Phố vắng. Đường vắng. Hà Nội vắng. Nhưng dọc tường Văn Miếu đoạn từ hồ Giám đến đường Nguyễn Thái Học các quán ông đồ dày ken, đỏ choét lại không vắng tẹo nào. “A lô! Cứ đến cuối phố Nguyễn Khuyến nhìn thẳng vào tường Văn Miếu, Văn Thùy dị nhân ngồi đấy nhá”. Lời điện thoại tung ra một câu cụt lủn chẳng ra mời, chẳng ra lệnh, chẳng ra hẹn hò từ mấy hôm rồi. Sốt ruột. Thì đến! mà đến hẳn vào sáng nay - mồng 1 Quý Tị cho “choáng”.
- Thày Thùy ơi!
Tôi gọi như hét lên khi xe vừa chạm hè Văn Miếu nhìn thấy dị nhân tóc dài, râu dài, mặt dài, người dài... “Này cô, gửi xe máy đi chứ?”. “Bao nhiêu?”. “20 ngàn đồng”. “Khiếp, đắt thế? Tôi người nhà ông đồ kia” (chỉ vào quán dị nhân). “Cô mang cơm à? Sao mấy hôm nay nhiều bà mang cơm cho ông ấy thế?”. “Này, 20 ngàn đồng, tôi là khách không phải mấy bà mang cơm, đừng nói vớ vẩn”.
Thấy tôi gọi, thấy tôi vào, dị nhân vẫn ngồi nhai bánh chưng bình thản cứ như từ trước đến giờ chẳng quen biết gì. Tôi lên tiếng: “Trông thày đúng là: Răng thiếu lục bát, mồm thừa thất ngôn”. Thày vẫn nhai, đốp lại: “Em sồn sồn dáng còn xuân/ tôi quên béng mất mình gần… cuối thu”. Tôi cười phá lên. Lúc ấy dị nhân mới ngoác miệng cười theo. Lại đọc: “Em cười không phải là cười/ Tại môi úp hớ hênh mười cái răng”. Rồi kể: “Đêm hôm nọ trùm chăn nằm sát vào tường đây, bọn thanh niên tình nguyện đi qua tưởng trẻ em cơ nhỡ gọi dậy cho chiếc bánh chưng. Lồm cồm bò dậy. Vừa nhìn, có đứa hét lên định bỏ chạy vì tưởng ma. Mình đùa: ông là bố trẻ con đây, phải cho 2 xuất. Vậy mà chúng cho 2 chiếc bánh chưng thật. Ăn suốt từ hôm ấy đến giờ chưa hết”. “Thế không có bánh của các cháu tình nguyện thì ăn gì?”. “A, được mấy mụ chăm nom lắm, mang các thứ ra cho ăn đủ”. “Các “mụ” ấy ở đâu?”. “Không biết. Tên không biết, nhà cửa chẳng hay, cứ gọi eo éo xin mang các thứ ăn ra cho. Hồi ở trong Nam mấy đứa dễu mình: Kém tắm thế mà khối em theo”. Tôi kháy: “Thảo nào mấy tay trông xe bảo nhiều bà mang cơm cho thày. Mà ở đây 10 ngày rồi, chắc phải qua rằm tháng giêng mới tắm? Vợ thày biết không?”. “Ối giời! Vợ đi như gió đùng đùng/ Về nghe chồng đọc thơ khùng… lại đi”. Dị nhân đọc rồi cười lập khập kể: “Có em từ Thái Bình gọi điện: Em đang lên Hà Nội nhưng đi với đoàn, anh ra chỗ em đi. Mình hét: Em bỏ đoàn đến chỗ anh. Anh đang ở khách sạn, phòng 4 mét vuông, tầng trệt. Nghe thế em tắt lịm”. Đúng vậy. Quán ông đồ Văn Thùy chỉ được chia cho đúng 4 hòn gạch chiều ngang đủ bày cái bàn nhỏ để viết thư pháp. Sau lưng bùng nhùng một đống hẩu lốn như chăn, như giẻ, như giấy, như đồ… Bây giờ mới ngồi ngắm những tờ thư pháp tiếng Việt treo trên vách tường. Ô, toàn thơ là thơ, mà những câu chẳng hề tếu táo. “Lẫn trong nhân thế ồn ào/ Khác nhau có sắc hoa đào trong tim”. “Cả đời tích đức tu nhân/ Kết thành quả phúc chia dần cháu con”. “Bóng ta đè dưới chân ta/ Nào ai đã bước nổi qua bóng mình”. “Hương sen quện khói hương trầm/ Xác phô đất tục, hồn thầm cõi tiên”… Thư pháp toàn tiếng Việt, thơ toàn thơ Văn Thùy. Khác tất cả những ông đồ ngồi đây họ thảo thư pháp chữ Nho và thơ hoặc câu đối phần lớn không phải của họ. Tôi khen: “Thư pháp của thày khác lạ nên rất ấn tượng”. Thày lẩm bẩm: “Lẫn trong rậm rạp thi nhân/ Khác nhau con chữ có thần sau lưng”. Tôi nói: “Thơ thế mới dám bày bán ở đây”. Thày lại đọc: “Từ ngày đốc chứng làm thơ/ Khôn ngoan vốn mỏng, ngẩn ngơ thêm dày/ đam mê là tội giời đầy/ Càng béo chữ nghĩa càng gầy niêu cơm”. “Hi hi, nói thật nhá. Thày giỏi làm xiếc chữ nghĩa, nhất là thơ tán phụ nữ. Em gọi những bài thơ ấy là thơ dị tình?”. “Ờ, toàn những mẹ sồn sồn nó mê. Một em ở chợ: Hẹn rằng hễ cứ mưa sa/ Là em bỏ chợ trốn nhà gặp nhau. Một em hàng xóm: Lọt sàng anh tụt xuống nia/ Em còn đem cái váy sề hứng ai?. Một em vừa gặp: ngỡ là choáng váng rượu quê/ Hóa ra ngây ngất gái sề đôi mươi…”. Thày đọc một loạt, xong cười lậc khậc thú nhận: Tình như điện thoại hai sim/ Mỗi sim một sóng lời chim tiếng cò… Bên hoàng hôn, bên bình minh/ Một mồm nói dối hai mình bốn tai”. Tôi không nhịn được cười, nói với dị nhân: “Thơ thày đến Thánh cũng phải cười”. Thày bảo báu gì, rồi đọc: “Người trên thưởng một nhát cười/ Tặng vai mấy vỗ đồng thời đẩy đi/ Lĩnh cười chẳng biết làm gì/ Gắn vào răng cửa phòng khi… khó cười”. Mấy câu thơ này thày vừa đọc xong, tự nhiên tôi im tịt. Không phải vì không buồn cười mà thấm thía quá, sâu sắc quá.
Đợi lúc quán vắng khách, Văn Thùy rủ: “ Đi dạo phố ông đồ để xem không khí”. Tôi đứng lên, nhưng đợi mãi cứ thấy thầy lúi húi trong đống bùng nhùng sau lưng. Một lúc lôi ra bộ máy ảnh ba chân mới khựng. “Oách quá! ở đâu ra thế thày ơi?”. “Ối dào, bạn nó cho. Đây, có đứa còn cho cả cái đồng hồ đây”. Tôi nhìn vào cổ tay gầy guộc cóc cáy. Ôi chao, chiếc đồng hồ mạ vàng hình như có cả hột soàn, sáng choang lóng lánh. Cổ tay ấy vác máy đi trước tôi. Mấy thày đồ trẻ reo lên: “Quả kính choáng quá, em mượn đeo thử”. Một thày đồ khác trêu: “Hôm nay cụ trẻ quá, quần bò, áo đỏ chim cò đóng sơ vin”. Tôi nhìn kỹ. Đúng là Văn Thùy dị biệt từ đầu đến chân. Tóc trùng ngang vai mà đội bê rê kiểu Pháp, mặt dài mà đeo kính tròn đen kiểu kính vua Càn Long bên Tàu, để râu mà áo đỏ quần bò sơ vin như thể cao bồi Châu Nam Mĩ, chân còn đi dép dọ nhựa của những năm 80 thế kỷ trước.. đang nghĩ vẩn vơ: sao người như thế mà thơ như thế, chợt thày bảo: “Hai anh em đứng đây chụp ảnh lấy không khí phố thày đồ”. Nhưng chụp thế nào? Chưa hỏi xong đã thấy cái máy xòe 3 chân đứng phía xa trước mặt. Rồi thày giơ chiếc điều khiển từ xa bấm một nhát. Á à, hiện đại quá. Công nhận ai đó hoặc mẹ nào đó biếu thày chiếc máy này quả là có giá trị. Tuy nhiên chụp thì chụp thôi, tôi biết đến đời mọt thất cũng chẳng moi được ảnh từ cái máy ấy ra vì thày bảo: “Bao giờ thằng con nó rỗi nó đổ ảnh ra giúp rồi sẽ mang đi in”. Lúc đó đã gần trưa, thày còn bảo: “Để mình đi mượn cái đàn hát cho nghe”. Ối chao lạy hồn! đã giỏi thơ, giỏi thư pháp lại còn giỏi đàn hát nữa thì… tôi phải chuồn chuồn nhanh. Và may quá, không mượn được đàn. Chia tay ra về, tôi được Thày đồ Quốc ngữ tặng cho 2 cuốn thơ và viết cho tờ thư pháp bằng thơ của mình. Lãi ơi là lãi.
Tối nay, đang ăn cơm lại có máy reo: “Này, cái câu Khác nhau có sắc hoa đào trong tim được nhiều người mua lắm nhá. Viết đến đâu hết veo đến đấy. Cả ngày hôm nay bán được tiền bằng cả năm trời”. Tôi bảo: “Tại có người đẹp mở hàng đấy”. Thày cười khành khạch: “ Đừng mơ, xuân sắc có thì/ dăm lần tã lót còn gì là em/ Em giờ hạn mức lọ lem/ Thờn bơn méo miệng chẳng thèm ngó đâu”
Mồng 1 Tết Quý Tị - 2013
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai