Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Từ "Bích Câu thơ 1" đến "Bích Câu thơ 2" nhành thơ vươn cành nảy lộc

Bùi Thị Sơn
Thứ sáu ngày 5 tháng 10 năm 2012 5:09 AM

Nâng niu trên tay cuốn “ Bích Câu Thơ 2” còn thơm mùi mực mới (Nhà xuất bản Hội Nhà văn quý 3/2912), lòng tôi trào dâng một niềm vui khôn tả…
Tròn 3 năm từ ngày ra tập “Bích Câu Thơ 1”- “Lẵng hoa chung đầu mùa” của 10 tác giả, hôm nay “Bích Câu Thơ 2” với hơn 300 trang dày dặn là tập hợp thơ của các thành viên xa gần,  4  thành viên cũ và 6 tác giả là những người bạn thân thiết của  Bích Câu Thi Quán.
Từ 10 “Tiên lão sông Tô” trên dưới tuổi “xưa nay hiếm” ở giữa lòng “Trái tim của Tổ quốc”, bây giờ Bích Câu đã có 18 thành viên nam nữ  từ Thủ đô Hà Nội tỏa đi muôn nơi( Lai Châu, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, cộng hòa Séc, CHLB Đức). Tuy lứa tuổi, ngành nghề khác nhau nhưng điểm gặp gỡ chung nhất ở họ là tình yêu tha thiết đối với quê hương đất nước, yêu người, yêu thơ , yêu Bích Câu Thi Quán…
Lần giở từng trang sách, tôi vui sướng đến nghẹn ngào trước sự hiện diện đủ đầy  10 gương mặt “Tiên lão sông Tô”.
Đây rồi! Bác sĩ y khoa Đinh Nhật Hạnh (sinh năm 1929) với những vần thơ suy tư, trăn trở:
…   “ Hành tinh xanh
Đang tự mình hủy diệt
Mắt trăng lạnh chứa đâu hết cả tinh cầu hoảng hốt
Sao Hỏa còn xa ! 
Sa mạc- hóa gần
Hù dọa hổ đen ma quái rập rình
Những thiên thạch nhỏ to đang trên đường công phá…”
(Thao thức khúc Giao thừa)

             Bác Phạm Công Trợ- vị Chuyên viên cấp Bộ một thời giờ đã ở tuổi 83 vẫn đau đáu khôn nguôi trước nhân tình thế thái “ lẫn lộn trắng đen”, “ngổn ngang trong đục”:
“Trước ngõ lá vàng rơi xào xạc
Lưng trời mây trắng lững lờ trôi”
(Đêm thu buồn)
              Những chiếc lá rơi thật trong đêm thu buồn hay dự cảm se thắt sự ra đi của một lớp người đã một đời sống hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà vẫn canh cánh lo con cháu có giữ gìn và phát triển ?
Và đây là một bài thơ  Hai- kư của bác sĩ y khoa Phạm Công Hộ(sinh năm 1937):
“ Bà già tám mươi
Mang rác đổ đúng nơi quy định
Cô gái cười khúc khích”
(Chùm thơ Hai- kư)
                Bài thơ rất ngắn, cấu trúc chặt chẽ, bằng nghệ thuật tương phản đã  phản ánh sắc nét hai thái độ, hai cách cư xử không chỉ riêng với việc đổ rác! Lớp trẻ hội nhập để phát triển, nhưng không thể quay lưng nhạo báng những hành vi chuẩn mực đạo  đức của lớp người đi trước. 
                Không! Mặc dù ở đây ở đó, lúc này lúc khác có những người đua đòi lai căng  kệch cỡm nhưng những giá trị văn  hoá truyền thống, nhân bản  của dân tộc ta vẫn mãi trường tồn :
“Em mang trang phục tân thời
Dáng đi uyển chuyển nụ cười nên duyên
…Hôm rồi làng mở  hội Lim
Bao nhiêu con mắt đổ tìm giọng ca
Tứ thân áo thắm thướt tha
Đầu khăn mỏ quạ em ra mời trầu
Xa xăm núi biếc rừng sâu
Hoa văn thổ cẩm rực màu thêu ren
Nuột nà đàn tính hát then
Say tình vũ khúc nhịp khèn Hmông
(Cô gái Việt- Bác sĩ Y khoa Phạm Sán sinh năm 1938 )
              Viết về “Cô gái Việt” mà tác giả dùng thể thơ dân tộc với những từ ngữ, hình ảnh giản dị  như thế - thiết tưởng đó là sự lựa chọn không có gì phù hợp hơn!
              PGS- TS Y học Lê Đình Công ( sinh năm 1938) nâng niu trân trọng tấm mo cau khi còn trên cây thì “múa tặng người tình quê”, hứng nước mưa “om chè ngọt thơm”, khi rụng xuống thì mẹ đem làm chiếc gầu xinh:
“Gầu xinh em tắm trăng vàng
Để ai mắt dọc mày ngang rối bời
Mo cơm thơm nếp làng tôi
Quạt mo nghiêng gió ru lời dịu êm!...
Thế mà oan nghiệt đời em:
Phàm phu, tục tử ghét gièm phụ tôi
MO CAU đâu phải MẶT NGƯỜI
Mà ai nỡ gán nặng lời…
MẶT MO !”
(Nỗi niềm mo cau)
Đời  đôi khi phi lí như thế đấy!Tình ý tác giả gửi gắm trong bài thơ vượt xa tầm cái “mo cau”.       
Nhà báo Hoàng xuân Họa ( Hải Xuân, Phú Cát) sinh năm 1939- là một gương mặt thơ không thể trộn lẫn với bất kỳ ai. Cảm xúc chủ đạo trong thơ anh là  những cảm xúc, những suy tư về nhân tình thế thái, về số phận con người, thăng trầm của xã hội…những chất chứa ám ảnh bật lên thành thơ- mãnh liệt, nồng cháy. Ngoài yếu tố cảm xúc, thơ anh giàu chất trí tuệ (Thể hiện ở cấu tứ chung, những lập ý và suy tưởng, liên tưởng và cả ở những cảm xúc và hình ảnh cụ thể). Anh là một trong những người  thơ luôn tìm tòi, đổi mới cách biểu hiện trong thơ,  lao động nghệ thuật nghiêm túc và cần mẫn, không chấp nhận cái kiểu viết thơ ào ào vội vã như ăn gỏi mà cảm xúc nhàn nhạt, từ ngữ sáo mòn dù nghe có vẻ du dương, đèm đẹp… nhưng ai cũng na ná giống ai. Có thể có người cho rằng thơ anh chỉ giành cho những người có học vấn uyên thâm, những người thuộc tầng lớp trí thức chứ  chưa phù hợp với đông đảo mọi đối tượng trong xã hội; thơ anh khiến cho  những người bình dân đọc lên cứ thấy như bị đánh đố. Tôi xin không bình luận thêm về vấn đề này mà chỉ lựa ra một bài thơ của anh mà tôi tâm đắc để mỗi người tự cảm nhận. Bài thơ có nhan đề là  “TRÔI”:
“Dòng sông rỗng mang theo con đò rỗng
trôi về đâu cũng bến đáp không lời
bãi nổi- bãi bồi- bãi trôi- bãi cạn
nước chảy từ nguồn ăm ắp chẳng hề khơi
trái đất xoay tròn vành khâu nón lá
chiều pha mê nuốt ực tiếng chuông chùa
căng dây diều tô màu trời mụn vá
chành hồn bay gặm nhấm khúc ru mưa

trôi lọt thỏm giữa dòng đời nhung lụa
rao bán rao chí chóe chút mưu lừa
mưu cổ tích, trời ơi mưu cổ tích
tự gọt chuôi mình cắt khúc đong đưa
gặm niềm vui u xơ người bỏ mứa
nhung…nhung nhăng kí cóp mẩu dư thừa
đong dòng chảy dồn mây trôi về bến
ngã ba lầy thon thót trả ngày xưa !
Gió trinh nguyên nâng hồn sang ngày mới
Trôi…dòng trôi xuôi bến cũ giao mùa
Sông hối hả chảy về miền hối hả
Mây đan mây, thăm thẳm nét thêu thùa.”
Tôi đã quen đọc  những bài thơ tao nhã, nhẹ nhàng mà thâm trầm, sâu lắng  với những đề tài rất mô phạm của  Nhà giáo Nguyễn Bình( Lý Viễn Giao) sinh năm 1939  nên “hơi bị” ngạc nhiên  khi  đọc  một bài thơ mới sáng tác của anh có cái nhan đề mang hơi thở cuộc sống hiện đại : “Chát cùng em”. “Chát”- một động từ mới xuất hiện trong “Từ điển Tiếng Việt”-  chỉ sự trao đổi trực tiếp, những lời đối đáp dưới dạng văn bản thông qua mạng internet. Lớp trẻ yêu thơ bây giờ thích  giao lưu thơ – đặc biệt là thơ mang đề tài tình yêu trai gái- qua hình thức chát mặc dù có thể những người gặp trên mạng ảo chẳng bao giờ  gặp  nhau trong đời…Một cán bộ quản lí giáo dục mẫu mực đã về hưu “ bỗng dưng muốn”… chát? Mà lại “chát cùng em”. “Em” nào thơ hay văn giỏi đến mức khiến anh trở lại tuổi hồi xuân phơi phới?
  Đọc xong bài thơ, tôi mới reo lên một tiếng “A!” thích thú. “Em ”tác giả nhắc đến ở đây không phải một người con gái cụ thể nào. “Em”là một hình tượng nghệ thuật,  là sự phân thân của tác giả để tự hỏi, tự giãi bày  những suy tư trăn trở của mình về  mối quan hệ gắn bó, biện chứng giữa cái Đẹp với Thơ và Đời:
“-Anh ạ! Thơ anh hệt ly nước suối
Tìm kiếm hoài chút cay nhạt đắng phai
Chỉ thấy tan tan nơi đầu lưỡi
Sương loang loang kết đọng tháng năm dài
-Anh chẳng muốn thả vị đời đắng đót
Sủi ngầu lên theo mỗi nhịp vần gieo
Đâu phải dòng trôi trắng mầu chua xót
Trong lao xao sạch vắng mảnh tim nghèo !
-Dẫu đã ngoảnh đi ánh nhìn phía ấy
Giây phút ngược lòng đã thảnh thơi sao?
Mà biển ngát không hừng cơn sóng dậy
Và trời xanh không giông tố thét gào?
-Thả giọt nước trong về cùng biển cả
Có thấy biển khơi vơi bớt mặn mòi?
Một chấm lửa giữa trời đông buốt giá
Có ấm lòng cho những tảng băng trôi?
- Muốn uống thơ anh như ly rượu chắt
Mang cả ngọt ngào trộn với đắng cay
Môi thoáng chạm đã ửng hồng gương mặt
Từng giọt ngấm lòng, từng khúc ca say!
-Em hãy lắng sâu trong lời nước suối
Có thiếu gì đâu hương sắc ngọt ngào
Nhấm nháp nhâm nhi đến từng giọt cuối
Sẽ thấy mình say bay bổng thanh cao!
-Muốn ngắm thơ anh như một lẵng hồng
Lời yêu thương thơm nồng nàn hơi thở
Ngàn cánh mỏng ấp iu ru mắt nhớ
Biết mỉm cười âu yếm những ngày không
-Anh biết thơ anh chỉ là nhành hoa bưởi
Để ướp thơm từng khẩu mía ngọt lòng
Để gọi ngát tóc em dài suối tưới
Thao thức vườn đêm ủ ánh trăng mong !
Ca dao xưa có câu:
“Dã tràng se cát biển  Đông
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”
để chỉ những việc làm công phu vất vả ,miệt mài mà không có kết quả.
 Nhưng hôm nay, bác sĩ y khoa Nghiêm Xuân Đức ( sinh năm 1940) lại có một cái nhìn rất mới, cách đánh  giá rất mới về công lao và thành quả của Dã tràng khi đã có sự  cộng hưởng, chung sức, chung lòng:
“Dã tràng xe cát
Giữ lấy Biển Đông
Cứ ngày đêm kiên nhẫn
Dù biển động, gió giông…
…Khúc sóng Dã tràng vọng từ biển cả
Tràn lan cộng hưởng lòng người…”
(Khúc sóng Dã tràng)
Tác giả nói đến vấn đề mang tầm vóc quốc gia, lãnh thổ  bẵng hình tượng nghệ thuật giản dị gần gũi, thân thương nên dễ đi vào lòng người đọc.
Một trong những bài thơ trong tập “Bích Câu Thơ 2” cứ ám ảnh, day dứt mãi trong tôi  là bài “Bếp từ” của Tiến sĩ dược khoa Nguyễn Văn Đồng(sinh năm 1945):
“Mọi người vào bàn ăn
Nồi  lẩu nguội tanh thịt rau tôm cá…
Nút đun ấn nhanh
Nước reo
Nói cười rôm rả
Ngoài trời lạnh giá
Góc nhà bé đánh giầy
Dúm dó thân gầy
Đói lả
Nước sôi ùng ục
Bia rượu tràn dầy
“Dzô”
Lả lơi xì xụp
Trắng lạnh mặt bàn
Gía là bếp than
Tỏa lan hơi nóng
Bớt cóng góc nhà”
Bằng nghệ thuật tương phản, bài thơ vẽ lên một bức tranh sống động về hai cảnh trái ngược diễn ra ngay trong một nhà hàng ăn uống. Xã hội ngày càng văn minh hiện đại, bếp từ đã thay thế bếp than, nấu nhanh, gọn, sạch nhưng hơi ấm chỉ tụ về một điểm, không có sức lan tỏa như bếp than xưa cũ. “Bếp từ”- một hình ảnh ẩn dụ chứa đựng cái nhìn nhân văn sâu sắc : Phải chăng  ở nơi đây nơi đó, tình người tỉ lệ nghịch với sự văn minh tiên tiến?
Lương y Phùng Gia Viên (sinh năm 1953) với những vần thơ day dứt, trăn trở trước nhân tình thế thái, trước kiếp người sắc sắc không không:
“Hồ Tây- ta đến chốn này
Đẩy đưa  cuối nắng chén say ghế ngồi
Đá buồn nửa mặt lẻ đôi
Một chèo với một sương rơi khạo khờ
Ta ngồi nhấm cạn bầu thơ
Gặp Hồ Tây gặp ngẩn ngơ Dâm Đàm
Sâm cầm bay lánh kẻ tham
Còn thiêng hay đã hàm oan kiếp người
Lặng thinh chua chát tiếng cười
Thừa mưa nắng- rõ vàng mười thế gian
Chỉ còn một thoáng niết bàn
Cho người về với hồng hoang trốn tìm”
Hình ảnh thơ trong anh luôn  giàu sức gợi tả và biểu cảm.
Mười “Tiên lão sông Tô” trong “Bích CâuThơ 1” giờ chỉ còn 6 tác giả vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn, 4 tác giả hoặc do sức khỏe, hoặc do bận bịu công việc khác nên  tuy không tham gia CLB Bích Câu Thơ  nữa nhưng vẫn gửi bài  tham gia tập sách “Bích Câu Thơ 2 “. Sự hiện diện đầy đủ  của các bác, các anh trong tập thơ “Bích CâuThơ 2” làm ấm lòng người đọc. Kính chúc các bác, các anh luôn dồi dào sức khỏe, mãi là cây cao bóng cả tỏa mát đời con cháu và luôn có những bài thơ hay hướng  người đọc  vươn tới  những giá trị Chân-Thiện-Mĩ …
Bích Câu Thi Quán  hiện có 13 người sống ở Thủ Đô Hà Nôi,  sinh hoạt thường kỳ vào ngày 28 hàng tháng. Ngoài 6 thành viên cũ sau “Bích Câu Thơ 1”, 7 thành viên mới rất tích cực tham gia các hoạt động sáng tác, giao lưu…của CLB.
Cùng sinh năm 1939, bác sĩ Phạm Tư Lự và PGS.TS Hóa học Phan Văn Ninh là hai gương mặt thơ cao niên đã dậy lên trong tôi niềm lạc quan yêu đời, yêu người tha thiết.
Đến thăm  Bát Tràng, bác sĩ Phạm Tư Lự thả tâm hồn thi sĩ say sưa ngắm “ hình sông bóng núi”, “Ngư ông”, “Thị Nở”, “Chí Phèo”… trên lưng lọ lục bình, trên bát, chén, ấm chuyên…
“ Đi giữa quê Bát Tràng
Thấy lạc mình vào sứ”
(Lạc mình vào sứ)
Phải có một tấm lòng yêu  quê hương đất nước, yêu những giá trị tinh thần mang bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc đến độ nào mới có thể viết được câu thơ tưởng chừng giản đơn mà thấm sâu nghĩa tình máu thịt như thế !
PGS.Tiến sĩ Hóa  học Phan Văn Ninh   từ trẻ đã xa quê đi học đây đó, có lúc du học  tít phương trời Tây xa xôi, rồi mải miết với những công trình nghiên cứu Hóa học song trong lòng luôn  khắc khoải nhớ đến quê hương yêu dấu của mình:
“ Nam Xang đồng trắng nước trong
Mùa về sóng vỗ trập trùng lưng đê
Mỗi nhà ra một vó bè,
Mỗi làng ngang một  đảo tre bồng bềnh
Bốn bề biển nước  mông mênh ,
Thuyền ai chấp chới bên dòng Vũ Nương
Phương trời mờ ảo khói sương
Tha hương vời vợi nhớ thương quê nhà”
(Quê xưa)
Giọng thơ chân chất giản dị, hình ảnh quê hương hiện lên rõ  mồn một, sống động … cùng cảm xúc sâu lắng, dồn nén của tác giả  khiến tôi nhớ đến ca từ trong một ca khúc khá nổi tiếng:
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”…
Cùng sinh năm 1944, kỹ sư thủy lợi NguyễnTiến Đoàn-, nguyên phó chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, cử nhân luật Phạm Trung Trực và  Sĩ quan quân đội Nguyễn Hữu Xuân lại xuât hiện trong “Bích Câu Thơ 2” mỗi người một vẻ.
Tác giả Nguyễn Tiến Đoàn mê say nghề nghiệp của mình đến mức hầu như bài thơ nào của anh cũng có hình ảnh của dòng sông, con suối, ruộng đồng, nước non:
“Kênh mương dẫn nước sông về
Lúa đồng xanh tốt làng quê yên bình”
(Hải Dương quê mẹ)
“ Lúa đồng xanh tốt hoa ngô vẫy
Kênh mương thủy lợi nước dâng đầy”
(Về bản Trang)
“Ngàn năm Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội
Đất hùng thiêng hội tụ những dòng sông
Sông Đáy, sông Tô, sông Hồng, sông Đuống
Bồi đắp phù sa nuôi lúa nuôi hoa”
(Đánh thức những dòng sông”
Cử nhân luật Phạm Trung Trực  giành nhiều tình cảm sâu nặng khi viết về những người phụ nữ Việt Nam với những vẻ đẹp tâm hồn truyền thống. Anh thương người bà có những ngón chân không bình thường “ Ngón  khòng, ngón chõe, ngón da xù xì” tất tả  sớm khuya chợ búa nuôi cháu, nuôi con Thuở ấu thơ, anh từng nghẹn ngào thầm nói với bà-  lời nói ân tình của đứa cháu thơ dại, hiếu đễ:
-Bà ơi! Cháu chửa ngủ đâu
Bà đưa ngón chõe lấy dầu cháu xoa
Từ mai cháu bớt ăn quà
Cháu sẽ mua tất biếu bà xỏ chân
( Ngón chân bà)
Anh giành những vần thơ yêu thương, cung kính viết về người mẹ góa chồng từ năm hai mươi tám tuổi  đảm đang, hy sinh thầm lặng và bao dung, nhân hậu:
“Vai gầy gánh việc đàn ông
Con thuyền gẫy lái vượt dòng lũ trôi
Thế rồi mẹ ngoài tám mươi
Aó may còn mới cho người ăn xin
…Khi vui đen nhánh hàm răng
Lúc buồn nín lặng trong lòng thấy đâu”
(Mẹ tôi)
Những vần thơ viết về bà, về mẹ chân thành tha thiết khiến người đọc cứ rưng rưng…
Và nỗi thương cảm đến nao lòng với người  nữ Thanh niên xung phong đã để lại tuổi xuân phơi phới nơi mũi tên hòn đạn , khi trở về sống trong hòa bình thì đã quá lứa nhỡ thì:
“Hồi còn mười tám đôi mươi
Cái duyên của chị khối người cầu mong
Đường Trường Sơn chị xung phong
Bom dồn lép ngực, sốt rừng thâm môi
Ngày về tóc rụng trắng rồi
Chăn đơn, gối chiếc chưa mùi đàn ông”
( Nói với hòn Vọng phu)
  Là người chiến sĩ Thông tin, sau trở thành Sĩ quan quân đội, anh Nguyễn Hữu Xuân suốt đời gắn bó với binh nghiệp. Về hưu rồi, tình cảm gắn bó thân thương với những người cùng vào sinh ra tử vẫn canh cánh bên lòng:
“Đồng đội gặp gỡ hôm nay
Tình sâu nghĩa nặng vơi đầy tháng năm”
(Nhớ)
Tình quân dân thắm thiết cứ trở đi trở lại trong thơ anh:
“Tây Nguyên thời chinh chiến
Vằng vặc trăng đêm khuya
Dưới bóng cây  kơ nia
Ta- Mình chung  nậm rượu”
(Trăng và nỗi nhớ)
  Chiến tranh qua lâu rồi, nhưng nỗi đau da cam còn đó, day dứt lòng đồng đội- nỗi đau không chỉ của riêng ai :
“…Những đứa trẻ nằm im không cười nói
Bất động trên giường, quằn quại đớn đau
Cha mẹ sinh ra chúng biết gì đâu
Chất  độc da cam nhiễm vào người lính
Ra mặt trận nào ai toan tính
Ngày trở về có biệt thự, xe hơi
Biết nơi đâu máu chảy, xương rơi
Liệu khải hoàn có còn mình trong đó
Có những nỗi đau mấy ai thấu tỏ
Thế hệ này tiếp nối thế hệ kia
Chỉ mong sao đồng loại hãy sẻ chia
Để vơi đi nỗi đau người lính
…Nước mắt vẫn rơi , đã ba thế hệ
Chất độc da cam, người lính năm nào”
(Nỗi đau da cam)
Giọng thơ cứ nhỏ nhẹ, tâm tình mộc mạc thế mà thấm sâu trong lòng người đọc bởi những tình cảm cao đẹp của những anh bộ đội Cụ Hồ.
Tác giả Văn Trầm, sinh năm 1949, nguyên là Giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Giảng viên trường Cao đẳng và Đại học Sân khấu Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh  đã có 1 tập thơ và 1 tập truyện ngắn in riêng ở NXB Hội Nhà văn.
Anh quan niệm về việc làm thơ thật giản dị, như một nhu cầu tự thân, nhu cầu giãi bày tình cảm:
“Yêu người- tôi muốn làm thơ
Chẳng màng danh vọng, chẳng mơ tiền tài
Dám nào viết để răn ai
Viết cho mình để mốt mai ru mình
Lời ru ân nghĩa, an bình
Bằng tình yêu vẽ bức hình thế nhân”
(Làm thơ)
Anh  có một bài thơ tâm sự về nghề nghiệp Sân khấu- Điện ảnh của mình :
“… Bỏ sân khấu nhìn trời: đêm dày như lòng đất
Bỏ ảo tưởng  nhìn đời: Rặt những trớ trêu…
Đau khổ thì nhiều, hạnh phúc được bao nhiêu !
Thì thôi- Chẳng gì hơn
Ta tự hát ru lòng bằng âm thanh công việc
Bằng giao lưu ánh mặt trời kiến thức
Cần cả những tiếng cười  hài hước
Rất nhiều, rất nhiều…
Để lấp dần khoảng trống của tình yêu”
(Khi đấng nam nhi thất tình)
Đó là thái độ sống tích cực của người trí thức đã qua cái tuổi “ tri thiên mệnh”, biết vượt lên những điều ngang trái để sống một cuộc sống có ý nghĩa nhất- Người nhất !    
          Nhà thiết kế thời trang Thy Nhung (Bút danh: Bách Hợp) sinh năm 1972. Thơ chị  chủ yếu viết theo thể lục bát, phù hợp với tính cách  dịu dàng nữ tính của chị. Chị yêu hoa bách hợp- loài hoa mà chị đã mượn tên làm bút danh cho mình:
“ Đi đâu hỡi giọt nắng vàng
Đang mùa Bách hợp dịu dàng đơm bông
Về đây hong áo mây hồng
Để cho em mặc khoe cùng tháng Năm”
(Hoa bách hợp)
Chị giành tình yêu sâu nặng cho nghề thiết kế thời trang, tìm  đến những sắc màu bình dị  nơi Sa Pa xứ lạnh;  dạy bà con dân bản thêu thùa  theo mẫu mới:
“Bỏ quên tấp nập phố phường
Sắc màu thổ cẩm vấn vương mất rồi
Niềm vui trong trẻo tình người
Mang làn gió ấm rạng ngời cho nhau
Mảnh đời tơi tả nơi đâu
Đường kim mũi chỉ em khâu cho lành
Cổ tay đã buộc sợi lanh
Níu chân câu hát ngọt lành dân ca
Em thành cô giáo bản xa…”
(Niềm vui bản nhỏ)
Bích Câu Thi Quán  có 5 thành viên ở xa nhưng trước ngày 28 hàng tháng, vẫn đều đặn gửi bài về tham gia sinh hoạt CLB. Trong 5 thành viên đó, có  2 người đang ở xa Tổ quốc.
Nhà  thiết kế Thời trang  Bùi Nguyệt, sinh năm 1956, hiện sinh sống và viết tại Thành phố Chemnitz- CHLB Đức, là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Chemnitz. Tháng 8 năm 2012 , chị về thăm Tổ quốc và xuất bản liền 2 tập thơ “ Bến xa”  và “Hồn núi” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn).Lần đầu tiên chị  gặp các thành viên Bích Câu Thơ ngoài đời như tình cảm người con đi xa trở về bên mẹ hiền.Thơ chị  viết về nỗi nhớ thương  gia đình, quê hương, đất nước với tình cảm thiết tha, đằm thắm. Nhớ từ “lối cũ” thơm mùi “hoa sữa”: “Bồi hồi tiếng vạc đẫm trời khuya”(Đêm thu) nhớ đến “Bông hồng trong sắc nắng”  nơi có “nụ hôn nồng” và “hơi thở xa xăm” ( Biển mơ).
Tôi hằng nghĩ :Tình cảm thiêng liêng, vô tư  nhất  đối với mỗi con người ấy là tình mẫu tử. Trong  những lúc  ốm đau, buồn tủi hay  xa cách, người mà ta nhớ nhất chính là người mẹ hiền và đứa con thơ dại.
Chị Bùi Nguyệt ở nơi xa xứ cũng luôn đau đáu nhớ đến mẹ già và con nhỏ.
Nỗi nhớ mẹ:
“Mẹ ơi! Nhớ mẹ mỗi chiều
Băn khoăn trăn trở nhiều điều thương con ”
(Tình mẹ )
Nỗi nhớ con:
“Tiếng con gọi mẹ trong đêm
Vòng tay ấm áp êm đềm “Mẹ ơi”
(Viết cho con)
Cùng viết về tình mẫu tử nhưng khi viết về “Tình mẹ”, chị thường so sánh , liên tưởng đến những hình ảnh lớn lao, có tính khái quát: “ nước non”. “ngọn núi”, “con đê”, “ngọn lửa”,”đại dương” mà vẫn rất  thân thương gần gũi:
“Mẹ là người bạn đường đời
Chia cay sẻ ngọt nỗi người tha hương”
Còn khi “Viết cho con” chị thể hiện nỗi nhớ rất cụ thể : “tiếng con gọi  mẹ trong đêm” với “vòng tay ấm áp” với vẻ mặt, giọng nói  “ngây thơ trong trẻo” …mà ở nơi xứ người đêm đêm thổn thức:
“Mẹ hòa nước mắt vào thơ
Khẽ ầu ơ…thả vần mờ đêm sương”      
Người phụ nữ nào đã tững làm mẹ mà không rơi lệ trước câu thơ chảy máu của người mẹ trẻ cố nuốt lệ vào trong, rời xa đứa con thơ dại vì phải bươn trải mưu sinh nơi đất khách quê người?Chị ru mãi, ru mãi cho đến khi:
“ Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con”
Một hình tượng thơ đẹp, thấm đẫm tình mẫu tử.
Cũng như chị Bùi Nguyệt, nhà thiết kế Thời trang Hồ Thanh Bình, sinh năm 1972 đang sinh sống và làm việc tại thành phố Cheb, cộng hòa Séc.Tháng 8 vừa qua, chị về nước và cùng chị Bùi Nguyệt thăm Bích Câu Thi Quán. Chị gửi lại những bài thơ chứa chan tình cảm của người con xa xứ đối với quê hương, đất nước, với cha mẹ, chị gái:
“Cánh cò trắng chao nghiêng theo câu hát
Mái tranh xưa mẹ vẫn đợi cha về.
Cha ra đi hóa thân vào cổ tích
Mẹ sinh con trên đất Việt, máu và hoa!
Con đã đi xa
Chốn trời Âu dẫu rực rỡ nắng vàng
Vẫn ngỡ ngàng mơ…rơm nếp mới
Lúa chín, thơm lừng hương cốm
Trên đồng vàng, chị gặt cả mùa thu
Bến sông xưa, con đò cũ, gốc đa già
Nghiêng lưng trâu, trẻ mục đồng vắt vẻo
Tiếng sáo trúc gọi nhau về xóm nhỏ
Lá sen non xòe rộng trên đầu…”
(Cha, mẹ và…con)
Phần lớn các bài thơ  của Thanh Bình viết theo thể tự do, nhịp điệu phóng túng nên dễ diễn tả  tâm trạng  bâng khuâng, mang mác hoài niệm và nhiều cung bậc tình cảm khác… Chị có những tìm tòi trong việc lập tứ, xây dựng hình tượng thơ :“Cánh cò trắng chao nghiêng theo câu hát”, “ Cha ra đi hóa thân vào cổ tích”, “Trên đồng vàng, chị gặt cả mùa thu”…Ta còn thấy nhiều hình ảnh sáng tạo trong các bài thơ khác của chị như “Mùa em” hay “Thu chín quá thêm chạnh lòng viễn xứ”… Tôi ước ao được đọc thêm nhiều câu thơ hay của Thanh Bình như thế !
  Một thành viên từ xa của Bích Câu Thơ ở Hải Phòng là Nhà giáo Quốc Dũng, sinh năm 1952. Thơ anh thiên về đề tình  yêu lứa đôi . Tác giả khiêm nhường tự ví thơ mình như  “lá cỏ”, thơ “lá cỏ” ấy chỉ thăng hoa “rập rờn”, “đu đưa” khi “có em”. “Em” quan trọng với thơ anh, với đời anh biết nhường  nào:
“Thơ anh chỉ là lá cỏ
Rập rờn xanh mặt hồ em
Thơ anh chỉ là lá cỏ
Dập bầm dưới gót chân em
Xa em thơ là lá cỏ
Dập vùi mưa gió đêm trường
Bao đêm thơ anh lá cỏ
Khát khao một giọt sương mai
Có em thơ anh lá cỏ
Đu đưa trong gió xuống chiều
Mất em- thơ anh lá cỏ
Úa vàng trong một sớm mai
(Lá cỏ)
Đại đức Thích Cát Tường (Bút danh : Đông Tùng) sinh năm 1974  ở thành phố Hồ Chí Minh là thành viên trẻ nhất Bích Câu Thi Quán.  Thơ anh mang bóng dáng thơ thiền phóng khoáng. Đọc thơ anh, thấy những gì hiện hữu trong ta và xung quanh ta là sự hiện hữu nhiệm màu,  thơ anh toát lên từ đời sống an bình trong thực tại, tinh thần khai phóng, cởi mở, vừa siêu thoát vừa gần gũi:
Thành viên từ xa ở Lai Châu là Nhà giáo Bùi Thị Sơn, sinh năm 1957. Năm 1975, những người bạn trai cùng học vói BTS xung phong ra Mặt trận khi vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi đã chớm biết yêu mà chưa dám ngỏ. Họ là những người lính  tình nguyện đợt cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Có người vừa đánh trận đầu tiên đã hy sinh, có người ngã xuống đúng vào ngày 29 tháng 4-  một ngày trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bài thơ “Tình yêu trong chiến tranh” BTS ghi lại theo lời kể của một người bạn từ chiến  trường trở về:
“Tình yêu trong chiến tranh
Mong manh
Ngời ngợi như trăng rằm
Long lanh.
Phút rạo rực nhọn hoắt như chiếc dằm
Găm chặt trong lồng ngực chàng lính trẻ
Không dám vượt một tầm với rất gần
Để vuốt ve một niềm mơ thật khẽ
Nuốt lịm  nỗi khát khao lặng lẽ
Giữa hai đầu võng đưa
Cô dân công
Tay bấu víu khoảng thừa
vờ ngủ…
Bốn mươi năm trở về thăm ngôi mộ cũ
Chàng lính xưa tóc đã bạc phơ
Thương cô gái đã ra người thiên cổ
Vẫn trắng trong mãi một giấc mơ…”
(Tình yêu trong chiến tranh)
Có thể một số bạn trẻ hôm nay không tin điều đó! Họ nghĩ rằng: Giữa chiến trường khốc liệt, chuyện nay sống mai chết xảy ra như cơm bữa, sao không giành trọn vẹn những gì thiêng liêng nhất cho nhau? Đó cũng là suy nghĩ nhân văn mà nhiều người trong cuộc đã thực hiện cho dù sau cuộc chiến không ai trở về  nữa, hoặc kẻ còn người mất, hoặc vẫn tồn tại nhưng không thuộc về nhau nữa… Nhưng những người bạn tôi còn trẻ quá, họ chưa dám ngỏ lòng…Những linh hồn trinh nữ ấy xoáy trong ta nỗi đau âm ỉ…
“Hữu xạ tự nhiên hương”. Tiếng thơ của “các tiên lão sông Tô” đã làm nao lòng những người thơ trẻ ở phương xa. Họ tự nguyện ra nhập CLB “Bích Câu Thơ”, tìm đến nơi đây như tìm đến một thú  chơi tao nhã  để trải lòng. Từ thành viên cũ đến thành viên mới, từ thành viên gần đến thành viên xa, từ thành viên cao tuổi nhất (83 tuổi) đến thành viên trẻ tuổi nhất (38 tuổi) đều coi Bích Câu Thi Quán là mái nhà Thơ ấm áp, thân thương của mình…
“Tiếng lành đồn xa” Buổi sinh hoạt thường kỳ nào của Bích Câu cũng có thêm những người bạn yêu quý mến mộ đến dự, giao lưu thơ cùng.
Trong tập thơ “ Bích Câu Thơ 2”, ngoài các bài thơ của 22 thành viên cũ- mới, xa- gần còn có sự góp mặt Thơ của 6 gương mặt thơ thân thiết, gắn bó với Bích Câu Thi Quán.
Ngày 4/1/2012,  lần đầu tiên tôi đến thăm Bích Câu Thi Quán trong tâm trạng bồi hồi xúc động của  đứa con đi xa trở về ngôi nhà thân thương của cha mẹ, tình cờ được gặp lại Nhà giáo- Nhà thơ- Đạo diễn Điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1952.  Nhớ lại lần gặp trước – năm 1999, thầy cùng Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc lặn lội leo đèo vượt suối đi tìm lại những  thầy  cô giáo lớp đầu tiên “cõng chữ lên non” từ năm 1959 ở Lai Châu, Điện Biên,Sơn La để làm bộ phim tài liệu “Tiếng gọi thiêng liêng” tôn vinh họ. Trong chuyến đi ấy, thầy Hoàng Đạo Chúc đã làm một nghĩa cử rất đẹp là đi tìm các nhân chứng hoàn tất thủ tục đề nghị xét truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho thầy giáo Trần Duy Thời- quê ở Nam Sách Hải Dương  đã ra đi ở tuổi 20 khi  vượt sông Đà đưa các em học sinh dân tộc đi cắm trại…rồi đem hài cốt thầy Thời làm lễ Truy điệu tại Trường Phổ thông vùng cao tỉnh Lai Châu , rồi đưa hài cốt thầy Thời về quê hương…  Thước phim ghi lại hình ảnh của thầy Hoàng Đạo Chúc mái tóc bạc phơ  đứng bên bờ sông Đà thao thiết gọi “ Thời… ơi…” đã làm rung đông trái tim bao thế hệ thầy trò và nhân dân các dân tộc Tây Bắc ! Mới đó mà đã tròn một giáp, nhiều thầỳ giáo, cô giáo  trong bộ phim tài liệu đó đã yên nghỉ chính nơi họ lập nghiệp “trồng người” trong gần nửa thế kỷ…
Được biết thầy Nguyễn Anh Tuấn là một trong những vị khách thân thiết thường xuyên có mặt trong các buổi sinh hoạt của Bích Câu Thi Quán. Tình thơ không có tuổi, thầy đến để lòng mình lắng lại khi ngắm:
“Những mái đầu bạc phơ gật gù ngâm ngợi
Cuộc xướng họa “Tao Đàn” trong nắng mới
Mây trắng ngàn năm bay qua cũng ngẩn ngơ…”
(Tiên lão sông Tô)
Trong nhịp sống hối hả, bộn bề và cả xô bồ đời thường, có những giờ phút  thảnh thơi được đắm mình trong bầu không khí trong lành bên những “Tiên lão”  cùng thưởng thơ là một niềm hạnh phúc không  phải ai cũng dễ tìm thấy  !
Một trong những bài thơ tôi thích nhất của thầy Nguyễn Anh Tuấn là bài “Về Yên Tử nhớ vua Phật” viết về vua Trần Nhân Tông-  người thành lập Thiền phái Trúc lâm Yên  Tử-  người được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh:
“ Như có hẹn tự bao kiếp bao đời
Nay người xưa mới vời về Yên Tử
Mải mê bước trên tầng tầng bậc đá
Và ngẩn ngơ nơi rừng trúc, đường tùng
Sương mù khuất che vùng sông nước mênh mông
Không gói được lời thề đoàn quân Thánh Dực
Những giọt sương trên cành thông, lá trúc
Lệ của người chợt thương Nước, thương Dân
Cứ mỗi bước tới gần sương khói Vân Yên
Lại  đến gần hơn cõi lòng sâu thẳm
Ta là Phật, Phật là ta, chuông ngân nga lời dặn
Sừng sững không gian vị hoàng đế- thiền sư
Cởi bỏ hoàng bào bọc thủ cấp Toa Đô
Mặc áo sô gai, chân đi hài cỏ
Lời ngâm kệ đằm nỗi đau nhân thế
Bóng hoa rơi vấn vít chuyện dương gian
Lòng chợt thầm thì: Điều Ngự Giác Hoàng
Người bôn ba chốn thị phi, nơi trận mạc
Rồi trở về với bóng trăn cô tịch
Để ngàn năm lưu lại một rừng thương…”
Đọc xong bài thơ, mà dư ba còn ngân vọng mãi…Ước gì đời nào cũng có nhiều “ vua Phật” như thế cho con dân đất Việt được nhờ !
Cũng trong buổi giao lưu thơ đó, tôi gặp được thêm một người bạn thơ thân thiết của Bích Câu Thi Quán là Nhà giáo- nhà thơ- Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Trần Vân Hạc, cùng tuổi với thầy Nguyễn Anh Tuấn. Đã quen đọc những bài thơ mộc mạc, phóng khoáng mang âm hưởng đại ngàn nơi anh đã cùng người bạn đời thân yêu  “cõng chữ nên non” suốt mấy chục năm ròng, tôi thật sự ngạc nhiên khi đọc những bài thơ thế sự  chất chứa những suy tư trăn trở của anh về nhân tình thế thái. Một trong những bài thơ của anh mà tôi tâm đắc nhất là bài thơ “Hà Nội nửa tôi” anh viết tặng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy:
“Anh mải miết trong “Kinh thành cổ tích”
“Nhật nguyệt” vần xoay kiếp bụi luân hồi
“Một vài trống canh” điểm nhịp
Một mình “Tụng”với mình thôi
Anh viết cho anh hay viết cho tôi
Sao day dứt những cảnh đời nhân thế
Hà Nội trong anh vẹn nguyên như thể
Mối tình đầu thơm ngát tuổi hoa niên
Từng câu thơ đâu chỉ có hoa sen
Thơm mỗi sáng em về như cổ tích
Hà Nội máu và hoa nhịp đời mải miết
Bừng lên trong mỗi nét cười
Mỗi căn nhà dãy phố yên vui
Một chiếc lá thu trở đầy kỷ niệm
Tà áo Hồ Gươm bồi hồi xao xuyến
Chợ xuân long lanh ánh mắt đương thì
Hà Nội trong anh là kinh thành cổ tích
Lặn vào mỗi tứ thơ anh
Xuân về ngân khúc nhạc xanh…”
Hẳn những người yêu thơ thập niên 70 của thế kỷ trước không thể quên gương mặt thơ của đôi vợ chồng nhà thơ Lý Phương Liên- Nguyễn Nguyên Bẩy cùng cuộc sống thăng trầm dâu bể mà tràn đầy thủy chung ân nghĩa của họ suốt  40 năm qua.  Để rồi sau 40 năm, chị đã ra tập thơ “ Ca bình minh”, anh ra liền 7 tập tiểu thuyết, 5 tập thơ và 1 tập tản văn trong sự vui sướng ngỡ ngàng của độc giả  mến mộ xa gần.
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy sinh ra ở Hà Nội, tuổi ấu thơ và tuổi thanh niên hồn thấm đẫm tình đất- tình người Hà Nội. Suốt mấy chục năm sống ở thành phố  phương Nam, anh  luôn đau đáu nhớ về Hà Nội. Tôi rất thích những câu kết trong bài thơ anh Trần Vân Hạc viết tặng anh Nguyễn Nguyên Bẩy:
“ Có một Hà Nội khác
Một Hà Nội anh
Hà Nội tôi
Hà Nội của con dân đất Việt”
“Hà Nội” ở đây không còn dùng như một danh từ riêng nữa mà được tác giả dùng như một tính từ - tính từ chỉ phẩm chất tốt đẹp nhất !
Ngoài thầy Nguyễn Tuấn Anh và anh  Trần Vân Hạc là hai người bạn thơ thân thiết của Bich Câu Thơ mà tôi đã được gặp, còn  4 người bạn nữa có thơ in trong “Bích Câu Thơ 2” là anh Dương Tùng Giang, chị Thanh Mến, chị Vũ Thị Phin và anh Lê Thường. Tôi rất lấy làm tiếc vì chẳng những chưa một lần được tao ngộ cùng các anh, các chị mà còn chưa biết rõ năm sinh, nghề nghiệp của từng người. Lại tự mượn lời cổ nhân “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” để tự an ủi mình…
Anh Dương Tùng Giang mượn hình ảnh “ Cây tùng già ”để nói lên chí khí, cốt cách thanh cao của những bậc cao niên:
“ Cây tùng già lặng lẽ đứng bên sông
Cứ ngạo nghễ sau bao mùa bão táp
Cứ trầm mặc lắng nghe dòng sông hát
Cứ âm thầm đón đợi mỗi ban mai
Kiêu hãnh vươn thẳng giữa trời
Dáng thanh thản trên đất cằn sỏi đá
Cả cuộc đời cứ ung dung như thế
Mặc trái đất này giông tố nhiều thêm”
(Cây tùng )
Chị Thanh Mến lại có bài thơ tình nhỏ xinh, dịu dàng, say đắm:
“Nếu ngàn năm sóng vu vơ
Chắc gì biển đã có bờ cát êm
Nếu trời định số tiền duyên
Chắc gì ta đã đắm thuyền vì nhau?”
(Nếu)
“Nếu” như một giả định mà thực chất là một sự khẳng định : “Sóng” không hề “ vu vơ”nên “ biển” mới có “ bờ”; trời không “định số tiền duyên” đâu nên ta mới “đắm thuyền vì nhau” !
Chị Vũ Thị Phin viết những dòng thơ ngập tràn cảm xúc tặng các mẹ, các chị thành phố dệt quê mình:
“Thoi đưa thao suốt đêm dài
Guồng theo tay Mẹ miệt mài cuộn tơ
Bông lồng chân tóc bạc phơ
Sông Đào chuốt mãi…
đến giờ…
chưa xanh…”
(Như cánh vạc bay)
Hình ảnh “ bông lồng chân tóc bạc phơ” là một hình ảnh tả thực mà chỉ có người con ở đất dệt mới có sự quan sát, cảm nhận tinh tế thế !
Câu kết bài thơ rất gợi hình, gợi cảm !
Anh Lê Thường hoài niệm về “Dòng sông quê hương”:
“Trải mấy ngàn thu đất lở bồi
Hỡi dòng sông nhỏ mến yêu ơi!
Bao giờ thấy lại hình bóng cũ
Thuyền xuôi cá ngược đớp sao rơi”
Bài thơ ngắn mà có sức gợi lớn: Người đọc có thể hình dung ra tâm trạng nhớ nhung của người con đi xa quê hương hoặc liên tưởng đến một dòng sông mới vì một lý do nào đó không còn lại  những “hình bóng cũ” với cảnh  tấp nập mà thơ mộng “Thuyền xuôi cá ngược đớp sao rơi”…
Từ “ Bích CâuThơ 1”của mười “Tiên lão sông Tô” đến “ Bích Câu Thơ 2” của 22 thành viên xa- gần, cũ- mới cùng 6 người bạn thân thiết với Bích Câu Thi Quán, ( gồm 179 bài thơ  mở rộng đề tài cũng như  khuynh hướng, nghệ thuật sáng tác) là một sự khẳng định: Nhành thơ thơm Bích Câu đã, đang và sẽ mãi vươn cành nẩy lộc…
                                Lai Châu, ngày 28/9/2012
                                   

            Bùi Thị Sơn