Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Con mẹ ở miền Nam

Hiền Lương
Thứ bẩy ngày 17 tháng 11 năm 2012 6:02 PM

     Kính viếng hương hồn các Liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc!
     Kính tặng gia đình của những người con mãi mãi không về!
     Cảm ơn Ban Liên lạc Bạn chiến đấu – CCB E207 – QK8! Và CCB C2  D74 F304B

Tôi ám ảnh mãi gương mặt hai người Mẹ ấy, trong một buổi sáng cuối Thu Hà Nội, trời lất phất mưa bay, và cái rét đầu mùa làm xanh xao đường phố.

Hẹn nhau từ trước, 8h30 sáng Chủ nhật, ngày 11 tháng 11 năm 2012, anh Ngọc Lịch (CCB 304B, cựu Sinh viên ĐHXD, là bạn cùng nhập ngũ với rất nhiều Liệt sĩ của E 207 đã hi sinh ở Rạch Đá Biên) đến Mĩ Đình đón tôi lên Trần Cao Vân, là khu phố nhà anh Tế, nơi tập kết của các anh “Bốn mươi năm một thuở Binh nhì” ( họ là những cựu sinh viên, cựu giáo viên ĐHXD, và nhiều người là CCB của E207, nhập ngũ cùng đợt với các Liệt sĩ), đây là nơi khởi đầu của chuyến đi thăm nhà các Liệt sĩ E 207 tại Hà Nội, số gia đình Liệt sĩ ít ỏi mà hiện nay các anh có thể tìm và liên hệ được. Điều đặc biệt là cả ba Liệt sĩ đều hi sinh trong trận đánh ngày 3 tháng 10 năm 1973 tại rừng Tràm Đá Biên, Thạnh Phước, Thạnh Hóa, Long An.

Thời gian còn sớm, mà anh Nghiêm lại hẹn 10h, thế là lịch trình thay đổi.

Chúng tôi đến nhà em trai Liệt sĩ Nguyễn Mạnh Sơn trước. Căn nhà nhỏ xinh trong ngõ nhỏ xinh, ngoằn ngoèo đôi ba lối rẽ rất đặc trưng Hà Nội. Em dâu của anh đón tận ngoài ngõ. Em gái Phương Thảo của ANH  đi sân bay Nội Bài chưa về kịp. Cảm giác gì cứ đè nặng trong lòng. Nhìn hình anh Sơn treo trên tường bên cạnh ban Thờ, tưởng như thời gian vẫn là Bốn mươi năm ấy, khi ANH và những người anh đang thắp nhang cho ANH bây giờ đang độ tuổi 18, hồn nhiên và phơi phới những ước mơ đẹp nhất trong Đời. Anh rất đẹp trai, vẻ đẹp cổ điển và lịch lãm của người trai Hà Nội, với mái tóc xanh mượt, hơi lượn sóng, đôi mắt đen láy và nhiều mộng mơ sâu lắng…
Mấy anh bạn cùng thuở Bốn mươi năm Binh nhì của ANH, từng một thời trận mạc, không ủy mị như tôi, sau giây phút ngậm ngùi thắp nhang và nhắn gửi tới anh những lời tha thiết nhất của bạn bè, họ bắt đầu sôi nổi “ôn” lại những ngày tháng cùng chung tiểu đội. Anh Đắc Bằng kể rằng: “thằng Sơn nó hiền lắm, ít nói, nhưng giỏi ngoại giao…có lẽ vì nó đẹp trai….từng đi bộ 5km đổi được một giỏ đầy ắp Xôi nóng cho bọn anh ăn đấy!”…Chao ôi! Những người lính thuở ấy! “ Đói cơm và thiếu áo, vì non sông lên đường”. Nghe các anh kể về người đã khuất, dù các anh cười nói xôn xao, vẫn có gì đó nghẹn ngào lắm!

Rời nhà anh Mạnh Sơn, cả đoàn đến nhà anh Tế! Một ngôi nhà tràn ngập sự trang nghiêm, trang trọng đón chúng tôi. Cả gia đình tập trung ở phòng khách. Bố mẹ ANH đã già yếu nhiều rồi, nhưng trong cái rét đầu mùa, hai cụ vẫn nghiêm ngắn ngồi đó tiếp chúng tôi, rất đúng cốt cách của người Hà Nội gốc.
Trên ban thờ, trước hình ANH là những bông hồng trắng tinh khôi. Các anh trai và em gái của ANH tinh tế lắm. Từ trên khung hình, vẫn ánh mắt ANH, ánh mắt tôi đã bao lần nhìn trên wb207, đượm buồn, nỗi buồn u uẩn của người trai thời Đất nước li tao.
  Anh Ngọc Lịch lại rưng rưng kể: Thằng Tế nó yếu, chân nó không bình thường, khi nằm hay khi ngồi đều vất vả….nhưng hay hát lắm, lãng mạn và yêu đời…
  Tôi nhìn sang anh Nghiêm, anh trai anh Tế, thấy mắt anh ngấn lệ.
  Mẹ ANH ngồi đó, mắt nhìn đâu xa xăm lắm. Và tự nhiên nói rất khẽ một điều gì. Tôi nghe: “Bạn bè thằng Tế về chơi đông vui thế, sao anh con cứ ngồi rũ rượi thế kia?”.
Em gái út của ANH bắt đầu khe khẽ khóc khiến tôi nao lòng, và chị ấy cứ thế khóc mãi đến tận khi tiễn chúng tôi ra về.
  Nhìn đăm đắm vào tấm hình con trai,  Mẹ có lẽ chẳng thể nào hình dung được nơi ấy Anh nằm lại, Mẹ chỉ biết nơi ấy là Miền Nam…Chắc với Mẹ, Miền Nam bây giờ vẫn là Miền Nam ngày ấy, ngày Anh ra đi rồi ở lại, chẳng bao giờ về với Mẹ Cha. Miền Nam trong suy tư của Mẹ chắc hẳn bây giờ vẫn ầm ào đạn bom, mịt mù lửa cháy, là đói rét gian lao, là hiểm nguy rình rập…là tất cả những ngóng trông khắc khoải, là…con Mẹ mãi vẫn chưa về…Ôi, nếu Mẹ nhìn thấy sóng nước Đá Biên hẳn Mẹ còn đau lòng biết mấy! Hình ảnh Mẹ ngồi nhìn các bạn con tóc đã phong sương đến chơi, lại nhìn hình con trên tường mà thương nhớ cứ như ANH vẫn còn tuổi 18 năm nào khiến tôi bị ám ảnh vô cùng.

Cuối cùng chúng tôi đến nhà Liệt sĩ Huyền. Kể từ ngày ANH lên đường làm người chiến sĩ Giải phóng quân, nhà ANH đã chuyển khỏi địa chỉ cũ, thời gian trôi qua đã khá lâu rồi, tôi không hiểu bằng cách nào mà các bạn “thuở Binh nhì” của ANH lại lần mò tìm được nhà em trai ANH để báo tin về nơi ANH ngã xuống, và ngày Giỗ chung năm nay ở Bắc Bỏ, em trai anh Huyền đã đưa cả con gái vào dự. Hôm nay nghe tin chúng tôi đến thăm, em trai ANH đã đón mẹ ANH đến. Mẹ anh Huyền cũng đã yếu lắm rồi, Mẹ đau chân không ngồi dưới nền như chúng tôi được ( nhà em trai anh Huyền dùng bàn Trà kiểu thấp ), nên các anh mời Mẹ ngồi trên một chiếc ghế tựa chân cao. Khi chúng tôi lên thắp nhang cho anh Huyền thì Mẹ phải ngồi lại. Và tôi nghĩ có lẽ Mẹ ít khi thắp nhang cho ANH được, bởi tuổi Mẹ đã cao, khi đi lại cũng rất khó khăn rồi! Các bạn ANH đưa cho mẹ ANH xem bức hình Khu tưởng niệm Liệt sĩ E207 vừa khánh thành ở Đá Biên in trên một tờ báo, rồi nói với Mẹ rằng: Mẹ nhìn đây nhé! Thằng Huyền với bạn bè nó bây giờ có nhà to đẹp lắm…rộng thênh thênh, đông vui lắm, mẹ có biết nó ở đâu ko?
Ở Miền Nam – Mẹ nói chắc như đinh đóng cột…
Ở Miền Nam! Cái miền đất rộng mênh mông chiến địa ấy của ngày xưa, có biết bao địa danh mà các ANH ngã xuống…Nhưng với Mẹ, chỉ biết rằng nơi ấy là Miền Nam. Mẹ nói giản dị vậy thôi mà chứa đựng trong đó biết bao nỗi niềm đau đáu gói tròn 40 năm và cả một đời Mẹ, về một nơi rất xa và trừu tượng, nơi con Mẹ đã nằm lại không về. Tất cả những người mẹ có con ra chiến trường ngày ấy đều in sâu trong lòng hai tiếng Miền Nam. Tất cả những gia đình có người thân ra chiến trường ngày ấy đều in sâu hai tiếng Miền Nam trong lòng. Ở nơi ấy chẳng ai mường tượng được, nhưng nơi ấy bỗng thành máu thịt của bà con ngoài Bắc, bởi nơi ấy những người thân của họ đang chiến đấu diệt thù cứu nước. Bây giờ, đã 40 năm trôi qua, hai người Mẹ chúng tôi gặp hôm nay, ở cái tuổi nhiều khi không còn nhớ những chuyện mới xảy ra, nhưng vẫn còn nhớ thương Miền Nam như Miền Nam ngày ấy, Miền Nam của 40 năm các ANH ngã xuống…

Trời vẫn mưa nhè nhẹ khi chúng tôi ra về. Lòng nặng trĩu ám ảnh về gương mặt phúc hậu và đăm đắm nhớ thương về một nơi xa lắm của hai người Mẹ Liệt sĩ, mặc mưa, mặc gió, mặc tuổi già sức yếu, các Mẹ mặc nhiên như các ANH vẫn trẻ, vẫn tươi xanh đứng trước hiên nhà!

                                                Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2012.