hẳn tình yêu máu thịt với thành phố quê hương chúng tôi nên các ông đã liên tiếp làm những việc mà những người Hà Nội chân chính hôm nay và mai sau sẽ đau xót, luyến tiếc và lên án
Nhân danh một ngưòi Hà Nội tôi mong ông và những ngưòi lãnh đạo Hà Nội khác tỉnh đến thành phố này trứơc khi làm việc gì hãy suy nghĩ thận trọng hơn để tránh thêm một lần làm hỏng Hà Nội bằng những chữ kí tàn phá của các ông kiểu như phá vườn đào Nhật Tân, cho xây nhà bê tông cao tầng quanh Hồ Tây, cho xây khách sạn, xây ga tàu điện ngầm quanh khu đất thiêng Hồ Gươm, cho xây bãi đậu xe trong Công viên Thống nhất… .
Hà Nội ngày 28/3/2013