Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ ÔNG KIM NGỌC

Nhà thơ Lê Duy Phương
Thứ bẩy ngày 28 tháng 3 năm 2009 5:36 PM

Rất tiếc tôi chưa một lần được gặp ông Kim Ngọc. Thế nhưung tôi vẫn nhớ ông, nghĩ về ông như nghĩ về một nhà cải cách vĩ đại.
Nhân việc nhà nước ta truy tặng ông huân chương Hồ Chí Minh, tôi xin được viết đôi dòng về ông.
Khi tôi đang làm việc, có mấy lần đi với chủ tịch UBND tỉnh ra làm việc với ông Hoàng Quy, ông Hoàng Quy lúc bấy giờ là bộ trưởng bộ Tài chính, nguyên là phó bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú mà ông Kim Ngọc là bí thư.
Lần nào cũng được ông Hoàng Quy kể cho nghe về ông Kim Ngọc. Ông Hoàng Quy nói: “Trong ngôi nhà tôi ở phòng đầu này, Kim Ngọc ở phòng đầu kia, một hôm Kim Ngọc đem ghế ra ngồi xem hai đám người cấy lúa, gọi tôi lại: -  Quy ơi, lại xem đám ruộng 5% chỉ có 2 mẹ con cấy đã xong, còn đám ruộng kia của hợp tác xã cũng không to hơn mấy mà hàng chục người cấy đến giờ chưa xong, thế là cái gì hở Quy”
Ông Hoàng Quy lại nói tiếp: “đấy các anh xem, những sự việc như thế đã hình thành trong Kim Ngọc một ý tưởng về quản lý lao động hợp tác xã rất táo bạo”
Có lần ông Hoàng Quy lại kể: “Kim Ngọc bảo với tôi: - Quy ơi, hôm nay anh Tố Hữu về nghỉ ở Tam Đảo, tôi anh lên thăm anh Tố Hữu đi. Khi chúng tôi lên thăm anh Tố Hữu, anh Tố Hữu nói: - Anh Ngọc, anh Quy ơi, sao các cậu để Tam Đảo xơ xác thế này. Kim Ngọc nói ngay: - Cái hợp tác xã của anh đấy. Anh Tố Hữu nói: - Sao không báo cáo với bộ chính trị. Kim Ngọc nói vừa đùa vừa thật: - Tôi sợ cái bộ chính trí của anh lắm”
Anh Hoàng Quy lại nói với chúng tôi: “Kim Ngọc luôn luôn đi cơ sở, luôn luôn suy nghĩ làm gì và làm thế nào để lao động nông nghiệp vì lợi ích của chính mình mà tự giác tham gia vào quá trình lao động sản xuất, đem lại nhiều của cải và được hưởng thụ đúng với lao động mình bỏ ra.”
Chắc hồi đó ông Kim Ngọc chưa đọc câu nói nổi tiếng của nhà kinh tế Mỹ: “Lợi ích cá nhân là động lực vĩnh hằng”. Nhưng ông đã nghĩ ra điều đó.
Ra Hà Nội tôi hay về Vĩnh Phú, nay là Vĩnh Phúc. Năm kia tôi được một chú lái xe rất trẻ đưa tôi về Vĩnh Phúc thăm sở Kế hoạch Đầu tư. Khi xe đi trên đường Kim Ngọc đến chỗ cột cắm tấm biển Kim Ngọc, tôi bảo chú lái xe dừng lại, xuống xe tôi đến ngắm hai chữ Kim Ngọc mà nước mắt chảy dàn dụa. Tôi lẩm bẩm: “Anh Kim Ngọc ơi, thế là em đã được gặp anh rồi, thương anh lắm”
Khi trở lại xe, cậu lái xe hỏi: “Sao bác xuống ngắm chữ Kim Ngọc mà bác lại khóc” “Có dịp bác sẽ nói để cháu hiểu, chuyện dài dòng lắm”
Xe đến sở Kế hoạch và Đầu tư, tôi vẫn không quên nói với đồng chí giám đốc “Nhờ cậu chuyển lời cảm ơn của mình đến lãnh đạo tỉnh, đã lấy một con đường lớn để đặt tên đường Kim Ngọc”
Và khi kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh ông Trường Chinh, báo Đầu tư có đề nghị tôi viết bài thơ về ông Trường Chinh, bài thơ có đoạn
Về Vĩnh Phúc đi trên đường Kim Ngọc
Nhớ về ông một thời sai đúng khó nhìn ra
Nhưng cái vĩ đại của ông là đã nhìn ra sai đúng
Ông không mơ màng huyễn hoặc thuở xa xưa
Khi bài thơ đã đăng báo, và khi tôi đọc bài thơ đó ở câu lạc bộ thơ Nhà Giáo, được giáo sư Vũ Ngọc Khánh cho là bài thơ hay, tác giả thông minh mà dũng cảm.
Với ông Kim Ngọc, tôi hy vọng Vĩnh Phúc sẽ có một pho sách về ông. Hy vọng nhà nước ta truy tặng danh hiệu anh hùng thời đổi mới cho ông và bức tượng phải là tượng ở ngay công viên để nhiều người được ngắm nhìn và dân hoa nhân ngày sinh và ngày giỗ của ông.
Ông Kim Ngọc, một danh nhân sống mãi với non song đất nước ta