Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ THƯƠNG NGƯỜI THI SĨ CHÂN QUÊ

Tân Linh
Thứ hai ngày 30 tháng 3 năm 2009 5:37 AM

 Kỷ niệm 90 năm ngày sinh thi sĩ Nguyễn Bính

   Nguyễn Bính (1919* - 1966) là một hiện tượng lạ và quý hiếm trong văn học Việt Nam. Tiếc là ông không còn để nhìn thấy mọi sự tôn vinh, tưởng thưởng cho thơ mình…
  Cái con người mà sinh thời sống lênh đênh tha hương trắc trở cho đến lúc chết ấy, cho đến nay đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực để bàn luận, để ngợi ca. Thế mà lúc đương lang bạt khắp Bắc Trung Nam, từng đi kháng chiến, làm cán bộ Việt minh…nhưng cuối cùng  vẫn là một thân phận. Là thôi đừng lấy chồng thi sĩ/Nghèo lắm mà con bạc lắm con! Tài hoa phát tiết từ thủa thiếu niên, nhưng số kiếp lênh đênh trong giang hồ đưa đẩy ông khắp xứ. Có lẽ chính nỗi tha hương, nỗi nhớ làng nhớ quê đã đưa tâm hồn Nguyễn Bính gần gũi với hồn quê. Những bài thơ chân quê, những câu thơ được thuộc lòng và nhớ lâu hơn cả ca dao của Nguyễn Bính, lịch sử đã ghi nhận như một hiện tượng văn chương Việt giữa thời buổi đương hô hào âu hoá.  
   Nhận thức là một quá trình. Tiếc thay quá trình ấy đã là quá lâu đến nổi tài hoa ấy đến khi thành người thiên cổ lâu lắm rồi mà vẫn có người chưa nhận chân được giá trị của thơ ông. Chả trách trước đó, Vũ Bằng lúc gặp gỡ giao đãi cùng thời đã không coi  Nguyễn Bính là bạn, không coi thơ Bính ra gì. Trong chân dung nhà văn cùng thời, Vũ Bằng đã nói thật lòng mình: Dù biết là có tội và rất có thể có nhiều văn hữu khinh khi, tôi cũng vẫn phải nói thật: Ở Hà Nội vào lúc Nguyễn Bính ra những bài Lỡ bước sang ngang, tôi đã coi thường anh, và không chịu đăng thơ anh trên “Tiểu thuyết thứ Bảy” lúc đầu. Tôi cho anh là một  thi sĩ nhà quê, không, làm thơ như làm vè và có lần tôi đã nói thẳng với Thâm Tâm rằng thơ của Nguyễn Bính là thơ Tống Trân Cúc Hoa, không thể nào chịu được…. Và rồi,cuối cùng Vũ bằng đã hối tiếc. Vâng! Đó cũng là cái thường tình. Nhưng không! Cái thường tình chỉ có thể xảy ra với những người bình thường. Riêng Nguyễn Bính, tôi e rằng người đời đôi khi coi thường còn có lẽ do thành kiến với Bính hoặc tệ hơn, đố kỵ nữa, khi thơ Bính nhiều giới, nhiều tầng xã hội ngâm nga và thuộc lòng. Dầu vậy, Vũ Bằng phải nhận rằng mình còn tiếc: “anh em không nói chuyện nhiều với tôi về Bính.Bính cũng không viết truyện làm thơ cho mấy báo văn nghệ tôi làm lúc đó như Tiểu thuyết thứ Bảy; Phổ thông bán nguyệt san; Hữu ích và riêng về đời sống của Bính cách sống hàng ngày tôi không được biết nhiều, cũng như tôi không biết Bính đã sống những đâu với ai – nhưng có một điều chắc chắn là Bính không có lúc nào sung sướng và đời anh là một đời “bô hê miêng” - chữ của Nguyễn Tuân -  gần hết  kiếp người ở nhờ nhà các bạn từ Trung, Nam cũng như tại Bắc…”
  Nhưng đồng thời cũng có người đánh giá đúng tầm vóc và thấy ánh ngọc trong vẻ đá sù sì của thơ Bính. Nhạc sĩ  Nguyễn Hữu Ba - tác giả bản nhạc Lửa rừng đêm nổi tiếng thời trước thì nhận xét: “Trong các bậc thi nhân hiện đại, Nguyễn Bính là người có nhiều thơ phổ nhạc nhất.  Tại sao? Có lẽ Bính là một nhà thơ bình dân đã gảy đúng khúc đàn lòng của con người . Nguyễn Bính đã tạo nên những chữ những vần mà bất cứ giai cấp xã hội nào nghe cũng thấy hợp với họ và sau hết là tại Bính đã đem vào trong thơ một thứ nhạc mới nhưng thơ ca thì cũng phản ánh một cách trung thành dân tộc tính… Theo ý tôi, không có bài nào thành công vẻ vang như bài Cô lái đò của Nguyễn Bính do Nguỹễn Đình Phúc phổ nhạc”.
  Vũ Hoàng Chương vào những năm 40 thế kỷ XX thì bảo thơ Nguyễn Bính so với thơ bây giờ là thứ thơ được phổ biến nhất  trong dân chúng.
Vâng, là người Việt thì người ta chuộng cái dân dã, cái mộc mạc trong tâm hồn. Khó có người nào viết tình quê hồn quê như vậy:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh/Thầy u mình với chúng mình chân quê/ Hôm qua em đi tỉnh về/Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều  
 HoặcThôn tôi vào đám hai ngày chẵn/Chỉ có Chèo không nhưng cũng vui..
 hoặcGiá đừng có dậu mồng tơi/ Thế nào tôi cũng sang chơi nhà nàng…
Hay: Anh trồng cả thảy hai vườn cải/Tháng chạp hoa non nở cánh vàng/Lũ bướm láng giêng đang khát nhuỵ/ Mách cùng gió sớm rủ rê sang…
 Thật đáng khâm phục Hoài Thanh và Hoaì Chân  khi để cho trong Thi Nhân Việt Nam có một Nguyễn Bính, dù khi ấy thơ ông đương lúc khen chê nhiều nhất, khi thi sĩ vừa  mới… 22 tuổi.”Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê còn ẩn náu  trong lòng ta. Ta bống thấy  vườn cau bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tình tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta.Và .. “ Thơ như thế này thì có gì…? Họ có ngờ đâu đã bỏ rơi một điều mà người ta không thể hiểu được bằng lý trí, một điều quý giá vô ngần : hồn xưa của đất nước.
   Chính Vũ Bằng đã bắt đầu nhận thức lại và thêm yêu quý Bính. Từ kịch thơ Bóng giai nhân mang hơi hướng cách mạng, đến khi nghe tin Bính vào nam đi kháng chiến. Nguyễn Bính bị bắt ở Phú Nhuận đem về giam, lại giữ nhiều giấy tờ trong đó có bài thơ Hành phương Nam khác hẳn lối thơ khóc gió thương mây, hận cho chị, giận cho mình…Lúc này có lẽ nhà văn họ Vũ đã nhận thấy có một Nguyễn Bính thứ hai qua những vần thơ khác, mới mẻ, đanh thép uất nghẹn hờn căm. Những:  Tháp mười chung oán hận với non sông/ Bông súng ngoài đồng /Bầm gan tím ruột…Bóng cờ khởi nghĩa mờ trong gió sương…
Xứng đáng đồng bào Nam Bộ/Tháp Mười thét lên/Không hàng…Và rồi tình cảm ấy, bống theo chiều sâu nặng dù đang ở hai đầu đất nước, họ đang họ xa cách … Nhà văn đã viết những lời gan ruột : “Riêng tin Ngyễn Bính qua đời không những làm cho lòng tôi thêm rầu rĩ mà lại còn làm cho lòng tôi thêm khốn khổ. Mỗi khi nghe ngâm thơ Nguyễn bính lòng tôi lại nao nao nhớ lại thái độ của tôi đối với Ngyễn Bính lúc ban đầu . Nhưng chính tôi cũng cảm thấy mình không may đã mù loà không nhận thấy một tài hoa, hơn thế lại còn khinh thường, đả kích để đến khi muốn gặp Nguyễn Bính để tự thú và tạ tội thì đã muộn. Nói thế để thấy rằng thời làn gió mới trong văn chương đang lên thì thơ Bính được xem là chân quê, là không âu hoá là điều dễ hiểu hơn bây giờ. Chả thế mà ông chỉ được giải …khuyến khích về thơ của Tự lực văn đoàn… 
  Chuyện ấy đã lâu rồi. Cũng lâu rồi nhưng những nhân vật không ưa thơ Nguyễn Bính có người còn đây. Họ vì thành kiến, hay vì đố kỵ, hay vì lẽ gì khác đã ngang nhiên hoặc kín đáo phủ nhận giá trị thơ chân quê của Nguyễn Bính. Biết làm sao được. Những người bảo thủ hay hiện đại ấy rồi cũng ra người xưa hết, chỉ thơ Bính dù xưa cũ, chân quê thì tôi tin rồi còn ở lại mãi với tâm hồn người Việt.
  Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt II năm 2000 đã có tên ông. Đó là một an ủi, một sự vinh danh, dù muộn màng…
 
 Hà Nội thượng tuần tháng Ba năm 2009 Nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 90 thi sĩ Nguyễn Bính.

* Trong Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1941 ghi Nguyễn Bính sinh năm 1919 tại làng Thiện Vịnh, nay là xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định