Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chuyện trong và ngoài nhà thương điên

Nguyễn Đoàn
Thứ ba ngày 26 tháng 2 năm 2013 4:50 PM


 Hai bố con tôi đi chơi ở ngoại ô thành phố, con tôi trỏ vào một khu nhà rộng, tường cao cổng kín, hỏi: “Bố ơi, đây là trường học, phải không?
- Con sai rồi! trường học thì việc gì phải xây tường cao cổng kín, soát xét ngưởi ra kẻ vào chặt chẽ thế. Đây chính là bệnh viện tâm thần đó.
Con tôi ờ ờ, gật gật đầu bảo: Vậy nơi này là nơi quản lý chữa chạy cho những người bị bệnh điên, mất khả năng nhận thức và không làm chủ được hành vi của mình.
Tôi bảo: Con lại nói sai rồi. Có những người khỏe mạnh bình thường vẫn bị đưa vào, chẳng hạn một ông làm việc tại một cơ quan nhà nước, buổi tối đang ở nhà thì con dâu ông gõ cửa. Khi vừa mở cửa, ông bị hai bảo vệ bệnh viện Tâm thần xông vào đè xuống, lấy dây điện trói tay chân lại, khiêng lên xe taxi đưa vào bệnh viện. Hóa ra vợ ngoại tình, con gái ông lại ép ông bán nhà không được, nên hai mẹ con tống luôn ông vào bệnh viện tâm thần, ở chung với những người điên thật sự. Thậm chí có người đang rất sáng suốt vẫn bị đưa vào như một ông nguyên là giảng viên trường đại học, rất giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại thương, được mời làm chuyên viên cho một Công ty Công nghệ của thành phố. Một hôm, ông dắt xe ra cửa đi làm bị vợ ông do mâu thuẫn gia đình thuê mấy thanh niên lạ mặt ép lên xe tống chồng vào Bệnh viện tâm thần rồi bị hai bác sĩ giữ chặt chân tay tiêm thuốc luôn.
Con tôi nghe vậy, nghĩ ngợi hồi lâu, rồi lại hỏi: “Nếu ráo riết vậy thì chắc bên ngoài bức tường bệnh viện tâm thần kia, chẳng còn người điên nào sống chung và gây rắc rối cho mọi người nữa?”
- Con lại sai nữa rồi. Trong nhà thương điên vẫn có thể là nơi giữ người khỏe mạnh, thậm chí thông minh và có học như cha vừa kể, báo cũng đã đăng,  còn ngoài xã hội có thể vẫn còn những con người khùng khùng điên điên như thế đang chung sống với cộng đồng. Trong dịp tết vừa qua, dư luận xã hội sôi lên về chuyện một đại biểu quốc hội ở thành phố ta đưa lên blog bài viết mạt sát một đại biểu quốc hội khác có tâm, có tầm, được nhân dân quý mến và tin cậy. Trong bài viết đó, vị đại biểu này đã có lời lẽ thóa mạ rất chợ búa, hàng tôm hàng cá tới vị đại biểu kia. Cuối bài viết vị đó huênh hoang ký tên: “Nhất Thạc Bàn Cờ, Lăng Tần HHP, Nhà VN Cộng Hòa Học, Nhà Biểu Tình Pờ-rô-tét Đì-mông-sờ-tra-sân Học, Nhà Đa Đảng Học, Nhà Lưỡng Đảng Học, Nhà Độc Đảng Học, Nhà Tiếng Anh Học, Nhà Thánh Kinh Học, Nhà Đủ Thứ Học Học”.
- Loạn ngôn thế thì vị này đúng là khùng khùng điên điên rồi.
- Lần này thì con nói đúng, vì sau khi xẩy ra chuyện, một người bạn thủa thiếu thời của vị này đã đưa bài lên mạng cho biết hổi nhỏ, vị này trèo cây ngã, bị chấn thương sọ não, từ khi ấy vị này tính thay đổi, hay cáu gắt, từ đó trong xóm họ gọi là kẻ "khùng”.
- Thế sao một người như vậy vẫn được là Đại biểu Quốc hội.
- Con ơi, quy trình lựa chọn người ứng cử Đại biểu Quốc hội rất chặt chẽ. Ngoài những tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ và năng lực, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, còn phải có sức khỏe để đảm đương công việc. Nếu có bệnh nan y, tinh thần... không thể đảm nhiệm được công tác của người đại biểu thì Ủy ban bầu cử phải yêu cầu có giám định sức khỏe đối với người đó. Trong hồ sơ Đại biểu Quốc hội tuy không có giấy khám sức khỏe, nhưng Đại biểu sẽ qua nhiều khâu giám sát của dân, nhất là khi lấy ý kiến cử  tri nơi công tác và cư trú, cử tri có thể một số người không biết nhưng không thể dấu được đông đảo nhân dân.
Con tôi à à: “Như vậy, tiêu chí để một Đại biểu Quốc hội rất rõ ràng và cụ thể, còn để lọt một vị khùng khùng điên điên nọ vào Quốc hội chẳng qua là do địa phương không thực hiện chặt chẽ mà thôi, phải không bố?”
Nguyễn Đoàn