Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“Hội chứng… lá chuối!”

Bùi Hoàng Tám
Thứ tư ngày 27 tháng 2 năm 2013 2:14 PM


Hình như trên thế gian này chỉ mỗi cây chuối là suốt đời không rụng lá. Loại lá thiếu tự trọng từ lúc mọc đến khi thối nẫu cũng không chịu rời bỏ thân cây. Và cũng vì thế, khi chuối đã ra buồng là không còn chiếc lá non nào được sinh ra nữa.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất ý kiến về việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt lên 5 năm so với quy định hiện nay. Lý do là để đối phó nguy cơ vỡ quỹ lương hưu và và phù hợp với xu thế tuổi thọ người dân gia tăng.
Các lý do mà Bộ LĐ - TB&XH đưa ra về lý thuyết là có lý. Theo đánh giá của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), tuổi về hưu của Việt Nam là sớm, trong khi đó tuổi thọ của người Việt Nam gần đây đã tăng cao so với nhiều năm trước. Việc chi trả cho bảo hiểm xã hội và các chính sách khác hiện đang quá cao khiến quỹ lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029.
Tuy nhiên, trừ việc áp dụng đối với các nhà khoa học lớn, tâm huyết với đất nước cần mời trân trọng tiếp tục cống hiến, còn xét từ thực tế đời sống xã hội của Việt Nam thì các lý do trên có phần chưa thỏa đáng.
Về lý do tuổi thọ, tuy những năm gần đây tuổi thọ người Việt Nam có được nâng cao nhưng thực tế cho thấy, người Việt Nam sống dai song thể lực yếu. Phụ nữ ngoài 50, nam giới ngoài 55 tuổi đã có biểu hiện uể oải, giảm tính năng động… Mặt khác, người Việt Nam không phải chỉ đến 18 tuổi mới lao động mà phải tham gia làm việc từ trước đó nhiều năm.
Về thâm hụt ngân sách, đúng là hiện nay vì nhiều lý do, mỗi năm chúng ta phải chi một khoản tiền rất lớn. Song, với sự phát triển của kinh tế, đây không phải là bài toán không có lời giải. Vả lại, chỉ cần làm tốt công cuộc chống tham nhũng, lãng phí chúng ta đã có một khoản tiền khổng lồ dành chi trả cho việc này. Đó là chưa kể nếu nhìn ở bình diện quốc gia, đồng tiền đó không hề mất (như tham nhũng, lãng phí) mà nó phục vụ chính đời sống người dân. Cần nói thêm, không biết số tiền cả ngàn tỉ đồng mà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho vay bất hợp pháp hiện đã đòi được chưa?
Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ vấp phải nhiều hệ lụy.
Đã có ý kiến cho rằng đối tượng muốn tăng tuổi nghỉ hưu có lẽ là những người có chức, có quyền, có “bổng lộc” nhưng lại ít năng lực, muốn “bám” lấy chiếc ghế quyền lực để nhằm mục đích cá nhân hơn là lợi ích đất nước. Bởi thực tế, những cán bộ có chức, có quyền và có năng lực thật sự luôn luôn nhận được sự chào đón từ các doanh nghiệp tư nhân. Các bác sĩ, nhà giáo cũng rất được các bệnh viện tư và trường dân lập, tư thục mời chào ngay từ khi chưa kịp nhận sổ hưu. Đã có không ít chuyên viên của các doanh nghiệp hiện cũng là các cựu công chức nhà nước. Thậm chí, nhiều người còn tự lập doanh nghiệp riêng cho mình.
Tuy nhiên về hệ lụy sâu xa, là công cuộc trẻ hóa cán bộ công chức. Hiện đang có một thế hệ trẻ nhiều năng lực, giàu nhiệt huyết và khát khao cống hiến. Nếu không được tạo cơ hội, họ sẽ chán nản, ngọn lửa đam mê sẽ dần tắt và về lâu dài, đó là bi kịch của một đất nước muốn phát triển.
Đó là chưa kể qui định này hoàn toàn có thể bị thói tham quyền cố vị, “đó rách ngáng chỗ” lợi dụng. Đã xuất hiện không ít trường hợp “cải lão hoàn đồng”, càng sống lâu càng… trẻ ra, tuổi nghỉ hưu thấp hơn nhiều do với tuổi thực.
Khi viết những dòng này, tôi chợt nghĩ về những chiếc lá. Những chiếc lá không chỉ biết "lá lành đùm lá rách", không chỉ biết già "rụng về cội" mà mỗi mùa đông, lá còn biết tự rụng để mùa xuân, nhường chỗ cho những chồi non mới.
Hình như chỉ mỗi cây chuối là suốt đời không rụng lá. Loại lá thiếu tự trọng từ lúc mọc đến khi thối nẫu cũng không chịu rời bỏ thân cây. Và cũng vì thế, khi chuối đã ra buồng là không còn chiếc lá non nào được sinh ra nữa.
Xin đừng biến cơ quan công quyền thành nơi dưỡng lão của những người cao tuổi.
Xin đừng tạo cơ hội cho những những kẻ ăn bám, lợi dụng chính sách này để chui lủi dưới “ngọn cờ lá chuối” , thực hiện phương châm “bám trụ kiên cường!”.
Bùi Hoàng Tám

BLO