Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

nhà thơ Ý NHI niềm riêng chỉ hé

Bùi Kim Anh
Thứ ba ngày 19 tháng 3 năm 2013 2:39 PM

 Tôi đọc thơ chị – Người đàn bà ngồi đan. Tôi gặp chị trên đường – người đàn bà thường mặc bộ đồ đen. Và rồi tôi quen chị, thân thiết và yêu quý chị – nhà thơ Ý Nhi
Ngày ấy, tôi còn trẻ lắm chỉ là một cô giáo dạy văn mới ra trường, nhà thơ Ý Nhi là một trong những thần tượng của tôi. Thế hệ của tôi cũng có những thần tượng của mình, có những đam mê của riêng mình. Khác bây giờ, chúng tôi lặng lẽ. Khác bây giờ, tôi ấp ủ về họ, tôi chiêm ngưỡng họ từ xa…và có khi làm thơ tặng họ cất trong sổ thơ của mình. Tôi đã làm thơ tặng chị  kiểu như vậy. Viết cho nhà thơ Ý Nhi trong cảm xúc khép kín của mình. Mãi sau này khi quen chị, khi làm được nhiều thơ, tôi mới gửi bài thơ tặng chị và đưa vào trong tập thơ của mình

thơ gửi nhà thơ

chỉ gật nhẹ chào nhau khi gặp ngoài đường
đâu gọi là quen biết
người đàn bà vẫn buông mái tóc thời con gái
như làn nước lặng giữa sóng tóc uốn quăn

người đàn bà thường mặc bộ đồ đen
đi trong mùa đông
kín đáo trầm tư
hay kiêu sa lạnh lẽo
đã gật đầu với tôi

chị là nhà thơ
chỉ ưa viết về mình
nỗi tâm tư của phận đàn bà
cay đắng chát chua nhiều hơn thỏa mãm
mất mát và kiếm tìm
chính mình
bởi những câu thơ

đã đến tột cùng chưa
của tình yêu của thi ca
và chịu đựng và mong ước
mà cái lặng lẽ dường như vượt lên tất cả
lời bốn bề ràng buộc
những mắt nhìn bủa vây

chị đã cho tôi những thoáng bên đường
tôi gặp chị khó khăn
bởi trên câu thơ niềm riêng chỉ hé
nhưng như thế là đủ
cho những kẻ như tôi
yêu thơ mà chẳng có tài
khát khao

Gần đây gửi lại cho chị Ý Nhi bài thơ tôi đã ghi – em giữ nguyên bài thơ em viết năm 1983 gửi chị từ xa. Cũng có bạn thơ kêu sao lại phải viết như vậy – yêu thơ mà chẳng có tài/ khát khao. Cảm xúc đến khi viết thành thơ giống như sự rung động khi đến với với một mối tình. Xúc động mà còn phải dùng lý trí, còn phải đặt lên bàn cân nên hay không nên ư? Hơn nữa, thời gian qua đi đã đi qua ba thập kỷ – 30 năm của bài thơ này, tình cảm của tôi với nhà thơ Ý Nhi vẫn vẹn nguyên như vậy. Cũng có thể thoang thoảng hoa nhài thơm lâu. Tôi chưa bao giờ ở gần chị. Lần chị em gặp nhau chỉ là lâu lâu, hàng năm. Chị ở Sài Gòn, lại tít Gò Vấp, tôi có đôi lần vào Sài Gòn mà đi vội là cũng không đến được. Mỗi lần vào Sài Gòn tôi thường gọi cho Lê Duyên để cùng gặp chị. Lê Duyên là  bạn cùng học sư phạm văn, cùng thích ca hát nên cùng về trường sư phạm nhạc họa lúc mới thành lập do nhạc sĩ Tô Vũ làm hiệu trưởng. Hai chúng tôi thân nhau, chia xẻ nhiều chuyện riêng tư. Lê Duyên sau làm ở NXB Giải phóng , rồi sau là NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh nên cũng rất thân với chị ÝNhi. Có lần vào Sài Gòn, tôi chở Lê Duyên trên chiếc xe ga nhỏ của bạn đi từ quận 1 xuống Gò Vấp thăm chị Nhi. Thường khi tôi vào, chị Nhi hay đi xe ôm lên và ba chị em đi ăn sáng đi uống cà phê. Chẳng nói chuyện thơ đâu, chỉ là ba mụ đàn bà ngồi với ba câu chuyện đàn bà mà thôi. Đường xa và ngắn ngủi mà thân thiết mà đậm đà. Chị vẫn giữ nếp ăn mặc như  xa xưa, thời bao cấp ở Hà Nội – quần đen, áo sơ mi cổ điển hợp với vóc dáng, tính cách và tuổi tác của mình

 

Rồi năm ấy – năm 2002, gia đình tôi hoạn nạn. Tôi theo chồng vào Sài Gòn, ba tháng trời trong phiên tòa nghiệt ngã như một định mệnh. Sau cơn xốc, sau những ngày mất thăng bằng, gia đình tôi hiểu cần vững vàng để chống đỡ, để giữ vững, để tồn tại. Tránh ra chứ, tai bay vạ gió. Tránh ra chứ nhỡ chẳng may đất đá rơi vào. Không ít người đã quay lưng ngoảnh mặt mà tôi  hiểu rằng đó là lẽ tất nhiên ở đời. Cũng có nhiều bạn bè vẫn tới thăm hỏi, động viên, chia xẻ. Lê Duyên và chị Ý Nhi như bao lần trước kia khi chưa xảy ra sự cố kinh hoàng vẫn đi qua mọi sự để ý để tới với vợ chồng tôi. Lần đến thăm trong hoàn cảnh đặc biệt này còn có thêm thày Nguyễn Lộc – chồng chị Nhi. Tôi kêu thày vì gọi theo chồng – anh ấy là học trò của thày, học lớp trước chị Nhi  và cũng vì sự kính trọng. Chị và Duyên mua cho vợ chồng tôi bao nhiêu soài ngon, mua cả trái sầu riêng vì biết tôi thích ăn. Lại còn tiếp tế cho cả bánh, cả thịt gà, cá đã làm chín rất ngon. Các bạn lo chúng tôi mệt mỏi không tự chăm sóc mình. Cảm ơn…cảm ơn… Trong cơn sóng gió, tình cảm của Lê Duyên, của chị Ý Nhi… giúp chúng tôi hiểu mình hơn, giúp chúng tôi tự tin hơn để vượt qua. Ra về, chị Nhi quay lại nói – Mình ôm Mai Hạnh một cái Kim Anh nhé. Vừa nói chị vừa ôm lấy chồng tôi, hai người bạn ôm lấy nhau tạm biệt. Niềm xúc động rưng rưng nào đây mà hơn 10 năm rồi ngồi nhớ lại vẫn dâng trào…
Rồi những ngày tháng tiếp theo của năm 2002, tôi cứ từ Hà Nội nửa tháng lại vào Sài Gòn thăm nuôi chồng. Lại hai người bạn quý mến đi cùng vào trại dẫu một lần thôi tôi thấy bớt lủi thủi, chồng tôi được ấm tình bè bạn cảm thông… để những gì nhỉ khi quá hiểu nhau, khi bao người lánh xa. Đó là tình bạn cũ càng mới hiểu nhau sâu sắc, mới tin ở nhau để không gì e ngại. Đó là tình cảm xẻ chia, gần gụi chỉ phụ nữ mới có. Đó là chất nhân ái của người làm văn chương, làm thơ…
Chẳng bao giờ quên hết, chỉ không thể lúc nào cũng kể lể, cũng có thể bày tỏ

Lâu, có khi rất lâu tôi không gọi điện thăm chị. Nhưng cứ mỗi lần gọi tôi lại nghe tiếng chị dịu dàng nói – Kim Anh hả? Sao bọn trẻ con thế nào? Ông Hạnh có khỏe không? Không bao giờ cả, không bao giờ nghe một lời mát mẻ, trách móc xa xôi gì vì tôi lâu không gọi. Chị biết tôi bận. Chị luôn biết cảm thông với bạn. Tôi yêu chị chắc không phải chỉ vì thơ. Thơ chỉ là cái đầu tiên đưa đến sự ngưỡng mộ của tôi với nhà thơ Ý Nhi

Tôi đang ngồi ở nhà chị Ý Nhi đây, cùng Nguyễn Bính Hồng Cầu. Đêm qua Sài Gòn mưa, đi ô tô từ nhà Đặng Nguyệt Anh về nhà Hồng Cầu ngủ – chơi với bạn và mai sang chị Ý Nhi gần đấy. Gọi Lê Duyên từ tối qua để hẹn đến chị Ý Nhi mà Duyên bận đi coi bà cô ở viện không đến được. Thời gian ngắn quá đành hẹn lần khác vậy

Vẫn con ngõ nhỏ ngập nước bàn chân, vẫn yên tĩnh đến trầm lắng. Chị Nhi ơi bọn em đến đây. Trong bộ đồ hoa nhỏ sẫm màu chị ra đón chúng tôi. Ngồi đây thôi chị, chiếc bàn ăn của anh chị gần lối cửa trong căn nhà rộng đầy ánh sáng. Đường đến Gò Vấp xa thật nhưng để sống yên tĩnh, để nghĩ và viết thì thật lý tưởng. Lần nào đến chị tôi cũng có cảm giác yên bình ấy. Thày Lộc chắc trong phòng nghỉ. Tôi biết thày bây giờ yếu, chị phải chăm thày nhiều vì con cái ở xa nhưng không hiểu sao tôi không mở miệng hỏi được một câu. Như thế là không phải rồi. Thế mà tôi cứ nói lung tung nửa buổi sáng bên chị mà không hỏi han gì. Sao ấy, bên người phụ nữ nghị lực đến bình thản này, bên nhà thơ mà tôi ngày xưa và tôi hôm nay ngưỡng mộ này tôi không hỏi được những lời thăm hỏi cho phải phép. Tôi chỉ muốn ngồi yên cùng chị… Vớ vẩn. Lại là cảm xúc vớ vẩn của nhà thơ rồi.
Một đĩa lạc luộc vừa mua ở chợ về, một đĩa kẹo lạc và ấm tích chè tươi – nhà thơ Ý Nhi, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu và tôi, ngồi với nhau trong hương vị riêng biệt giữa Sài Gòn ồn ã.  Em chẳng mang gì vào cho chị vì đi lang thang sông nước miền tây về, chỉ có tập thơ mới in tặng chị mà thôi.

Khu vườn rộng bao quanh không có nhiều hoa, nhiều cây xanh mướt như xưa. Anh chị nhiều tuổi rồi lại đau yếu sao chăm sóc được nữa.. Ở đôi chỗ khoảng đất có lượt rau đang lên lá xanh li ti. Bây giờ nhiều nhà bỏ hoa trồng rau sạch để ăn. Chắc vườn chị không theo hướng đó. Hoa đã vắng và rau thì lưa thưa.
Chụp ảnh nữa chứ. Cứ ngồi yên đấy, cứ như vậy ba chị em chụp ảnh. Tôi muốn có hình chị hôm nay – giản dị của người đàn bà làm thơ một thời làm xao động bao người yêu thơ và tôi