Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mấy ý kiến về việc thưởng thớc, đánh giá thơ Tố Hữu

Nguyễn Huy Thông
Thứ năm ngày 28 tháng 3 năm 2013 9:49 PM


Sáng ngày 4/10/2010, tại hội thảo văn học “Tố Hữu – thân thế và sự nghiệp”, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 90 năm sinh nhà thơ Tố Hữu (1920-2010), một số nhà nghiên cứu, nhà thơ đã trình bày tham luận, tập trung đánh giá công lao to lớn của Tố Hữu trong hơn 60 năm qua trên nhiều lĩnh vực quan trọng của sự nghiệp cách mạng. Suốt một đời, ông nhiệt thành làm người chiến sĩ cách mạng kiên trung và nhà thơ kiệt xuất, dùng thơ ca để “diễn đạt về số phận dân tộc mình” (lời nhà văn Pháp Emmanuel). Với ông làm thơ là để làm cách mạng, cách mạng và thơ là một. Ông xứng đáng là ngọn cờ đầu tiêu biểu, con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tôi nhớ là hôm đó, sau khi nhà thơ Vũ Quần Phương trình bày xong bản tham luận “Đọc lại Tố Hữu, 2010” (sau đó đăng trên báo Văn Nghệ số 43, 23/10/2010 có lược bớt mấy đoạn), hội trường dội lên tiếng xì xào, bởi có người muốn được trao đi đổi lại với diễn giả. Song, vì thời gian hội thảo có hạn, nên việc tranh luận chưa tiến hành được.
Mở đầu bài viết, tác giả đã nêu rõ những yêu cầu cần thiết khi nghiên cứu di sản thơ của Tổ Hữu cũng như của các nhà thơ nổi tiếng khác như Mãn Giác thiền sư, Lê Thánh Tông, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà là phải “thành kính, trân trọng, công bằng và khoa học”. Tiếc rằng, sau khi đọc kỹ bản tham luận, chúng tôi cảm thấy tác giả chưa thực hiện được trọn vẹn các yêu cầu đó, nhất là hai yêu cầu “công bằng và khoa học”. Chúng tôi nghĩ rằng, việc tranh luận, trao đổi, nhằm làm sáng rõ chân giá trị của những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ quá khứ là một việc làm cần thiết và bình thường. Thời gian càng lùi xa, qua sự kiểm nghiệm, đánh giá của công chúng hết thế hệ này đến thế hệ khác, nhà phê bình càng có điều kiện thuận lợi để thưởng thức, phẩm bình tác phẩm, tác giả. Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-1820) qua đời đến nay gần 200 năm rồi mà người ta vẫn tiếp tục tranh luận về một số vấn đề nội dung và những tồn nghi cũng như cách  hiểu một số câu thơ trong kiệt tác Truyện Kiều của ông. Điều quan trọng là chúng ta phải hết sức thận trọng khi phân tích, đánh giá, kết luận sao cho chính xác, có lý có tình. “Nói phải củ cải cũng nghe” - cha ông ta từng căn dặn thế. Chớ có thổi phồng, đề cao quá đáng, hoặc quy kết, chụp mũ, phê phán một cách nặng nề, sai lầm, gây oan sai cho tác giả. Không được lấy con mắt, lăng kính của người thời nay để máy móc nhìn nhận, đánh giá tác phẩm văn học quá khứ. Cần phải đặt tác phẩm và tác giả vào trong bối cảnh và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nhà thơ Xuân Diệu đã rất chí lý khi ông nhắc nhở người nghiên cứu thơ ca cổ điển: “Không được có cái lấc cấc tự phụ, nện giày cồm cộp trong đền thơ của người xưa” (“Ba thi hào dân tộc”, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1959, trang 10).
Tôi nhớ đến ý kiến sâu sắc, thấu tình đạt lý của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nam: “Đọc thơ nên chịu khó tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của bài thơ và cảm thông tấm lòng của nhà thơ, nhất là khi các anh đã ở thế giới bên kia không  trao đổi với ta được nữa” (Tạp chí Thơ số 8-2012, trang 41).
Chính vì vậy, với tinh thần xây dựng, tôn trọng học thuật, chúng tôi muốn trao đổi với ông Vũ Quần Phương về một số điểm trong bản tham luận của ông:
1. Vũ Quần Phương nói tới “đôi bài thất bại của Tố Hữu”  ở chặng đường sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tuy ông không nói rõ tên hai bài thơ đó trong tập thơ Việt Bắc, nhưng người đọc vẫn đoán được đó là các bài: Đời đời nhớ Ông, Bài ca tháng Mười. Ông cho rằng: “Ấy là những bài thơ xuất phát từ ý định không phải từ xúc cảm”. Nhận định như vậy, chúng tôi e là chủ quan, vội vàng. Chúng ta đều biết cảm xúc dào dạt của người viết là yếu tố quan trọng hàng đầu, không thể thiếu để tạo nên bài thơ hay. Thực tế là, qua hơn nửa thế kỷ, kể từ khi bài thơ ra đời, cho đến nay bạn đọc vẫn đánh giá hai bài thơ nói trên có sức truyền cảm, hấp dẫn cao. Nếu nó chỉ xuất phát từ ý định chủ quan mà không từ cảm xúc chân thành của nhà thơ thì không thể nào có được kết quả như vậy. Về bài “Đời đời nhớ Ông” ra đời tháng 3/1953, sau khi Đại nguyên soái Stalin qua đời, bây giờ xem xét lại chúng ta thấy có hai chi tiết như Vũ Quần Phương nêu ra là khiên cưỡng (Lời bà nông dân ca ngợi Stalin và tiếng em bé tập gọi “Ông Lin”). Nhưng chúng ta cần quay ngược bánh xe thời gian để tìm hiểu kỹ hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Rõ ràng là ở thời điểm đó, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang quyết liệt, số lượng sách báo và các nguồn thông tin từ bên ngoài đến với Việt Nam còn ít, nên sự hiểu biết của nhiều người về nội tình Liên Xô, về lãnh tụ Stalin như sau này còn hạn chế và chưa toàn diện (Cho đến nay, người ta vẫn còn tiếp tục tranh luận, đánh giá công lao và sai lầm của Stalin). Vì vậy, dư luận chung của xã hội ta sau khi Stalin mất là bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với Người và ca ngợi công lao vĩ đại của Stalin đối với Liên Xô và nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân ta. Nhà thơ Tố Hữu đã xúc động sáng tác bài thơ trên và nhanh chóng được công chúng đón nhận. Trong trào lưu tư tưởng chung của xã hội lúc đó, nhà thơ có thể hiện hai chi tiết trên, theo chúng tôi cũng là điều dễ hiểu và cần thể tất, thông cảm cho ông. Chính Tố Hữu đã nhận ra điều này nên trong tập Thơ Tố Hữu, do chính tác giả chọn lựa, sửa chữa và sắp xếp, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2002, ông đã loại, không đưa bài thơ Đời đời nhớ Ông vào tuyển tập này. Không nên vì hai chi tiết ấy mà phủ nhận giá trị và tác dụng tích cực của toàn bộ bài thơ, cho rằng: “tình cảm thơ mất tính chân thật và vì vậy ngay tác động tuyên truyền giáo dục cũng không còn” như Vũ Quần Phương nhận định.
Vũ Quần Phương còn phê phán câu “Nhân loại chửa thành người” trong khổ thơ đầu tiên của “Bài ca tháng Mười” là “khó được lịch trình tiến hóa nhân loại chấp thuận và xúc phạm đến tiền nhân”. Theo chúng tôi, Vũ Quần Phương đã hiểu sai ý của Tố Hữu. Tôi cũng như tuyệt đại đa số người đọc suốt mấy chục năm nay đều hiểu ở câu thơ trên, nhà thơ muốn nhấn mạnh đến tầm vóc lịch sử, ý nghĩa lớn lao, long trời lở đất về mặt xã hội của cuộc cách mạng tháng Mười đối với tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Bác Hồ kính yêu đã nói: “Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế “ (Xem “Hồ Chí Minh tuyển tập”, tập 2, trang 461, Nhà xuất bản Sự thật, 1980).
Nếu hiểu con người mà Tố Hữu nói theo nghĩa đen là con người sinh học thì hoàn toàn hiểu ngược lại, không đúng ý nghĩa của nhà thơ cần diễn đạt. Thực tế là thông qua hình tượng thơ, bằng những câu thơ 5 chữ giàu hình ảnh, Tố Hữu đã diễn tả một cách sinh động ý nghĩa xã hội của cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại, làm rung chuyển thế giới, tạo ra “cú hích” đẩy lịch sử nhân loại tiến lên.
2. Ông Vũ Quần Phương nhận xét, sau năm 1965 thơ Tố Hữu “ít bài trội…thiên dần về ý tưởng, chi tiết thường ước lệ, mất đi vẻ tươi xanh của sự sống”. Ông dẫn câu thơ: “Anh chị em ơi/Hãy giương súng lên cao, chào Xuân 68” và cho rằng: “Chữ to nhưng ít gợi cảm. Nhà thơ nói vậy thì độc giả biết vậy, chứ không vào cảm xúc”.
Chúng tôi rất băn khoăn về nhận xét nói trên có phần khắt khe, áp đặt, không có chứng minh về thơ Tố Hữu từ sau năm 1965. Công bằng mà nói không phải bài thơ nào, câu thơ nào của ông cũng toàn bích. Nếu đánh giá thơ Tố Hữu đã “mất đi vẻ tươi xanh của sự sống” thì sẽ cắt nghĩa thế nào, lý do tại sao các bài thơ như: Bác ơi!, Theo chân Bác, Việt Nam máu và hoa, Nước non ngàn dặm, Vui thế hôm nay… của thi sĩ lại được đông đảo công chúng cả nước mến mộ, học thuộc lòng. Chỉ có thể giải thích, một trong các lý do đó như nhà phê bình văn học Hoài Thanh khẳng định: thơ Tố Hữu “là tiếng nói đúng nhất và thật nhất của lòng ta”,  “vừa là tiếng nói của lý trí vừa là tiếng nói của tình cảm và của những gì rất sâu trong lòng anh đang khao khát tìm đến những tấm lòng bè bạn” .
“Bài ca Xuân 68” cũng là bài thơ hay của Tố Hữu. Nhà thơ thể hiện được không khí hào hùng, háo hức chuẩn bị cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, 1968 sắp nổ ra của quân và dân miền Nam. Hình ảnh anh Giải phóng quân “Như Thạch Sanh của thế kỷ 20”, với chiếc mũ tai bèo, vải mềm dễ thương đã được nhà thơ khắc họa đậm nét qua hình tượng nghệ thuật thơ sinh động. Bài thơ như có lửa, có hồn, giục giã chiến sĩ, đồng bào cả nước hăng hái thực hiện trọn vẹn lời chúc mừng năm mới của Bác Hồ  “Tiến lên/Toàn thắng ắt về ta!”. Có thể nói “Bài ca Xuân 68” cũng như một số bài thơ đặc sắc khác của Tố Hữu đã “mang âm hưởng khái quát, hùng tráng khác thường, đem đến niềm tin cho cả một thế hệ chiến sĩ, làm nên cuộc kháng chiến vĩ đại giành độc lập… (Hữu Thỉnh, báo Văn Nghệ số 43,23/10/2010). Vì vậy, chúng tôi cho rằng nhận xét của Vũ Quần Phương về “Bài ca Xuân 68” là không đúng với giá trị thật của bài thơ.
Nhà thơ Vũ Quần Phương công nhận bài thơ dài “Nước non ngàn dặm” của Tố Hữu có nhiều sáng tạo câu thơ. Nhưng ông chê: “toàn bài bằng phẳng trong hơi thơ kể chuyện. Những chi tiết sống, tươi như gồ lên “Vài chàng lính trẻ măng tơ/Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi” quá ít” (Nguyên văn của Tố Hữu là: “Mấy chàng…” – NHT).
Có thể nói “Nước non ngàn dặm” là một trong những bài thơ dài tuyệt vời của Tố Hữu. Nhà thơ đã dùng thể thơ lục bát, phù hợp với giọng thơ kể chuyện tâm tình, dịu dàng, nhỏ nhẹ, có khi như chỉ mình trò chuyện với mình. Phong cách thể hiện trong “Nước non ngàn dặm”  gần với “Việt Bắc”  hơn là “Ta đi tới” . Thành công đáng kể của bài thơ là ở chỗ nó đã nói hộ, nói đúng ý nghĩ và tình cảm của đồng bào, chiến sĩ, của các tầng lớp nhân dân ở nhiều vùng đất nước đối với công cuộc kháng chiến vừa qua và chuẩn bị bước sang hoàn cảnh mới, giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng, khi Hiệp định Pari về Việt Nam vừa được ký kết (27/1/1973). Trong “Nước non ngàn dặm”  có khá nhiều (chứ không phải là “quá ít”) câu thơ, đoạn thơ diễn tả sống động, hấp dẫn về cuộc sống muôn màu muôn vẻ ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ và cả các vùng biên giới với hai nước bạn Lào, Campuchia. Nhà thơ đưa ta đến với ánh nắng chan hòa trên cánh rừng Lao Bảo; ánh trăng rực rỡ trên Bến Giằng (Quảng Nam); với Tây Nguyên hùng vĩ và những miệt vườn cây trái sum xuê ở Tây Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre… Chỉ xin đơn cử đoạn thơ chứa chan cảm xúc sau đây của Tố Hữu khi ông đặt chân trở lại làng Rô – nơi 31 năm về trước (1942), bà con nơi đây đã che chở cho ông và Huỳnh Ngọc Huệ lúc vượt ngục Đak Lay (Kon Tum) ra hoạt động:
Ôi, làng Rô nhỏ của tôi
Cao cao ngọn núi, chiếc nôi đại bàng
Trăm năm, ta nhớ ơn làng
Cánh tay che chở bước đường gian nguy
Thương em, cô gái sông My
Nắm xôi đưa tiễn anh đi qua rừng…
3. Ở cuối bản tham luận, Vũ Quần Phương nhắc đến bài thơ “Bầm ơi”  của Tố Hữu và phê phán: “Anh bộ đội khi xa mẹ, không thể nói: “Xa mẹ, con có khối mẹ khác (Nguyên văn: Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm)”. Rồi ông đặt câu hỏi trách và giải thích: “Nhưng sao một nhà thơ tinh tế vào bậc nhất của nền thơ lại viết thế. Chỉ có thể giải thích rằng: Ông nhà thơ của tình mẹ con muôn thuở đã tự nguyện nhường chỗ cho ông tuyên huấn của việc xây dựng tình cảm quân dân, của phong trào mẹ chiến sĩ  vốn đang rất cần cho cuộc kháng chiến. Tố Hữu hẳn thừa biết những thiệt thòi về phẩm chất thơ, nhưng ông chấp nhận”.
Cứ theo lập luận của Vũ Quần Phương thì trong con người Tố Hữu có sự mâu thuẫn giữa nhà thơ và nhà tuyên huấn: “Có thể ông  đã hy sinh thơ để làm công tác vận động kháng chiến” . Trước khi phân tích ý kiến này, chúng tôi xin trích dẫn đoạn hồi ký nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Bầm ơi”  vào khoảng đầu  năm 1948, do chính nhà thơ kể : “Đánh xong trận Phố Ràng, tôi bắt đầu sốt cao, phải về nằm nghỉ ở nhà bà Gái (làng Gia Điền, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ - NHT). Bà có một người con trai đi bộ đội ở Tây Bắc. Một mình bà đơn côi ở nhà, tối tối bà nhớ con thầm khóc một mình. Nghe tiếng khóc của người mẹ nhớ thương con, tôi không sao cầm lòng được, tự thấy mình phải làm một cái gì đó để an ủi bà. Tôi nghĩ: có lẽ không gì tốt hơn là viết hộ cho con trai của bà một lá thư bằng thơ gửi cho mẹ. Thế là bài “Bầm ơi”  được viết ra rất nhanh… Viết xong, sáng hôm sau tôi đọc cho bà nghe, bịa ra là anh con trai gửi về cho bầm. Bà mẹ nghe đến đâu thì chảy nước mắt đến đấy…”
Qua những lời kể mộc mạc, chân thực này ta thấy Tố Hữu sáng tác bài thơ đó là do yêu cầu cụ thể của chính thực tế cuộc sống để góp phần làm vơi đi nỗi buồn nhớ con trai đang đi chiến đấu ở nơi xa của một bà cụ nông dân. Cho đến nay, “Bầm ơi”  vẫn là một áng thơ rất hay, trĩu nặng tình cảm mẹ con, được lớp lớp độc giả nước ta từ người bình thường, trình độ văn hóa thấp đến những bậc trí thức say sưa cảm thụ. Tác giả làm bài thơ này như một lẽ tự nhiên theo cảm xúc của mình, chứ đâu phải là “ông nhà thơ… đã tự nguyện nhường chỗ cho ông tuyên huấn” . Vũ Quần Phương đã suy diễn quá xa khi chê trách bài thơ và tác giả. Câu thơ “Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm” đã nói đúng tâm trạng rất thực của anh bộ đội với người mẹ ruột thịt. Tuy phải xa mẹ, nhưng anh có biết bao bà mẹ nuôi ở các miền quê khác yêu quý anh như con đẻ của mình. Câu thơ trên là câu thơ cảm động và nghiêm túc diễn tả tình mẹ con thiêng liêng. Thế mà bỗng nhiên nó bị Vũ Quần Phương gán cho là “câu nói tếu táo của Tố Hữu”. Theo ông thì mặc dù “hẳn thừa biết những thiệt thòi về phẩm chất thơ”,  nhưng Tố Hữu vẫn chấp nhận. Chẳng lẽ những thiệt thòi cho sự sáng tạo thơ ấy lại là do công tác tuyên huấn mà Tố Hữu là người phụ trách gây ra ư? Không, không phải như thế. Có thể nói, ở Tố Hữu đã có sự thống nhất, kết hợp rất đẹp, rất nhịp nhàng, chặt chẽ mối “duyên kiếp” (chữ dùng của Tố Hữu) giữa thơ và chính trị, tuyên huấn, giữa tình cảm và lý trí, giúp nhà thơ tạo nên nhiều bài thơ để đời “đi cùng năm tháng”. Là một “nhà tuyên huấn biệt tài, nhà tư tưởng xuất sắc, nhà chỉ huy tinh tế và tâm huyết…”  , nhưng Tố Hữu cũng là một nhà thơ lớn đã để lại cho đời những bài thơ trữ tình xã hội đậm đà chất lý tưởng, lai láng tình cảm với đất nước và con người Việt Nam, với bạn bè quốc tế. Cảm hứng thơ của ông luôn đồng hành, nhuần nhuyễn với cảm xúc chính trị. Nhà thơ nói chính trị, nói đến những vấn đề trọng đại của Tổ quốc và nhân dân mà câu thơ vẫn cứ nồng nàn, say đắm “làm tổ trong lòng người đọc”  (chữ dùng của nhà thơ lớn nước Pháp, L.Aragông). Câu nói “gan ruột” của Chế Lan Viên: “Chính trị khi đã qua trái tim người thì thành thơ” rất đúng với sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu.
*
*      *
Tố Hữu đã giã biệt thế giới này 10 năm rồi. Ông để lại cho chúng ta một sự nghiệp thơ đồ sộ với những bài thơ lắng đọng, thấm thía. xúc động và hào sảng, ghi đậm dấu ấn của bản lĩnh và bản sắc riêng, độc đáo của thi sĩ. Chính vì thế mà khi đánh giá, bình phẩm thơ Tố Hữu cũng như thơ của các tác giả khác, chúng ta cần phải khách quan, công bằng và chính xác. Nếu không thực hiện được yêu cầu này tức là có lỗi với người đã khuất. Thiển ý xây dựng của chúng tôi khi trao đổi với nhà thơ Vũ Quần Phương cũng không ngoài những điều đó.
TP Phủ Lý, ngày 12/12/2012
N.H.T