Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KhiVương Đình Khánh viết "Chiều vín đổ bóng em

Đặng Văn Sinh
Chủ nhật ngày 3 tháng 3 năm 2013 8:07 AM

Với 48 bài, trong đó có đến 40 bài là thơ tự do hoặc bảy chữ, "Chiều vín đổ bóng em", giống như một tín hiệu gửi đến người đọc, những năm gần đây, các nhà thơ Bắc Giang thường ưa chuộng kiểu tư duy nghệ thuật phóng khoáng mà không muốn bị hạn chế bởi niêm luật cứng nhắc của văn vần truyền thống nên chỉ dành một phần khá khiêm tốn cho lục bát. Nói cách khác, lục bát đã đạt đến giới hạn cuối cùng của cái hay cái đẹp, vượt ra khỏi khả năng trời cho con người rồi, muốn làm lục bát hay hơn nữa có lẽ phải nhờ đến những thiên tài. 8 bài lục bát trên tổng số 48 bài, quả thật có hơi ít, nhưng thà ít mà chất lượng nhiều mà biến thành vè hoặc diễn ca, chẳng những tốn giấy mực mà còn làm mất thời gian của người đọc.
Cũng phải nói ngay, "Chiều vín đổ bóng em" là tập thơ không thuần nhất một phong cách. Nó là kết quả ngoài ý muốn của sự tìm tòi, thể nghiệm, thỉnh thoảng có những câu vụt lóe sáng nhưng cũng có không ít câu, thậm chỉ cả bài chỉ ở dạng trung bình. Có điều, dường như Vương Đình Khánh cũng tiên lượng được sở trường sở đoản của mình, vì thế, anh viết khá kiệm lời, thay vào đó là tập trung kiến tạo hình ảnh ngôn ngữ, hình ảnh tâm trạng trên một cái nền suy tưởng mang sắc thái huyền ảo. Diễn ngôn của "Chiều vín đổ bóng em" không ồn ào lên gân, không đánh bóng từ ngữ để làm dáng mà là những dòng tâm sự rút ra từ kinh nghiệm sống được diễn đạt dưới dạng tự cảm của người trong cuộc như là số phận không thể tránh khỏi: "Ta ngồi tựa nắng cũng gầy/ Tay ôm đầy gió, giữ ngày chông chênh" (Vu vơ chiều), hay là: "Em tắm giặt giữa bao điều giả dối/ Tủi chiều đời vớt cánh phù dung" (Lời níu gọi).
Mối liên hệ nội tại giữa cảnh vật và tình người được Vương Đình Khánh xử lý như một thủ pháp ẩn dụ trong những câu thơ có xu hướng triết lý hay những dòng tự sự làm câu thơ tự nhiên sáng lên:
"Anh đi
Ngả vào em bóng núi
Thổi vào em gió ngàn"
  (Sao anh không ở lại)
"Vứt bỏ những giận hờn đục đẽo
Lóe phía chân trời mong manh bóng anh"
  (Lời níu gọi)
"Kìa ai gánh nặng mồ côi
Bước chân cuốn cả mưa rơi vào lòng"
  (Thu phố)
"Trăng treo ở phía xa mờ
Thơ treo tôi phía vu vơ cái nghèo"
  (Đời thơ)
Thế nhưng, Vương Đình Khánh ít có những bài thơ hay mà chỉ có những câu thơ hay. Anh mạnh ở lối cấu tứ từng đơn vị ngôn ngữ bất chợt thăng hoa, nhưng cũng không ít bài thơ hoặc khổ thơ, cứ sắp đến phần kết, khi mạch cảm xúc đang vận hành suôn sẻ thì bị chững lại bởi những câu thơ chẳng khác gì văn xuôi:
"Nuôi con vắt kiệt tuối xuân
Bằng nước mắt hao gầy
  do người chồng bỏ đi để lại"
     (Không hẹn)
"Có tiếng thét xung phong
Cùng lời thề quyết thắng
Và tiếng gọi:
 'Mẹ ơi hết giặc con về'"
    (Tình đồng đội)
"Mẹ đi núi em tìm sao thấy được
Nhịp chân mẹ về theo suối vang ngân"
    (Ngóng mẹ)
"Thế thời còn lắm âu lo
Xin anh làm phúc truyền cho một bài"
    (Anh Chí Phèo)
Thế nhưng, ngoại trừ những bất cập phát sinh trong quá trình thể nghiệm hướng đi mới, "Chiều vín đổ bóng em" vẫn là tập thơ hàm chứa những thông điệp nghệ thuật, không hiếm bài đa thanh, đa nghĩa, khiến người đọc phải suy ngẫm. Hàng loạt những vấn đề tác giả ký thác vào những con nhữ dưới dạng "ảo hóa" cần được bóc tách để nhận dạng phong cách nghệ thuật.
"Đơn côi" là khoảnh khắc tâm trạng của người đa cảm. Ở đây lại là sự cô đơn tâm hồn trong một không gian cằn cỗi khi mà anh ta nhận ra, ở đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn, cảm nhận về thời gian "Đơn côi như số phận". Có vẻ như sự liên tưởng đến "định mệnh" là một thứ "bệnh" được gọi là hoang tưởng khi các nhà thơ rơi vào bế tắc hay bão hòa cảm xúc:
"Đêm hè
 Gió còng khô
 Liếm sao trời vẫn khát
 Ta rơi rơi/
Không ẩn nơi mình"
  (Đơn côi).
Trong khi ấy, "Cảnh ngộ" lại như một lát cắt ấn tượng của tác giả trong khoảnh khắc về một loại chợ người, không phải bán sức lao động mà là bán thân xác mình được gọi một cách hình ảnh là "chợ tạm". Hình thức diễn đạt ở đây thuộc dạng trung tính bằng những câu đưa đẩy, nếu chỉ đọc lướt qua, thậm chí còn không hiểu người viết muốn nói gì. Có thể đây cũng là ý đồ tác giả một khi buộc phải tái hiện cảnh ngộ không mấy vui vẻ này. Anh đã góp một tiếng nói giầu lòng nhân ái đến đám chị em làm nghề buôn phấn bán son của một người cầm bút có lương tâm:
"Họ nhún nhảy
 Múa may
 Đua sắc hương
 Thành cơn gió/
 Qua chợ tạm
 Cuốn đi..."
Tuy nhiên, những vần thơ thuộc dang trên không  nhiều. Những bài thơ viết về tình yêu của Vương Đình Khánh mới đóng vai trò chủ đạo trong "Chiều vín đổ bóng em". "Cầu bập bênh", "Mầu yêu", "Sao anh không ở lại", "Em đợi", "Nhớ tìm", "Hối tiếc"... là những ví dụ điển hình. Trong "Cầu bập bênh", ngay ở khổ đầu, tác giả viết: "Rượu ủ từ thời dựng nước/ Hồn rừng trong lá men say/ Tay rót hay mắt em rót/ Nghiêng trời bồng bềnh trăng mây". Đây là bài thơ có tứ đẹp, hình ảnh đẹp và ngôn ngữ đẹp. Đương nhiên nó không mới, tách riêng ra chưa chắc đã hay khi tất cả những đơn vị ngôn ngữ cấu thành sẽ tạo nên hiệu hứng thẩm mỹ làm người ta cảm được cái bồng bềnh như đang say của chủ thể trữ tình.
Nói về các dạng thức của tình yêu, Vương Đình Khánh có những câu thơ, khổ thơ được cấu trúc chỉ mang tính gợi. Câu kết thường không mấy rõ ràng mà có xu hướng mông lung, quẩn quanh như không thể đoạn tuyệt được với quá khứ:
 "Người lặng lẽ bỏ đi
 Ngọn gió thôi lạc bước
 Tôi khắc vào hồn cây
 Đợi một ngày phía trước"
    (Biết).
Khổ thơ giống một lời nhắn nhủ, như là sự dẫn dụ người đọc khi nhà thơ sử dụng hai hình ảnh khá đắt làm điểm tựa cho cả bài "Ngọn gió thôi lạc bước" và " Tôi khắc vào hồn cây".
Thơ và tình yêu không phải lúc nào cũng song hành với nhau như đôi bạn tri âm. Không ít người thơ tình vỡ mộng tan còn hồn thơ thì "quằn quại":
"Nhịp tim đạp nhói đau thời trai trẻ
Cõi đam mê vạn kiếp vẫn đâm chồi
Đời thấu khổ sao mà đa đoan thế
Xót hồn thơ quằn quại không lời"
Chỉ với khổ thơ trên, "Chia tay" là nỗi đau đến tận cùng của một người cầm bút vướng vào lưới tình. Thật ra nguyên nhân tan vỡ của các cuộc tình đều na ná giống nhau nhưng cái cách đau buồn sau sự tan vỡ thì mỗi người một kiểu. Có anh đau giả buồn vờ vì đã quá chai sạn trong trường tình, tinh quái như một gã Sở Khanh, nhưng cũng có những chàng ngu ngơ bị dư âm ấy ám ảnh suốt đời. Tuy nhiên "Chia tay" không phải là tất cả. Vương Đình Khánh còn đi xa hơn trong cảm nhận về tình yêu khi anh viết:
"Bản còn đâu chìm trong sương phủ
Em ở đâu dò bước anh tìm"
   (Chiều vín đổ bóng em)
Bài thơ ít nhiều đã thoát ra khỏi bút pháp tả thực, sẽ chuyển sang cấp độ ảo nhờ những hình ảnh "Chiều buông nhẹ tấm chăn sương núi" nếu như tác giả không hạ một câu khá tầm thường: "Ở trong ta nỗi nhớ đậu về". Đây là một câu thơ "bẹt", nặng về kể lể mà thiếu tầm vóc tư tưởng. May thay, ở khổ thứ hai, sau khi nhắc lại hình ảnh "sương phủ", một nét đặc trưng của khung cảnh miền núi, tác giả gỡ lại được hai câu làm cho bài thơ sáng lên:
"Leo lét bóng nhà sàn ngọn lửa
Ta vín nghiêng chiều, chiều vín đổ bóng em"
Có vẻ như "ảo hóa" chính là phong cách của Vương Đình Khánh. Thủ pháp này còn được lặp lại ở khá nhiều bài trong tập. "Ảo hóa" kết hợp với xây dựng hình tượng đôi khi phi lý sẽ là cặp đôi nâng bài thơ lên khỏi giới hạn trần thuật.
Cũng là một hình ảnh ấn tượng, nhưng ở cấp độ khác nhau, "Gùi thơ xuống núi" được hình thành từ một  khung cảnh rừng đang vào mùa gieo hạt trong sự hứng khởi của vạn vật tạo nên không gian sinh tồn tràn đầy âm thanh và màu sắc:
 "Hôm nay
 Tôi gùi thơ xuống núi
 Ủ cái bếp cũng vội
 Bỏ cái nương đang gieo hạt vào mùa
 Mặc cái rừng nhớ xào xạc mà đi"
   (Gùi thơ xuống núi).
Đây là bài thơ tự cảm sau khi tác giả chuyển được đối tượng ngoại cảnh vào tâm thức của chủ thể bằng nguồn cảm hứng hướng nội.
Tuy số lượng không nhiều nhưng lục bát Vương Đình Khánh đầy tâm trạng như một sự giãi bày về thân phận con người trong những hoàn cảnh trớ trêu nên thường đượm nỗi đắng cay. Có thể nói chất liệu lục bát của anh là những sợi tơ mành tâm trạng nhuốm màu hoàng hôn dệt nên bức tranh gam trầm gợi cho ta cảm thấy cái se lạnh của một chiều mưa thu:
"Con đường thăm thẳm người xa
Xênh xang gánh cả chiều tà mưa rơi
Kìa ai gánh nặng nỗi đời
Bước chân gánh cả mưa trôi vào lòng"
   (Thu phố)
Khi viết lục bát, Vương Đình Khánh luôn chú ý đến nhịp điệu diễn tả tâm trạng qua kỹ thuật chọn từ và gieo vần làm người đọc cũng rung cảm với nhịp tâm hồn nhà thơ. "Tiếng lòng ơi ới chòng chành về đêm" là một câu thơ hay ở cặp từ láy "ơi ới", "chòng chành" tạo ra sự liên tưởng ngoài văn bản qua phương thức so sánh với hình ảnh "tiếng gà chấp chới":
"Tiếng gà chấp chới sang canh
Tiếng lòng ơi ới chòng chành vào đêm
Đường xa một bóng vai mềm
Nổi chìm một kiếp giữa miền bể dâu"
   (Vào đêm)
Đến "lục bát hai câu"(Gót hồng), Vương Đình Khánh tìm được tứ khá đẹp tuy không độc đáo khi anh tả người con gái tắm suối bằng những hình ảnh "ngọn gió ngây ngô", "thả lẳng lơ bóng mình". Tả thực mà như ảo, ảo mà như thực. Đây là những câu lục bát có đẳng cấp không dễ làm nếu như người viết không chịu tìm tòi và trải nghiệm:
"Ngượng gì ngọn gió ngây ngô
Nước trong người thả lẳng lơ bóng mình"
Còn câu kết "Người đi hương thoảng lưng đồi/ Mây chiều sông Lục xô trời đổ nghiêng" không chỉ tả cảnh mà còn tả tình. Cái tình ẩn trong cảnh. Mây chiều sông Lục giống như một hoài niệm xa đấy mà gần trong gang tấc. Có thể nói, hầu hết lục bát Vương Đình Khánh đều buồn man mác, và chính cái buồn ấy làm nên vẻ đẹp của những câu thơ.
Nếu xét về cấu trúc thì thơ Vương Đình Khánh khá là đa dạng, mà một trong số đó là sử dụng kiểu "nói lối" của tục ngữ dân gian qua "Hoang mạc thời gian" và "Gùi thơ xuống núi". Trừ hai cầu đầu, "Hoang mạc thời gian" vận hành theo nhịp thơ bốn câu uốn lượn như dòng nước chảy. Bài thơ không biểu đạt một hiện tượng cụ thể nào mà là một trạng thái tâm hồn trôi bồng bềnh giữa dòng vô thức, ẩn dụ thân phận con người trong mối tương quan với vũ trụ, nhân sinh:
"Theo vết dòng sông
Vớt những câu thơ
Ghép thành bến đợi
Mặc nơi ngọn nguồn
Sóng chìm sóng nổi".
Giống nhau về hình thức nhưng "Tự nhủ" lại lại khác "Hoang mạc thời gian" về nội dung biểu đạt. "Tự nhủ" là một câu hỏi nghi vấn với chính mình về thân phận con người nhỏ bé trong trong khoảnh khắc thời gian. Đó cũng chính là lời cảnh báo với nhân quần sau khi con người đã tìm cách hủy diệt nhau qua những cuộc chiến được nhân danh bằng đủ những lời hoa mỹ. Những câu thơ được đặt trong sự so sánh giữa cái hữu hạn của một đời người với với cái vô cùng của vũ trụ: "Sao ta cứ đua chen/ Tìm con đường hủy diệt/ Sao ta cứ đam mê/ Tìm mục tiêu chính mình/ Chiến tra/ Ta có thói quen hay là ta quá dại?".  Trong mối tương  quan ấy, tác giả hơn một lần đề xuất mọi người hãy chung sống hòa bình:"Ta sống một đời tích tắc/ Chia vui một vòm trời xanh/ Cùng đau một cây gãy cành...".
"Chiều vín đổ bóng em" còn được xem như là tập thơ của lòng nhân ái khi tác giả dành không ít bài viết về thân phận con người trong đó có "Lộc đời". "Lộc đời" thực chất là một bài tự sự dưới dạng văn vần kể về một người bà cưu mang đứa cháu bị bỏ rơi từ khi còn ẵm ngửa đến lúc trưởng thành dù phải trải qua trăm cay nghìn đắng. Chuyện kể, sau hai mươi năm, đứa trẻ bất hạnh trở thành một cô gái xinh đẹp, còn người bà đã chạm ngưỡng bảy mươi, coi đưa cháu nuôi như một thứ "lộc trời". Chuyện nếu chỉ dừng lại ở đấy thì chưa thể gọi là thơ. Bài thơ chỉ thực sự là thơ khi tác giả sử dụng hệ thống ngôn từ đầy hình ảnh biểu cảm là lời kết cho một hành động nghĩa cử của người đàn bà có tấm lòng bồ tát:
"Thời gian của bà, thời gian của cháu
Ai đợi ai một kiếp luân hồi
Cháu Thảo ơi! Hãy nhanh tay cho kịp
Đỡ bà cười mơ trọn giấc thiên thu".
Ngoài thủ pháp "ảo hóa", vốn được xem như phong cách trong "Chiều vín đổ bóng em, Vương Đình Khánh còn hay viết các bài thơ tự sự ít câu, ít từ như một dạng triết lý thế sự nhân sinh. Loại thơ này phần nhiều nhan đề chỉ có một từ nhưng nội hàm lại khá phong phú khi nó đề cập đến một triết lý sống, một cách ứng xử văn hóa, đạo đức trong mối quan hệ xã hội. Trong bài "Biết" đã dẫn ở trên, từ mối tương quan giữa "tôi" và "người" bởi một cuộc gặp gỡ bất chợt, hai bên giả vờ như làm như  chưa từng quen biết nhau, thế nhưng ở phần kết, tâm trạng nhân vật trữ tình lại tỏ ra bâng khuâng khi "người ấy" bỏ đi: "Tôi khắc vào hồn cây/ Đợi một ngày phía trước". Rõ ràng, ngoài tâm trạng của nhân vật "tôi" rất là phiếm định, tác giả còn đưa người đọc đến một cảnh giới mông lung chỉ có thể cảm nhận bằng tưởng tượng chứ không thể nhận thức lý tính. Đến "Chợt" thì yếu tố triết luận đã gần như bao quát toàn bộ bài thơ. Triết lý thông qua hình tượng dễ thấm vào lòng người hơn là triết lý ngôn từ khô khan. Bài thơ chỉ có ba câu nói về sự không tương đồng giữa những kẻ may mắn trong khoảnh khắc được giầu sang phú quý nhưng không chắc đã có nhân cách bởi còn thiếu một nền tảng văn hóa và đạo đức. Họ có vẻ như nhân vật Trạng Lợn trong truyện cười dân gian bỗng dưng gặp thời nhảy lên làm trọc phú như Đặng Dung đã viết "Thời lai đồ điếu thành công dị". Đó là mối liên hệ khá biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả. Những gì là ăn may theo kiểu chụp giật sẽ không bền vững bởi sự thành đạt bao giờ cũng phải trải qua một quá trình:
"Chợt nở tung như hạt vỡ
Chợt đời được lên ngôi
Nhưng không chợt được thành người".
"Chiều vín đổ bóng em" chưa phải là tập thơ toàn bích, thậm chí đây đó còn tồn tại không ít tì vết, nhưng nó rất đáng đọc bởi tác giả đã làm rung động lòng người bằng cách riêng của mình mà một trong những bí quyết đó là sự trung thực đến tận cùng. Thơ Vương Đình Khánh có cái thực trong cái ảo, cái ảo nâng hiện thực lên tạo thành vẻ trang nhã như một bức tranh gam trầm, nhìn vẻ ngoài thì bàng bạc nhưng sâu lắng, dễ chinh phục lòng người.

    Chí Linh, 02 tháng 3 năm 2013

     Đ.V.S