Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cao Lỗ- Ông là ai?

Nguyễn Chính Viễn (St)
Thứ sáu ngày 22 tháng 3 năm 2013 4:55 AM


Theo BKTT : Cao Lỗ (? - 179 trước Công nguyên) còn gọi là Cao Nỗ, Cao Thông, Đô Lỗ, Thạch Thần, hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê quán tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Tương truyền, ông là người chế ra nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát) mà còn được gọi là nỏ thần. Ông là người khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa. Cao Lỗ là một anh hùng sáng tạo văn hóa, là biểu tượng của trí tuệ, sức mạnh Việt Nam ngay từ buổi đầu dựng nước, dựng đô. Tại kì họp ngày 5 tháng 8 năm 2005, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết định lấy tên ông để đặt tên cho một con đường ở trung tâm huyện Đông Anh  . Cao Lỗ là người sáng chế ra nỏ liên châu (nỏ thần): bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: "Linh Quang Thần Cơ". Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần. Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sỹ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên "Ngự xa đài", dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội). Là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân gian thường gọi ông là Ông Nỏ. Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, chúng đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc. Triệu Đà bèn lập xảo kế thông gia cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Cao Lỗ phản đối, khuyên vua không nên nhận, nhưng An Dương Vương không nghe còn nghe lời dèm pha của Lạc hầu. Cao Lỗ dần dần bị vua xa lánh, ông bỏ đi tìm nơi ở ẩn. Sau khi Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ của An Dương Vương và về mách cho vua cha, Triệu Đà mang quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát nhưng do Mỵ Châu tin lời của Trọng Thủy, rải lông ngỗng theo sau để Trọng Thủy lần theo nên cả hai đã tử trận. Các thuyết liên quan tới nguồn gốc, phả hệ Cao Lỗ  Có thuyết cho rằng cái tên Cao Lỗ không phải là họ Cao, mà do gắn với đá thạch, núi đá, rằng Cao Lỗ là một vị thần địa phương - thần Đá - đã được thu phục trong quá trình tiến xuống miền đồng bằng của An Dương Vương, và trở thành một vị tướng của nhà vua. Khi chết, ông trở thành thần bảo hộ cho vùng Việt Trì, Bạch Hạc.  Nhà Trần đã sắc phong cho ông là “Quả nghị Cương chính Uy huệ Chính thần Đại vương”. Theo GS. Cao Thế Dung   "họ Cao ở Nghệ An, theo thể phả, thủy tổ là ông Cao Lỗ, gốc Ngòi Sảo, Bắc Ninh, người đã chế tạo ra nỏ liễn mà Triệu Đà gọi là nỏ thần. Họ Cao di ra Thăng Long rồi từ Thăng Long vào Nghệ An, sau một hệ trở ra Sơn Nam (Nam Định) định cư tại đây. "Thám Hoa Cao Quýnh đậu Tiến sĩ (cập đệ, đệ tam danh) triều Lê Thánh Tông là hậu duệ của Thủy tổ Cao Lỗ"  Đền thờ Cao Lỗ  Theo dân gian, khi bị thương nặng ở cổ, tướng quân Cao Lỗ đã buộc lại và thúc ngựa chạy tới Ái Mộ (xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm) nghỉ một lát rồi lại chạy tiếp về vùng Bình Than, Lục Đầu được ít lâu sau thì mất. Tại Ái Mộ (xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, tại xã Quảng An (huyện Từ Liêm, Hà Nội), Bắc Ninh, Bình Than, Nghệ An và nhiều vùng khác đều có đền thờ tướng quân Cao Lỗ. Tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có đền thờ Cao Lỗ ở trong chùa Giác Hạnh tại địa chỉ số nhà 51 đường Ông Ích Khiêm Thuộc quận 11 .
Theo TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG(Tạ Chí Ðại Trường : Thần, Người và Đất Việt, nxb. Văn Học, Mỹ, 2000, tr. 41-43)  Theo Ðại Việt sử ký toàn thư (1697), An Dương Vương có một bề tôi là Cao Lỗ, người đã dùng móng của thần Kim Quy mà chế ra nỏ thần . Tạ Chí Ðại Trường dùng “máy quang tuyến thời gian” soi vào Cao Lỗ và thấy đó thực ra là một thần đá!Ðại khái, vốn xưa ở ta (như ở nhiều nơi khác trên thế giới) có tục thờ đá. Cao Lỗ hay Ðô Lỗ chẳng qua là từ Hán mô tả một đống đá: Cao là cao, Lỗ là lù lù, Ðô là đẹp đẽ. Về sau, do nhà nước Việt dần dần thiên về Nho giáo và muốn thu các thần truyền thống vào trong phạm vi thế lực của mình, Cao Lỗ được phong làm “vương”. Cũng do ảnh hưởng Tàu, Cao Lỗ về sau lại hóa thành thần Huyền Thiên Trấn Vũ trong Ðạo giáo Trung Quốc!Về việc các nho sĩ viết lại thần thoại, để ý là chỉ trong vòng không tới một trăm năm mà sự kiện Cao Lỗ là thần đã bị bỏ ra khỏi sách: Việt điện u linh tập(1329) có kể, nhưng Lĩnh Nam chích quái (cuối thế kỷ XIV) thì không (Thu Tứ)
Hai quyển sách xưa của ta nhắc đến ông  là VÐULT và LNCQ có những khác nhau tận căn bản, trừ việc nhận ông là vua. Ở LNCQ (...) An Dương Vương có một bề tôi là Cao Lỗ, người chế ra chiếc nỏ thần (...) Truyện của VÐULT, “Quả Nghị Cương Chính Uy Huệ Vương”, coi Cao Lỗ là bầy tôi của An Dương Vương nhưng lại là một vị thần được thờ cúng, trong khi An Dương Vương vắng mặt trên đền đài của các triều vua buổi đầu độc lập. Ít ra thì điều đó cũng chứng tỏ rằng tính cách thiêng liêng của Cao Lỗ đã nổi bật hơn, không nói là đã khuynh loát An Dương Vương. Sự thờ cúng Cao Lỗ là của truyền thống ăn sâu vào trong thời gian khiến con người quan tâm đến thần linh địa phương như Cao Biền, vì thấm nhuần tư tưởng Ðạo Giáo của thời đại, đã phải lưu ý mà lập đền thờ.
Cao Lỗ là ai? Sử ký của Ðỗ Thiện đời Lý dẫn Giao Chỉ ký cho biết Cao Lỗ có “tục hiệu” là Ðô Lỗ hoặc rõ hơn, là thần Ðá (Thạch thần). Tục hiệu là chứng cớ xác định nguồn gốc và tính chất của Thần. Thần Ðá nấp sau danh hiệu Hán hóa Cao Lỗ, lù lù cao lớn, rõ ràng vẫn là đá lù lù đẹp đẽ (đô lỗ), không mất tính chất chỉ nội dung bản địa của Thần. Rồi đến khi người ta bớt lưu ý đến hình dạng, tính chất nguyên thủy của Thần thì tước phong các năm 1285, 1288 để chỉ nội dung đức tính gán cho Thần cũng vẫn vướng víu ý nghĩa đá: cứng cỏi (quả nghị), cứng thẳng (cương chính).Truyện tích và hội lễ “rước vua sống” diễn ra trong hội đền An Dương Vương ngày nay cho ta thoáng thấy mối liên quan thực của ông vua và thần. Truyện tích kể rằng lũ yêu quái tập trung ở làng Nhồi (trong khu thành Giữa ngày nay) đã cản trở An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Nhờ có Huyền Thiên Trấn Vũ khu trừ, thành mới xây xong, An Dương Vương bèn lập đền thờ và hàng năm thường đến đó bái tạ. Ngày nay, trong lễ hội, có người đóng giả Vương ngồi trên kiệu, đến tận đền Nhồi bước xuống bái lạy.Một ông vua của chính quyền theo quan niệm Nho Giáo không lạy thần mà chỉ lạy Trời, vị thần tối cao của mình. Ông An Dương Vương của thời sơ sử lạy thần đền Nhồi là ông thủ lĩnh lạy vị thần bảo trợ vùng đất của mình. Rõ ràng trong vết tích nguyên thủy, thần bảo trợ An Dương Vương là một thần đá, và Vương mất nước nhưng thần đá vẫn được thờ. Thế rồi vì quan niệm vương thấm nhuần trong đầu óc các nho sĩ Trung Quốc, các quan lại ở Giao Chỉ, ở phủ Ðô Hộ An Nam, người ta lật ngược tương quan cũ để cho thần Cao Lỗ làm bầy tôi An Dương Vương. Cho đến thời đại độc lập thì An Dương Vương càng nổi bật lên, nhất là khi ý niệm Thiên tử được củng cố. Ông thần mà vua đến cầu - dù là vua giả - cũng không thể là thần đá, do đó có thần Huyền Thiên Trấn Vũ, một ông vua trên trời của Ðạo Giáo, đến thay thế khiến cho hành động đó trở thành hợp lý và tục lệ thích ứng thêm với đổi thay để được duy trì đến tận ngày nay .
____________