Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nghi vấn quanh nhân vật Cao Lỗ

Hà Văn Thùy
Thứ năm ngày 21 tháng 3 năm 2013 1:18 PM

Sau hơn nghìn năm nổi trôi trong dân gian, vào thế kỷ XIV, cùng với An Dương Vương, Cao Lỗ được đưa vào sách Việt điện u linh tập và Lĩnh Nam chích quái. Tới giữa thế kỷ XVII hai nhân vật vốn là huyền thoại này hiện diện trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Cao Lỗ được phong vương, phong thần, được tôn thờ lên tới chót đỉnh giới thần linh Việt. Mới đây, trong một hội thảo tầm cỡ quốc gia tổ chức tại Hà Nội, một lần nữa Cao Lỗ được tôn vinh là danh tướng thời dựng nước!

Điều khiến không ít người băn khoăn là, ngoài việc tôn xưng có vẻ mùi mẫn, các “báo cáo khoa học” trong Hội thảo không cung cấp thêm được gì mới về thân thế người được tôn vinh. Đương nhiên, những nghi vấn 2000 năm nay về nguồn gốc nhân vật này vẫn còn nguyên đó! Chí ít có ba câu hỏi cần được giải đáp:

Câu hỏi thứ nhất: Thục Chế, người nước Thục, là kẻ bị nhà Tần truy sát, chạy tới Tây Bắc nước ta, ở nhờ đất Vua Hùng. Y nhiều lần lấn chiếm đất của Hùng Vương và bị đánh bại. Tới đời con y là Thục Phán đã đánh thắng Hùng Duệ Vương, chiếm Lạc Việt, lập nước Âu Lạc. Như vậy, trong thời gian dài, khoảng 40-50 năm, giữa triều đình lưu vong nhà Thục với dân Lạc Việt là thù địch. Từ đây một vấn đề nảy sinh: quân Thục cát cứ ở Tây Bắc, trong khi đó Cao Lỗ quê ở  Bắc Ninh thì vì sao, ngay khi Thục Phán vào Bạch Hạc chiếm ngôi vua Hùng, Cao Lỗ đã có mặt để giúp nhà Thục? Cao Lỗ từ Gia Bình tới gặp Thục Phán lúc nào? Nếu gặp gỡ trong vai trò kẻ bị xâm lăng với kẻ cầm đầu cuộc xâm lăng thì không thể có mối thân tình mau lẹ tới vậy! Phải chăng, Cao Lỗ đã từ Gia Bình (quê nhà) lẻn lên Yên Bái đầu quân với giặc Thục? Nếu vậy, Cao Lỗ là một tên bán nước cầu vinh, một kẻ tội đồ?!

Câu hỏi thứ hai: Vào thời điểm cướp Lạc Việt, dựng Âu Lạc, Thục Phán khoảng 20 tuổi (theo sách vở, Phán chết khi 70 tuổi, ở ngôi 50 năm). Cao Lỗ có thể hơn Phán vài tuổi, khoảng 5 tuổi chẳng hạn. Vậy một điều cần làm rõ: chàng thanh niên nông dân Lạc Việt vốn không quen chiến trận, bằng cách nào bỗng chốc trở thành thiên tài quân sự chỉ huy đắp thành, chế nỏ?

Câu hỏi thứ ba: Các sách vở đều ghi Cao Lỗ quê quán ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - nhưng điều đó đáng tin không? Nếu đúng như sách ghi thì cho tới nay, hậu duệ của họ Cao ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh phải là một đại tộc. Nhưng thật bất ngờ, mới đây, ông Cao Bá Nghiệp, trong khi đi tìm dấu tích họ Cao dòng Cao Bá Quát, đã tới huyện Gia Bình (Đại Than) thì thấy ở đây không hề có họ Cao! Giải thích làm sao đây? Chắc rồì sẽ có ai đó “ní nuận”: “Triệu Đà sau khi chiếm Âu Lạc, trả thù họ Cao, nên họ Cao ở Đại Than phải bỏ xứ, mai danh ẩn tích?!” Ai tin điều này thì tùy nhưng khó mà chứng minh rằng Gia Bình (Đại Than) là quê hương của Cao Lỗ!
 
Những nghi vấn về Cao Lỗ là có thực. Trong khi chưa giải tỏa được những mắc mớ trên thì việc xưng tụng rồi xây đài dựng miếu cho nhân vật huyền thoại này là chuyện khôi hài!

                                                      Sài Gòn, cuồi tháng Giêng