Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“NHỮNG NGỌN LỬA XANH”, NIỀM HI VỌNG TỪ NỖI ĐAU THẾ SỰ

Trần Xuân An
Thứ bẩy ngày 28 tháng 3 năm 2009 3:54 PM


(tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khắc Phê)

Không phải là nhà thơ hay hoạ sĩ, nhưng từ tâm trạng cô đơn, buồn khổ, niềm hi vọng đã được đọc thấy, được ngắm đi ngắm lại nhiều lần, bởi một cô gái nhân viên thư viện: ở bên ngoài khung cửa sổ, những chiếc lá bàng non le lói rồi sáng lên như ngọn lửa hàn gắn sự gãy đổ, ngọn lửa chế tác trái ngọc trái vàng tình duyên, lễ vật hôn nhân. Khởi đầu cuốn tiểu thuyết tâm đắc nhất của mình (tr.7), nhà văn Nguyễn Khắc Phê đưa ra một hình tượng ẩn dụ như thế nhưng chưa vội giải mã. Mãi tới vài chương cuối, có đến khoảng bảy trang (tr. 221, 241-244, 246, 279), trong đó, ẩn dụ “những ngọn lửa xanh” được nhắc lại với một cảnh tượng vừa đau xót về tình cảm, vừa tủn mủn quá đỗi buồn phiền về nhu cầu cần thiết nhưng nhỏ mọn hằng ngày: cây bàng với những mùa lá non kia đã bị tập thể cán bộ, công nhân viên thư viện đốn ngã cho dù nó còn tươi tốt, để chia nhau làm củi đun bếp với sự chi li đo đếm trong việc chia phần, giữa những năm tháng ở thành phố cũng như cả nước khan hiếm nhiên liệu làm chất đốt. Dĩ nhiên Kim Chi, cô gái nhân viên thư viện ấy, không nỡ nào nhận phần của mình, bởi cây bàng đó với những cánh lá non đối với cô từ mười năm qua là biểu tượng của niềm hi vọng.
“Chiếc rựa đã vung lên. Lưỡi thép rất sắc, tiếng “cộc, cộc” vừa dội váng óc cô thì cành bàng đầu tiên đã ngã gục, những “ngọn lửa xanh” nghiêng ngửa, đâm chúi vào các tầng lá phía dưới trước khi rơi xuống đất. Cô bỗng thấy khắp người nổi gai ốc, muốn kêu to lên mà cặp môi chỉ run run không sao cất lời được” (tr. 242).
“Căn cứ vào cuộc hội ý “bộ tam bộ tứ” gì đó [...] Các đống cành và mấy khúc thân đều được gắn “biển số” để bắt thăm. [...] – Nào! Ưu tiên cho em “bắt” trước [...]. – Em... em không lấy đâu! [...] Không, không. Cảm ơn bác... Cô nói, như líu lưỡi, vội cúi nhặt một “ngọn lửa xanh” rồi đi nhanh vào phòng. Đằng sau, có ai nói đuổi theo: -- Nhà ấy giỏi tích trữ dầu hoả thật! Một tiếng khác đế theo: -- Không chừng câu móc điện nấu trộm cũng nên!” (tr. 243-244).     
“... Và anh biết không, khoảng trống cây bàng để lại, làm cho em chợt nhớ ngày mẹ em vừa mất...” (tr. 246).
“Những ngọn lửa xanh”, biểu tượng niềm hi vọng, tình duyên tuổi trẻ của Kim Chi đã bị đốn ngã như người mẹ của cô, điểm tựa thời nhỏ dại, đã bị xô ngã xuống dòng sông từ trên một chiếc cầu vào lúc khuya khoắt... Nhưng biểu tượng “ngọn lửa xanh” bị gãy cành bứng gốc vẫn chỉ là biểu tượng, có thể cảm nhận theo quán tính mê tín lâu đời, đó là một điềm gở tình duyên được báo trước, còn bà Hạnh, mẹ của Kim Chi, lại là một con người thật, không ai có thể thay thế nổi trong đời cô. Hơn mười năm trước, cái chết của bà mẹ trẻ ấy là cả một nỗi kinh hoàng với nhiều dấu hỏi còn cắm sâu vào lòng những người thân...
Người đọc vốn cẩn trọng, dè dặt ở nước ta sẽ không dám đọc tiếp nếu cuốn tiểu thuyết không được ấn hành với nhãn hiệu của Nhà Xuất bản Phụ Nữ, và khi đã đọc, không thể không tự trấn an: Thông tin xác thực về một số không nhiều cán bộ chức cao, quyền to thuộc ngành công an cấp tỉnh, thậm chí cấp trung ương, bị điều tra, xét xử, kết án và bị đền tội gần đây trên báo chí (in giấy, điện tử) ở nước ta là cơ sở hiện thực nghiêm ngặt để tiểu thuyết “Những ngọn lửa xanh” được xuất bản chính thức, lưu hành hợp pháp.
Có lẽ những cái tên nhân vật nghe quá chừng quen thuộc và dễ thấy sự trùng hợp quanh ta, trùng hợp đến mức không thể kể đếm nổi, như những Thức, những Hạnh, những Mạo, những Kế, những Kim Chi, những Hảo, những Vinh, những Nhơn, những Minh Trí, những Hồng... Có điều, cho dù được khắc hoạ với nhiều chi tiết tinh tế, sinh động và phong phú hay chỉ điểm xuyết, lướt qua, mỗi hình tượng nhân vật dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Khắc Phê vẫn là những con người có cá tính và số phận riêng biệt, không thể trùng lẫn với những ai đó (không những không viết lại nguyên xi tội phạm trên báo chí, cũng không ám chỉ một ai trong đời thực).
Người đọc vốn cẩn trọng, dè dặt ở nước ta sẽ yên tâm khi nhận thấy những kẻ như Mạo, như Kế đã bị pháp luật công khai cũng như công luận báo chí chính thống trừng trị đích đáng.
Cuốn tiểu thuyết 296 trang sách của nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho người đọc thấy quanh ẩn dụ những chiếc lá bàng non, “những ngọn lửa xanh” ấy, hầu hết là không thơ mộng. Đó là sự tha hoá, biến chất (hay sự bộc lộ bản chất xấu xa tiềm ẩn mà thời chiến, tạm khuất lấp), trong điều kiện nắm quyền lực vào tay, giữa quãng thời gian hơn một thập niên hậu chiến, cùng những âm mưu, thủ đoạn của lão Mạo và Kế, tên của một cán bộ cấp cao và tên một viên thư kí tay chân, thuộc cấp trong ngành công an tại một tỉnh. Đó là hậu quả khủng khiếp, dẫn đến nghề buôn lậu, ăn chơi trác táng, thậm chí còn dùng tượng Phật làm thứ nguỵ trang, cất giấu hàng lậu, bởi sự đổ vỡ niềm tin của Vinh vào người cha là lão Mạo, cùng sự đổ vỡ niềm tin vào đồng sự cũng như những cấp lãnh đạo, quản lí. Nhưng tiểu thuyết “Những ngọn lửa xanh” chủ yếu khắc đậm nỗi đau của ông Thức, một vị giáo sư đại học, người bị rơi vào một vụ án oan do có quan hệ thư từ với một học giả ngoại quốc (để nhờ tìm tài liệu về một di tích văn hoá - lịch sử Phật giáo, cách mạng!), rồi ngay sau đó, trở thành nạn nhân bị đày đoạ héo hon trong cảnh bị cô lập, bị theo dõi, mà nguyên nhân kế đến là do ông có người vợ trẻ đẹp – bà Hạnh, mẹ của Kim Chi – miếng mồi ngon của lòng háo dâm vô độ ở lão Mạo! Đó là quá trình tha hoá, vong thân, bị buộc làm tay sai theo dõi giáo sư Thức của một trí thức trẻ tên Nhơn và nỗi hối hận, cái chết đầy bí ẩn của Nhơn. Nhơn bị những cánh tay từ guồng máy quyền lực của Mạo đẩy vào vực tối thất học ngay từ thuở sinh viên để được kéo lên, cho học tiếp, được bố trí nơi công tác thuận lợi, cũng chính bởi những cánh tay quyền lực ấy, với điều kiện Nhơn chấp nhận làm công việc theo dõi thầy giáo của mình, báo cáo thường xuyên cho guồng máy do Mạo và Kế khuynh loát, lũng đoạn.
Những nhân vật như thế bao quanh “những ngọn lửa xanh”, ngọn lửa hàn gắn sự gãy đổ và ngọn lửa chế tác lễ vật đính hôn của mối tình oái oăm, trớ trêu giữa Kim Chi (con gái của ông Thức) và Hảo, phó tiến sĩ trẻ vừa từ nước ngoài trở về (con trai của lão Mạo)...
Qua tất cả những nhân vật được khắc hoạ tính cách rõ nét trong “Những ngọn lửa xanh” kể trên, nhà văn Nguyễn Khắc Phê chủ yếu vạch trần, tố cáo sự trù dập không thương tiếc người trí thức, sự lấn hiếp, cưỡng chiếm di tích văn hoá chùa chiền đồng thời là di tích lịch sử cách mạng để hợp đồng giao đất cho công ty du lịch kinh doanh khách sạn, du hí bia bọt và xác thân phụ nữ, bởi cơ quan ngành an ninh do một tên cán bộ cao cấp lũng đoạn, kẻ đã được nhà chùa ấy chở che thời kháng chiến, cùng những bi kịch thê lương, ảm đạm trong gia đình người trí thức bị án oan ấy và những bi kịch khủng khiếp trong gia đình kẻ nắm quyền lực có nanh vuốt của loài thú dữ dâm ô.
Tiểu thuyết “Những ngọn lửa xanh” có kết cấu thuộc loại chuẩn mực, không phá cách, nhưng nhờ được thiết kế, xây dựng bởi nhà văn Nguyễn Khắc Phê, một tác giả đã khẳng định tên tuổi mấy thập niên qua ở lĩnh vực tiểu thuyết, nên có vẻ đẹp vừa rất tự nhiên như chính dòng chảy của cuộc sống, vừa rất chặt chẽ như một giàn máy vi tính.
Mẫu đề (motif) tình yêu đương giữa hai người trẻ tuổi thuộc hai gia đình thù oán nhau, nhất là tình huống gia đình cô gái thuộc phía thất thế, gia đình chàng trai thuộc phía thắng thế, vốn không xa lạ trong văn học từ xưa đến nay. Mối tình giữa Kim Chi và Hảo cũng vậy, nhưng họ là những nhân vật của khoảng hơn mười năm trước thời điểm Đổi mới ở nước ta, và cụ thể hơn nữa, là ở một thành phố Miền Trung. Điều này cho người đọc nhận ra bi kịch thuộc mẫu đề đó là muôn thuở, muôn thuở nhưng vẫn mang hơi thở của thời đoạn vừa trôi qua mới đây thôi, và hẳn còn tiếp diễn trong những năm đầu thế kỉ XXI này cho đến vài thập niên sau.
Thật ra, giữa gia đình giáo sư Thức với gia đình cán bộ công an cấp cao tên Mạo không có mối thù truyền kiếp như những bi kịch cổ điển. Nhân vật ông Thức cũng như nhân vật ông Mạo tham gia kháng chiến từ những ngày khởi nghĩa 1945. Như vậy, cho dù ông Thức có thể chưa là đảng viên, vì ông vốn là trí thức cũ, cũng có thể nói là giữa họ có quan hệ đồng chí. Là một trí thức, trước khởi nghĩa cho đến sau ngày thống nhất đất nước, ông Thức vẫn là một nhà giáo, tất nhiên theo năm tháng, công trình nghiên cứu của ông càng có bề dày. Trong khi đó, ông Mạo, vốn từ một nông dân dạng lực điền, tham gia cách mạng, trở thành cán bộ cao cấp của một tỉnh, thuộc ngành công an, ngành có quyền lực tham mưu và chi phối hết tất thảy cách ngành khác. Một lệnh miệng hay một chữ kí với khuôn dấu đỏ dưới một văn bản của ông Mạo có thể làm điêu đứng đến hàng chục giáo sư cỡ ông Thức. Nhưng hàng chục giáo sư cỡ ông Thức đừng hòng đụng đến được một cái lông chân của ông Mạo! Có một thời gian khá dài, trí thức hoặc bị xem là đứng đầu bốn thành phần bị xác định là đối tượng của cách mạng, đến mức thành khẩu hiệu “Trí – Phú – Địa – Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” hoặc trí thức nước ta, trên văn bản, đã bị gạt ra khỏi bộ ba Công – Nông – Binh, hoặc nữa, khi đã được đứng khé né cùng công nông binh trên các tranh cổ động, trí thức vẫn thuộc hàng thứ tư. Nhưng ông Mạo nếu quả là một vị lãnh đạo mẫu mực, nghiêm minh của ngành công an cấp tỉnh với quyền lực bao trùm các ngành sở tại thì cũng đành một thuở. Đằng này, Mạo là một trong một số không nhiều những con sâu độc, vừa nham hiểm vừa dâm ô.
Bằng những thủ pháp gút – mở xen lẫn giữa các vấn nạn khác thôi thúc người đọc truy tìm, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã dẫn dắt câu chuyện với sức lôi cuốn không thể dứt ra được, để đến cuối sách mới có thể hiểu ra sự thể:
Chỉ từ một lá thư gửi nhờ Hảo, con trai của Mạo, nghiên cứu sinh du học nước ngoài, liên lạc với một học giả Tây phương, để tìm một tài liệu lịch sử về kiến trúc chùa Linh Sơn, ông Thức bị Mạo, nhân danh ngành công an, mời đến “làm việc”. Ông bị giam lỏng trong một căn phòng trắng toát với giấy bút, ấm chén trên bàn, suy nghĩ để viết kiểm điểm. Sau mấy hôm, ông Thức viết, nhưng lại viết đơn tố cáo và kêu cứu gửi Thủ tướng và Quốc hội.  Nhưng viết đơn tố cáo công an ngay trong phòng giam lỏng của công an, mặc dù kín đáo đưa cho vợ gửi, khi bà được phép vào thăm chồng, chẳng qua là một hành động trong tuyệt vọng. Và như thế là đã vô tình tạo cớ cho Mạo ép bà Hạnh, người vợ còn trẻ đẹp của ông, nhằm thoả mãn cơn dâm dục thường xuyên của y, mặc dù quanh y còn có những phụ nữ chưa chồng hoặc đã có chồng bị y hù doạ, hứa hẹn tặng thưởng để y dở trò. Khác với những vụ khác, vụ nắm cớ để ép đi theo trong chuyến tác miền núi, ép rượu, rồi cưỡng hiếp bà Hạnh có khả năng bị chính bà tố cáo, phải chăng là lí do bà Hạnh bị xô ngã xuống sông trong khuya, lại được dàn cảnh như bị cướp giật tiền bạc rồi bị lũ cướp xô cho chết đuối? Một dấu hỏi vẫn còn neo trong đầu ông Thức từ những trang đầu tiểu thuyết cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng ở đoạn gần kết. Con gái của ông Thức -- bà Hạnh, là Hồng và Kim Chi, cũng không thể biết. Chỉ một người biết rõ, ngoài Mạo, là tên trợ lí tay chân của y, tên Kế. Cuối cùng, biết sự thật đó chỉ thêm một người bị Kế mặc cả, ấy là Hảo, con trai Mạo.
Kế chỉ có thể đưa sự thật ấy ra để mặc cả với Hảo, một khi thủ trưởng ma-phi-a hoá trong ngành công an của y là Mạo đã chết.
Cái chết thảm khốc của Mạo chỉ là kết thúc của một cuộc trấn áp, cưỡng chiếm đất đai nhà chùa một cách trái phép, thực hiện hợp đồng với công ti kinh doanh du lịch của tỉnh, với món tiền vàng “lót tay” lớn. Cuộc trấn áp, cưỡng chiếm ấy lại được chụp lên danh nghĩa là ngành an ninh đấu tranh với một tổ chức Phật giáo địa phương, hình như có mưu đồ lợi dụng tôn giáo để tập hợp lực lượng chống phá chính quyền cách mạng, gồm tu sĩ Thích Minh Trí (trụ trì chùa Linh Sơn) và các trí thức, một số Phật tử, trong đó có Quế, một sinh viên trưởng thành trong phong trào đô thị Miền Nam, không thoát li lên rừng, nay là tiến sĩ Việt kiều. Giấy mời họp còn gửi đến ông Thức, vị giáo sư đang bị “tù nhà”, thường xuyên bị theo dõi bởi tổ trưởng dân phố, công an khu vực và cả học trò ruột thường xuyên thăm viếng là Nhơn, trong căn hộ thuộc khu tập thể. Nhưng cái chết của Mạo xảy ra như thế nào?
Khá mỉa mai, thô bạo chăng? Không, các tính từ định ngữ như thế chưa đủ trọng lượng, và cũng không phân vân gì khi nói đó là kế hoạch quá thâm độc nhưng quá hạ cấp đến mức trắng trợn được hình thành từ sự bàn mưu tính kế giữa thủ trưởng Mạo và trợ lí Kế: Để trấn áp thắng lợi, tốt nhất là cho công ty du lịch cưỡng chiếm đất nền ngôi chùa cổ, phần lớn bị đổ nát trong chiến tranh, chưa có điều kiện xây dựng lại, chỉ còn một cái chái để thờ Phật và nhà ngang, nơi sư trụ trì cùng các sư tiểu khác tu hành, để từ nền chùa ấy, sẽ mọc lên một khách sạn, có kinh doanh dịch vụ du hí bia bọt, âm nhạc dậm dật và thân xác phụ nữ trẻ đẹp. Như thế, theo Mạo và Kế, thì cho dù Đức Phật linh thiêng, thiền sư chay tịnh, chuông mõ siêu thoát hay Phật tử tín mộ cũng khó lòng tồn tại nổi! Món lợi trực tiếp là họ có tiền vàng đút túi, không khéo còn có huy chương, huân chương nữa cũng nên.
Cái chết của thủ trưởng Mạo xảy ra khi y hùng hổ cho lao xe đến để lôi cổ Hảo, phó tiến sĩ nghiên cứu văn hoá, con trai của y, đang cãi cọ với tên chỉ huy đội xe húc của công ti xây dựng và những thuộc hạ đầu gấu của hắn. Khi Hảo và sư Minh Trí đang đấu tranh bằng lời nói, có một nhà sư khác đòi quyết tử, nằm ngay trước lưỡi sắt xe húc, chặn lại việc san ủi nền chùa cổ, nhưng rồi thầy Minh Trí can ngăn, dàn xếp được. Ngay sau đó, Mạo xuất hiện, từ xe công an bước xuống, đẩy Hảo ra sau, và trực tiếp, đích thân ra lệnh cho xe húc tiến tới, mặc dù ngay lúc đó, y thoáng nhớ mang máng ở nền chùa này thì phải, có một căn hầm du kích, y đã được cơ sở cách mạng đưa vào, nhà chùa cho phép trú ẩn, và che chở y trong thời chiến tranh. Lưỡi sắt sáng loáng của xe húc vẫn tiến tới. Lập tức, một tiếng nổ vang trời, Mạo đầm đìa máu. Mìn và lựu đạn của bộ đội giải phóng còn sót lại, trong đó có thể mìn đạn chính y vội vã bỏ lại từ năm nào, nay đã phát nổ. 
Mười ngày sau, trong bệnh viện, Mạo tỉnh lại, và bi hài thay, lời đầu tiên y thốt ra là khách sạn nào đây. Mạo tưởng y đang tỉnh lại sau chầu nhậu nhẹt và “giải trí” với các đào điếm mà y thường được lũ đệ tử cung phụng! Nhưng lời thứ hai, sực tỉnh trí, là hãy thả hết những kẻ đã bị bắt giam sau khi vụ nổ xảy ra, vì y đã nhớ và đã hiểu rõ, nền chùa Linh Sơn chính là nơi y và đồng đội được các nhà sư che chở năm nào.
Cái chết của Mạo không phải do công lí của toà án tuyên phạt. Mạo đền tội, bị tử hình, bằng chính một sự ngẫu nhiên, trực tiếp là do sự cố tình quên lãng của y, một kẻ vô ân bội nghĩa, hay chính do mưu mô thủ đoạn đầy ắp đầu óc cùng bia rượu đã khiến y mù đặc trí nhớ. Nếu trước ngày y bị mìn đạn nổ, sát thương, chỉ một lần thôi y còn nhớ đến ân nghĩa xưa của nhà chùa, căn hầm cũ, thì hẳn những đạn mìn ấy đã được tháo gỡ. Công lí của pháp luật, của toà án không có, trong trường hợp này. Chỉ có công lí của ngẫu nhiên hiển hiện hay công lí của luật quả báo nhãn tiền theo tín ngưỡng Phật giáo dân gian được thực thi một cách huyền bí. Vâng, đó là ngẫu nhiên, một ngẫu nhiên theo tính hợp lí của chuỗi sự kiện. Và cũng có thể hiểu theo cả hai giác độ khác nhau như vừa lí giải. Đây là một dụng ý khéo léo của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, để kết thúc theo kiểu bi kịch, đối với một nhân vật phản diện, con sâu độc, quỷ dâm ô làm vẩn đục ngành công an nhân dân ở nước ta.
Cũng khác với loại truyện cổ dân gian, thường thể hiện công lí nhân dân trong mong ước, khát vọng, là “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”, ở trường hợp nhân vật Thức. Vị giáo sư tài trí và quá tội nghiệp này trong tiểu thuyết “Những ngọn lửa xanh” cũng bị rơi từ chiếc ghế cao xuống nền nhà, trong khi ông tìm cuốn sổ tay cất giấu ở những ngăn chứa sách trên kệ, bởi cơn sợ hãi vụt đến, do sự xuất hiện của Hảo, khiến ông lên cơn tăng huyết áp, và ông Thức đã chết. Một phần đời người của ông Thức sống trong “tù nhà” với nỗi sợ hãi thường trực, ngấm vào từng tế bào, đến mức không dám nói ra tiếng trong các cuộc chuyện trò, mà chỉ bút đàm rồi đốt ngay những trang giấy bút đàm ấy, kéo dài hơn mười năm, đến khi được ông Mạo giải oan theo sự hối thúc của Hảo. Hảo là người trực tiếp chuyển lá thư cho vị học giả ngoại quốc để nhờ tìm tài liệu lịch sử, kiến trúc trong thời điểm hơn mười năm trước, và nay, hơn mười năm sau, cũng Hảo trực tiếp trao tài liệu là cuốn sách tiếng Pháp có những trang viết về lịch sử, kiến trúc chùa Linh Sơn đầu thế kỉ XX trở về trước mà học giả ngoại quốc kia gửi cho ông Thức (cùng với 100  đô thay quà biếu). Hoá ra, sự thật rành rành là chỉ tài liệu chuyên môn về lịch sử - văn hoá, chứ chẳng chính trị, gián điệp như lão Mạo chụp mũ. Ông Thức được giải oan theo hướng chỉ giữa nội bộ hai gia đình, trong khi danh dự ông bị xuyên tạc, bôi nhọ trên báo đài công khai, rộng khắp hơn mười năm qua! Cái chết của ông Thức, người ở hiền, trước cái chết của lão Mạo, kẻ ở ác, không bao lâu. Mạo thì đã đành. Nhưng với ông Thức, không có phán quyết công lí để minh oan xứng đáng nào cho ông Thức cả! Sự thật cuộc đời không hề như mơ ước thể hiện trong những truyện cổ với kết thúc có hậu!
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê cũng không cho thấy tên trợ lí Kế bị công lí kết án; thậm chí ở lần xuất hiện cuối cùng trong tiểu thuyết, y đưa ra sự thật về vụ mưu sát bịt miệng bà Hạnh của lão Mạo để y mặc cả tiền vàng với con trai lão, ấy là Hảo, phó tiến sĩ vẫn còn lương thiện, không bị tha hoá.
Cũng không có công lí nào xử án Vinh, kẻ buôn lậu, ăn chơi trác táng, lợi dụng cả tượng Phật để che giấu hàng lậu, nay trở thành giám đốc một công ti kinh doanh tư nhân và nổi tiếng trong việc quyên góp từ thiện để quảng cáo thương hiệu...
Cũng không có kết thúc tốt đẹp cho mối tình theo mẫu đề (motif) tình duyên trớ trêu giữa Kim Chi và Hảo, con gái và con trai của hai gia đình kháng chiến cũ lại thù oán nhau trong thời hậu chiến, gia đình giáo sư Thức và gia đình lão Mạo, thủ trưởng công an tỉnh đã ma-phi-a hoá. Nhà văn chỉ đưa ra, trong hai trang cuối, hai dự cảm, theo dư luận phong thanh, không đích xác, là hình như phó tiến sĩ Hảo nhưng cũng dường như tiến sĩ Quế (Việt kiều) cùng Kim Chi xây đắp hạnh phúc, ở một nơi nào đó, một đất nước xa xôi nào đó; và ở trường hợp thứ hai, Kim Chi tiếp tục học đại học, viết sách về cha mình, xuất bản ở hải ngoại, “nhưng các nhà xuất bản trong nước, thì đang nghe ngóng “thời tiết” xem đã đến lúc “mở cửa” được chưa...” (tr. 295) để công khai, chính thức giải oan cho giáo sư Thức. Cuối cùng, ở thời điểm khoảng mười lăm năm sau ngày thống nhất (1975-1990), thời điểm mạng vi tính toàn cầu (internet) chưa phổ biến, công lí vẫn như một dự cảm! Người đọc cũng có thể không đồng tình với cả hai dự cảm của nhà văn hay lời đồn đoán phong thanh trong xã hội (Kim Chi - Hảo hay Kim Chi - Quế).
Đây cũng là một cuốn tiểu thuyết mà trong đó hầu như không có nhân vật thường xuất hiện nào hoàn hảo. Những nhân vật phản diện thì còn nói làm gì! Nhưng cả ông Thức, một giáo sư, nhà nghiên cứu và là một nạn nhân của thói nghi kị từ giới quyền lực đối với giới trí thức, ông không có một phản kháng chính đáng nào, ngoài hai lá đơn gửi Thủ tướng và Quốc hội bị lão Mạo chặn giữ và lấy chúng làm cớ để ép rượu rồi cưỡng bức bà Hạnh về tính dục. Vụ này ông Thức hoàn toàn không biết, thì đã đành. Nhưng ông Thức cũng không đấu tranh gì khi con gái ông, Hồng phải trốn đi xa, làm cô hàng phở, còn Kim Chi đang học năm thứ nhất đại học sư phạm cũng bị buộc thôi học do lệnh của công an tỉnh, với lập luận của Mạo cùng đồng sự của y, rằng, con cái nhà phản động không thể làm nghề giáo, chúng có thể lợi dụng bục giảng để tuyên truyền phản động. Loại công an ma-phi-a hoá này thật kém hiểu biết, đến mức nhân viên của Mạo “khen” Mạo ngu dốt, thuận lợi cho chúng kiếm chác! (tr. 259-260). Thế nên, Mạo cùng đồng sự không hiểu rằng, làm nhà giáo, khi đứng trên bục giảng ở cấp học càng cao, cấp 2, cấp 3 trở lên, thì lớp học, trong đó có chi đoàn học sinh phía dưới, càng tinh tế, nhạy cảm phân biệt được ngay, đâu là phản động, đâu là chính thống trong lời giảng của thầy cô giáo! Vả lại, ngay trong quan hệ gia đình, “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, mỗi người đều có quyền độc lập, tự do của bản thân, nhất là về tư tưởng, miễn không vi phạm thuần phong mĩ tục, pháp luật, phương hại đến xã hội. Mặt khác, ông Thức bị cô lập, bị theo dõi đến mức ông mất niềm tin vào con người, và rốt cục, ông Thức rơi vào tâm thế phải gửi niềm tin của mình vào Thượng Đế. Đó là điều mà lão công an ma-phi-a Mạo không ngờ đến, vì trong quá trình giam tù ông Thức tại nhà với lí do đấu tranh trấn áp tôn giáo, ông ta lại vô tình “tạo điều kiện” (đó là sự mất niềm tin vào con người, vào công lí pháp luật) để tôn giáo len lỏi vào trái tim của giáo sư Thức. Thật ra vô tình lão Mạo thực thi thủ đoạn của các thế lực tôn giáo ở Phương Tây, chia rẽ con người với con người, để lấy Thiên Chúa làm “sợi dây gắn bó” giữa con người với nhau: Không tin vào nhau mà chỉ nên tin vào Thiên Chúa, và tin vào Thiên Chúa là có thể cùng chung sống trong một xã hội! Ở khía cạnh khác, có lẽ lão Mạo thành công trong việc thoả mãn tâm lí nông dân ít học của mình, khi ông Thức cảm thấy phi trí thức, chỉ làm cô hàng phở, có tiền, mà Hồng, gái đầu của ông, mới thực sự là người tự do! Ý nghĩ ấy ở ông Thức là một biểu hiện của tâm trạng cay đắng và vong thân, sự vong thân trí thức. Tiểu thuyết không có nhân vật hoàn hảo, vì ngay cả đến Kim Chi, những hành vi, biểu hiện tâm lí trong tình cảm đôi lứa còn rất e lệ, gia phong, thực sự đã một lần trao thân cho người yêu đầu đời (không phải Hảo), nhưng hầu như chỉ sau một lần hối tiếc, ân hận, cô không có nỗi dày vò, đau đớn vì không còn trinh trắng thuở chưa chồng. Đến như Hảo, đối với Kim Chi, không phải anh ta không có ý định lợi dụng cô để thoả mãn dục vọng xác thịt, trong những giây phút nào đó.
“Những ngọn lửa xanh” là một cuốn tiểu thuyết, khi đọc vào sẽ giật mình, kinh hoàng, nếu ai đó bẵng đi khoảng mười lăm năm không đọc tiểu thuyết Việt Nam được xuất bản trong thời gian đó (1991- 2006...). Khoảng cách giữa thông tin thời sự báo chí với dung lượng hiện thực trong tiểu thuyết đến nay đã bị san bằng. Nói thế là bởi có một dạo khá dài, sau Đổi mới, Cởi trói, thông tin báo chí thời sự có thể “ghê gớm”, nhưng khi xây dựng hình tượng tiểu thuyết thì còn “có vấn đề”, do người ta còn lấn cấn bởi lí thuyết điển hình hoá trong phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa cũ. So với trước đây, nhân vật phản diện mà dẫu chỉ là công an viên thôi, người viết đã chuốc hoạ vào thân ngay từ bản thảo, vì hình tượng người công an kia bị quy là đã điển hình hoá, đại diện tiêu biểu cho ngành công an nhân dân! Người ta không chịu thấy, nếu Kiều và Chí Phèo là hình tượng nhân vật điển hình hoá theo quan niệm đó trong cảm thụ (với các yếu tố như thành phần xuất thân, giới tính, nghề nghiệp, tính cách, tài năng, tư tưởng, tác phong đạo đức...) thì mỗi nhân vật chỉ đại diện cho rất ít người trong xã hội, trong khi cần phải lược bỏ bớt yếu tố khu biệt (như vừa liệt kê), trong trường liên hệ (liên tưởng), hình tượng nhân vật mới có tính điển hình cao, thậm chí nhân vật chỉ điển hình ở một nét tính cách, một đặc điểm số phận cụ thể nhất định (Kiều: người có tài năng bị vùi dập; Chí Phèo: lưu manh hoá đến mức không thể phục hồi làm người lương thiện). Theo đó, lão Mạo trong “Những ngọn lửa xanh”, đâu phải là nhân vật tiêu biểu, điển hình cho cả ngành công an nước ta, mà chỉ điển hình cho loại người (từ xưa đến nay, ở mọi đất nước, dân tộc) bị quyền lực làm tha hoá hay quyền lực tạo điều kiện cho một mặt của bản chất cá biệt là độc hiểm, dâm ô phát tác mà thôi. Hơn thế nữa, nhân vật và tình huống tiêu cực, nào nham hiểm, nào dâm ô, nào tiền của đút lót, nào thô bạo cưỡng chiếm đất chùa, phá hoại di tích văn hoá - lịch sử được phơi trần tận đáy, tràn khắp cả cuốn tiểu thuyết, chỉ ở vài trang gần cuối mới thấy một vị tướng đồng thời là nhà khoa học xuất hiện, điều tra vụ việc mìn đạn nổ, gây ra cái chết đáng đời của lão Mạo, và sự xuất hiện của ông tạo ra một niềm tin có công lí, nhưng công lí có khi chỉ ghi nhận và im lặng, thứ công lí chịu bó tay ở một số trường hợp, đã rõ mười mươi (tr. 281-287).
“-- Anh nói cũng có lý, nhưng anh có công nhận vụ những người như ông Thức bị nghi ngờ, bị theo dõi nhiều năm là sai lầm và uổng công vô ích không?
-- À ... [...] Vị chủ trò cũng đã chết. Sự việc chẳng ai nhắc lại. Như mình được biết, những người bị oan đã được khôi phục. Thế là được rồi. Đời người ai chẳng có lúc lầm lỗi, có chỗ tối, có khoảng sáng. Cũng như chiến tranh, có trận được trận thua...” (tr. 282-283).
Đó là mẩu đối thoại giữa vị tướng với Hảo. Thế nhưng, ngay sau đó, Kế vẫn mặc cả với Hảo (như đoạn trên đã có đề cập đến):
“Kế muốn Hảo bù đắp những thiệt thòi mà Kế phải gánh chịu. Ông ta ghé tai Hảo thầm thì:
-- Anh đang muốn biết thủ phạm gây ra cái chết của vợ ông Thức phải không? [...] Kẻ đó chính là bố anh! [...] Bố anh đã cưỡng hiếp bà ta, sợ bị tố cáo...
-- Anh câm mồm đi! Có bằng chứng [nhấn đậm – TXA.] gì không mà anh dám... [...].
-- Anh bình tĩnh nghe đây. Tôi có bằng chứng chứ, nhưng tôi đã câm mồm mười năm nay vì tình thân với bố anh. Tất nhiên là không chỉ vì tình, anh hiểu chứ? Bây giờ ông ấy đã chết, còn tố cáo làm gì nữa. Tuy vậy, nếu cô Kim Chi biết được sự thật này... [...]. ... Này, ông bố anh ra đi chắc cũng có để lại kha khá chứ? Đừng có hà tiện. Của phi nghĩa ôm lấy một mình rồi mang vạ đấy.
-- Thật là đê tiện!” (tr. 289-290).
Ngay sau khi vị tướng, nhà khoa học hình sự xuất hiện, sự thể vẫn thế đấy! Phải chăng như mọi điều trên mặt đất và trong vũ trụ, hầu như tất cả đều là sự thật tương đối? Cho dù như thế, vấn đề là loài người chúng ta không thể buông xuôi trước sự tác oai tác quái của cái ác, gieo rắc bao nhiêu nỗi oan khổ cho con người.
Mặc dù thuộc loại tác phẩm hư cấu, không gian (một tỉnh Miền Trung?) và thời gian (1975-1985?) được phản ánh, trong thực tại đã đổi thay nhiều sau hơn hai mươi năm, tiểu thuyết “Những ngọn lửa xanh” (2008) vẫn mãi thét vang tiếng còi báo động cho xã hội.
Trần Xuân An