Câu chuyện về ấp Đá Biên thật cảm động. Hàng trăm chiến sĩ miền Bắc “măng tơ”, ( Những chàng lính trẻ măng tơ- Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi- thơ Tố Hữu), hầu hết là sinh viên ngành xây dựng, hy sinh trong rừng tràm trong một trận đánh ác liệt, vào năm 1973, năm Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam. Suốt bao nhiêu năm ấy chỉ có một người nông dân, anh Tư Tờ, tự mình dựng cái miếu thờ anh em chiến sĩ. Bền bỉ suốt mấy chục năm trời hương đèn cho các anh.
Tôi chợt nghĩ, ai là người chỉ huy các chiến sĩ “ măng tơ” hôm ấy. Họ con sống hay hy sinh cùng anh em, nếu còn sống, có chịu một hình thức kỷ luật nào không? Được biết các anh thuộc biên chế của Quân Khu 8 ( quân khu vùng ĐBSCL), tức là lính chủ lực quân khu.Tôi nghĩ, việc một trận đánh ta hy sinh như thế không thể cấp chỉ huy không biết, thậm chí là phải biết chi tiết để rút kinh nghiệm. Biết rồi quên, hay là không biết? Hay vì lý do khách quan nào để đến hôm nay, câu chuyện ấy mới được một chiến sĩ đồng đội nhớ lại. Và may mắn là ngân hàng ViettinBank đã tài trợ nhiều tỷ đồng cùng với bà con địa phương Long An xây Nhà tường niệm hương đèn cho các anh., thay thế cái miếu thờ xiêu vẹo của anh Tư Tờ. Một kết thúc có hậu. Tối có hỏi một cán bộ bảo tàng Long an, trước đó ta đã dựng “ Bia tưởng niệm” ở đó chưa. Câu trả lời là chưa. Anh em bảo tàng cũng không biết câu chuyện ở ấp Đá Biên.
Sau năm 1973, tức là sau khi Hiệp định Paris được ký, tình hình chiến trường ở khu vực ĐBSCL đã “ dễ thở” nhiều lắm.. Vậy mà sao lại có thể có một trận đánh ta hy sinh tức tưởi như thế. Có vẻ đây là một cuộc chuyển quân hơn là một cuộc hành quân tác chiến. Phải chăng tình hình chiến trường bớt ác liệt đã làm các cấp chỉ huy chủ quan. Lúc ấy đang là mùa mưa. Công tác tổ chức hành quân như thế nào? Ừ thì đi lạc. Chuyện ấy có thể xảy ra trong chiến tranh. Nhưng tình huống ấy đã được các vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm chiến trường vùng ĐBSCL lường trước chưa? Việc quan hệ với bộ đội địa phương được chuẩn bị ra sao? Hy sinh như ở Đá Biên thật đau xót.
Câu chuyện ở ấp Đá Biên cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi từ Hải Phòng vào Long An từ năm 1968, năm chiến tranh vô cùng ác liệt. Ấp Đá Biên (của huyện Thạnh Hóa) lúc ấy thuộc tỉnh Kiến Tường, sau Hòa Bình mới nhập vào Long An, cho tới nay. Lúc ấy hai tỉnh Long An và Kiến Tường đều thuộc Quân khu 8, sau hòa bình Long An, gồm cả Kiến Tường, lại thuộc về Quân Khu 7. Có phải chính sự chia tách này là nguyên nhân khách quan dẫn tới thất lạc hồ sơ vụ hàng trăm chiến sĩ ta hy sinh không? Việc bàn giao sổ sách diễn ra như thế nào?Dù sao thì cũng là một chuyện buồn. Khoảng năm 1991, hài cốt liệt sĩ trong rừng tràm Đá Biên được Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện quy tập đưa về nghĩa trang huyện. Tiếc rằng mối quan hệ giữa phòng LĐTBXH và phòng Văn hóa Thông tin lúc ấy không có “phối kết hợp” sao đó nên đã không dựng được ở đó một tấm Bia tưởng niệm, để cho mãi đến hôm nay.
Lại nghĩ đến anh Tư Tờ mà cảm động. Anh thật nhân nghĩa. Anh vái xin các linh hồn liệt sĩ phò hộ, và khi được “ các liệt sĩ phò hộ “ thì anh không quên cái ơn ấy, lặng lẽ dựng miếu nhang đèn cho các anh. Bên bỉ hơn ba mươi năm.
Đài Truyền hình Long An có đưa tin lễ khánh thành Nhà tưởng niệm được gọi là Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 ở ấp Đá Biên. Cũng hôm đó UBND tỉnh Long an trao cho địa phương bằng công nhận Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 là di tích cấp tỉnh. Buổi lễ có đầy đủ quan khách. Đông và hoành tráng. Trên hàng ghế VIP tôi thấy có nhiều vị lãnh đạo của tỉnh Long An, có cả tướng Hữu Ước, tổng biên tập của nhiều tờ báo ngành công an. Tiếc là không thấy chủ trang Web trannhuong.com trên hàng ghế VIP. Tôi nghĩ có lẽ lúc ấy ông đang bận chụp ảnh cái miếu thờ xiêu vẹo ông Tư Tờ. Trên trang Web trannhuong.com tôi đã nhìn thấy ảnh cái miếu thờ xiêu vẹo ấy. Và cả bức ảnh chụp ông Trần Nhương với ông Tư Tờ bên cạnh cái miếu ấy. Hai bức ảnh ấy làm tôi cảm động./.
Ảnh: Ông Tư Tờ (bên trái) và Trần Nhương