Văn Công nước Đằng hỏi thầy Mạnh Tử rằng:
- Nước Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai nước nhớn. Kể phận thì phải chiều cả hai nước, nhưng kể sức thì không chiều được cả. Chiều nước Tề chăng? Chiều nước Sở chăng? Ta thực không biết nên tựa vào nước nào để cho nước ta được yên nhà, nhờ thầy mưu tính hộ cho ta.
Thầy Mạnh Tử thưa:
- Phàm việc mà cứ trông cậy vào người thì không thể chắc được. Chiều Tề thì Sở giận, chiều Sở thì Tề giận, mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói chỉ có một cách là tự giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố kết lòng dân, cùng dân giữ nước. Hoặc như có biến cố gì xảy ra, vua đã liều chết để giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết để giữ nước, không nỡ bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng dân để giữ lấy đất nước, tự cường mà lo toan lấy việc nước.
Đó là chuyện ngày xưa của nước Đằng. Thấy vị "lãnh đạo" này chỉ chăm chăm thờ kẻ mạnh, mà không có chí tự làm cho mình mạnh nên thầy Mạnh Tử mới bảo như thế.
Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua, và thương yêu giáo hóa dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Đã đành rằng, nước nhỏ phải nể nước lớn, cũng là một cách giao tế không thể thiếu được. Người lãnh đạo dân đã cùng dân cùng sống chết, cả nước một lòng, sức mạnh vô hình ấy, hồ dễ nước nào đã dám xâm phạm. Đã được như thế có việc gì phải sợ hãi ai.
Làm vua nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai nước nhớn, Văn Công không thể không lo. "Nhất cận lân, nhị cận thân", "Cư tất trạch lân, giao tất trạch hữu", Quốc gia không phải con đò, không thích bến này thì ta dời đi đậu bến khác nên dù biết láng giềng đểu, vẫn cứ phải "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Tuy vậy, thời thế ngày nay, có phần khác xưa, nội trị dù có đầy đủ, ngoại giao cũng cần phải sáng suốt khôn ngoan thì đất nước mới đứng vững trên thế giới này được.