Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

RA KHƠI TRONG “BÃO GIÁ”

Lê Phú Khải
Chủ nhật ngày 6 tháng 3 năm 2011 8:54 PM
TNc: Bài phóng sự của nhà báo Lê Phú Khải từ phía nam gửi ra như còn nồng mùi biển. Anh vừa đồng hành cùng ngư dân Kiên Giang ra khơi thời bão giá.
Xin giới thiệu cùng các bạn và cảm ơn anh Lê Phú Khải

(Phóng sự)
 
 Một người buôn bán hải sản ở cảng Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang chỉ tay về phía những con tàu nằm chết trong cảng bảo tôi: Xăng dầu lên giá nên tàu bè cả tuần nay không ra khơi được! Tôi lấy máy ảnh chuyên dụng dùng ống kính têlê “kéo” những con tàu lại gần và nhận ra đó là những con tàu của Bến Tre, vì nó mang biển số BT…TS (Bến Tre….Thủy sản). Mấy chục năm dong đuổi ở Đồng bằng Sông Cửu Long, tôi biết ngư dân các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú…nổi tiếng l cần cù, gan góc. Đầu năm họ đánh bắt tại Biển Đông quê nhà, tháng 7, tháng 8 họ dong tàu thuyền xuống mũi Cà Mau, rồi ngược lên Kiên Giang đánh bắt trên Biển Tây, tức vịnh Thái Lan, để tránh gió bão. Đi như thế, nhiều người đem cả vợ con theo, thuê nhà trên bờ cho vợ con ở qua tết, đến tháp tư, tháng năm mới trở về Bến Tre. Trời phú cho biển Kiên Giang có rất nhiều đảo lớn nhỏ ngoài khơi nên tôm cá quần tụ ở đây và tàu thuyền có chỗ nương tựa khi bão to gió lớn. Tôi đã có lần ra tận xã đảo An Sơn, xưa kia gọi là quần đảo Nam Du, do chính Nguyễn Ánh đặt cho tên này, khi ông bị Tây Sơn truy kích chạy ra đây. Hồi đó tôi ra Nam Du vì hiếu kỳ muốn gặp một người được dân vùng biển Tây Nam này phong cho danh hiệu lạ tai: “Chủ tịch Đại Dương”! Té ra anh là một người Bến Tre, làm cửa hàng trưởng thu mua hải sản cho tỉnh tại Nam Du. Đi lại ngang dọc nhiều năm trên vùng biển này nên được tấn phong danh hiệu đó! 
 ….Giờ thì tôi đã vượt được một cây cầu ván chênh vênh, để xuống một con tàu loại nhỏ, còn được gọi là ghe cào, có biển số BT7483TS. Chủ ghe là anh Trần Hoàng Sỹ đi vắng, nhưng em ruột của chủ ghe là Trần Khải Hoàn, là bạn (làm thuê) của một ghe khác đã tiếp tôi trên ghe BT 7483. Thủy thủ từ những con tàu không ra biển được vì giá xăng dầu tăng cao cũng lần lượt kéo sang góp chuyện. Một cuộc hội ngộ không tiền khoáng hậu diễn ra trên chiếc ghe cào luôn chòng chành chao đảo mỗi khi có một con tàu lớn vào cảng tạo nên những đợt sóng.
 Một chị chừng ngoài 40 tuổi, da xám nắng, mở đầu bằng một lời than: Dầu mới tăng nước đá đã lên giá, cứ thế này thì sống sao nổi! Người lao động  đã phát biểu, đã “ mở mồm” một cách hồn nhiên, vô tư, có than vãn, oán trách, nhưng cũng không quá bi quan như thế! Một ly cà phê đá ai đó đã chạy lên bờ mua và đẩy về phía tôi. Đối với những người lao động vất vả này, chỉ cần một người nào đó biết lắng nghe thôi thì đã nhận được ở họ sự ân cần như thế. Tôi chợt nhớ ra có bao thuốc Ba số (555) còn chưa bóc tem nên vội lấy ra mời cách thủy thủ.
 Có thể tóm tắt tình hình giá xăng dầu tăng với nghề đi biển của bà con đánh bắt hải sản lúc này như sau:
Nếu giá dầu chạy máy từ 12 đến 14 ngàn đồng một lít thì bà con “kiếm ăn được”. Còn như giá dầu hiện nay, tăng từ 14.700 đồng một lít, lên 18.300 đồng một lít thì “ dân khổ quá”! Mới nghe giá xăng dầu lên thì nước đá (để ướp tôm cá) đã tăng từ 10.000 đồng một cây lên 12.000 đồng một cây. Rồi chi phí ăn uống, sinh hoạt, tu bổ phương tiện…. cũng theo giá xăng dầu mà lên, nên “dân khổ quá” Tôi hỏi một người đàn ông to lớn ngồi cạnh: Thế bà con không tích trữ được một lít dầu mỡ nào từ trước hay sao mà giá dầu tăng là tàu phải nằm bến ngay?! Tất cả đều nhao nhao trả lời, đại ý, mấy ngày trước khi xăng dầu tăng giá, các cây xăng, các đại ý, xăng dầu đều kêu hết, hoặc bán nhỏ dọt, họ đã biết trước cả rồi!!!
 “ Kiếm ăn được” “dân khổ quá”…đó là những câu nói giản dị, nhưng rõ ràng, chân thật, từ mồm người dân. Tôi rất thích nghe những câu chữ như thế, sau hàng chục năm phải nghe những từ ngữ, câu chữ sáo rỗng, chung chung, vô hồn, vô bổ, cạn kiệt sức sống, nhàm chán, cũ rích của báo “lề phải” như: “hai bên đánh giá cao” , “còn chưa khai thác hết tiềm năng”, “còn nhiều hạn chế”, “còn nhiều bất cập”, “đã có bước phát triển”, “ra sức phấn đấu”, “tích cực thực hiện”, “đưa nghị quyết vào cuộc sống”, “hoàn thiện từng bước” vv……và vv….
 Giá như các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu xã hội, các vị giáo sư, tiễn sỹ về khoa học xã hội, các nhà báo, nhà đài “lề phải” tìm cách để được ngồi giữa các cuộc gặp mặt với người lao động như thế này mà không cần có cán bộ địa phương, cán bộ ngành, cán bộ cơ sở đi theo canh chừng…để người lao động thoải mái nói ra ý nghĩ, nguyện vọng của mình thì hiểu quả của các chính sách sẽ được hoạch định, sẽ chính xác và giầu sức sống hơn. Tôi muốn nói một chân lý đơn giản mà xưa nay người ta đã làm ngược là, đưa cuộc sống vào nghị quyết, chứ không phải là “đưa nghị quyết vào cuộc sống”!
 Cuối cùng thì các con tàu vẫn ra khơi. Tàu của Trần Khải Hoàn mua 1.000 lít dầu với giá 18.300.000đ, tức là đắt hơn 3.600.000đ so với lúc dầu chưa tăng giá. Kèm với giá dầu lên, đồ ăn thức uống mua xuống tàu cho 10 ngày đi biển, mỗi thứ cũng nhích lên do “xăng dầu tăng giá”! Tôi xin số điện thoại di động của Hoàn trước khi cậu ta ra khơi. Tôi bảo Hoàn: Ra tới hòn Cổ Chon rồi thì nhớ gọi di động cho tôi…và chúc cậu lên đường may mắn…Hoàn cười vô tư – một người đàn ông Bến Tre thường lạc quan như thế!
 Dĩ nhiên tôm cá đánh bắt về sau chuyến đi biển này cũng phải lên giá do “xăng dầu tăng giá”! Con tàu Bến Tre cuối cùng trong số gần mười chiếc tàu túm tụm nằm lại cảng Ba Hòn này sau hơn 1 tuần lễ bị “sốc” vì giá dầu lên…cũng đã rời cảng. Nhưng người bước lên tàu có biển hiệu BT ra khơi sáng nay là một phụ nữ bé nhỏ, gầy yếu. Tôi chỉ tay vào bó nhang cô ta đang cầm và hỏi một câu xã giao: Cúng tàu trước lúc ra khơi phải không?! Cô ta mỉm cười. Tôi tiếp tục: Sao phụ nữ cũng ra biển, chịu gì nổi sóng gió?! Chị ta cho hay, đã gửi con về cho bà nội nó ở Bến Tre để theo chồng ra biển chuyến này (!). Tôi không hỏi thêm vì thấy chị lăm lăm bó nhang trong tay…Nhưng tôi đoán, có lẽ vì xăng dầu tăng giá nên người mẹ này cũng quyết ra biển để giảm nhân công thuê mướn cho con tàu đi đánh bắt của gia đình..
 Nhìn thẳng vào sự thật thì, nhiều năm qua, chúng ta tiêu xài xăng dầu, điện nước và nhiều thứ khác đều dưới giá thành. Nhờ bán rẻ tài nguyên đất nước, kể cả bán “vốn tự có” của người phụ nữ Việt Nam mới bù lỗ nổi cho những tiêu xài đó. Với năng xuất lao động quá thấp, lại nuôi một bộ máy công quyền đồ sộ, gồm cả “hệ thống chính trị” hội, đoàn, mặt trận, ăn mà không làm ra của cải vật chất…nên đã đến lúc hết chịu nổi, phải tiêu xài đúng giá thành của nó. Phải tăng giá! Đã 25 năm cải cách kinh tế mà không hề cải cách chính trị để tăng năng xuất lao động, giảm thiểu bộ máy công quyền, chống tham nhũng, thực hiện công bằng xã hội….đã đưa kinh tế đất nước đến tình trạng hôm nay. Không có con đường nào gỡ rối cho kinh tế Việt Nam, nếu không dám làm từ gốc: Cải cách chính trị để loại trừ những kẻ ăn bám, chống tham nhũng thực sự, thực hiện công bằng xã hội, thổi luồng sinh khí mới cho năng xuất lao động Việt Nam….
 …Tôi đứng trên cây cầu bê tông vắt qua vàm sông Ba Hòn nhìn theo con tàu Bến Tre cuối cùng rời cảng …với bao nhiêu suy tư như  thế về thực trạng kinh tế của đất nước từ một góc trời Tây Nam tận cùng này….Buồn!
 Chú thích ảnh: Tác giả và các thủy thủ trên tàu BT 7483.
           LPK
     Kiên Giang 2/2011