Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Một niềm tin đã lóe sáng!

Nguyễn Thị Thúy Ngoan
Thứ ba ngày 26 tháng 2 năm 2013 5:51 AM

      Xin chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2!
Cùng với những người dạy học, những người vinh dự đứng trong ngành Y tế luôn được mọi người tin cậy, yêu mến, kính trọng và tôn vinh là “Thầy”- thầy thuốc. Bởi họ đóng góp một phần công lao to lớn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân, chăm lo sự phát triển tầm vóc thể chất của giống nòi. Không phải ngẫu nhiên mà thầy thuốc được vinh danh: “Lương y như từ mẫu - Thầy thuốc như mẹ hiền.”
 
     Thế hệ những người thầy thuốc từ thập niên 90 trở về trước gặp muôn vàn khó khăn. Dù đồng lương quá ít ỏi, cuộc sống thiếu thốn, vất vả  mà họ vẫn vì dân mà phục vụ, với tấm lòng vô tư, trong sáng; chữa lành bệnh là một niềm vui, tôi cũng là người trong ngành, không hề tơ hào của người bệnh một đồng xu…Họ đã nêu cao đạo đức phấm chất,  đúng với danh hiệu người thầy thuốc ..

      Nhưng những năm gần đây, đất nước bước vào hội nhập và phát triển. Mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho không ít người trong ngành Y tế thoái hóa, biến chất. Họ thu lợi nhuận để làm giàu trên nỗi đau của người bệnh, trái với y đức có tự lâu đời và Bác Hồ đã từng dạy.
Đó là nỗi niềm vô cùng bức xúc trong nhân dân. Người ta phàn nàn và ca thán rằng: đến với bệnh viện, đến với thầy thuốc chỉ có tiền, chứ bây giờ nói đến tình thì quá hiếm hoi (!?)

     Thiết nghĩ, người bệnh là người đang gặp nguy cơ về sức khỏe, về tính mạng. Vào viện vì bệnh hiểm nghèo, nhất là các bệnh phải cấp cứu, bệnh ngoại khoa phải mổ, hoặc sản phụ mổ đẻ, và sản phụ đến ngày sinh, Bệnh nhân K…nhất thiết phải nhờ đến thầy thuốc, và đã nhờ thì phải có phong bì, tùy theo mức độ, tùy theo vùng miền…Ở các ngành khác, kẻ có chức quyền mới được nhận phong bì, còn ở bệnh viện, từ bác sĩ đến y tá, hộ lí đều có quyền nhận phong bì.
Khoảng giữa tháng 1/2013 tôi từ Hà nội về HP ngồi cùng ghế với một bệnh nhân 32 tuổi ở viện K về, bị ung thư vú đã cắt bỏ một bên, cháu kể chuyện không tiện nói quá cụ thể ra đây, chỉ biết nghe mà đau đến thắt lòng, ra đến phòng thanh toán viện phí mà cũng còn phải kẹp vào giấy tờ làm thủ tục 200.000đ, nếu không thì cứ chờ!
Người dân nghèo vô cùng cay cực, vào viện phải chạy vạy, vay mượn, bán lợn, bán gà, bán thóc, gom góp lấy một, hai triệu đồng. Mà lại phải chuẩn bị một thứ tiền thật vô lý là phong bì, bệnh nhân mổ phong bì đã có giá cả sẵn, nếu đưa ít, có người đã bị trả lại. Y tá chăm sóc sau hậu phẫu tất nhiên là không đòi, nhưng mỗi lần tiêm, thay băng, tắm bé… đều được đút vào túi một hai chục nghìn tùy theo nếu không, sẽ tỏ thái độ thiếu nhiệt tình, làm bệnh nhân và người nhà rất lo ngại. Bức xúc bao năm rồi mà không biết kêu trời vào đâu?
       Xin thưa, giờ đây đã có một tin mừng - một niềm tin vừa lóe sáng! Kì họp lần thứ hai Quốc hội khóa XIII vừa qua đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi đã tạo được niềm phấn khởi, niềm tin trong nhân dân.       Riêng về ngành Y tế thì bà Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến đã thẳng thắn phát biểu trước Quốc hội khi trả lời những câu chất vấn của các thành viên, và VTV1 thời sự. Tôi đã chăm chú theo dõi và thấy rằng, đó là sự nhìn nhận sâu sát toàn diện, trung thực thừa nhận những tiêu cực của ngành mình. Trên cơ sở thực tiễn đó, bà đã hạ quyết tâm cho ngành Y tế “Nêu cao tinh thần thái độ phục vụ -. không tham nhũng nhận phong bì…Nếu có tố giác, chụp ảnh, phát hiện đúng với tội danh thì sẽ kiên quyết xử lí kỉ luật nghiêm khắc…”

     Nội dung không mới, nhưng là tinh thần quyết tâm mới  “Những vấn đề cần làm ngay” mà có một thời chưa xa ta đã từng làm. Vấn đề chỉ đạo từ cấp Bộ xuống cho từng địa phương quán triệt, thực hiện về Luật chống tham nhũng trong ngành như thế nào? Đó là việc cấp bách của  ngành Y tế hiện nay cần phải khắc phục ngay, và khắc phục như thế nào để cởi được cái nút thắt vô hình đau đớn ấy?

 Đó là nguyện vọng của toàn dân. Mong rằng, niềm tin đã lóe sáng thì mãi bừng sáng để cho hình ảnh đẹp của người thầy thuốc được trả về với danh hiệu như đã từng có trong lịch sử! “Thương người như thể thương thân”.

  2/2013