Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thi sĩ Lưu Ly và thơ Hữu Thỉnh

Nguyễn Quang Lập
Thứ năm ngày 14 tháng 3 năm 2013 8:01 PM


Năm 1996 mình ra Hà Nội, về làm báo Văn nghệ trẻ với bọn thằng Phong ( Nguyễn Thành Phong), thằng Thiều ( Nguyễn Quang Thiều). Cuối năm mình đi công tác Sơn La về, chị Thu ở phòng tài vụ nói mày có ông bạn ở quê ra đây tìm đấy, ông í vòng đi lượn lại mấy hôm rồi. Mình hỏi ai, chị Thu nói ông í giới thiệu ông í là thi sĩ Lưu Ly. Chị Thu cười rich rich, nói nhà thơ thì nói bố đi cho xong còn bày đặt thi sĩ thi séo.  Mình cũng cười, nói mấy ông nhà thơ vườn hay bày đặt vậy đó. Có ông đi Mỹ, giới thiệu mình là nhà thơ nổi tiếng thấy không an tâm mới xướng to mình là thi bá, chẳng may thằng phiên dịch nó chẳng biết thi bá là cái đinh gì, cứ đực như ngỗng ỉa. Hi hi.

Hôm sau mình đến cơ quan, chị Thu đưa mình cái thư, nói thi sĩ Lưu Ly gửi mày đó. Mình không mặn xem lắm.  Nếu bảo ông bạn cùng lớp cùng khóa gửi thư mình còn hào hứng, đằng này thi sĩ gửi thư, chưa đọc đã biết cái thư viết gì rồi. Thì cũng giống như bất kì thư của cộng tác viên lần đầu gửi thơ đến tòa soạn,  đầu thư khen ngợi tờ báo, giữa thư khen ông biên tập, cuối thư nhờ đăng bài, thư này  chắc cũng thế. Chắc là thư của ông cộng tác viên nào đó ở mấy tỉnh miền Trung mình có gặp quán nhậu nào đó, mấy ông này tiền không có một xu thơ lúc nào cũng đầy hai bị, hãi lắm.

Thôi, quan tâm làm gì, cho qua luôn. Mình tắc lưỡi bỏ ngay cái thư vào cặp. Chị Thu nói không mà, ông í bảo thân mày lắm, xưa ngồi học sát ngay chỗ mày. Mình cười, nói chị ơi, em có 15 năm đi học, khi nào em cũng bị sắp ngồi giữa bàn, 15 chỗ ngồi có ba chục đứa ngồi hai bên, biết là ông nào. Chị Thu cười to, nói ui ui quên quên, ông í bảo tao, nói cứ nhắc đến thằng Trọc là mày biết, mấy hôm búi việc chị quên mất. À, tưởng ai, té ra là thằng cu Trọc.

Chuyện cái thắt lưng thời con nít cho qua luôn, mấy chục năm rồi giờ nhận được thư nó thực sự mừng, mình vội vàng bóc thư đọc ngay. Thư chẳng có gì, vài dòng hỏi thăm sức khỏe, chủ yếu là lối tán tỉnh “ tôi đọc ông rất nhiều”, “ phục ông lắm”… mình nghe đã quen tai. Cuối thư tất nhiên nó gửi cho mình bài thơ Bữa cơm chiều 30/4 có chua thêm mấy câu “ Bài thơ tâm huyết nhất của mình viết sau ngày 30/4 tại Dinh Độc lập”. Cộng tác viên gửi thơ cả tấn mình chả bao giờ đọc vì không phải việc của mình, nhận được là mình bắn thẳng cho thằng Phong, thằng Thiều. Nhưng thơ thằng Trọc thì mình đọc, đọc xem bạn bè viết lách thế nào.

 Tưởng phải ngáp vài ngáp mới đọc xong bài thơ, té ra bài thơ thấy hay, đọc một lèo rất hào hứng- Màu xanh – sân cỏ xanh mải miết/ Quây quần đồng đội đến vui chung/ Hàng cây so đũa cùng ta đó/ Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng…Mình nghĩ bụng không ngờ thằng cu Trọc lại làm được bài hay thế, chộp được khoảnh khắc  bữa cơm chiều 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập thật không phải tay vừa.

Mình lên tòa soạn đưa bài thơ cho thằng Phong, nói thơ thằng bạn học tôi đấy, không ngờ thằng này viết được phết. Nhác thấy bài thơ thằng Phong  cười phì, nói thơ bạn ông à? Mình ừ, bạn học thời con nít, in được thì in cho nó. Thằng Phong cố nín cười đưa cho thằng Thiều, nói thơ bạn ông Lập hay phết ông ạ, quyết đi số này ông nha. Thằng Thiều cầm bài thơ cười ha ha, nói quyết quyết. Mình thấy hơi lạ, thái độ hai thằng có cái gì đó nghi nghi nhất là thái độ thằng Phong, có vẻ như là nó đang diễn kịch.

Thằng Phong chua dưới bài thơ: “Kính gửi anh HT. Đây là bài thơ của bạn anh NQL. Tụi em thấy rất hay, mong anh duyệt cho để kịp đăng số này.” Xong, thằng Phong đưa bài thơ cho mình, nói ông chịu khó đưa lên Hữu Thỉnh giùm tôi. Số này đã nộp cả lên anh Thỉnh rồi. Mình đọc lời trình của thằng Phong thấy hơi lạ lại càng nghi. Xưa nay chưa bao giờ nó ghi trong tờ trình bài này bài kia là của bạn của ông này ông nọ kia, rồi thì “ tụi em thấy hay”, “ mong anh duyệt cho”…thứ ngôn ngữ lạ hoắc không có ở tờ Văn nghệ trẻ thời của tụi mình.

 Mình cầm bài thơ ra khỏi phòng được vài bước bỗng nghe hai thằng cười khoái chí. Mình khựng lại, chẳng hiểu trời xui thế nào mình bỗng nhớ ra đây là bài thơ Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập của Hữu Thỉnh. May thế không biết. Cái ông Hữu Thỉnh là chúa đa nghi, việc mình đưa bài thơ của ổng trình ổng kí rất có thể là một trận lôi đình sau đó, dù khi đó ông vẫn nói cười rổn rảng, vẫn tốt tốt tốt như thường.

Mình nhảy vào phòng chửi thằng Thiều thằng Phong một chặp, bạn bè với nhau lại bày kế ác, suýt nữa nát một đời công chức. Hai thằng khoái chí ôm bụng cười rú lên,  thi nhau chửi mình ngu. Trong cái chuồng báo Văn nghệ này, thơ Nguyễn Du, Hồ xuân Hương, Cao Bá Quát … có thể không biết nhưng thơ Hữu Thỉnh mà không biết  thì thật quá to gan. Hi hi.

Mình kể chuyện thằng Trọc cho thằng Phong thằng Thiều nghe, nói chẳng biết thằng Trọc đạo văn hay nó bày trò đểu chơi mình. Chúng nó cười, nói chắc là đạo văn thôi, chứ nó có biết ông Hữu Thỉnh méo hay tròn mà chơi đểu ông. Vừa lúc chị Thu gọi điên lên ban Văn nghệ trẻ, nói thằng Lập xuống nhà có khách. Mình hỏi ai đấy. Chị cười, nói mày tưởng mày lắm khách lắm à. Còn ai vào đấy nữa, thi sĩ Lưu Ly! Mẹ khỉ, thằng này thiêng thật.

 Thằng Trọc, à quên, tên nó là Đình siết chặt tay nhìn mình âu yếm, nói ông gầy đi nhiều quá. Suýt nữa mình bật cười, từ thuở “cái thắt lưng” đến giờ nó có gặp mình đâu mà biết béo hay gầy. Hết lớp ba nhà nó đi kinh tế mới, hay đi đâu đó mình không biết, nói thật mình cũng không mấy quan tâm. Giờ gặp nó đây, kể như hơn ba chục năm rồi. Mình cũng diễn, vì nó diễn nên mình cũng chẳng dám thật thà, nói cảm ơn ông. Tôi nhận được thư ông, bạn bè ba bốn chục năm hảy còn nhớ nhau, quí hóa quá.

Nó đưa mình cái carvidit, khoe cái chức phó tổng giám đốc, nói thằng tổng bị ung thư giai đoạn cuối sắp chết rồi, chắc cuối năm nay tôi thay hắn. Rồi nó lôi mình ra quán, ở đấy có mấy thằng lính của nó đang ngồi chờ, xem chừng tụi nó kính cẩn  sợ hãi thằng này lắm. Được một tuần rượu thằng Đình vỗ vai mình, nói ông thấy thơ tôi được không. Mình trợn mắt hỏi thơ nào? Nó bảo thì bài Bữa cơm chiều 30/4 tôi gửi cho ông đấy. Có mấy thằng lính của nó mình không dám nói thật, chỉ ngồi cười trừ. Nhưng nó cứ ép mình, nói bạn bè với nhau ông cứ nói thật đi. Tụi này là đệ tử của tôi, không có ai đâu mà ngại.

Mình vẫn diễn, nhìn thằng Đình vẻ chân thành hết mực, nói bài thơ ông gửi tôi hình như ông chép lộn thơ Hữu Thỉnh. Mình thoáng thấy đám đệ tử thằng Đình cụp mắt xuống rất nhanh. Thằng Đình mở to mắt nhìn mình vẻ ngạc nhiên hết cỡ, nói Hữu Thỉnh là thằng nào? Mình nói ổng là sếp tôi, bài đó có tên Bữa cơm chiều trong dinh độc lập, đăng đi đăng lại nhiều lần rồi, ai cũng biết. Thằng Đình vẫn mở to mắt nhìn mình, nói a thế à, không có lẽ có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến thế. Mình nói ừ,  chuyện đó xảy ra cũng nhiều. Đôi khi mình thích thơ ai đó, thuộc lòng đến nhập tâm, lâu ngày đinh ninh là thơ của mình. Thằng Đình vỗ đùi đánh bốp,. nói đúng đúng đúng… có thể thằng Thỉnh sếp mày rơi vào trường hợp này đấy.

Mình suýt cười nhưng nín được, nói ông Thỉnh sinh năm bốn hai, hơn anh  em mình một giáp, ông không nên gọi bằng thằng, khó nghe. Nó cười cười xoa đầu mình, nói mày cũng biết thờ chủ đấy nhể. Rồi nó hất mặt lên với đám đệ tử, nói chúng mày phải học ông này, bất luận trường hợp nào cũng đứng về phía chủ. Mấy đứa đệ tử thằng Đình đứa dạ đứa vâng đứa gật gù, có đứa còn chồm tới bắt tay mình ra cái điều kính nể khâm phục lắm.

Mình hơi bị nóng mặt, cảm giác như bị làm nhục bèn tính bài chuồn. Ngồi với thứ bạn bè như thằng Đình chỉ tổ mất thời gian, thêm bực mình chứ chẳng được cái gì. Thằng Đình biết ý, nó kéo mình ngồi dí xuống, nói bạn bè mấy chục năm mới gặp nhau, gì mà ông nhấp nhổm thế. Mình vẫn đứng lên, nói thôi để khi khác. Nó bảo khi khác là khi nào. Mình cười, nửa đùa nửa thật, nói khi ông phân biệt được thơ ông với thơ Hữu Thỉnh.

 Thằng Đình không hề đổi sắc mặt, nó vỗ vai mình cười rất tươi, nói  thì cũng giống như ông đã không  phân biệt thắt lưng của ông với thắt lưng của tôi thôi, cuộc đời mà… cuộc đời mà.  Mình chưa kịp phản ứng ra sao Thằng Đình đã ngửa cổ cười ha ha ha, tiếng cười đắc chí nghe rợn tóc gáy cho đến bây giờ.

Nguồn quechoa