Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“THẬT NHẢM HẾT SỨC !”

Trần Mạnh Hảo
Thứ hai ngày 7 tháng 3 năm 2011 5:33 AM
 
Trong bài : “ Ý KIẾN CỦA DÂN MẠNG KHÔNG LÀ “ CÁI ĐINH “ ĐỐI VỚI VTV VÀ CÁC “ ÔNG NHỚN “ CÓ NHÃN MÁC CỦA HỘI NHÀ VĂN ?”  của PGS.TS. Phạm Quang Trung ( người hết lòng bênh vực “Dị Hương” và “ Hội thề”)  in trên website http://phamvietdaonv.blogspot.com ngày 04-03-2011 kể về màn trình diễn một chiều của VTV1 ( Đài truyền hình Việt Nam) ca ngợi hết lời giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2010 trong sáng nay, tức sáng 04-03-2011.
Trong bài viết, tác giả Phạm Quang Trung tỏ ra trách cứ anh Hoài Nam ( người dẫn chương trình mục “ Diễn Đàn văn học nghệ thuật” kiêm nhà phê bình), trách cứ ông Lê Thành Nghị, chủ tịch hội đồng lý luận phê bình Hội nhà văn Việt Nam, trách cứ ông PGS  Nguyễn Văn Dân – chủ tịch hội đồng dịch thuật Hội Nhà Văn, rằng các vị sao lại làm ngơ trước bao nhiêu tiếng nói phản biện bấy lâu nay trên các báo mạng ( Internet), cùng hè nhau độc tấu bản giao hưởng ngợi ca một chiều như thế mà nghe đặng ư ? Tranh luận thì phải có hai chiều khen và chê mới khách quan, mới thuyết phục chứ ?
Cuối cùng, tác giả Phạm Quang Trung phán một câu xanh rờn về màn trình diễn độc tôn, độc tấu, độc diễn ngợi ca kia như sau : “ Thật nhảm hết sức” :
“Tôi cũng không nghĩ họ không từng đọc hay nghe nói về những ý kiến khác nhau chung quanh giải thưởng quan trọng của Hội Nhà văn trên mạng. Vậy thì chỉ có thể bảo là họ có biết, hơn thế, biết rất kỹ, rất rõ mà cố tính lờ đi do ngại đụng chạm chăng? Hay họ quan niệm công chúng rộng rãi chỉ nên biết đến mức như họ nói, thế là đủ? Hoặc họ cho là chỉ nên xem là công luận văn chương trên các mặt báo viết chính thống của Nhà nước? Nghĩ vậy, theo tôi, là lỗi thời, thậm chí là không đúng! Nói chung, bởi bất cứ lý do nào cũng đều rất khó biện minh cho được. Vậy nên, tôi rất lấy làm thất vọng trước lời kết chung chung như thường thấy của biên tập viên chương trình, rằng hy vọng các nhà văn có nhiều sáng tạo vươn ngang tầm thời đại, và rằng, trên cơ sở đó, hy vọng Hội Nhà văn ngày càng chọn được những tác phẩm thật xứng đáng, về mọi thể loại, góp phần định hướng thẩm mỹ, thúc đẩy nền văn chương nghệ thuật của dân tộc đi về phía trước. Rằng… vân vân và vân vân. Nghĩa là rất chi… vô vị và vô bổ.
Thật nhảm hết sức!” ( hết trích)

Xin phép nhà phê bình Phạm Quang Trung cho chúng tôi được mượn câu nói ( sẽ nổi tiếng mãi) của ông : “ Thật nhảm hết sức” làm tiêu đề bài báo mọn này.
Xin thưa với ông Phạm Quang Trung, chuyện “ Nhảm hết sức !” ấy không chỉ xảy ra trên truyền hình trong mục độc tấu ca ngợi giải thưởng của Hội nhà văn VN trong mục “ Diễn đàn VHNT” sáng nay như ông vừa kể đâu, mà nó còn nằm trong hầu hết các bài ca ngợi “Dị hương” và “Hội thề” in trên báo chí chính thống và trong các mục tin sách của truyền hình nữa. Chúng tôi xin chứng minh.
Đó là bài viết có tính bản lề, tính định hướng cho các bài ca ngợi “Hội thề” của ông nhà thơ kiêm chủ tịch hội đồng lý luận phê bình văn học Hội Nhà văn VN, đại tá Lê Thành Nghị in trên website của Hội Nhà Văn VN : http://hoinhavanvietnam.vn ngày 20-01-2011 có tên : “ Hội thề - Lịch sử và tiểu thuyết”.
Ngay cả ông Phạm Quang Trung khi tranh biện bảo vệ cái hay tuyệt vời của giải thưởng Hội nhà văn VN ( HNVVN) cũng từng trích bài này của ông chủ tịch Lê Thành Nghị làm căn cứ, làm nền tảng triển khai cuộc bút chiến đó thôi. Ông Đỗ Ngọc Thạch, trong bài : “Bàn thêm về tiểu thuyết “Hội thề” cũng in trên Website của HNVVN ngày 01-03-2011, có đoạn ca ngợi bài phê bình định hướng của ông Lê Thành Nghị hết lời như sau :
“Nếu nhìn vào số lượng các bài viết ca ngợi Hội thề và Dị hương trên các loại hình báo chí và lời khẳng định như đinh đóng cột của ông chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Hội Nhà văn VN Lê Thành Nghị như vừa dẫn trên thì những lời “phản biện”, phê phán Hội thề và Dị hương chỉ như “châu chấu đá xe” mà thôi.
Xin được nói nhỏ với ông Đỗ Ngọc Thạch : chuyện phê bình văn chương là chuyện tao nhã của giới học thuật, sao ông lại đưa khái niệm đánh lộn, chiến tranh vào đây đây để ví von quá sức khiên cưỡng, bất nhã thành chuyện “châu chấu đá xe” ? Chẳng lẽ ông cho những bài phản biện đầy thiện chí, đầy khách quan phê phán “Dị hương” & “Hội thề” của những nhà văn : Trần Hoài Dương, Hoàng Tiến, Vũ Ngọc Tiến, Đặng Văn Sinh, Hà Văn Thùy, Phạm Viết Đào, Trần Mạnh Hảo…chỉ là loài châu chấu hèn mọn ? Còn bài viết ca ngợi “Hội thề” của chủ soái “lý luận phê bình” Lê Thành Nghị thì hoành tráng và vững chãi như xe ? Mà xe nào vậy : xe ngựa, xe bò, xe kéo, xe lôi, xe ba gác, xe xích lô, xe lăn tay hay xe tăng kiểu “ Năm anh em trên một chiếc xe tăng” như trong bài hát của Doãn Nho – Hữu Thỉnh đây ? Ông Thạch chắc còn nhớ câu ca dao : “ Lạ đời châu chấu đá xe / Tưởng rằng chấu ngã, ai ngờ xe nghiêng” ?
Chưa hết, ông Đỗ Ngọc Thạch còn nông nổi ca ngợi Ban giám khảo chấm giải cao nhất cho hai cuốn truyện kia là những nhà văn : “ Bộ phận tinh anh và tài năng nhất của Hội” như sau :
“Các tác giả Hội thề và Dị hương đã hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo của Hội Nhà văn - bộ phận tinh anh và tài năng nhất của Hội Nhà văn Việt Nam”
http://hoinhavanvietnam.vn/Details/ly-luan-phe-binh/ban-them-ve-tieu-thuyet-hoi-the/32/0/3231.star
 Hội Nhà văn VN có công khai tên tuổi Ban Giám khảo đâu mà ông biết họ là ai, lại cứ xưng xưng tâng bốc họ là những nhà văn viết hay nhất của Hội thì tôi e rằng ông nịnh hơi bị …sai ? Thế ông định đẩy các nhà văn này mà tôi cho là dứt khoát không có mặt trong Ban Giám khảo, ví như : Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Khánh, Trang Thế Hi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… xuống hàng thứ bét Hội Nhà Văn về tài năng chắc ? Viết những dòng nịnh hót thô thiển như trên, chúng tôi thiết nghĩ ông Đỗ Ngọc Thạch đang góp phần làm mất sự đoàn kết của Hội Nhà Văn mà hình như ông đang có ý định xin vào ?
Trở lại vấn đề bài viết “ “Hội thề - Lịch sử và tiếu thuyết” của ông Lê Thành Nghị,  chủ báo mạng HNVVN có mấy dòng tiểu dẫn rất lạ đời như sau :
“VanVn.Net - Hội thề, cuốn tiểu thuyết vừa nhận Giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết 2006 - 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam và đang chịu sức ép của dư luận cả ác ý lẫn sự đọc không hết văn bản.”
http://hoinhavanvietnam.vn/Details/ly-luan-phe-binh/hoi-the--lich-su-va-tieu-thuyet/32/0/3072.star
Báo mạng của HNVVN cứ ngỡ là tờ báo lớn nên nó phải tỏ ra đàng hoàng, tử tế, đằng này lại tự cho rằng những ý kiến chính thống của HNVVN mới đúng, mới hay, rằng chỉ có chúng tôi mới được độc quyền chân lý, còn những bài viếc khác ý chúng tôi kiểu phê phán “Hội thề” & “Dị hương” đều bị “các ông lớn HNV” cho là “ác ý” hay “đọc không hết văn bản” là sao ? Các ông làm như thế này, nói như thế này là các ông đang chủ trương một nền phê bình học phiệt, chỉ cho phép nói đi mà cấm được phép nói lại, tức là xóa bỏ hai chữ dân chủ trong sinh hoạt HNVVN  : cấm phản biện. Thế này là thế nào ? Đành mượn lời bình phẩm của nhà phê bình Phạm Quang Trung ở đầu bài viết mà than rằng : “ Thật nhảm hết sức !”
Mở đầu bài nghị luận có tính chỉ đường, ông Lê Thành Nghị viết :
“Lời đề từ đầu cuốn tiểu thuyết là câu thơ nhuốm màu huyền ảo của Hoàng Cầm : mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên như một báo hiệu có thể đây không phải là câu chuyện binh đao, cho dù chúng ta biết Nguyễn Quang Thân lấy bối cảnh cho cuốn sách của ông là cuộc kháng chống quân Minh.Hội thề cũng không phải miêu tả lại sự kiện Lũng Nhai mở đầu cho cuộc chiến mười năm khốc liệt ấy, những điều ít nhiều chúng ta đã từng biết qua những trang lịch sử chống xâm lăng của dân tộc. Diễn biến của cuốn sách không ở trong sự tưởng tượng ấy.
Ngược lại, đây là những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Mọi gian nan nếm mật nằm gai, khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi Huyện quân không một đội đã lùi xa. Trong hành trang của tướng sỹ nghĩa quân đã có nhiều trận thắng lừng lẫy. Thế giặc đang suy, quân và dân ta đang thế chẻ tre, róc mía. Giờ khải hoàn như một quy luật tất yếu của lịch sử đã điểm, sự cáo chung định mệnh của kẻ những vốn tự xưng là thiên triều , mang quân xâm lược, bao năm gieo rắc tai họa khôn xiết xuống đầu dân Đại Việt mỗi ngày một đến gần. Nhưng trong giấc mộng bình yên ấy của toàn dân tộc, ở tâm điểm của cuộc chiến, nói khác đi, trong ánh nến toả sáng nơi đại bản doanh của nghĩa quân Lê Lợi, những thử thách lớn lao, những toan tính sống còn, những cuộc đấu trí cân não, những mưu mô xảo trá và những tài năng xuất chúng càng lúc càng lộ diện. Một cuộc chiến căng thẳng trong lòng một cuộc chiến tranh càng lúc càng quyết liệt. Nó cho thấy chiến thắng quân xâm lược là không thể đảo ngược, nhưng để có một chiến thắng hoàn hảo thì chỉ có thể có được trong then mở của những bậc đại trí, đại nhân, đại dũng trước những phút quyết định. Đấy là thông điệp của Nguyễn Quang Thân ẩn chứa trong hơn ba trăm sáu mươi trang sách tiểu thuyết Hội thề.”(hết trích)
 

Lê Thành Nghị đã để ra một đoạn văn khá dài tóm tắt nội dung của “Hội thề”, chính ra chỉ vài dòng là xong : tác giả mô tả lại những trận đánh cuối cùng của nghĩa quân Lam Sơn trước thành Đông Quan : Chúc Động, Tốt Động, Xương Giang để dẫn đến việc dụ hàng Vương Thông, kết thúc chiến tranh. Trong mâu thuẫn địch ta, tác giả còn lồng thêm một mâu thuẫn khác ( một cuộc chiến khác trong lòng một cuộc chiến) là mâu thuẫn nội bộ giữa phe chủ chiến do Lê Sát, Phạm Vấn, Lê Ngân cầm đầu và phe chủ hòa do Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn cầm đầu…Tóm tắt nội dung cuốn sách, đoạn ông Nghị kết luận : “ Đấy là thông điệp của Nguyễn Quang Thân…”.
 Thông điệp là ý nghĩa rốt ráo chắt ra từ toàn bộ cuốn sách mang tính khái quát, tính triết học, sao “ nội dung” cuốn sách có thể trở thành thông điệp được, thưa ông chủ tịch hội đồng lý luận phê bình ? Xin ông làm ơn tra lại ngữ nghĩa các nội hàm của hai khái niệm “ nội dung” và “thông điệp” dành cho học sinh cấp trung học cơ sở và trung học xem “ nội dung” có đồng nghĩa với “thông điệp” hay không ?
Trong đoạn văn nghị luận trên, ông Lê Thành Nghị còn dùng tiếng Việt chưa chuẩn; vi dụ trong câu : “ Hội thề cũng không phải miêu tả lại sự kiện Lũng Nhai mở đầu cho cuộc chiến mười năm khốc liệt ấy, NHỮNG điều ít nhiều chúng ta đã từng biết qua những trang sử chống xâm lăng của dân tộc. Diễn biến của cuốn sách không ở trong SỰ TƯỞNG TƯỢNG ấy…( chữ in hoa do TMH nhấn mạnh). Ông Nghị viết sai tiếng Việt khi ông dùng từ : “SỰ TƯỞNG TƯỢNG”. Rằng “ những trang sử chống xâm lăng của dân tộc” là hiện thực, là sự thật, chứ không phải là SỰ TƯỞNG TƯỢNG, thưa ông ! Ông nên thay từ SỰ TƯỞNG TƯỢNG bằng từ CÁC SỰ KIỆN thì câu văn mới đúng nghĩa. Trong đoạn văn ngắn trên, xin ông làm ơn bỏ đi một từ NHỮNG ( từ TMH nhấn mạnh bằng in hoa) để câu văn khỏi bị lặp từ.
Xin quý vị đọc tiếp một số đoạn khác trong bài phê bình này :
“Một chương của Hội thề, Nguyễn Quang Thân dành để miêu tả cuộc đấu lý cân não vô tiền khoáng hậu trong hàng ngũ nghĩa quân về việc nên dụ hàng hay nên đánh giữa một bên là Nguyễn Trãi và bên kia là Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân. Bình Định Vương Lê Lợi ngồi lắng nghe sau khi tuyên bố để thuộc hạ tự do bày tỏ hết ý kiến của mình không cần e dè.”….
“Đấy là một trong những trang trắng của lịch sử mà Nguyễn Quang Thân muốn lấp đầy bằng tiểu thuyết.
Tình huống có tính trung tâm này là một trong những biến cố quan trọng nhất của tiểu thuyết Hội thề .Nó cho thấy nhà văn đã lựa chọn chính xác, vì để giải quyết tình huống trung tâm này sẽ kéo theo vô vàn những tình huống hấp dẫn khác làm biên độ ý nghĩa của cuốn sách từ đó được mở rộng.”….
“Số phận trí thức trong xã hội cũng là một trong những điều nhà văn Nguyễn Quang Thân muốn được chia xẻ qua những trang viết của mình trong “ Hội thề”
 ( hết trích)
Lê Thành Nghị ca ngợi Nguyễn Quang Thân khi bịa ra mâu thuẫn có tính chất sống còn giữa hai phái chủ hòa do Nguyễn Trãi đứng đầu ( dụ hàng Vương thông) và phe chủ chiến đánh để giết luôn mấy vạn quân do Vương Thông chỉ huy trong thành Đông Quan; rằng “ những trang trắng của lịch sử mà Nguyễn Quang Thân muốn lấp đầy bằng tiểu thuyết”.
Thưa “những trang trắng” này hoàn toàn do tác giả “Hội thề” bịa ra một cách thiếu căn cứ, phi logic, phản lịch sử; rằng không hề có mâu thuẫn lớn này, không có một cuộc chiến tranh trong lòng một cuộc chiến tranh là việc đấu đá nội bộ cam go ác liệt còn hơn cuộc chiến thực đánh quân Minh như Nguyễn Quang Thân viết và Lê Thành Nghị ca ngợi. Xin hãy đọc một câu trong “Bình Ngô đại cáo” nói về sự đoàn kết huynh đệ chi binh, trên dưới một lòng, tuyệt nhiên không có cuộc đấu tranh nội bộ ảo, mất đoàn kết ảo như các ông phịa ra :
“Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào.”
Nếu trong hàng ngũ nghĩa quân lại có cuộc đại chiến nội bộ ấy, chắc chắn Lê Lợi đã hoàn toàn thất bại trong công cuộc giải phóng đất nước.
Vấn đề trí thức do Nguyễn Quang Thân đặt ra trong tác phầm mà ông Nghị ca ngợi, theo chúng tôi là sai lệch bản chất sự thật lịch sử. Tác giả nhét lời Mao Trạch Đông vào miệng các nhân vật “Hội thề” : “Trí thức không bằng cục phân” là chuyện không có thật, lại một đặt điều khác rất phản lịch sử. Thời Lê Lợi chưa có khái niệm đấu tranh giai cấp như thời Mao tuyển, mọi người đều tôn trọng kẻ sĩ, vai trò người quân tử và kẻ tiểu nhân là thước đo mỗi con người trong xã hội, không ai đặt vấn đề có học và vô học, trí thức và nông dân như Nguyễn Quang Thân áp đặt, phịa ra rất phi logic, phi lịch sử. Khen như thế mà cũng đòi khen !
Lê Thành Nghị khen “Hội thề” lấy được, khen mà không đưa ra bằng chứng, cứ khen đại đi như sau : “Vô vàn những tình huống hấp dẫn khác làm biên độ ý nghĩa cuốn sách từ đó được mở rộng”. Sao ông Nghị không cho độc giả thêm vài ba “tình huống hấp dẫn khác” trong “vô vàn” những sự hấp dẫn tràn ngập trong “Hội thề” ? Thưa ông Nghị “ biên độ ý nghĩa cuốn sách” là những ý nghĩa gì, mở ra qua những ‘biên độ” nào ? Chịu ! Chúng tôi người trần mắt thịt, nếu ông Nghị không chỉ ra bằng những dẫn chứng cụ thể thì chỉ có giời mới hiểu được bài viết của ông mà thôi.
Xin quý vị đọc tiếp đoạn trích cuối cùng của bài nghị luận văn học có tên là “đánh đố”, “ đánh quả tù mù” của ông Lê Thành Nghị, như sau :
“Còn những ý nghĩa khác nữa trong biên độ mở của cuốn sách mà mỗi người đọc, theo cách của mình có thể cảm nhận. Điều đó cũng chứng tỏ sự thành công của tiểu thuyết. Sự gợi mở như một phẩm chất cần thiết văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng đã được hiện lên đậm đặc qua mỗi trang Hội thề. Nó giúp nghệ sỹ bớt lời thuyết giáo một cách tối đa và từ đó đạt tới một cách tối đa hiệu ứng lan toả của khám phá chân lý nghệ thuật. Có thể nhận ra Nguyễn Quang Thân đã rất dày công trước tư liệu, trước câu chữ, trước mối quan hệ giữa lịch sử - những vấn đề còn khuất lấp trong màn sương thời gian – và nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại, trước chân lý lịch sử và chân lý nghệ thuật. Lịch sử vốn luôn luôn tự nó, những khuất lấp, những trang trắng bí ẩn của lịch sử gợi cảm hứng khám phá đầy quyến rũ của nghệ sỹ. Tất cả có thể là những khả năng. Nhà văn là những người biến những khả năng ấy thành thẫm mỹ theo lôgic nghệ thuật.Và ở đây tài năng là yếu tố quyết định.
Hội thề là tiểu thuyết lịch sử nhưng được viết với cảm hứng khám phá theo tinh thần mới của thời đại tuy tác phẩm vẫn mang nét đẹp của văn chương cổ điển thường thấy trong văn phong Nguyễn Quang Thân.”
http://hoinhavanvietnam.vn/Details/ly-luan-phe-binh/hoi-the--lich-su-va-tieu-thuyet/32/0/3072.star
Trong đoạn văn trên, Lê Thành Nghị tiếp tục “phương pháp luận đánh quả tù mù”, như là ông đang chơi trò bịt mắt bắt dê với người đọc; khi chính ông cũng chưa tìm ra ý nghĩa rốt ráo cuốn sách, chưa chỉ ra “biên độ mở” của cuốn sách là mở hé, mở toang hay chỉ là mở ảo…Nhà phê bình chủ soái ngành lý luận phê bình của Hội, đành chép miệng : các ông đi mà tìm lấy : “Còn những ý nghĩa khác nữa trong biên độ mở của cuốn sách mà mỗi người đọc, theo cách của mình có thể cảm nhận được”.
Tự nhiên tự lành, chưa một dòng phân tích, lý giải, chứng minh, rằng tác phẩm này hay ở chỗ nào, đoạn nào, nhân vật nào, ý nghĩa ở chỗ nào, đoạn nào, mở rộng biên độ ở đoạn nào…ông Nghị không dưng kết luận một cách vô căn cứ : “Điều đó chứng tỏ thành công của tiểu thuyết”
Ông Nghị từ đầu đến cuối chỉ tóm tắt nội dung cuốn sách, đột nhiên ông hô biến : biến nội dung cuốn sách thành “thông điệp”, thành “ mở rộng biên độ”, thành “ ý nghĩa khác’, thành “gợi mở’, thành “phẩm chất của văn học hiện lên đậm đặc trong các trang HT”, thành “Thẩm mỹ theo logic nghệ thuật”, thành “ tài năng”…thì chúng tôi xin chịu ông, lối phê bình không chỉ “đánh đố” mà nói lấy được, lối phê bình phi dẫn chứng, vô căn cứ, viết đại đi, viết một cách liều lĩnh, bừa bãi, phi khoa học, phi văn bản…
Hầu hết những bài ca ngợi “Hội thề” & “Dị hương” đều viết theo “phương pháp luận bịt mắt bắt dê” kiểu Lê Thành Nghị.
Như thế này, liệu người đọc có dám tin rằng HNVVN đang sở hữu một đội ngũ lý luận phê bình đích thực? Chủ soái của nó biểu diễn “tài nghệ” một cách hơi bị kém cỏi bằng bài viết mà chúng tôi vừa phê bình. Cho phép tôi hồ nghi ý kiến của nhà phê bình Phạm Quang Trung, rằng trong một bài viết vừa qua trên http://trannhuong.com ông Trung có nêu ra việc HNVVN nên để cho hội đồng lý luận phê bình do ông chủ tịch Lê Thành Nghị phụ trách ( trong đó có Phạm Quang Trung) được toàn quyền chấm các giải thưởng văn chương của hội, sẽ đảm báo chính xác trăm phần trăm.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến thày giáo dạy văn của mình là thày Trần Văn Tư, người dạy chúng tôi trong lớp bồi dưỡng học sinh giỏi văn lớp bảy của huyện Nghĩa Hưng để đi thi học sinh giỏi toàn tỉnh, rồi thầy lại dạy tiếp chúng tôi trong lớp bồi dưỡng học sinh giỏi văn lớp mười của tỉnh Nam Hà, chuẩn bị thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc mấy chục năm trước, rằng : “ Thày nhắc lại cho các em, phàm một bài văn nghị luận phân tích cái hay cái dở của tác phẩm văn học, nếu các em kết luận mà không chứng minh bằng dẫn chứng cụ thể, dứt khoát thày sẽ cho điểm một đấy nhé”.
Hiện thày Trần Văn Tư đã vào tuổi tám mươi, từng nhiều năm làm hiệu trường trường trung học phổ thông thành phố Vũng Tàu, giờ chắc đã nghỉ hưu; nếu thày đọc được bài văn nghị luận “mẫu mực” này của ông Lê Thành Nghị ca ngợi “Hội thề” in trên báo Văn Nghệ và in trên website của Hội, chắc thày sẽ phải mượn lời của giáo sư đại học Phạm Quang Trung mà phán rằng “ Thật nhảm hết sức”,  rồi hạ bút cho bậc điểm mà thày đã từng cảnh báo đám học trò chúng em xưa.,.
Sài Gòn ngày 05-03-2011
TRẦN MẠNH HẢO