Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhớ lại nhận xét của một chuyên gia nước ngoài về người Việt Nam

Lê Vinh Quốc
Thứ tư ngày 14 tháng 11 năm 2012 5:13 AM


Cách nay hơn một con giáp, có lẽ là vào năm 1998, một tờ báo lớn xuất bản ở TP. Hồ Chí Minh đăng nhận xét về người Việt Nam của một chuyên gia nước ngoài, thuộc một tổ chức quốc tế công tác tại nước ta. Tôi không nhớ tên vị chuyên gia đó, cũng không nhớ ông là người nước nào, nhưng lời lẽ của ông thì tôi nhớ mãi, gần như đã thuộc lòng. Tôi xin mạnh dạn dùng dấu ngoặc kép để viết lại lời nhận xét đó:
 “ Người Việt Nam rất tài giỏi, họ có thể làm gì cũng được. Nhưng họ không làm được một việc gì cho thật hoàn hảo. Họ thường nói ‘căn bản hoàn thành’, nhưng họ không biết rằng, với một công việc đã hoàn thành 99%, thì tai họa sẽ phát sinh từ 1% còn lại đó.”
  Sự tài giỏi của người Viêt Nam thì đã rõ, đồng bào ta luôn tự hào về phẩm chất này của mình, và người nước ngoài cũng phải thừa nhận, vì có rất nhiều trường hợp để chứng minh cho tài năng của người Việt. Nhờ đó, chúng ta cũng có những sản phẩm hoàn hảo, chẳng hạn như những gì được tặng danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cũng như nhiều giải thưởng quốc tế. Nhưng điều cần quan tâm chính là ở nhận xét về một  nhược điểm rất nặng: “ Không làm được một việc gì cho thật hoàn hảo”. Sự thật có đúng như vậy không? Câu trả lời phải được đưa ra từ thực tế. 
 
1. Trong lúc thưởng thức các tác phẩm văn học- nghệ thuật Việt Nam, rất hiếm khi độc giả hay khán thính giả được tận hưởng khoái cảm về cái đẹp hoàn hảo. Rõ nhất là với phim truyện, người ta luôn gặp phải những “hạt sạn” khiến cho đa số khán giả không thể kiên nhẫn ngồi xem đến cùng. Trong một lĩnh vực thâm nghiêm như giáo dục, tưởng chừng  mọi sự đều phải hoàn hảo, nhưng thực tế không phải vậy. Chưa nói đến các vấn đề trừu tượng và cao siêu như chương trình học hay chất lượng dạy học qua các văn bằng, chỉ cần đọc các cuốn sách giáo khoa phổ thông với một trình độ chuyên môn vừa phải là có thể phát hiện hàng loạt sai sót tai hại. Đề thi luôn được soạn thảo kỹ lưỡng và bảo quản nghiêm mật, ấy vậy mà những đề tồn tại ít nhiều sai sót không phải là hiếm, và chuyện lộ đề để phải tổ chức thi lại cũng chẳng phải là những trường hợp cá biệt. Còn gì cần chặt chẽ và chính xác hơn pháp luật? Vậy mà luật pháp nước ta luôn bộc lộ những lỗ hổng để có thể “lách luật”, giúp cho không ít tội phạm thoát khỏi sự trừng phạt của công lý, nhưng lại khiến một số người lương thiện bị đi tù, có khi còn phải lãnh án tử hình! Thiên chức trị bệnh cứu người của ngành y tế đòi hỏi các bác sĩ phải hướng tới sự hoàn hảo và chính xác tuyệt đối. Nhưng ở nước ta, những trường hợp sai sót và bất cập trong điều trị thường xuyên diễn ra. Vì thế, mặc dù trình độ chuyên môn của các bệnh viện Việt Nam không thua kém bao nhiêu, nhiều bệnh nhân vẫn sẵn sàng chấp nhận tốn kém để ra nước ngoài điều trị.
 
2. Trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, không kể những hàng giả, hàng dỏm hàng nhái mà bọn bất lương làm ra để kiếm tiền bất chính, số sản phẩm chính hiệu khiến khách hàng yên tâm, hài lòng và thỏa mãn với thị hiếu của mình chỉ có rất ít. Khi chọn mua một thứ thực phẩm đang bày bán trên thị trường, người tiêu dùng luôn phải tự hỏi: “ dùng cái này liệu có bổ dưỡng thật không, hay sẽ bị nhiễm độc”. Khi có những loại thực phẩm được đem đi xét nghiệm, thì đa số chúng luôn có kết quả “không đạt yêu cầu”. Mua được một sản phẩm may mặc ưng ý của Việt Nam, người tiêu dùng cần sẵn sàng sửa chữa nó khi khuy nút bị bung ra hoặc dây kéo có vấn đề. Để mua được hàng kim khí điện máy giá rẻ, người tiêu dùng chọn mặt hàng “made in Vietnam” và phải lường trước rằng đến một lúc nào đó nó sẽ hỏng hóc ở một chi tiết bất kỳ. Cùng một nhãn hiệu xe máy của hãng Honda, nhưng khách hàng vẫn chuộng loại được sản xuất tại Nhật Bản, rồi đến loại được xuất xưởng ở Thái Lan. Còn những xe được lắp ráp tại nước ta thì không được tín nhiệm bằng, vì người tiêu dùng Việt Nam, mặc dù rất yêu nước, đã có kinh nghiệm về các sản phẩm do đồng bào mình sản xuất. Hệ thống máy rút tiền qua thẻ ngân hàng ATM của Việt Nam hiện nay chẳng khác gì hệ thống đó ở các nước tiên tiến. Nhưng khi đưa thẻ vào máy rút tiền ở nước ta, quý khách hàng luôn phải đề phòng nguy cơ bị điện giật. Các cột đèn trong thành phố Việt Nam cũng giống như ở nước ngoài. Nhưng khi đường phố bị ngập nước trong những cơn mưa lớn, thì sự khác biệt ở nước ta đã xuất hiện: một số khách bộ hành hoặc người đi xe đã mất mạng khi đến gần cột đèn vì có điện rò rỉ. Những chiếc đồng hồ tháp thường nổi bật trong quang cảnh đô thị ở các nước. Nhưng chỉ riêng Việt Nam mới có loại đồng hồ 4 mặt chỉ 4 giờ khác nhau ở một múi giờ trong cùng một thời điểm.
 
 3. Hàng loạt công trình xây dựng ở nước ta có thể xếp vào loại “căn bản hoàn thành”. Nhiều trường học xây xong, nhưng khu vực vệ sinh của chúng không tương xứng với nhu cầu sử dụng hoặc quá tồi tệ, khiến cho học sinh luôn bị căng thẳng khi phải hạn chế tối đa hoạt động bài tiết của cơ thể. Những ai mua được căn hộ cao cấp trong các cao ốc hiện đại đừng vội mừng rằng mình sẽ được hưởng ngay mọi tiện nghi xứng đáng với số tiền đã bỏ ra. Sau khi “chìa khóa trao tay”, rất nhiều chủ các căn hộ hiện đại đó đã phải chi thêm tiền để sửa chữa hệ thống điện nước và những trang thiết bị khác, kể cả việc lát lại sàn nhà . Rất nhiều công trình vừa mới khánh thành đã bị nứt lún hay phát sinh những lỗi kỹ thuật khác, kể cả những hạng mục tầm cỡ như Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.
 Nhưng gây ấn tượng mạnh nhất phải kể đến các công trình thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Các đường cao tốc mới xây dựng của ta không thua kém bao nhiêu so với những đường cùng loại ở nước ngoài. Nhưng mới đưa vào sử dụng chẳng bao lâu thì tốc độ lưu thông xe cộ trên đường không còn cao như dự kiến, vì có sự xuất hiện bất ngờ của hàng loạt ổ gà với cả ổ voi. Cầu mới Thăng Long bắc qua sông Hồng còn hùng vĩ hơn cầu cũ Long Biên danh tiếng. Nhưng nếu như cây cầu cũ do người Pháp làm đứng sừng sững hàng trăm năm không suy suyển (và chỉ bị gãy vì trúng bom Mỹ trong chiến tranh), thì cầu mới do ta xây dựng trong hòa bình luôn xuất hiện những vết nứt khó hiểu, phải dặm vá nhiều lần. Cũng bắc qua sông Hồng, cây cầu Vĩnh Tuy “rộng nhất Việt Nam” mới khánh thành tháng 9- 2009, đến tháng 4-2012 đã xuống cấp với những khe nứt và mặt cầu hư hỏng từng đoạn dài phải sửa chữa gấp; cây cầu mới Thanh Trì cũng trong tình trạng tương tự. Đường phố tại các đô thị lớn nhất nước ta không chỉ có các ổ gà và nhiều sự gồ ghề khác, mà còn có cả những “hố tử thần” sẵn sàng nuốt chửng xe máy và cả xe hơi. Vỉa hè cũng không được bền lâu, với rất nhiều chỗ phải bóc ra để lát lại gạch, làm đi làm lại nhiều lần mà vẫn chưa ổn. Các sân bay quốc tế của Việt Nam cũng hoành tráng và hiện đại như các phi trường của nước ngoài. Tuy nhiên, một số sân bay của ta lại bị dột, phải lấy thùng ra hứng nước mưa ngay trong những đại sảnh sang trọng; nhiều nơi còn thiếu cả hệ thống đèn chiếu sáng đường băng, một công cụ liên quan đến sinh mạng của biết bao nhiêu người, khiến cho dư luận phải than rằng “đã tậu được trâu nhưng không mua nổi dây thừng (để buộc nó)”(!). Tại cuộc Hội nghị Tổng kết của Bộ Giao thông-Vận tải ngay đầu năm mới 2012, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải thốt lên rằng: “Tôi đi kiểm tra 5-6 công trình, thì  ở đâu cũng có vấn đề!”.
 Công trình lớn được dư luận quan tâm nhiều nhất tính đến tháng 4-2012 thuộc về nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Công trình này mới khánh thành đầu năm 2011 thì đến tháng 3-2012 đập nước chính của nó đã bị nứt nẻ nhiều chỗ, khiến lượng nước dự trữ khổng lồ chảy mạnh qua các khe nứt, báo hiệu một nguy cơ vỡ đập mặc dù cơ quan hữu trách đang ra sức hàn gắn.

 4. Đã mười mấy năm trôi qua kể từ khi nhận xét của vị chuyên gia nước ngoài nêu trên được đăng tải. Danh mục thống kê về những sản phẩm “căn bản hoàn thành mà để dành 1% cho tai họa” của tôi ngày càng dày đặc dữ liệu mà không hề có dấu hiệu giảm bớt. Vì vậy, tôi phải cay đắng mà thừa nhận rằng nhận xét đó hoàn toàn chính xác về một nhược điểm đã trở thành đặc tính của dân ta. Đặc tính ấy đã góp phần quan trọng trong việc giải thích tại sao dân ta tài trí và thông minh như vậy, mà nước ta phấn đấu mãi mới đạt tới ngưỡng của một quốc gia đang phát triển ở trình độ trung bình.
 Trân trọng cảm ơn vị chuyên gia ngoại quốc đã chỉ ra đặc tính ấy của người Việt, giúp chúng tôi biết mình phải làm gì để nâng cao trình độ dân trí, nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

                                                                                                   Lê Vinh Quốc