Trang chủ » Khúc kha khúc khích

VỀ CUỘC THI THƠ “MƯỜI CÂU KHÚC KHÍCH’

Trần Nhương
Chủ nhật ngày 12 tháng 4 năm 2009 5:17 AM
Bài đọc tại lễ trao giải ngày 8-4-2009
 
Giải trannhuong.com với cuộc thi thơ “Mười câu khúc khích” có lẽ là cuộc thi do cá nhân tổ chức đầu tiên của Việt Nam. Giải thơ Lá trầu hay Bách Việt vẫn là một tập thể tư nhân. Bên cạnh các giải thưởng của quốc doanh, các giải tư nhân cũng có những ưu việt của nó.
Giải thưởng ấy không câu nệ chính kiến, không câu nệ vào bộ máy cồng kềnh của Ban chấm thi với những thị hiếu, thẩm định khác nhau. Tiêu chí quan trọng nhất là nghệ thuật. Với một quy mô nhỏ gọn, cởi mở khiến những người tham gia dự thi tự tin, thân gần như bạn hữu.
Mở cuộc thi “Mười câu khúc khích”, trannhuong.com muốn vang lên tiếng cười trước những bề bộn, đen bạc của một bộ phận xã hội. Cuộc thi buộc những người tham gia phải biết vi tính, ít nhất cũng biết gửi bài qua hòm thư điện tử. Đây là ý đồ của người tổ chức. Những người viết chúng ta nếu không biết công nghệ thông tin là một thiệt thòi lớn, một tụt hậu đáng buồn trong thời kỳ hội nhập. Vì theo định nghĩa của Liên hợp quốc thì không biết dùng vi tính cho chuyên môn của mình là mù chữ.
Cuộc thi được bắt đầu từ ngày 1-12-2008 và kết thúc vào ngày 31-1-2009.Trong 60 ngày mà đã có hơn 500 bài của 70 tác giả dự thi. Có thể nói khắp các vùng miền từ Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên đến Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng đều có tác giả dự thi. Đặc biệt có những tác giả cao niên như cụ Bùi Văn Ẩn trên vùng núi Thanh Sơn, Phú Thọ, 81 tuổi, hăng hái tham gia và chiếm giải oái oăm nhất.
Những tác giả có bài dự thi nhiều nhất:
- Thi Trần Thư             56 bài
- Y Phết                       47 bài
- Trường Giang           46 bài
- Nguyễn Đăng Minh   45 bài
- Bùi Văn Ẩn                42 bài
      ....

Kết quả các tác phẩm đoạt giải:
GIẢI A:       
Không có
GIẢI B :      
1-  Nguyễn Đức Sơn (Phú Thọ) với hai bài Phấn đấu; Sân gôn.
2-  Trần Trương (Hà Nội) với ba bài Hà Nội tụt, sụt, lụt; Đút và lót; Bây giờ.
                   3-  Y Phết (Yên Bái) với hai bài Họ nhà Biếu; Nước ta có Ô bốn ma
GIẢI C:       
1- Lê Duy Phương (Hà Nội) với hai bài Đúng quá; Mừng tuổi.
2-  Hải Vân (Đà Nẵng) với bài Bệnh thích.
   3- Thái A (Thái Nguyên) với hai bài Nỗi lòng đây đấy hiểu không; Thư cảm ơn của Vedan..
GIẢI D:       
1-  Anh Chinh (Sài Gòn) với hai bài Xin làm đầy tớ; Thư gửi ông già Nô en.
  2-  Trường Giang (Hà Nội) với hai bài Cán dẹt; Chúc   trâu.
3-  Vũ Hiển (Hải Phòng) với hai bài Chăn bồ; Obama.
4-  Quan Liêu (không biết địa chỉ) với bài Bệnh gì.
5- Bùi Văn Ẩn (Phú Thọ) với hai bài Lên Đèo Cón; Điện thoại di động. Cụ Bùi Văn Ẩn là giải oái oăm nhất do nhà văn Nguyễn Khắc Phục tài trợ và trao giải.
6-  Nông Viết Lù (không biết địa chỉ) với bài Phong bì. 
7- Quản Tuấn Ngụ (Cần Thơ) với bài PCI
8-  Thi Trần Thư: (Hà Nội) với bài Nó .  

Hơn 500 bài dự thi đều có ý tứ ở mức độ khác nhau. Thơ trào phúng truyền thống đã được nối tiếp bởi những tác giả thời mở cửa. Tiếng cười không chỉ khúc khích mà nhiều khi đau đớn, nhiều khi có cả nước mắt.
Nguyễn Đức Sơn - giám đốc lâm trường trên Thanh Sơn, Phú Thọ với hai bài thơ Sân gôn và Phấn đấu đã “chụp cắt lớp” con bệnh tràn lan sân gôn:
Cả làng nam, phụ, lão, nhi
Hết vườn, hết ruộng thì đi làm thuề (thuê)
Mát xa, cờ bạc, ghi đề
Rất nhiều trò lạ tràn về nông thôn...
Bài thơ dồn sức nặng vào câu kết:
Quê tôi xây dựng sân gôn
Sân bao nhiêu lỗ... đủ chôn cái nghèo...?
Một câu hỏi như một tiếng kêu nhức buốt truyền kiếp của người nông dân. Từ cái thuở nhổ lúa trồng đay đến sân gôn bây giờ hình như số phận của người nông dân không khác nhau nhiều lắm.
Với bài Phấn đấu, Nguyễn Đức Sơn lại xoáy vào một hiện tượng đau lòng phấn đấu để được công nhận là xã nghèo. Xã nghèo thì được nhà nước hỗ trợ, được hưởng chính sách 135. Bởi vì có nó mới nhiều công trình trường , trạm, đường xá để:
Đua nhau phấn đấu lên nghèo
Công trình càng lắm càng nhiều phần trăm..
Trần Trương qua cuộc thi này từ một nhà thơ trữ tình đằm thắm lại phát lộ khả năng thơ trào phúng. Các bài dự thi của anh đều có chất lượng và anh đã chịu khó nắm bắt thông tin để “điểm huyệt”.
Viết về cái vỉa hè, anh mượn lời nó để có ngôn ngữ tự sự:
         Tớ luôn được thay áo
        Kiểu tròn lại kiểu vuông
        Cứ mỗi lần Tết đến
        Người ta lại lột truồng...
        Tiền của dân đóng thuế
        Tha hồ mà à uôm...
Đút lót thời nay gần như một tập tục trong các cơ quan công quyền. Không đút lót thì không sao mở mày mở mặt, ấy là chưa kể đến chuyện mua quan bán chức mà chúng ta từng nghe.

          Bắc thang lên hỏi ông trời
         Bây giờ đút lót lên ngôi thế à ?
         Trời nghe trời mới cười xòa
         Thẳng này tưởng sáng hóa ra ngu đần
         Đã không đút lại cù lần
         Mau về với vợ lót sân đuổi gà....
 
Bài Bây giờ chắc Trần Trương đi đường đôi mắt ngó nghiêng liên tục nên:
 
         Bây giờ hở rốn hở mông
         Chỉ riêng cái mặt là không hở gì
Tưởng anh lúng liếng với người đẹp, bất ngờ anh chuyển làn:
         Bây giờ phải biết cách chi
         Sếp hai ta một ắt thì ô kê
Y Phết là nick một tác giả không xoàng: nhà thơ Ngọc Bái. Anh tham gia khá nhiều bài dự thi và bài nào cũng “đá” hay. Chúng tôi chỉ chọn mấy bài về chống tham nhũng.
 Khổ lắm nói mãi biết rồi
Càng tham, càng nhũng càng ngồi ghế trên
Và hai câu kết của anh mới thật “tả thực” cái tình trạng chống tham nhũng ngày hôm nay:
    Súng chống tham nhũng chỉ thiên
    Trúng đâu thì trúng bắn liền...cho vui...
Các tác giả giải C chả kém cạnh loại B là mấy. Nhà thơ Lê Duy Phương “ghi hình” cái sự tách ra nhập vào của đất nước ta:
     Huyện A nhập với huyện B
     Làm ăn đúng quá không chê chút nào
     Mấy năm không có phong trào
     Tách ra đúng quá nhập vào làm chi..

                                                   (Đúng quá)
Thế mới hay, nhập vào cũng đúng mà khi ăn ở cơm không lành canh không ngọt thì tách ra vẫn đúng quá. Một đất nước ngẫu hứng và luôn làm phép thử như vậy sẽ ra sao. Mỗi lần tách nhập tha hồ chia quả thực và tốn không biết bao nhiêu tiền của dân đóng thuế. Mấy ngày nay báo chí đưa tin trước khi nhập vào Ha Nội người ta vội vã cấp đất như cưới chạy tang ! Thật là kinh hoàng !
Hải Vân - một tác giả trong Đà Nẵng lại viết về Bệnh thích. Thích là một sở nguyện cá nhân nhưng có nhiều người thích rất lạ:
     Làm gì cũng thích được khen
     Thích anh ton hót, thích em nịnh thần
..
Rồi lại thích:
      Nói năng thì thích ba hoa
      Ăn chơi thì thích người ta trả tiền...
   Tác giả Thái A từ Thái Nguyên đã thay mắt hãng Vedan cảm ơn nhân dân Việt Nam như sau:
       Tôi xin thay mặt Vedan
       Cảm ơn dân tộc Việt Nam anh hùng
       Chịu thương chịu khó quá chừng
       Chịu đựng ô nhiễm cũng không phàn nàn
Nhưng xót xa thay lời khen sau đây:
        Làm giầu tư bản nước ngoài
        Tinh thần quốc tế dân ngài quá cao...
Với những tác giả giải D sự sắc sảo không hề kém cạnh các giải trên. Đặc biệt giải này đều là các vị cao niên. Cụ Trường Giang, cụ Anh Chinh (Sài Gòn), cụ Quản Tuấn Ngụ (Cần Thơ), cụ Bùi Văn Ẩn (Phú Thọ) 81 tuổi mà thơ vẫn tưng tửng như thuở đang thì. Tôi viết đến đây cười một mình khi nghĩ đến giải D toàn các cụ. Sau khi công bố kết quả cuộc thi, nhà thơ Trường Giang đã có bài thơ vui gọi giải D là giải D cụ.
   
Nhà thơ Trường Giang có bài Cán dẹt đã lên án cái hủ tục biếu quà. Quan ông dặn quan bà ai biếu quà cáp thì trả ngay. Nhưng các đệ tử láu cá đã chuyển đổi:
    
    Đệ tử chuyển đổi rất hay
    Món quà cán dẹt thư tay trao bà.
    Ông biết, giả vờ mắng bà
    Nhận phong bì vậy người ta xầm xì
Bất ngờ quan bà trả lời:
     Bà rằng trả hết phong bì
     Tôi chỉ nhận gọn cái gì bên trong...
Cụ Anh Chinh trong Sài Gòn với bài Xin làm đầy tớ. Cô giáo bảo các em là chủ nhân tương lai của đất nước. Một học trò trả lời:
     Em chẳng làm ông chủ đâu
     Xin làm đầy tớ để mau lên đời
     Đầy tớ được đi xe hơi
     Được ở biệt thự, được người xun xoe
    “Ông chủ nói chẳng ai nghe
     Chân bùn tay lấm thì mê nỗi gì”…
Trớ trêu thay ông chủ lại xin làm đầy tớ. Những điều chúng ta nói rất hay mà làm rất dở hoặc ngược lại. Tất cả những điều đó khiến cho lòng tin bị băng hoại.
   Ở một bài khác bài Thư gửi ông già Nô en, Anh Chinh mượn lời một cháu bé nói với ông già No en rằng vì nước ngập triều cường nên ông Nô en không đến được chỗ cháu. Thôi cháu không dám xin quà đâu, cháu chỉ ước ao giản dị:
     Thôi con chẳng dám xin quà
     Chỉ xin làm dép trong nhà đừng trôi..
Cái kết bài thơ bất ngờ không thể dự đoán được và xót xa như cào vào lòng ta.
   Các tác giả Quản Tuấn Ngụ (Cần thơ), Nông Viết Lù, Quan Liêu đều chọc vào những khuyết điểm, những bất cập của xã hội như PCI dự án đường Đông Tây khiến Nhật Bản tạm ngừng ODA. Một thứ bệnh mà tác giả Quan Liêu hỏi là bệnh gì vì những ông đầy tớ không biết ông chủ sống chết ra sao, nước ngập, giá cả leo thang mà ông vẫn ung dung sơn hào hải vị. Nông Viết Lù thì nêu lên sức mạnh của cái phong bì:
      Án to mở rộng điều tra
      Muốn vào quên lãng chìa ra phong bì
      Có bằng mà chẳng phải thi
      Hãy về lo lót phong bì em nghe…
   Thi Trần Thư viết về điện thoại đi động khiến ta không thể không bật cười:
       Dùng xong lại bỏ vào quần
       Mỗi lần rung réo lại lần bỏ ra
       Khi nhớ em lại gọi ta
       Dùng xong ta lại rút ra bỏ vào
    Bây giờ tôi muốn nhắc đến người đạt giải thơ oái oăm nhất. Giải này do nhà văn Nguyễn Khắc Phục đặt ra và tài trợ. Người đoạt giải này là cụ Bùi Văn Ản trên vùng rừng Thanh Sơn, Phú Thọ. Cụ đã 81 tuổi vẫn nhoay nhoáy vào mạng và gửi thơ dự thi theo đường email. Thơ cụ như đang tráng niên. Bài Lên Đèo Cón nhang nhác âm điệu bài Đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan, lại nhang nhác âm điệu Hồ Xuân Hương:
       Thăm thẳm rừng sâu lều “lá cọ”
       Lơ thơ xóm núi mấy nếp nhà
       Trong veo lạch nước luồn khe thẳm
       Lún phún tơ hồng lách lối ra
       Muốn thử cơ gân còn sức trẻ
       Leo lên Đèo Cón biết thân ta..
Đèo Cón là một địa danh giáp ranh Phú Thọ - Sơn La nhưng bài thơ không chỉ tả về nó, đọc lên thấy tác giả nói lỡm, nói lái với cái tên đèo.
    
Một ông già 81 tuổi mà viết về điện thoại di động rất chi tiết đời sống:
       Khư khư cạnh nách chẳng xa rời
       Cả lúc trong nhà lúc dạo chơi
       Gái lịch khèo chân khi ghếch đứng
       Trai thanh gác gối lúc nghiêng ngồi
       Nồng nàn bên má lồng bên má
       Bịn rịn kề môi sát tận môi

Thưa các bạn !
Cuộc thi thơ “Mười câu khúc khích” chỉ trong 60 ngày nhưng đã được các bạn thơ hưởng ứng nhiệt tình. Dù ít dù nhiều nó mang tính xã hội trong cư dân mạng, dù ít dù nhiều nó vang lên tiếng cười giúp chúng ta nhìn vào cái xấu để phê phán, để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
    Nhân ngày tổng kết này tôi xin chân thành cảm ơn các ban thơ không chê quán nhỏ trannhuong.com đã tham gia khá xôm trò. Tôi xin chân thành cảm ơn các nhà tài trợ vì lòng yêu mến trannhuong.com đã dành cho khoản kinh phí để trao giải. Đó là:
-Báo Người cao tuổi
- Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (Phú Thọ)
- Nhà thơ Bảo Sinh (Hà Nội)
- Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Văn phòng luật sư NMT) Sài Gòn.
- Luật sư Minh Châu (Văn phòng luật sư Bảo Châu) Hà Nội.
- Nhà văn Nguyễn Khắc Phục.
- Nhà thơ Vũ Từ Trang
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Cảm ơn các cơ quan báo giấy, báo mạng như Thể thao văn hóa, Vannghesongcuulong.org, phongdiep.net, Lao động xã hội, Hà Nội mới, Lucbat.com,... đã đưa tin về cuộc thi do cá nhân tôi tổ chức. Cảm ơn Văn phòng hội Nhà văn đã giúp đỡ cho cuộc họp mặt hôm nay.
 
   Đặc biệt xin được cảm ơn chân thành tới nhà thơ lão thành Lê Khả Sỹ, nhà thơ sung sức Trần Quang Quý đã miệt mài đọc hàng trăm bài thơ để tìm ra một số bài nhích hơn trao giải. Hai nhà thơ đã vô tư “vác tù và” cho trannhuong.com mà không có một điếu thuốc ấm trà.
   
Xin cám ơn các bạn hữu, các cơ quan báo chí, báo mạng đã đến dự và lắng nghe. Xin hẹn gặp lại trong cuộc thi Tiếu lâm thời @ sẽ được tổ chức nay mai…
                                      Hà Nội, ngày 7 tháng 4 năm 2009