Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẢN MẠN VỀ NHỮNG CÂY CẦU

Nguyễn Đăng Minh
Thứ sáu ngày 27 tháng 3 năm 2009 10:38 PM
 
 Trong truyện Cố Hương của Đại văn hào Lỗ Tấn có một câu đã trở thành chân lý: Người ta đi mãi thì thành đường thôi. Khi xã hội ngày một phình to ra do dân số tăng cao, sự di chuyển dân cư xuất hiện và thế là đường cứ kéo dài, mở rộng dần thành một mạng lưới giao thông trên bình diện có suối sông, đồng bằng rừng núi, biển cả đan xen. Để vượt qua sông suối kênh rạch là đò, mảng, cầu, phà để nối liền cho các con đường lớn nhỏ ngày một dài xa và đan xen nhau thành một mạng lưới giao thông quan trọng của từng làng xã, thôn bản cho đến các thành phố lớn, nhỏ liên hoàn với nhau thành một thể thống nhất. Các công trình cầu lớn nhỏ đã thành một bộ phận hữu cơ trong mạng lưới giao thông của nước ta đã đặt nền móng để tăng trưởng triển kinh tế và xã hội hòa đồng, ổn định.
 Được sự giúp đỡ của người Pháp, năm 1897 (đời vua Thành Thái) cầu Tràng Tiền vượt qua sông Hương ở cố đô Huế đã được đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu thép hiện đại theo kiến trúc phương Tây lần đầu tiên xuất hiện ở Đông Nam Á - một nước nông nghiệp lạc hậu và có chế độ vua chúa cai trị đất nước kém phát triển. Cầu Tràng Tiền như một tiếng chuông báo hiệu một thời kỳ mới trong xây dựng công trình cầu gắn liền với các con đường giao thông huyết mạch mà người Pháp đang mở mang để khai thác và vơ vét tài nguyên thiên nhiên, đồng thời xâu chuỗi các cơ quan quản lý hành chính để khống chế các phong trào chống đối nổi dậy chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Dọc theo đường ô tô, đường sắt nối Huế với Hà Nội, với Sài Gòn đã có hàng trăm cây cầu được xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của nhiều thế hệ người xây dựng cầu đường Việt Nam. Năm 1902, cầu Long Biên dài gần 2000 mét, có kết cấu dầm dàn thép bắc qua sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội đã đưa vào sử dụng, cầu Long Biên một trong 5 cây cầu lớn nhất thế giới đầu thế kỷ XX. Cầu Long Biên có đường xe lửa và đường ô tô đi chung, nối trung tâm hành chính Hà Nội với cửa khẩu Lao Cai, với cửa khẩu Lạng Sơn, đặc biệt nối cới cảng Hải Phòng – một cửa khẩu vô cùng quan trọng với người Pháp đô hộ bởi vận tải thủy là một phương tiện hữu hiệu nhất nối Việt Nam đến Cộng hòa Pháp, nơi mà họ đưa ra khỏi nước ta những tài nguyên quý hiếm như than đá, gỗ hiếm, những nông sản quý như cà phê, hồ tiêu,…Và, là nơi nhận về những phương tiện phục vụ cho bộ máy cai trị nhân dân ta như súng đạn, xe tăng, binh lính đánh thuê được thực dân Pháp tuyển dụng ở các dân tộc thuộc địa bên châu Phi,…Cho nên người Pháp đã bỏ tiền để xây dựng thêm nhiều cây cầu trên quốc lộ 5 như cầu Phú Lương, Lai Vu, Thượng Lý và hàng chục công trình cầu vừa , nhỏ cùng một cầu cảng rộng lớn Hải Phòng. Trên quốc lộ 1 nối Hà Nội với cửa khẩu Lạng Sơn thông thương với các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc, người Pháp đã đầu tư xây dựng một loạt các cầu lớn như cầu Đuống, Thị Cầu, Bắc Giang, Mẹt,…,Đồng Mỏ, Kỳ Lừa. Đối với quốc lộ 2 cũng có nhiều câu nối liền tuyến giao thông từ Hà Nội với cử khẩu Lao Cai thông thương với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc như cầu Phù Lỗ, cầu Việt Trì, cầu Cốc Lếu,…Năm 1954 nước ta giành được chủ quyền từ vĩ tuyến 17 trở ra, toàn bộ các công trình cầu đã thành tài sản quốc gia. Năm 1964 đến năm 1972 người Mỹ đã dùng máy bay, tầu thủy quân sự dội bom và bắn tên lửa phá hoại hệ thống giao thông ở miền Bắc để ngăn chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tất cả các cây cầu trên lãnh thổ miền Bắc xã hội chủ nghĩa đều biến thành mục tiêu hủy diệt của đế quốc Mỹ. Nhìn những cây cầu bị bom, tên lửa Mỹ phá tan hoang, sập từng nhịp dài,…Đứng trước cảnh đó, đớn đau như đứt tùng khúc ruột. Lo lắng cho con em nơi chiến trường đang thiếu từng miếng cơm, viên đạn…Thế là một loạt các công trình cầu tam, cầu dã chiến đã ra đời để đảm bảo giao thông thông suốt. Năm 1975, khi thống nhất đất nước, nhân dân ta bắt tay vào khôi phục nền kinh tế sau nhiều chục năm chiến tranh tàn khốc, thì công việc đầu tiên là khôi phục hệ thống đường giao thông và như vậy, những công trình cầu là ưu tiên số một cần được thi công khôi phục và xây dưng thêm mới, đáng kể là cầu Việt Trì, cầu Hàm Rồng, cầu Thăng Long và cầu Chương Dương,… để thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển. Thời gian này kéo dài đến năm 1993 thì có một luồng gió mới tạo ra bước ngoặt tư duy xây dựng đường ô tô cùng các công trình giao thông trong đó các cây cầu  là những điểm nhấn ngoạn mục. Với tư duy đổi mới trong quản lý kỹ thuật phù hợp với nền kinh tế thị trường, những người tư vấn thiết kế giao thông đã vận dụng những ưu điểm của các quy trình quy phạm, tiêu chuẩn thiết kế, thi công của các nước có nền khoa học và kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Nhật, Đức, Pháp,…để tham chiếu cho tiêu chuẩn trong nước. Bên cạnh đó đã đưa tiến bộ của các công trình khoa học thực tiễn của thế giới vào áp dụng làm ra sản phẩm đạt trình độ thế giới, đó là những bản tính theo phần mềm, bản vẽ được vẽ bởi máy tính hiện đại. Còn đối với những nhà thi công thì họ mua về  công nghệ thi công cầu hiện đại như công nghệ đúc dầm hẫng cân bằng, đúc dầm đẩy liên tục, đà giáo đẩy và các vật liệu như cáp dư ứng lực, cáp dùng cho cầu treo…, các máy thi công chuyên dụng như búa rung đóng cọc, máy khoan cọc nhồi với đường kính khoan lớn hơn 2 mét,…Cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề thi công cầu ngày càng đực đào tạo để có sẵn về tiềm lực con người. Tất cả sự chuẩn bị và đào tạo liên tục những người kế tiếp với vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB), ODA của nhiều nước trên thế giới, trong 11 năm qua (1997 đến 2008) hàng nghìn cây cầu lớn nhỏ đã hòa vào mạng lưới giao thông nước ta, từ các trục đường Quốc gia, tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã, liên thôn, liên bản. Một loạt cầu thép định hình và cầu bê tông cốt thép (BTCT) đã thay thế cho các cầu khỉ của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Một loạt các cây câu treo xuất hiện ở các tỉnh vùng cao đã góp phần đảm bảo giao thông cho đồng bào các dân tộc miền núi vào mùa mưa lũ. Gây ấn tượng nhất là một loạt cây cầu lớn đã lần lượt trong hơn hai mươi năm đổi mới nền kinh tế ở nước ta. Cho đến nay toàn bộ các bến phà nằm trên các quốc lộ từ thành phố Hồ Chí Minh ra đến Cao Bằng đã được thay thế bằng những cây cầu hiện đại, đa phần là những cây cầu BTCT được thi công bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng (từ vị trí trụ người ta dựng ván khuôn và hệ thống đà giáo đối xứng nhau có trọng lượng và kích thước hình học như nhau, sau đó được thi công bởi bê tông có cùng chỉ số kỹ thuật và một trọng lượng bằng nhau). Với công nghệ này lần đầu tiên đã thi công thắng lợi ở cầu Phú Lương, sau đó hàng trăm cây cầu lớn nằm trên quốc lộ 1 như cầu Gianh…, quốc lộ 10 như cầu Tân Đệ…, quốc lộ 18 như cầu Phả Lại… và ở Hà Nội có cầu Thanh Trì đã lần lượt đưa vào sử dụng. Còn ở Quy Nhơn có cầu Thị Nại dài hơn hai cây số vượt qua eo vịnh, là cây cầu BTCT dài nhất Đông Nam Á. Riêng cầu Hiền Lương vượt qua sông Bến Hải thì được thi công bàng công nghệ đúc đẩy (đúc các mô-đun dầm tại bệ đúc dầm sau mố cầu trên bờ sông bên này và được đúc đẩy sang đến vị trí mố cầu bờ sông bên kia nhờ một hệ thống mũi dẫn đặc biệt) liên tục. Còn đối với cầu Quán Hàu thì một nửa được thi công bằng công nghệ đúc đẩy còn một nửa thi công bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng. Trong thời gian này, lần đầu tiên công nghệ thi công cầu dây văng hai mặt phẳng dây hiện đại xuất hiện ở nước ta, tại công trường xây dựng cầu Mỹ Thuận, với công nghệ thi công này, người ta đã gần như không động chạm đến tĩnh không và khổ thông thuyền tàu và các phương tiện vận tải thủy. Sau cầu Mỹ Thuận còn thêm cầu Kiền và cầu Bính, Đặc biệt cầu Bãi Cháy cũng thuộc loại cầu dây văng nhưng chỉ có một mặt phẳng dây nằm dọc theo dải phân cách theo chiều dài cầu. Trong thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều cây cầu vượt hiện đại đã góp phần bảo đảm an toàn giao thông và tránh được ách tách giao thông ở những nút giao phức tạp.
 Kinh tế quê bạn, tỉnh bạn, đất nước bạn có phát triển hay không hoặc phát triển đến mức độ nào, xin hãy kể cho nghe về các con đường giao thông và những cây cầu. Đường giao thông êm thuận, thuận tiện và những cây cầu hiện đại đã phản ánh chân thực tiến bộ khoa học, trình độ thi công của con người thuộc địa phương ấy. Đồng thời nói lên mức độ phát triển kinh tế ổn định và bền vững hay không nhờ nhìn vào thực tiễn của sự phát triển đường ô tô cũng như các công trình cầu và các công trình gao thông khác. Tin tưởng với nhịp độ phát triển nền kinh tế tăng trưởng ổn định, chúng ta còn được tản mạn về những công trình cầu hiện đại như cầu Cần Thơ vượt qua sông Tiền để nối liền một phần lớn đất nước với các tỉnh cực Nam của Tổ quốc, cầu Đông Trù với kiểu dáng hiện đại có kết cấu bê tông nhồi trong những ống thép lớn làm vòm cầu, đến với cầu Nhật Tân cây cầu dây văng hiện đại soi mình trên mặt nước sông Hồng huyền thoại, vượt trên những dinh đào cổ Nhật Tân thuộc đất Thăng Long sắp bước vào tuổi nghìn năm…
Hà Nội, tháng 12 – 2008
Nguyễn Đăng Minh