Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cơ sở cảm hứng của thơ ca trữ tình phương Đông

Hoàng Hữu Đản
Chủ nhật ngày 24 tháng 2 năm 2013 5:15 AM

 Chúng ta có thể rất ngạc nhiều khi vừa đọc xong cuổn René và Atala của Chateaubriand (thế kỷ XIX) rồi đọc cuốn Le Cid của Corneille (thế kỷ XVII Pháp), vì một cuốn thì tràn đầy  màu sắc cảnh vật và một cuốn dài 1840 câu thơ mà chỉ có một câu duy nhất nói một chút đến thiên nhiên:
  “Cette obscure clarté qui tombe des étoiles ”
  (Trong ánh nhạt mờ từ trời sao tỏa xuống)
   ( Le Cid, IV, 3- câu 1273 )
 Nhưng nếu dở một tập thơ tiếng Việt hay một tập thơ Tống Đường Trung Quốc thì đâu cũng có, ở mức độ đậm nhạt khác nhau, hình ảnh con người ( tình) lồng vào trong hình ảnh thiên nhiên hay sinh hoạt xã hội (cảnh). Ngay bài đầu của Kinh Thi đã có những câu tả tình lồng trong tả cảnh:
  “ Quan quan thư cưu - Tại Hà chi châu
Yểu điệu thục nữ- Quân tử hảo cầu”.
(Tiếng kêu ríu rít – Đôi chim âu yếm bãi sau sông Hà
Nết na cô gái mặn mà- cùng chàng trai tốt, thật là xứng đôi)
 Hầu hết các bài trong Kinh Thi đều như vậy. Bài Bão vũ – chim bão đập cánh:
  “ Túc túc bảo dực – Tập vu bão cức
Vương sự mĩ cổ - Bất năng nghệ thử tắc
Phụ mẫu hà thực- Du du thương thiên
Hạt kỳ hữu thực?”
 ( Xè xè chim bảo bay cao - Đang bay dừng cánh đậu vào cây gai
Việc vua làm mãi làm hoài – Lúa thử lúa tắc lấy ai cấy trồng?
Mẹ cha  biết lấy gì ăn? – Trời xanh thăm thẳm biết làm sao đây?
Bao giờ cho hết khổ này? )

( KINH THI THI TUYỂN,  Phạm Thị Hảo, nhà xuất bản Đồng Nai 1999)

Kinh Thi cũng như ca dao Việt Nam, sáng tác tập thể từ đời này sang đời khác, vô danh, của nhân dân lao động Trung Quốc, mà chủ yếu và lần đầu tiên là người dân tộc Hán… Nó thể hiện nguyên vẹn cái tâm hồn và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, là ngọn nguồn bất tuyệt của mọi sáng tạo văn hóa nghệ thuật sau này. Từ Ly Tao của Khuất Nguyên, qua thơ Tống, qua thơ Đường vẫn nguyên vẹn…
Bài thơ Đằng vương các – Gác Đằng- của Vương Bột là một tỷ dụ rất cụ thể:
“ Đằng vương cao các lâm giang chữ
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Hoa đống triêu phi nam phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây sơn vu… ”
 “Gác đằng cao ngất bãi sông thu
 Ngọc múa vàng reo nay thấy đâu
 Nam phố mây mai quanh nóc vẽ
 Tây sơn mây tối cuốn rèm châu…”
Những bài thơ như Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, bài Khuê oán của Vương Xương Linh, bài Trường Trương tư của Lý Bạch, cũng giống những bài thơ của Nguyễn Trãi ( Côn Sơn ca), Nguyễn Du ( Long thành cầm giả ca…), Hồ Xuân Hương, Phạm Thái (Văn tế Trương Quỳnh Như ), Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, các nhà thơ thời kỳ 1930-1945 như Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính ( Lỡ bước sang ngang), Hàn Mặc Tử ( Đây thôn Vĩ Dạ), đặc biệt thơ Hồ Chủ tịch, đều là lấy cảnh tả tình, tình lồng trong cảnh, quyện vào nhau không thể cắt chia: Như vậy đó, thi hứng xuất hiện theo trình tự tự nhiên trong mối quan hệ giữa tình với cảnh, bởi vì trong thực tế con người luôn luôn sống trong cảnh và cảnh luôn ấp ủ con người.
Ở Việt Nam thế:
 “ Khi vui non nước cũng vui
Khi buồn sáo cặp đàn đôi cũng buồn”
 Hay :   “ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

 Ở Trung Quốc thế:
  “ Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu!” ( Khuê oán)
( Trẻ trung nàng biết chi sầu
Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm gương
Nhác trông vẻ liễu bên đường
“ Phong hầu” nghĩ dại xui chàng kiếm chi?)
 
 Ở Nhật Bản cũng thế:
  “ Ôi: những lá khô vàng
Rơi rơi trên đồi thu mang mang
Hãy ngừng rơi chốc lát
Ngừng quay cuồng, đảo điên, quấn quít
Cho ta nhìn lại mái nhà em”
( Đoản ca- Tanka)

“ Trèo lên ngọn tháp cao
Trên chòm cây sam, kia cành bướm
Bay dập dờn xôn xao”…
( Hải ca- Kaiku)
Trích Hòa Ca – Waka, Nguyễn Tường  Minh
  Sông Thao, Sài Gòn, 1971

 Đến những bài thơ dài như Trường hận ca hay Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, cũng giống như Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, như Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều…thì cảnh và tình phối hợp với nhau một cách tuyệt diệu, hài hòa và phát triển nhịp nhàng như sóng đại dương. Đây là một dấu hiệu và cũng là một tiêu chuẩn của những kiệt tác văn chương nói chung, nhưng đặc biệt đậm đà và phổ biến là trong thơ ca phương Đông:
  “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
   Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
  Người xuống ngựa, khách dừng chèo
  Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ty…

  …Thuyền mấy lá đông tây lạnh ngắt
  Một vầng trăng trong vắt lòng sông…
  Ngậm ngùi đàn bát xếp xong
  Áo xiêm khép nép hầu mong giải lời”…
               ( Bạch Cư Dị- Tỳ bà hành)
 
 Cảnh đây là cảnh thiên nhiên, là cảnh sinh hoạt xã hội, tình ở đây là những nỗi buồn, vui, ai oán, những nỗi éo le trong số phận của con người đối chiếu với thực tế xung quanh, với thiên nhiên, với chính sự đối chiếu đó là nguồn gốc làm nẩy tuôn ra những ý thơ : Đối cảnh sinh tinh tình.

 Trong Chinh phụ ngâm khúc, cái nguyên lý ấy thể hiện rõ ràng, từ đầu cho đến cuối khúc ngâm: cái tình cảm của người vợ nhớ thương chồng được diễn đạt khi ẩn, khi hiện, quyện chặt vào với cảnh một cách hài hòa thắm thiết:
  “ Ngòi đầu cầu nước trong như ngọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền…

Thư thường tới người chưa thấy tới
Bức rèm xưa lần dãi bóng dương
Bóng dương mấy buổi xuyên ngang
Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai!...”
 
Nhưng trong thơ Việt Nam, có lẽ không đâu nguyên lý ấy lại được thể hiện sâu sắc, toàn diện và phong phú với một nghệ thuật hoàn hảo cho bẳng trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du. Nghiên cứu kỹ ta có thể hình dung quá trình phát sinh cảm hứng của ông khi viết tập truyện thơ đó có thể là như sau: đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân
( tên thật là Từ Văn Trường), ông cảm nhận được tất cả nỗi đoạn trường của Thúy Kiều như của một người con gái của đất nước Việt Nam bị cả xã hội phong kiến đương thời vùi dập. Ba yếu tố: con người, phong cảnh và xã hội Việt Nam được tư duy và cảm xúc đồng thời, cùng một lúc và được thể hiện ra Truyện Kiều như một hình tượng văn học đa dạng, thống nhất trong khung cảnh xã hội phong kiến Việt Nam, gắn với bản chất nhân đạo sâu sắc mênh mông và qua ngòi bút tài hoa của tác giả.
 Truyện Kiều, đứng về bút pháp mà nói, là một cấu trúc tuyệt đẹp của bút pháp tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh sinh hoạt, tả chân dung, tâm lý, tính cách con người (các nhân vật) bằng nhiều cách:
 1/ Cách thứ nhất: tả riêng lẻ, cái trước, cái sau, như đoạn Thúy Kiều đi thanh minh:
 - tả cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt trước:
  “ Ngày xuân con én đưa thoi…
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết Tháng ba…
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.”
- Tả người, tả tình sau:
         “ Gần xa nô nức yến oanh…
…Thoi vàng hồ rắc, tro tiền giấy bay.”
 2/ Cách thứ hai: tả cảnh để tả người ( Thúy Kiều gặp gỡ Đạm Tiên)
  “ Tà tà bóng ngả về tây…
Gốc cây lại vạch một bài cổ thi”..
 3/ Cách thứ ba : Tả tình và cảnh lồng vào nhau ( cuộc gặp gỡ Thúy Kiều - Kim Trọng): tả cảnh trang nhã phù hợp để đưa tình vào - tình đây là tình cảm của Kiều đang thương xót Đạm Tiên thì gặp Kim Trọng, rồi lại lấy cảnh buồn để kết thúc cuộc gặp gỡ không có gì là vui và hy vọng ấy: gặp gỡ tình yêu bên mộ người bạc mệnh. Đây là cảnh ôm lấy tình, tình nằm trong vòng tay của cảnh.
 Ở đoạn Kiều tiễn Kim Trọng về Liêu Dương cũng vậy, cảnh mở đầu và cảnh kết thúc ôm lấy tình lưu luyến tiễn đưa:
  “ Liễu Dương cách mấy sơn khê…
Buồn trông phong cảnh quê người
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa”.
 4/ Cách thứ tư: tả tình và cảnh quyện vào nhau trong từng lời, từng chữ, từng nhịp điệu, âm thanh, như ở đoạn Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích- buồn:
  “ Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
  Buồn trông ngọn nước mới sa
 Hoa trôi man mác biết là về đâu
  Buồn trông nội cỏ dầu dầu
 Chân mây mặt đất một màu xanh xanh…”
Hay đoạn miêu tả Từ Hải sau khi đã thực hiện chuyện báo ân báo oán cho Thúy Kiều xong (vui):
  “ Thừa cơ trúc chẻ ngói tan
Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài
Triều đình riêng một góc trời
Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà
Đòi phen gió quất mưa sa
Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi năm…”

Tuy nhiên, thơ trữ tình cũng có những bài kiệt tác trong đó hầu như hoàn toàn vắng bóng thiên nhiên; cảnh ở đây không được vẽ thành chữ mà rất hiện diện đằng sau những lời than oán, trách phận, trách trời, nó hòa nhập làm một với niềm tâm sự u uất bất bình của nhân vật; cảnh ở những bài thơ này là chính cái xã hội đã gây ra đau khổ của con người. Đó là trường hợp những bài thơ của Đỗ Phủ, như bài Bắc chinh – Lên Bắc, hay bài Từ kinh đô về huyện Phụng Tiên:
 “ Đất Đỗ Lăng có chàng áo vải
Tuổi càng già, càng dại, càng khờ
Ví mình với Tắc, Tiết xưa
Bạc đầu chịu kiếp sống thừa chua cay…”

Cái phong cách thơ đối cảnh sinh tình trong nền thơ ca nào cũng có hiện diện, nhưng đặc biệt trong thơ ca trữ tình phương Đông, nó đã hình thành và phát triển từ xa xưa thành một nguyên lý cơ bản, chi phối một cách có hệ thống và đặc thù hầu như mọi lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Trong thơ ca trữ tình Việt Nam, từ xa xưa cho đến thời kỳ hiện đại, hầu như cái nguyên lý ấy vẫn nguyên vẹn, ít thay đổi. Nó vẫn là một biểu hiện cơ bản của bản sắc văn hóa dân tộc, ở những bài thơ thật sự là thơ, của những nhà thơ đích thực là nhà thơ. Tất nhiên khi cuộc sống và lịch sử xã hội loài người không ngừng đổi mới thì một ngày nào đó, vài thế kỷ hay một thiên niên kỷ nữa về sau, cái cơ sở cảm hứng thơ văn có thể thay đổi chút ít chưa rõ theo hướng nào, nhưng chăc chắn một điều là bao lâu, Việt Nam còn ở kinh độ 110 đông và vĩ độ 8- 22 bắc, lại có một nền văn hóa bốn ngàn năm trên đầu và trong tim thì có lẽ không có gì thay đổi lớn. Nhân dân ta vẫn tiếp tục sáng tác, tiếp tục đẩy nền thơ ca dịu ngọt đáng yêu của mình lên những đỉnh cao mới, trên cơ sở một nguyên lý đã trở thành phong cách đặc thù truyền thống của văn học nghệ thuật Việt Nam : đối cảnh sinh tình- một truyền thống đẹp, tao nhã, cần được bảo tồn và phát triển./.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/12/2002