Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mưu lược Tào Tháo

Vũ Quốc Túy
Thứ hai ngày 25 tháng 2 năm 2013 8:47 PM

Tào Tháo ( 155 – 220); tự là Mạnh Đức , là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc.
Truyện Tam Quốc kể rằng, do phải hành quân qua một ruộng lúa nên Tào Tháo ra lệnh không ai được làm tổn hại dù chỉ là một nhành lúa trên cánh đồng. Ai vi phạm sẽ bị chém đầu. Nhưng chính con ngựa của Tào Tháo liền sau đó lại bị bầy chim đang ăn trên ruộng lúa chợt bay vút lên khiến nó hoảng sợ giẫm đạp nát một góc ruộng. Tào Tháo rút gươm kề cổ mình trong tư thế chuẩn bị tự sát thì quan quân xúm lại can ngăn. Cái lý của họ là, nếu vì việc nhỏ mọn như thế mà Tào Tháo phải chết thì lấy ai chỉ huy ba quân, phải nghĩ đến việc lớn trước đã. Thế là Tào Tháo bèn cắt chỏm tóc trên đầu và nói "Ta tạm tha tội cho mình, nhưng dùng tóc để thay đầu".

 LỜI BÀN
    Suy cho cùng thì lỗi là tại con ngựa, tại khách quan chứ không hoàn toàn do lỗi của Tào Tháo. Tuy nhiên, người chỉ huy ra lệnh thì phải gương mẫu chấp hành, không thể đổ lỗi cho người khác để chạy tội hoặc xin lỗi cho qua chuyện. Tào Tháo cầm quân, đa mưu túc kế, song cũng thể hiện tính dũng cảm dám làm, dám chịu trách nhiệm. Sai phạm dù nhỏ nhưng đã phạm luật thì phải tự xử nghiêm khắc, không thể tự cho mình cái quyền được miễn truy cứu trách nhiệm vì mình là người lãnh đạo, chỉ huy. Tội của Tào tháo chỉ có thể được quan quân tha thứ, chứ ông không có quyền này. Tào Tháo là bậc quân tử, đúng như lời Khổng Tử đã nói, đại ý là, người quân tử có lỗi thì xin lỗi bằng hành động, kẻ tiểu nhân có lỗi chỉ xin lỗi bằng lời nói. Quan quân, lính tráng tâm phục khẩu phục, tin cậy mà nghe theo, kỉ cương được giữ nghiêm. Hành vi cắt tóc của Tào Tháo thể hiện tư cách người chỉ huy có văn hóa. Đó cũng là một trong những kỹ xảo chính trị của Tào Tháo.
VQT