Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT NHÀ THƠ CÁ TÍNH VÀ BẢN LĨNH

Vũ Nho
Thứ năm ngày 26 tháng 3 năm 2009 10:54 AM


 Ý NHI  xuất hiện và được khẳng định sớm từ cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ  năm 1969. Chị là nhà thơ nữ bền bỉ sáng tạo và có cá tính mạnh cả trong cuộc sống lẫn trong thơ. Trong các sách giáo khoa, trước khi tìm hiểu tác phẩm của một tác giả thường có một mục dẫn nhập nho nhỏ, ngắn gọn nhưng khá đủ thông tin do người biên soạn viết, mục ấy gọi là tiểu dẫn. Ý Nhi cũng tự soạn một tiểu dẫn cho mình. Đây là những thông tin quan trọng:
 Tôi không ưa đồ trang sức
 Kể cả nhẫn , vòng và các chức danh
 Tôi đã bị lừa dối, phản trắc
          đã được tin cậy, yêu thương
           đã lội qua bùn
           đã đi trên cát
          Tôi đã tới những ngõ cụt
           và cũng đã tới biển
 …
 Tôi rất ít bạn
 …
 Tôi ngại các tiệc vui
          nhiều khi tôi khóc vì chính cái khiến những người quanh tôi vui mừng
          và lại muốn thét lên khi mọi người yên lặng.
Quả thật là một người  giản dị, từng trải, thẳng thắn, bộc trực và đầy bản lĩnh.
 Thật ra, ý Nhi là một nhà thơ đa cảm. Cảm xúc của chị thường mạnh mẽ như một dòng nước cuộn xiết “ cuồn cuộn những dòng ngũ sắc” ( Kí ức). Khó có thể nhận ra những sự vật cụ thể trong dòng cuộn chảy ấy, mà chỉ thấy lấp loáng, long lanh, ào ạt. Vì thế cảm xúc ấy gần như khó nắm bắt, chỉ có thể nhận ra một cách mơ hồ. Cũng gần như tình cảm của Người đàn bà ngồi đan. Có gì bí ẩn, khó đoán định, mời gọi và thách thức khám phá:
 Không thở dài
 không mỉm cười
          chị đang giữ kín đau thương
 hay là hạnh phúc
 lòng chị đang tràn đầy niềm tin
 hay là ngờ vực
Nhiều khi tất cả các trạng thái mâu thuẫn đó cùng đồng hiện trong khoảnh khắc ở nhà thơ tạo sự nhoè mờ của một nỗi lòng không xác thực:
 Tôi thường đợi mùa thu với nỗi lòng không xác thực
 vừa hân hoan vừa ưu phiền
 vừa mong ngóng vừa ngại ngùng
 như tôi đang đứng trước cuộc hẹn hò
 với linh cảm, điều lớn lao sẽ xảy ra trong thời khắc ấy.
 Là vòm trời xanh dịu kia
 hay là cơn bão lớn, mùa thu.
   Mùa thu
Sự mâu thuẫn này khi thì thể hiện trong âm thầm lặng lẽ trong lúc về Thái Nguyên tìm lại sự yên tĩnh:
 cam chịu và cuồng nộ, mong mỏi và buồn nản
 đem cho và nhận về, kiếm tìm và đánh mất
 giản đơn và rối ren, lớn lao và cạn hẹp
   Về Thái Nguyên
Khi thì bồn chồn giữa Praha bình yên :
 Tôi như người đánh mất
 lại như người vừa tìm thấy được
 như người đã trải qua
 như người đang đón gặp
 như người sắp đi xa
 như người mới trở về
  Một buổi chiều ở Praha
Trạng thái mâu thuẫn này thật ra không có gì quá bí ẩn và khó hiểu. Ý Nhi đã một lần nhận xét sắc sảo và tinh tế khi viết về một nhà thơ : “ Gay gắt và u buồn/ ồn ào và đơn độc”. Chị cắt nghĩa đấy chỉ là thể hiện của niềm khao khát  “Khao khát yêu thương/Khao khát được chở che/Khao khát dịu dàng”
( Cái chết của nhà thơ). Có thể vận dụng sự cắt nghĩa này cho chính những mâu thuẫn trong tâm trạng của chị.
 Một  đôi lần, người ta có cảm giác hình như  Ý Nhi riết róng, nghiệt ngã với  một số đồng nghiệp, bạn bè và những người xung quanh. Ví dụ khi đọc khổ thứ 6 trong bài Hà Nội, tháng 5. 1987. Nhưng có lẽ cần phải hiểu thời gian ấy là thời gian chị vừa trải qua căng thẳng, khủng hoảng trong cuộc sống tinh thần :
 Tôi là đứa trẻ muốn kêu to lên để được nghe thấy lời mình trong biển
 Là người đàn bà tìm về kết cục
 tôi đang đứng bên cái vạch nhỏ xíu
 của thuỷ chung và phản trắc, của tan vỡ và hi vọng,
                                                                                      của hằn thù và tha thứ
        Biển chiều
Mặt khác,  cần thấy rằng Ý Nhi là người cương trực, trước cái chết của một nhà thơ không phải bạn mình nhưng là những người tốt nhất, trước sự bất công với một nhà thơ trẻ đang viết những câu thơ đầy dự cảm, chị đã không giấu sự phẫn nộ trong lòng. Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương ( Nguyễn Đình Chiểu).
 Phải chăng do cầu toàn, do thẳng thắn và cương trực như vậy cho nên nhà thơ không có nhiều bạn? Cảm giác đơn độc là cảm giác thường thấy trong thơ. Không phải vì ít bạn mà đơn độc, có thể đấy cũng là biểu hiện thói quen tự lực của người giàu lòng tự trọng, giàu lòng kiêu hãnh.
 Tôi làm ra bài ca
 tự mình tôi hát
 tự mình tôi khổ đau
 tự mình hạnh phúc
 tôi một mình lặng bước tới trùng khơi
  Gửi một người bạn đọc
Và đây nữa :
 Tôi đứng giữa chợ
 cô độc như nhà thơ
 đấu tranh cho sự công bằng của giá cả
   Ngày thường
 Nhà thơ nào mà chả mong tìm thấy tiếng lòng đồng vọng? Cô đơn, cô độc trong sáng tạo, nhưng Ý Nhi không phải là người viết bất cần độc giả như tuyên bố ngông nghênh của một vài cây bút nước ngoài ( và ở Việt Nam cũng có đôi người  học đòi).  Chị  bộc bạch :
 Thật buồn khi thơ viết không người đọc
 khi gọi không ai đáp lời
   Không đề
Chị muốn thơ mình có ích, như mái hiên cho người đến trú giữa cơn mưa tầm tã và “ Như tiếng nói thân yêu giữa miền xa lạ/ như ánh nhìn tin cẩn giữa hồ nghi” ( Gửi một người bạn đọc).
 Như đã nói, nhiều khi nhà thơ không trực tiếp bộc lộ cảm xúc của mình. Trong tình yêu cũng vậy, có những kỉ niệm mơ hồ gắn với một đoạn đường, một chuyến đi, một ban mai, một buổi trưa làng gốm Bát Tràng, một cơn mưa dạo tháng Mười… Nhưng có thể tin chắc rằng chị đã yêu nồng nàn, mãnh liệt:
 Em lặng lẽ nói cười
 lặng lẽ nát tan
 em thành lá thành sương, thành lửa
   Năm lời cho bài hát
Chị đã hoàn toàn  sung sướng và đau khổ vì được yêu:
 Bấy giờ
 em gầy hao, đầy đặn
 hân hoan, buồn khổ
 dưới một ánh nhìn
   Kí ức
Những câu thơ tình của chị ngập tràn những cảm giác ám ảnh:
 Anh chan hoà trong tóc em
 trong mắt em
 trên vai em
 trên những đầu ngón tay em.
 Anh chan hoà trong nỗi nhớ biển của em
 trong giác mơ một triền đồi vàng thắm hoa quỳ.
 Anh chan hoà
 trong giọt nước mắt im lìm
 trong lời em không nói.
   Năm lời cho bài hát
Thơ tình của Ý Nhi đằm thắm một vẻ đẹp trí tuệ.
 Có lẽ cần phải nói tới một điểm khác biệt các nhà thơ nữ khác là thơ Ý Nhi có xu hướng nghiêng về triết luận. Không ít lần người đọc thích thú với những chiêm nghiệm của chị :
          Ý nghĩ về hạnh phúc bền vững hơn hạnh phúc giữa đời
 Ý nghĩ về niềm vui lớn hơn niềm vui có thực
 Và nỗi đau trong ta ghê gớm hơn những gì ta có thể giãi bày
   Những cây sồi bên bờ hồ Thuyền Quang
Hoặc một phát hiện cái quy luật trớ trêu của đời sống:
 Tôi biết có những trò đùa cay nghiệt
 và những việc nghiêm trang lại như một trò đùa
    Tiêủ dẫn
Một cảnh báo về niềm hạnh phúc mong manh:
 Biết đâu niềm hạnh phúc
 từng có thật trong đời
 chợt ngoảnh đàu nhìn lại
 đã nên điều xa xôi
   Thơ tặng cháu
Bài thơ Con chỉ có hai câu nhưng như kết đọng một quan niệm từ tấm lòng của một người mẹ :
 Con- sự thăng bằng
 trên sợi dây hạnh phúc cheo leo
Có thể thấy những  quan niệm cuộc sống, con người có tính triết luận trong một số bài thơ ngắn khác như Mùa khô 1992, Dự cảm, Nhà văn Nguyễn Minh Châu…
 Trong những gương mặt thơ nữ Việt Nam hiện đại, Ý Nhi là một cây bút mà bạn đọc không thể bỏ qua.
       5/8/2008