Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đâu là tấm bia cổ nhất Việt Nam ?

Đỗ Quốc Bảo
Thứ sáu ngày 15 tháng 6 năm 2012 4:19 AM

Trên báo Dân trí điện tử ngày 14-6-2012 có bài của ông Trần Tử Quang nhan đề “Chuyện về tấm văn bia cổ nhất Việt Nam”. Bài viết có những đoạn:
“Không giống như các bia đá khác, Bia Ma nhai kỷ công bia văn được khắc trực tiếp lên núi đá và không ghi rõ người soạn, người viết chữ, kể cả hoa văn trang trí. Nhưng nó lại được các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc đến và cho biết tác giả là Nguyễn Trung Ngạn - Hoàng giáp khoa Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long thứ 12 đời vua Anh Tông triều Trần (1304)”.
“Theo thống kê của Viện Viễn Đông Bác Cổ, tính đến năm 1945 ở nước ta đã tìm thấy 1.157 văn bia, chủ yếu là các văn bia có từ triều Lê và triều Nguyễn, còn văn bia của các triều đại trước đó rất ít và hầu hết đều tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng. Tuyệt đại bộ phận những văn bia kể trên đều là những văn bia chế tác. Độc đáo hơn cả phải kể đến loại văn bia “Ma nhai” (ma: mài, nhai: vách núi) bởi đây là bia khắc trực tiếp lên núi đá. Những văn bia này thường ghi lại các cuộc hành quân hay tuần du của vua chúa, như bia Ma nhai “Thân chinh Phục Lễ Châu Đèo Cát Hãn” ở Lai Châu và Hòa Bình của vua Lê Thái Tổ, bia Ma nhai “Quế Lâm ngự chế” của Vua Lê Thái Tông hay các bài thơ khắc trên vách núi tại động Hồ Công của Vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Chúa Trịnh Sâm, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm...
“Ma nhai Kỷ công bia văn” của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn chính là tấm văn bia Ma nhai cổ nhất tại Việt Nam hiện nay. Đây là một tư liệu đặc biệt quý hiếm trong công tác nghiên cứu sử học, văn học và là một di tích lịch sử độc đáo bậc nhất trong kho tàng văn hóa dân tộc. Tháng 7/2011, Bộ VHTT&DL đã công nhận bia Ma nhai kỷ công bi văn là di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia”.
Không biết ông Quang căn cứ vào đâu để khẳng định như vậy?
Tôi xin cung cấp cho ông một thông tin, ít nhất có 3 tấm văn bia còn cổ hơn thứ mà ông đã khẳng định. Đây là bài tôi đã đăng báo cách đây trên chục năm, xin dẫn ra đây để ông Quang và bạn đọc rõ:

HAI TẤM BIA ĐÁ CỔ NHẤT VIỆT NAM
 
 
Tấm bia thứ nhất là bia chùa “Báo Ninh Sùng Phúc”, được phát hiện năm 1963. Bia dựng ở ngoài trời, trên bãi Khuôn Khoai (Bãi Khoai), dưới chân núi Đan Hán, thôn Vĩnh Khoái (xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang).
Tấm bia này cao 1,45m (không kể phần rùa đá chân bia), rộng 0, 80m, cạnh bên dày 0,18m. Bia chỉ khắc chữ một mặt, xung quanh trang trí hoạ tiết hình dây leo và lá bồ đề. Phía trên đầu bia và cạnh bia có hoạ tiết hoa phù dung và rồng cuốn trong vòng tròn. Căn cứ lời văn ghi trong bia thì bia được lập sau khi xây dựng hành cung để đón vua Lí Nhân Tông (1072-1128) lên thăm châu Vị Long vào tháng Ba năm Đinh Hợi (1107).
 Văn bia ghi lại công trạng của họ Hà, thuộc dân tộc thiểu số cư trú trên lãnh thổ nước Việt xa xưa. Dưới thời nhà Lí (1010-1225), họ Hà đã thực hiện việc đoàn kết với dân tộc Kinh để chống lại giặc ngoại xâm. Trong đó, người nổi bật nhất là Hà Di Khánh, vào năm 1075 đã đem quân giúp Thái uý Lí Thường Kiệt (1019-1105) đánh tan sào huyệt của bọn phong kiến xâm lược nhà Tống. Đó là chiến công lẫy lừng, thể hiện ý chí độc lập, tự cường, truyền thống và sức mạnh đoàn kết chống xâm lăng của người Việt Nam ta.
Tấm bia thứ hai có tên gọi là “Mộ chí phu nhân Phụng Thánh” dựng ở gian bên trái chùa Phúc Thánh (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Bia cao 0,90m; rộng 0,67m; dày 0,14m; đặt trên lưng một con rùa đá (nguyên là một tảng đá làm cột chùa, có chiều dài 0,86m; rộng 0,83m; khắc nổi hình 16 cánh sen; được đục đẽo thành hình rùa). Theo kết quả giám định thì bia được dựng từ những năm giữa thế kỉ XII. Tấm bia này khắc chữ hai mặt nhưng lời văn ở mặt sau chỉ dài đến non nửa bia. Nét chữ rõ ràng nhưng không được đẹp như chữ trên các tấm bia ở các thế kỉ sau đó. Nội dung văn bia ca ngợi đức hạnh của một phụ nữ thời nhà Lí có tên là Phụng Thánh, cháu nhiều đời của vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn, 980-1005) và là vợ của vua Lí Thần Tông (1128-1138).
 Hai tấm bia cổ này là những di vật lịch sử quý báu, ghi lại những áng văn cổ có giá trị, giúp ta hiểu thêm về truyền thống dân tộc rất đáng tự hào.
Ngoài hai tấm bia trên, còn có bia chùa Hoàng Kim (thị trấn Quốc Oai, Hà Nội) mà “tuổi” bia vượt ra tuổi thọ của ông Bành Tổ. Chùa được xây dựng từ năm 1087, vốn là chùa của làng Miêu Nha bên trại, có công sức của Nguyên phi Ỷ Lan (?-1117) góp phần tu bổ, mở rộng. Trong chùa có pho tượng phật Adiđà bằng đá ngự trên toà sen, bệ đá cao 0,84 m, lòng bệ hình vuông mỗi chiều 0,54m, có hai tầng cánh sen, ở giữa thắt lại hình con thú 4 chân theo phong cách thời Lý. Từ trên xuống, bệ có 3 phần: toà sen mặt bệ có hoa kép 69 cánh; thân bệ và chân bệ là đá liên phiến. Thân bệ là khối tượng tròn hình sư tử ngậm ngọc. Chân bệ hình bát giác (8 cạnh). Tầng thứ 3 cao 11 cm, dài 31cm, khắc chữ Hán. Tượng do thiền sư Trì Bát (1049-1117) tạc, có sự giúp sức của Thái uý Lý Thường Kiệt (1019-1105). Đây là 1 trong 3 pho tượng rất quý bằng đá tạc từ thời Lý còn lại đến nay (gồm tượng chùa Phật Tích, Bắc Ninh, tượng chùa Ngô Xá, Hà Nam và tượng chùa Một Mái, thị trấn Quốc Oai, Hà Nội). Năm 1990, viện Khảo cổ học phát hiện ra pho tượng này. Trên bệ tượng có đề ngày tháng tạc, một dấu tích rất quý hiếm, một sự kiện quan trọng vì duy nhất là tượng phật Adiđà thời Lý (thế kỷ XI) có khắc đề ngày tháng. Phần minh văn trên đó cho biết, tượng dựng năm Hội Phong thứ 8 (1099).
Mới sơ qua đã có đến ba tấm bia cổ hơn thứ mà ông Quang khẳng định. Tôi nghĩ, có thể đó chưa là con số cuối cùng. Và, cũng rất có thể, thứ mà tôi cho là “cổ nhất” chắc gì đã đúng, nếu như ai đó phát hiện ra những tấm bia cổ hơn nữa ở đâu đó?