Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

cuộc đời của mẹ

Lê Văn Trường
Thứ tư ngày 25 tháng 3 năm 2009 6:47 AM

                 
Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông ở một vùng quê nghèo khó của miền trung,cái vùng quê mà người ta vẫn nói là đất cằn đá sỏi,khí hậu khắc nghiệt,điều kiện tự nhiên không thuận lợi.Gia đình ngoại tôi có năm chị em gái,mẹ tôi là con cả.Năm mười tám, đôi mươi (năm 1972) cũng như bao cô gái thôn quê khác mẹ tôi lên xe hoa về nhà chồng,nói là lên xe hoa thôi chứ ngày đó chiến tranh đang còn ác liệt,điều kiện kinh tế khó khăn nên cũng chỉ làm vài mâm cơm mời anh em họ hàng,nhà trai và nhà gái cách nhau cái hàng rào .Sau khi cưới chồng được hai ngày thì chồng của mẹ phải lên đường nhập ngũ.Hai vợ chồng chỉ sống được ngần ấy thời gian,thật ngắn ngủi để hiểu hết được cuộc sống vợ chồng.Ngày tiến chồng lên đường nhập ngũ mẹ đã khóc hết nước mắt và mong ngày chiến thắng trở về.Nhưng cũng như bao người phụ nữ Việt Nam khác mong ước đó của mẹ đã không trở thành hiện thực,người chồng  mới cưới được hai ngày của mẹ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Sau khi chồng nhập ngũ được hai tháng thì mẹ tôi nhận được một tin sét đánh đó là ông đã hi sinh.Nối đau mất mát quá lớn đối đã dội lên đầu  người vợ trẻ.Có lẽ số phận ngặt nghèo của mẹ bắt đầu từ đó,mẹ tôi định ở vậy để phụng dưỡng bố mẹ chồng nhưng gia đình nhà chồng động viên mẹ tôi nên đi tìm hạnh phúc mới.
                    Sau chồng mất được hai năm thì mẹ tôi đi bước nữa đó là lấy bố tôi.Bố tôi cũng một chiến sĩ cầm súng trên mặt trận đánh giặc ở chiến trường Quảng Trị ,một lần nữa mẹ tôi lại phải chịu cảnh thiệt thòi thiếu thốn tình cảm của người chồng và sống trong nỗi lo âu chờ chồng trở về,không biết lần này có phải chịu cảnh tang tóc như lần trước không?.Nhưng chiến tranh là mất mát và đau thương ,cũng như bao người phụ nữ khác mẹ vẫn một mực chờ chồng và hy vọng ngày chiến thắng  chồng sẽ trở về với mình.Sau khi chiến tranh kết thúc thì bố tôi cũng trở về,nhưng sức khỏe của bố tôi rất yếu.Mẹ tôi kể bố tôi bị sức ép ở chiến trường,trong một trận đánh bị hầm sập chết rất nhiều người ,bố tôi nằm giữa hai người cả hai người cùng chết nhưng bố tôi may mắn sống sót.Sau khi được điều trị ở chiến trường thì sức khỏe của bố tôi cũng không được tiến triển lắm nhưng do điều kiện của gia đình nên bố tôi phải phục viên sớm và trở về với gia đình.Khi về bố tôi nay ốm mai đau,vết thương của chiến tranh cứ hành hạ bố tôi hàng ngày,mẹ tôi phải chạy chữa hết nơi này đến nơi khác để cắt thuốc cho bố ,hễ cứ nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi là mẹ tôi lại tìm đến và cắt thuốc cho bố tôi.
                 Hồi đó kinh tế còn khó khăn không có tiền để cho bố nằm viện,một mình mẹ cứ chèo chống giữa dòng đời xuôi ngược và trớ trêu.Một mình mẹ phải chèo chống cho bốn đứa con thơ dại và người chồng nay ốm mai đau,lo từng bữa ăn,kiếm từng thang thuốc cho chồng.Làm xong việc nhà rồi hễ ai thuê mướn công việc gì là mẹ tôi lại đi làm thêm miễn là kiếm thêm được đồng tiền bát gạo để nuôi chồng, nuôi con cho qua ngày đoạn tháng.Cứ như thế mẹ tôi quần quật cả ngày hết ngày này qua tháng khác mà không biết mệt mỏi,cũng rất may ông trời thương phú cho mẹ tôi sức khỏe,mẹ làm như thế nhưng không bao giờ ốm đau mà phải uống thuốc cả,có chăng cũng chỉ là ốm lặt vặt uống vài thứ lá thuốc nam là xong.
                 Ngày đó tôi cũng đang còn thơ dại nên chưa hiểu được nối nhọc nhằn của mẹ cứ đùa nghịch vô tư như bao đứa trẻ khác,thấy bố đau quằn quại trên giường nhưng tôi cũng không hề động lòng .Chỉ thấy  rằng mỗi lần bố đau như thế là mẹ lại xoa bóp và vỗ về bố.Bố tôi ốm đau nên kinh tế gia đình khánh kiệt trong nhà không có gì là đáng giá và các loại thuế,nợ nần của gia đình cứ năm này đến năm khác mà không trả được.
                             Cảm thấy xót thương cho gia đình bé nhỏ
                             Thương người mẹ mái tóc vẫn còn xanh
                             Cùng con thơ sống  cuộc đời hiu quạnh
                             Ngày qua ngày với cuộc sống gian truân
                             Nhà xơ xác không bát cơm manh áo
                             Chồng ốm đau nằm liệt đã bấy lâu nay
                             Nuôi chồng, con  trong nước mắt nghẹn nghào
                             Mẹ len lóc giữa dòng đời kiếm tìm sự sống
                            
          Vào ngày rằm tháng giêng năm 1988 bố tôi đã trút hơi thở cuối cùng để lại một mình mẹ tôi bơ vơ giữa cuộc đời đầy gian truân , nhọc nhằn và bốn đứa con thơ dại,đứa lớn nhất là 11 tuổi,đứa nhỏ nhất là 3 tuổi.Bố tôi mất đi là  một mất mát quá lớn nữa lại dội lên đầu mẹ tôi ,khi đó  mẹ tôi chỉ mới 36 tuổỉ.Một lần nữa tang tóc và đau thương lại dội lên người phụ nữ trẻ ,có lẽ ở cái tuổi 36 nhưng mẹ vẫn chưa biết được hạnh phúc là gì,cuộc đời mẹ có lẽ chỉ có cơ cực,khổ đau và mất mát là nhiều hơn cả.Sau khi bố mất một mình mẹ lại phải chống chọi để nuôi đàn con thơ dại và trang trải nợ nần.Đêm đêm mẹ vẫn thao thức,thở dài lo lắng làm sao cho con có cái ăn cái mặc.Từ khi bố mất mẹ già đi nhiều so với tuổi,hằng đêm mẹ không ngủ được mẹ đã ăn trầu,người ta thương ăn trầu khi tuổi đã ngoài 60  nhưng mẹ tôi mới có 36-37 mà đã ăn trầu,mẹ bảo ăn trầu để cho đỡ sốt ruột về đêm,cứ mỗi lần không ngủ được là mẹ lại dậy ăn trầu.Cũng biết rằng chiến tranh là mất mát ,là đau thương nhưng tôi thấy mẹ mất mát và đau thương nhiều quá mà không được hưởng một chế độ chính sách nào của nhà nước cả .Cuộc đời của mẹ cứ như thế trôi đi từ ngày này sang ngày khác và từ năm này đến năm khác và rồi anh em chúng tôi cũng khôn lớn ,trưởng thành dưới mồ hôi và nước mắt của mẹ.
           Nói về công lao to lớn của mẹ thi không thể nói hết được nhưng tôi xin kể về một kỷ niệm của tuổi thơ mà tôi đã trải qua.Năm đó tôi khoảng 11-12 tuổi gì đó ,tôi và mẹ gánh củi đi chợ  bán để lấy tiền mua gạo ,tôi gánh được 12 bó củi,mỗi bên 6 bó.Chợ cách nhà khoảng 10 cây số,đây là lần đầu tiên tôi đi chợ xa như thế nên rất háo hức.Đi được một hai cây số gì đó thì tôi rất mệt thế là đi được một đoạn lại nghỉ một lúc,mỗi lần nghỉ như thế mẹ lại lấy bớt hai bó và bỏ sang gánh của mẹ,cứ như thế đi được nửa đường thì gánh củi của tôi đã chuyển sang gánh của mẹ hết còn tôi thì chỉ xách quang gánh không theo mẹ mà vẫn không kịp.
              Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao mà mẹ tôi lai khỏe đến vậy.Gánh củi của mẹ đã nặng như thế mà mẹ vẫn gánh đỡ được cho tôi.Ngày đó tôi vẫn còn nhỏ nên chưa hiểu được gì, mà cũng không hề hay biết rằng mẹ gánh đã nặng lắm rồi nhưng thương con nên mẹ cũng còng lưng ra để gánh đỡ cho con,chỉ thấy mẹ gánh cho mình để cho đỡ mệt là mừng lắm rồi.Đến bây giờ tôi mới hiểu người mẹ vĩ đại như thế nào, có lẽ gánh nặng cuộc đời mà mẹ trải qua còn nặng hơn gánh củi mà mẹ gánh đỡ cho tôi.Bây giờ tôi đã khôn lớn và trưởng thành nhưng cũng chưa đền đáp được công lao to lớn của mẹ,vẫn chưa gánh bớt gánh nặng cuộc đời cho mẹ.Mỗi dịp hè hoặc tết về tôi cho mẹ ít tiền để mẹ tiêu vặt nhưng mẹ không lấy và nói ”con hãy cầm ra ngoài đó mà tiêu và lo cuộc sống cho mình mẹ không giúp gì được cho con,ở nhà mẹ nuôi được con gà con vịt và rau cỏ ở vườn cũng đủ tiêu hàng ngày”.Tôi thấy ghẹn nghào khi nghe mẹ nói như vậy, quả  thật mẹ luôn lo lắng cho tôi mọi lúc mọi nơi,mẹ vẫn rất buồn vì không lo cho con được như gia đình người khác.Nhưng tôi thấy mẹ như thế cũng là vĩ đại rồi vì ở quê tôi đất cằn đá sỏi,có nhiều người  có cả vợ chồng mà cũng không nuôi được con ăn học , còn đối với mẹ tôi một thân một mình mà vẫn nuôi được hai con ăn học đại học thì quả là một điều hiếm gặp như ở vùng quê thuần nông và nghèo khó như ở quê tôi.Nhiều lúc tôi cũng buồn vì thấy bạn bè được bố mẹ chiều chuộng cho ăn học ,ra trường mua xe máy và làm nhà,lập gia đình  ,chỉ có thế mà làm ăn không phải lo lắng cái gì cả còn tôi thì.....nhưng tôi cũng không bao giờ trách mẹ cả.
              Cuộc đời của mẹ như một chuyện cổ tích mà chuyện cổ tích thì bao giờ cũng có hậu ,tôi rất tự hào vì đã có  mẹ và mẹ đã sinh ra tôi trên đời và cho tôi được ánh sáng của ước mơ và hy vọng.Cầu chúc cho mẹ được sống lâu để con được có cơ hội phụng dưỡng và đáp trả công  ơn vô cùng to  lớn của mẹ,để bù đắp lại nhưng tháng ngày cơ cực của mẹ.Mẹ ơi con sẽ mãi là người tốt và người có ích cho xã hội để mẹ luôn luôn tự hào về con.Con sẽ bù đắp lại một phần mất mát đau thương cho mẹ để tuổi già mẹ được sống một cuộc sống yên bình, vui tươi bên con cháu 

                                                                                                     Con của mẹ                    
                                                                                                    
                                                                     Lê Văn Trường- giáo viên trường THPT Trần Nhân Tông _Huyện 
                                                                                     Đông Triều –Tỉnh Quảng Ninh -ĐT 0982404538