Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cái mồi câu

Tạ Hữu Đỉnh
Chủ nhật ngày 17 tháng 3 năm 2013 5:56 PM

 
Nhân dịp đầu xuân Quý Tỵ, mấy anh em văn nghệ địa phương chúng tôi, kéo đến nhà nhau chúc tết. Đời người có cái gì được coi là quý nhất, ước ao nhất thì chúng tôi đều đem ra chúc cho nhau. Chúc sức khoẻ, chúc hạnh phúc, chúc thành đạt. Và cả cái điều đứa nào cũng canh cánh ước mong, mà chưa làm được, là viết được hay, được nhiều, chúng tôi cũng đem ra chúc nhau, sang năm mới sẽ viết được hay hơn và nhiều hơn gấp năm, gấp mười năm cũ. Rồi bên ly rượu, chén trà đủ mọi chuyện Đông, Tây, Nam, Bắc cứ ào ào tuôn ra như nước chẩy. Chuyện người, chuyện ta, chuyện xa, chuyện gần, rồi lại đến chuyện văn chương chữ nghĩa. Bình phẩm bài hay, bài dở. Ông này viết nhanh, bà kia viết chậm…Bỗng tôi sực nhớ đến Trần Đăng Khoa, một cây bút viết nhanh mà lần đầu tiên tôi được biết. Mùa hè năm 1970, Hội Văn nghệ Quảng Ninh mở một lớp học, “bồi dưỡng” chính trị và chuyên môn cho một số hội viên. Lớp học ở ngay trụ sở Hội. Đó là ngôi nhà của một quan chức người Pháp bỏ lại, ở trên đỉnh đồi thông Bãi Cháy. Phải trèo gần hai trăm bậc đá mới lên đến nơi. Nhà quay mặt ra Vịnh Hạ Long, một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp và thơ mộng của nhân loại. Chiều nào hết giờ học, chúng tôi cũng xuống Vịnh tắm. Hôm ấy có tôi, Long Chiểu và Trần Đăng Khoa (Khoa đang nghỉ hè, ở quê ra Hội chơi với Trần Nhuận Minh). Ngày ấy Bãi Cháy còn thưa vắng. Thậm chí có chỗ còn hoang sơ lau lách, chứ mật độ dân cư, nhà cửa, xe cộ chưa đông đúc như bây giờ. Lúc chúng tôi cởi quần áo để trên bờ Vịnh, rồi gieo mình xuống nước, thì trên đường vắng hoe. Chỉ thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe đạp, hoặc ô tô chạy qua. Chiều hè, trời cao vời vợi. Biển rộng mênh mông. Trời trong xanh và biển cũng trong xanh. Mây bay. Gió thổi vù vù. Mặt nước cồn lên muôn vàn lớp sóng, trùng trùng điệp điệp. Những con sõng bạc đầu đuổi nhau xô vào bờ đá ầm ầm, bọt sóng vọt lên trắng xoá. Chúng tôi thả sức vẫy vùng bơi lội. Rồi khi nhìn lên bờ, bỗng thấy lác đá có người xuất hiện, cả nam và nữ. Họ đang tiến lại phía chúng tôi, mỗi lúc một đông hơn (khoảng hơn chục người). Kẻ đứng người ngồi, ngay trên bờ Vịnh, gần chỗ chúng tôi đang tắm. Họ vừa chỉ trỏ, vừa nói với nhau chuyện gì đó, mà ở xa chúng tôi không nghe thấy, chỉ cảm nhận được là họ đang chú ý đến mình một cách không bình thường. Bất chợt, Long Chiểu bảo: “Bọn này chắc là giáo viên đi học hè. Do một nguồn tin nào đó, họ biết Trần Đăng Khoa đang ở đây, nên đến xem mặt”, Ừ, chắc là như vậy rồi. Cuộc tắm đã khá lâu, lại sắp đến giờ cơm chiều rồi. Buộc lòng chúng tôi phải kết thúc cuộc chơi. Nhưng cả ba đứa cùng bối rối, ngại ngùng. Vi…Trần Đăng Khoa tắm truồng! Cũng xin được nói thêm rằng: Cả hai anh em Trần Nhuận Minh đều thuộc diện lùn, thấp bé, nhẹ cân. Nhất là chú em. Thời gian ấy Khoa mới mười một, hoặc mười hai tuổi, vóc người nhỏ bé hơn cả những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Cho nên Khoa tắm truồng cũng là lẽ đương nhiên, và là chuyện rất bình thường, chứ chẳng có gì khác lạ. Nhưng ngặt vì một nỗi, cái chú bé con ngày lại là một “thần đồng” thơ, nhiều người đã biết tiếng, biết tên và bây giờ, những người ở trên bờ Vịnh kia, đang háo hức muốn biết mặt. Chúng tôi đang bối rối nhìn nhau, chưa biết định liệu ra sao, thì Trần Đăng Khoa đã nhanh trí, nhẩy lên bám vào cổ Long Chiểu, úp bụng vào lưng Chiểu, che cái “mậm riềng” đi, và giấu cái mặt trẻ con non choẹt, đang nóng bừng lên vì xấu hổ vào gáy Long Chiều. Đã lấy lại được phần nào bình tĩnh, chúng tôi thong thả lội từng bước vào bờ. Nhưng rất may là các vị “khách không mời mà đến” kia, chắc đúng là các nhà giáo, có văn hoá và nhậy cảm. Họ biết sự bối rối của chúng tôi, cho nên đã tản đi, trước khi chúng tôi lội vào đến bờ. Cơm chiều xong, Trần Đăng Khoa tay giấy tay bút, nằm sấp xuống giường, viết tiếp bản trường ca Mạc Thị Bưởi. Khoa viết rất nhanh, từng dòng, từng dòng, cứ nối tiếp nhau liên tục, như người chép lại bài thơ mình đã thuộc lòng, chứ không phải là đang sáng tác. Chắc những câu thơ ấy, Khoa đã nghĩ xong khi đang tắm ở ngoài Vịnh. Đó là lần đầu tiên, và cũng là lần duy nhất, tôi được chứng kiến một người làm thơ viết nhanh và dễ dàng như vậy. Thưa bạn, chuyện đó hoàn toàn là sự thật. Không phải tôi “Thấy sang bắt quàng làm họ”. Và cũng không phải tôi cố ý “Khen phò mã tốt áo”. Bởi nếu muốn thì tôi đã làm việc đó từ gần nửa thế kỷ trước, chứ không phải đợi đến bây giờ. - Hay! Anh Hoàng Lập vỗ đùi khen, rồi nói tiếp: - Để tôi viết! Vì rất nhiều người tò mò, muốn biết đời sống riêng tư thường ngày của các văn nghệ sĩ ra sao. Mình sẽ viết một bài như kể chuyện phiếm, hoặc giai thoại về một cuộc đi tắm nhớ đời của “thần đồng” Trần Đăng Khoa, mà chưa ai biết. Để câu, kéo bạn đọc vào trang mạng của mình, để họ đọc thơ của mình sáng tác. Hoàng Lập nâng ly, nhấp một chút rượu và vừa cười vừa hỏi: - Nhưng mà này, chuyện anh kể có đúng là sự thật không?
- Vâng. Nếu anh Lập không hỏi, thì đó cũng là điều tôi đang muốn nói thêm. Rằng, cuộc tắm năm ấy đến nay đã gần nửa thnế kỷ trôi qua rồi. Cho nên rất có thể có tình tiết nào đó tôi nhớ không thật chính xác. Nếu quả có như vậy, thì cũng mong những người trong cuộc miễn thứ cho. Còn về đại thể thì hoàn toàn đúng như vậy. Nếu anh Lập muốn viết, thì xin mời, bạn cứ việc tự do!
Ngày xưa, quê tôi nhà nào cũng trồng tre chung quanh vườn. Bên trong luỹ tre, đào rãnh sâu để ngăn chặn rễ tre, không cho xâm thực vào trong vườn, đồng thời để trữ nước, giữ độ ẩm cho cây trông. Gia đình tôi cũng vậy. Về mùa mưa, rãnh nước đầy. Có những con cá mại cờ (còn gọi là mại thị) nhởn nhơ bơi lội. Hai cái vây sườn của nó như hai mái chèo nhỏ xíu, luôn luôn phe phẩy. Những cái vẩy bé tẹo lấp lánh ánh bạc. Cái đuôi dài lê thê như dải lụa hồng, vừa tím, vừa xanh, vừa đỏ, thỉnh thoảng lại vẫy một cái thật nhẹ nhàng, đầy vẻ kiêu sa, lộng lẫy, như các nghệ sĩ đang múa ở dưới ánh đèn sân khấu vậy. Bơi một lúc lâu lâu, chúng lai nhô đầu lên mặt nước “hớp” một cái, như chào hỏi, rủ rê hai anh em tôi đang ngồi xem ở trên bờ, xuống nước cùng bơi với chúng. Khiến anh em tôi càng mê say, thích thú. Rồi chúng tôi câu được một chú mại cờ đẹp nhất “hội”, đem về thả vào chai nước nuôi, để được thoả thích ngắm nhìn, chơi cùng với cá. Sợ cá đói, chúng tôi bỏ vào chai vài hột cơm nguội. Hôm nào không có cơm, thì bỏ vào chai mẩu khoai luộc. Cá bơi một lúc lại từ từ chúc đầu xuống đáy chai rỉa cơm, khoai ăn. Thế rồi một hôm ngủ dậy, thấy cá chết từ bao giờ! Vây, đuôi cứng đơ không cử động được nữa. Vừa tiếc, vừa thương, anh em tôi buồn lắm, ngẩn ngơ một lúc, rồi lại đi bắt mồi câu cá. (Cái trò chơi thích thú này, chẳng biết do ai nghĩ ra, và nghĩ ra từ bao giờ? Chứ không phải do anh em tôi nghĩ ra. Rất có thể từ thời xa xưa, cha truyền con nối. Vì thời xưa, mà có thể cả bây giờ cũng vậy, người nông dân làm gì có tiền mà mua đồ chơi cho trẻ con)! Sân của gia đình tôi làm bằng đất nện. Sân đất thì dù nện kỹ đên mấy, lúc khô cũng vẫn bị nứt. Các kẽ nứt, do quét dọn hằng ngày, mùn, cát đã phủ kín kẽ nứt. Nhìn lướt qua thì mặt sân vẫn phẳng lì. Nhưng nhìn kỹ thì các kẽ nứt vẫn hơi lõm xuỗng, và ở các kẽ lõm ấy, thỉnh thoảng lại có một cái lỗ, chẳng biết sâu nông bao nhiêu, nhưng chỉ nhỏ bằng đầu cái tăm. Đó là nơi trú ngụ của một loài côn trùng, quê tôi gọi là con “công cống”. Công cống nhỏ bé chỉ bằng con tằm mới nở, dài non vài phân, thân mầu xám, đầu đen, hơi to hơn thân một chút. Loại côn trùng này rất phũ ăn. Lúc nào cái đầu đen đen của nó cũng hóng ở miệng lỗ… Chúng tôi đi tuốt mấy cái nõn tre vê làm mồi và cần câu. Bẻ gập đằng gốc nõn tre dài độ một phân (đoạn này sẽ thành cái mồi câu). Nõn tre gẫy thành hình chữ “L”. Cầm ngọn nõn tre như cái cần câu, ngồi xuống sân, dịch chuyển thật nhẹ nhàng đến gần lỗ công cống. Và từ từ đưa cái mồi nõn tre vào miệng lỗ. Lập tức con công cống nhô cái đầu đen lên đớp lây mồi. Người câu chỉ khẽ nhấc cần lên một chút, là chú công cống rơi xuống mặt sân, bò cuống quýt. Bắt công cống bỏ vào mủng vạng. Rồi đứa đi tước tơ chuối. Đứa đi chặt või tre làm cần câu. Buộc con công cống vào đầu sợi tơ, đầu kia buộc vào cần, rồi đem ra rãnh câu. Những chú cá mại cờ đang bơi đi kiếm ăn, thấy con mồi ngó ngoáy ở trên mặt nước, liền xúm đến tranh nhau ăn. Có con tham, đớp cả con mồi. Người câu nhấc cần, đưa lên vườn. Chú mại rơi xuống đất, cuống cuồng nhẩy nhót.
Nhưng cũng có con rất tinh quái. Nó không đớp cả con mồi, mà “đứng” yên tại chỗ, rỉa từng miếng một. Rỉa hết con mồi này đến con khác. Rỉa đến lúc no kềnh no càng, rồi vẫy đuôi, phe phẩy vây đủng đỉnh bơi đi. Hoá ra loài cá cũng có con khôn con dại!...                              
Anh Hoàng Lập ơi! Theo tôi nghĩ: Đến loài sinh vật bé nhỏ tầm thường như cọn cá mại sống ở dưới nước, mà cũng có con ranh ma, tinh quái không chịu mắc phải mồi câu. Bạn đọc bây giờ có trình độ học vấn cao hơn ngày xưa, và nhu cầu thưởng thức văn hoá đọc của họ bây giờ cũng kén chọn hơn ngày xưa. Nếu ta viết chưa được hay, thì dù ta có “cái mồi thật to, thật béo”, họ cũng chẳng chịu cắn câu đâu. Tốt hơn hết là ta hãy cố gắng học cách thu hút bướm ong của các loài hoa. Sở dĩ hoa mời gọi được ong bướm ở các nơi tìm đến, là vì hoa có hương thơm, có mật ngọt và mầu sắc vô cùng rực rỡ. Nếu sản phẩm của ta cũng có hương, có sắc và cả mật ngọt nữa, thì lo gì không có ngời dùng.
Có phảin không anh Lập?./.
 THĐ