1.
Từ lâu, cái tên nhà thơ kiêm “nhà phê bình” Trần Mạnh Hảo vốn đã trở nên quen thuộc với những người làm những công việc có liên quan đến văn chương nghệ thuật nước nhà. Phải thừa nhận là văn phê bình của ông Trần Mạnh Hảo có một ưu điểm rất đáng ghi nhận đó là… sự sắc sảo của ngôn từ hay văn phong nói chung. Tuy nhiên, nếu ai đó đọc phê bình của ông Trần Mạnh Hảo mà để cho sự sắc sảo của văn phong ấy làm “ngất ngây”, mê muội thì thật là vô cùng nguy hiểm. Phải chăng đó cũng là kinh nghiệm, là “bài học xương máu” mà nhiều người trong giới phê bình và nghiên cứu văn chương lâu nay vẫn thường hay dặn dò nhau: trước một bài phê bình nào đó của ông Hảo phải hết sức tỉnh táo; phải có bản lĩnh để tỉnh táo và dứt khoát phải đọc lại tác phẩm hoặc bài viết của ai đó mà ông Hảo lấy ra làm đối tượng phê bình, sau đó hãy đưa ra ý kiến đánh giá chất lượng khoa học bài viết của ông Hảo. Kinh nghiệm này quả là không thừa cho những ai nếu đã trót đọc bài“Dị Hương: sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế?” của ông Trần Mạnh Hảo (trên vài trang báo và blog mạng gần đây) khi phê bình truyện ngắn Dị hương của nhà văn Sương Nguyệt Minh.
2.
Nếu ai đó chỉ đọc bài phê bình này của ông Hảo mà không từng đọc Dị hương của nhà văn Sương Nguyệt Minh và không tỉnh táo chắc chắn sẽ bị sức hấp dẫn của văn phong ông Hảo làm cho “mê muội”. Chỉ cần liếc qua cái tên tiêu đề của ông Hảo đặt thôi cũng đã cho thấy có vẻ như “nhà phê bình” Trần Mạnh Hảo rất có tâm huyết và trách nhiệm với nền… sử học nước nhà:“Dị Hương: sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế?”. Thế nhưng, thật oái ăm thay, để bắt đầu cho một bài phê bình văn học của mình, việc làm đầu tiên và cũng là xuyên suốt của ông Hảo là lên mạng internet vào trang google tìm tư liệu lịch sử để đối chiếu xem trong truyện ngắn Dị Hương có bao nhiêu phần trăm sự thật; hoặc không thì tìm những bài viết vốn cũng mang sẵn những “định kiến” không hay về Dị hương mà minh họa, biện giải rồi từ đó đi đến kết luận mang nặng tính quy chụp. Hãy nghe ông Hảo nói “động cơ” giúp ông tìm đọc Dị hương để rồi sau đó viết bài phê bình về truyện ngắn này:
“Nhân đây, chúng tôi cũng có lời cám ơn nhà văn Trần Hoài Dương, người đã lên tiếng đầu tiên trên công luận (lethieunhon.com, trannhuong.com) trong một bài phỏng vấn với những dòng như sau về truyện ngắn “Dị hương”:Trong “Dị hương”, Nguyễn Ánh hiện ra là một nhân vật rất xấu, có thể nói là thô bỉ, hiếu sắc, hiếu sát... Tôi không tin là một nhân vật như thế có thể dựng nên một vương triều…”, giúp chúng tôi tìm đọc văn phẩm này”[1].
Đọc những dòng này mới biết nhà phê bình Trần Mạnh Hảo có “phương pháp” phê bình nói đúng hơn là “động cơ” và “thủ thuật” phê bình… rất không giống ai. Trước đó, vì ông nghe Dị hương là tập truyện được giải cao nhất của Hội nhà văn (ông lại vốn mang sẵn trong mình cái “định kiến” về những tác phẩm được Hội Nhà văn nước nhà trao giải); tiếp theo vì có “nhà văn Trần Hoài Dương” – như ông nói là người lên đầu tiên “lên tiếng” về Dị hương nên đã thôi thúc ông tìm đọc sau đó thì “kết tội” Dị hương và tác giả của nó. Và như đã nói, để “kết tội” Dị hương, ông Hảo đã lên mạng internet tìm kiếm tư liệu về các nhân vật có thật trong lịch sử rồi làm phép đối chiếu, so sánh với nhân vật có trong tác phẩm Dị hương là vua Gia Long và hoàng hậu Lê Ngọc Bình; hoặc không thì tìm kiếm những bài phê bình của ai đó cùng quan điểm với ông ví như quan điểm của tác giả Bùi Công Thuấn nào đó như ông đã viết: “Xin độc giả xem ý kiến của tác giả Bùi Công Thuấn (Đồng Nai) dưới đây do chúng tôi lấy từ Internet khi vào
http://google.com gõ từ khóa : “Dị hương và kiếm sắc” [2]
Phải công nhận “thủ thuật” phê bình này của ông Hảo đúng là “có một không hai”, phản ánh rất đúng “tinh thần thời đại @” hiện nay là: “Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì tra google”.
Như thế là, bằng những “thủ thuật” này, ông Hảo đã đi đến kết luận là: tác giả Dị hương – nhà văn Sương Nguyệt Minh là người cố tình bịa chuyện để bôi xấu lịch sử, bôi xấu vua Gia Long. Thật, không thể tin nổi sao ông Hảo lại có thể sáng tạo ra một “phương pháp” phê bình văn học “không đụng hàng” như thế này? Sao lại như thế hả ông, sao ông không xem Sương Nguyệt Minh - người sáng tạo ra Dị hương trước hết với tư cách là một nhà văn (chứ không phải là người của ngành khoa học lịch sử), không xem Dị hương trước hết là một tác phẩm văn học chứ không phải là một tư liệu dùng để nghiên cứu lịch sử? Nhân vật chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi đâu phải là chị Út Tịch sống ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh những năm chống Mỹ đâu; vua Gia Long – vị vua khai sáng vương triều Nguyễn tồn tại trong lịch sử Việt Nam sao lại đi đồng nhất với nhân vật Vua Gia Long tồn tại trong truyện ngắn Dị hương? Đành rằng để tạo ra nhân vật vua Gia Long và hoàng hậu Lê Ngọc Bình, Sương Nguyệt Minh đúng là đã dựa vào lịch sử về hai con người có thật nhưng nếu vì thế mà đồng nhất hai con người này với hai nhân vật văn học trong Dị Hương như cách làm của ông liệu có ổn không, có máy móc lắm không? Đó là chưa nói, để đánh giá giá trị và tư tưởng nghệ thuật của một nhà văn việc đầu tiên là phải tôn trọng văn bản tác phẩm đặt trong chỉnh thể nghệ thuật của nó; để đánh giá sự thành công của một hình tượng nhân vật văn học nào đó phải căn cứ vào những mối quan hệ nội tại của hình tượng ấy trong toàn bộ hệ thống của tác phẩm chứ sao lại lôi ra so sánh với nhân vật lịch sử ngoài đời coi nó giống ở điểm nào, khác ở điểm nào rồi tùy tiện đánh giá? “Uyên thâm” như ông Hảo mà không phân biệt vấn đề bé tẹo như thế này sao?
3.
Còn một “kinh nghiệm xương máu” của những người đang hoạt động trong lĩnh vực văn chương khi đứng trước một bài phê bình của ông Trần Mạnh Hảo nữa là, phải hết sức tỉnh táo trước những trích dẫn của ông Hảo khi phê bình. Ông Hảo vốn có một “biệt tài” là để chứng minh cho quan điểm và cách lập luận của mình, ông thường tách những câu, đoạn văn nào đó (vốn chỉ có nghĩa khi nó nằm trong hệ thống của nó trong tác phẩm) sau đó thì sắp xếp xâu chuỗi các câu, đoạn văn ấy lại thành một “hệ thống” theo “ý đồ” của ông để phê bình. Kinh nghiệm này một lần nữa quả cũng là không sai với bài “Dị Hương: sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế?” của ông. Tuy có hơi dài dòng một chút nhưng xin bạn đọc nhín chút thời gian chịu khó đọc lại đoạn văn sau để thấy rõ hơn một “thủ thuật” phê bình trong bài viết trên của ông Hảo (những chỗ bôi đậm là văn của ông Hảo, những chỗ in nghiêng là văn ông Hảo trích từ các câu, đoạn văn trong truyện ngắn Dị hương của Sương Nguyệt Minh):
“Xin quý độc giả xem vài đoạn trích trong “Dị hương” mà Sương Nguyệt Minh đã phịa ra để bôi bẩn vị Hoàng đế đã có công thống nhất đất nước. Một Nguyến Ánh tàn bạo vô song, máu lạnh, giết người như ngóe, hở ra là chém, giết, say máu hơn cọp beo:
“Ánh đưa một đường gươm.Chớp lóe sáng lên phạt ngang cổ thôn nữ. Máu đỏ phun lên như mạch nước ngầm hở miệng…Ánh lên đến đỉnh Ngọc Trản Sơn thì cũng kịp vung gươm phạt bay năm đầu thị nữ….”
“Mùi tanh của máu người, mùi khét lẹt của binh khí va chạm tụ lại thành mùi chết chóc ngấm vào da thịt Ánh…”
“Bao nhiêu cái đầu lăn lóc dưới đôi chân bôn tẩu của Ánh…”
“Ánh chợt nhìn thấy Sán cứ bần thần mê mẩn yếm thắm. Ánh lộn tiết, cho rằng Sán chơi trò ma thuật phù thủy, bèn quát lính lôi ra chém….”
“Ánh túm ngực áo gầm lên…”
“Tội các ngươi đáng chém….” . “Lần này Ánh chém thật…”
Một bạo chúa tắm trong máu người như Sương Nguyệt Minh mô tả Nguyễn Ánh trên, làm sao được lòng dân Nam Hà che chở, đùm bọc, ủng hộ để khi mới 13 tuổi, một thân một mình chạy trốn giữa biển, không còn thước đất cắm dùi, lại có thể tập hợp được hàng triệu người ủng hộ, đánh bại được anh em nhà Tây Sơn hùng mạnh, giành lại giang sơn cũ do ông cha mình dùng xương máu tạo dựng lên ?
Xin hãy xem “ Dị hương” mô tả Nguyễn Ánh là một hôn quân dâm tặc, suốt ngày chỉ mê đắm chuyện phòng the, kinh tởm hơn Lê Ngọa Triều ngày xưa trong chuyện hoang dâm vô độ :
“Cung tần qua đêm với Ánh, dù ngực hằn đầy vết hồng đỏ của bàn tay thô ráp cầm kiếm, hai đùi đầy vết răng bầm tím…”
“Lòng Ánh nôn nao, không chịu nổi mùi gợi dục, cuống cuồng cởi quần áo”…
“Mỹ nhân đột tử ngay dưới bụng Nguyễn Ánh…”
Đây là cảnh Nguyễn Ánh rình xem Lê Ngọc Bình tắm:
“Ánh bèn lẩn vào bên trong lùm cây, kéo cành lá, mặt đần ra mê đắm nhìn mỹ nhân tắm….”
“Bóng Ánh đổ dài kéo thành vệt đến giếng nước. Mỹ nhân vội khép hai đùi, một tay che hai trái tuyết lê căng mẩy, một tay che đám lông mu đen mượt. Thực ra mỹ nhân không cần phải hốt hoảng che đậy vì chỏm đầu của Ánh đã đổ bong đen trên ngực nàng…”
Đây là cách Nguyễn Ánh cởi xiêm y Lê Ngọc Bình theo kiểu thổ phỉ:
“Ánh cầm gươm đưa những đường tuyệt kỹ như múa, nhẹ hơn gió thoảng trên long sàng. Loáng một cái cắt nát xiêm y…”
Không dám chép ra đây những lời quá thô bỉ khi tác giả tả chuyến ân ái giữa Nguyễn Ánh và công chúa Lê Ngọc Bình, hoàng hậu của Cảnh Thịnh, mới gặp Nguyễn Ánh là ô kê trai trên giái dưới liền, không một chút e thẹn, còn dạn dĩ và chủ động hơn một con điếm thập thành:
“Hai người chìm vào biển ái ân nóng bỏng…”
“Ánh sướng quá tru lên như con ngựa hoang động đực…”
“Về Phú Xuân, Ánh ốm liệt giường, lúc nào cũng chìm trong mộng mị ân ái với nàng Ngọc Bình”
“Gia Long lấy Ngọc Bình chẳng phải là yêu chiều cành vàng lá ngọc mà núp dưới chiêu bài tâm lý chiến bẩn thỉu…”[3]
Rõ ràng qua đoạn văn trên, ông Trần Mạnh Hảo đã cố tình trích dẫn từ rất nhiều câu, đoạn văn khác nhau trong tác phẩm Dị hương rồi tập hợp và xâu chuỗi chúng lại minh họa cho lập luận của ông (chủ yếu để so sánh nhằm chỉ ra những điểm khác nhau giữa nhân vật vua Gia Long trong Dị hương và vua Gia Long tồn tại trong lịch sử); và nếu ai đó chỉ đọc những dòng này từ bài viết của ông Hảo mà không tiếp xúc với toàn bộ văn bản truyện ngắn Dị hương chắc chắn sẽ bị ông Hảo làm cho “mê muội”. Thế mới biết, trong phê bình văn học nếu ngay từ đầu anh đã gieo sẵn trong óc mình những hạt mầm “định kiến” không tốt về tác phẩm và tác giả sẽ rất dễ đưa đến ngòi bút của anh bị lệch lạc. Điều này trước hết đã là không tốt (vì nguyên tắc của phê bình trước hết là phải công tâm và vô tư), sau nữa còn là một sự bội ơn đối với tác giả - người đã nhọc công sáng tạo ra tác phẩm cho anh đọc, anh thưởng thức, cho anh “phê’, anh “bình”... Cho dù tác phẩm ấy chưa thật độc đáo đi nữa nhưng nếu anh cứ trung thực và khách quan nhìn nhận để chỉ ra những hạn chế nhằm giúp tác giả của nó thấy và rút kinh nghiệm vẫn đáng hoan nghênh hơn là anh dè bĩu họ bằng cách cố tình không tôn trọng sự thật có trong tác phẩm.
Còn một điều cũng rất đáng tiếc nữa trong bài phê bình trên của ông Trần Mạnh Hảo thiết nghĩ cũng cần phải nói ra để mọi người có cái nhìn khách quan hơn về tác phẩm Dị Hương, đó là cách ông Hảo tóm tắt truyện ngắn này theo quan điểm và “ý đồ” của riêng ông. Cách làm này của ông Hảo thật không phải chút nào. Hãy xem cách ông Hảo tóm tắt truyện ngắn Dị hương:
“Truyện kể rằng công chúa Lê Ngọc Bình khi mới 13 tuổi đã đẹp mê hồn, ngọc thể thơm ngát một làn hương lạ (dị hương). Một lần Ngọc Bình đi tắm ở hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) làm rơi chiếc yếm. Trần Huy Sán nhặt được chiếc yếm ấy và giữ mãi trong người, mỗi lần lấy chiếc yếm ra ngắm nghía làm thơm lừng cả trời đất. Trần Huy Sán mê công chúa Ngọc Bình thông qua chiếc yếm thơm phức của nàng. Rồi Sán bỏ Tây Sơn, bỏ Bắc Hà trốn vô Nam phò Nguyễn Ánh. Có lần Trần Huy Sán mang chiếc yếm của công chúa Ngọc Bình vào chầu chúa Nguyễn Ánh, khiến vị chúa chết mê chết mệt vì mùi thơm từ chiếc yếm nọ tỏa ra.
Nguyễn Ánh tranh hùng với anh em nhà Tây Sơn và cha con Nguyễn Huệ, khi chiếm được kinh đô Phú Xuân, Nguyễn Ánh đã bắt được tác giả mùi thơm mê hồn kia là Lê Ngọc Bình - hoàng hậu của vua kẻ thù Cảnh Thịnh ( Nguyễn Quang Toản). Nguyễn Ánh vừa nhìn thấy Ngọc Bình đã mê mệt mùi thơm lạ từ thân thể nàng tỏa ra, đến nỗi mất hết hồn vía. Ngay lập tức, vợ của vua bại trận Ngọc Bình đã ôm chầm lấy vị vương thắng trận để cả hai biến thành hoang dâm vô độ y hệt Trụ Vương- Đát kỷ ngày xưa. Nguyễn Ánh phát hiện ra Trần Huy Sán đã xơi tái mùi hương lạ của Ngọc Bình trước mình, bèn chém đầu Sán. Ngọc Bình bị Nguyễn Ánh dày vò quá mức thành ra mất hết mùi thơm và lãnh cảm, bị chết thê thảm dưới bụng Nguyễn Ánh khi hai người đang giao hoan.” [4]
Ai từng đọc truyện ngắn Dị hương sẽ không thể nào tin nỗi trình độ cỡ ông Hảo mà lại tóm tắt “cốt truyện” của truyện ngắn Dị hương như thế. Nếu nhìn ở góc nhìn thi pháp về “cốt truyện” trong tác phẩm văn học thì bản tóm tắt trên của ông Hảo chỉ là cách tóm tắt “cốt tryện” tự nhiên chứ không phải là cách tóm tắt “cốt truyện” nghệ thuật của tác phẩm Dị hương (đó là chưa nói cách tóm tắt này nhiều chỗ ông Hảo “diễn đạt” lại theo ý mình nên hoàn toàn không đúng với tinh thần của truyện ngắn Dị hương). Tóm tắt “cốt truyện” tự nhiên là cách diễn đạt rất nôm na sao cho nhanh chóng, thuận lợi theo ý muốn chủ quan của riêng mình. Còn tóm tắt “cốt truyện” nghệ thuật nói như giáo sư Trần Đình Sử là: “thuật lại hệ thống những biến cố trong trật tự nghệ thuật đã được lựa chọn, sắp xếp” [5] theo dụng ý của tác giả. Nghĩ và tóm tắt “cốt truyện” một cách “tự nhiên” nhằm phục vụ cho “ý đồ” của mình như cách làm của ông Hảo trách sao những người chưa đọc tác phẩm này nếu không tỉnh táo sẽ có phản ứng không tốt với nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Không những tóm tắt không đúng tinh thần “cốt truyện” nghệ thuật của Dị hương để tạo sự hiểu lầm về tác phẩm và tác giả mà ông Hảo còn không tôn trọng những tình tiết và chi tiết nghệ thuật được tạo ra với dụng ý nghệ thuật rất rõ ràng của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Đơn cử như trong Dị hương, có chi tiết nhân vật vua Gia Long trên đường lên Ngọc Trản Sơn (vì sự hấp dẫn của mùi “dị hương”) đã đưa kiếm chém bay đầu 5 thị nữ, nhà văn Sương Nguyệt Minh viết:
“Ánh đưa một đường gươm. Chớp lóe sáng lên phạt ngang cổ thôn nữ. Máu đỏ phun lên như mạch nước ngầm hở miệng… Ánh lên đến đỉnh Ngọc Trản Sơn thì cũng kịp vung gươm phạt bay năm đầu thị nữ….”
Thế nhưng, nếu chỉ đọc đoạn văn này mà không chú ý liên hệ đến một chi tiết ở đoạn văn sau mà nhà văn dùng để “kết nối” chúng lại trong một chỉnh thể sẽ rất dễ đi đến kết tội oan cho tác giả là đã tạo ra nhân vật vua Gia Long như một kẻ “đao phủ” (như cách nói của ông Hảo):
“Đêm ấy, Ánh hạ lệnh neo thuyền rồng giữa sông Hương, bày trò hát múa. Nửa chừng cuộc vui, Ánh đã xao xuyến, thổn thức nhìn Ngọc Bình âu yếm lắm. Ánh cảm thấy có lỗi với nàng, than thở, ra chiều thương xót bọn cung nữ đã bị mình chém ngang cổ. Mỹ nhân nhìn Ánh, trìu mến cười hiền hậu, thưa:
“Ơn trời! Vương đã không phạt đầu đứa cung nữ nào của thiếp. Của đáng tội, chúng mất mái tóc dài cũng tiếc, nhưng được toàn thân. Chúa công không thấy chúng đang xúm quanh thiếp đấy sao”.
Ánh kinh ngạc lắm, chẳng hiểu mình đã làm gì với đám cung nữ. Dọc đường cầm gươm lên Ngọc Trản Sơn cứ hư thực tựa hồ như trong mơ vậy. Nhìn đám cung nữ xinh đẹp của Ngọc Bình, tóc đứa nào cũng bị phạt thả lòa xòe chấm vai, trông rất ngộ. Ánh cứ luôn miệng lẩm bẩm: “Chả lẽ… chả lẽ… gươm của ta chưa vấy máu cung nữ”.
Rõ ràng tới đây người đọc mới biết thì ra 5 thị nữ ấy không hề chết. Không hiểu do đọc không kỹ hay cố tình không nhận ra những chi tiết mang hơi hướm của “bút pháp huyền ảo” này của Sương Nguyệt Minh mà Trần Mạnh Hảo đã đưa những kết luận không đúng về tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm để từ đó buộc tội tác giả Dị hương.
4.
Cuối cùng, có thể nói, do xuất phát với một tâm thế mang sẵn những “định kiến” không tốt về những tác phẩm đoạt giải do Hội nhà văn trao; với việc áp dụng “phương pháp” phê bình “không đụng hàng” (chỉ chăm chăm đi tìm và so sánh với những tư liệu lịch sử rồi đánh giá tác phẩm văn học); không tôn trọng văn bản cũng như không tôn trọng những đặc trưng cơ bản nhất của văn chương nghệ thuật… “nhà phê bình” Trần Mạnh Hảo không chỉ hiểu sai tinh thần và ý đồ nghệ thuật của tác phẩm Dị hương mà ông còn lớn tiếng “quy chụp” và buộc tội nhà văn Sương Nguyệt Minh bằng những lời lẽ rất là khó nghe. Nào là tác giả Dị hương bịa chuyện bối xấu vua Gia Long; nào là tác giả Dị hương sao chép Kiếm sắc của Nguyễn Huy Thiệp; hay nặng hơn nữa là nhà văn Sương Nguyệt Minh viết Dị hương theo ý kiến chỉ đạo “của cấp trên”… Đơn cử như:
- “Hay có thể “Dị hương” đã viết theo định hướng của cấp trên : cần phải dứt khoát lên án Nguyến Ánh Gia Long, kẻ đã được cấp trên dán cho nhãn hiệu “cõng rắn cắn gà nhà” , không để bọn “cấp tiến” phục hồi danh dự cho các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn y như sự thật lịch sử đã diễn ra một cách khách quan, mà Hội nhà văn đã trao giải và hết lời ca ngợi “tác phẩm” này?”
- “Nếu một kẻ nào đó, lôi ông tổ của nhà văn Sương Nguyệt Minh ra để chửi bới thậm tệ như ông đã làm với vị Hoàng đế nước Việt Nam Gia Long, một người đã có công thống nhất đất nước, liệu ông Sương Nguyệt Minh có để yên hay sẽ nhảy dựng lên đòi kiện bọn vô cớ bôi bẩn ông cha mình ra tòa?”
- “Nếu một kẻ cầm bút vì lý do tiến thân nào đó, tự nhiên lôi ông tổ của nhà thơ CT ra vu cáo thậm tệ theo kiểu Sương Nguyệt Minh vu cáo tổ tiên của hoàng tộc Huế, liệu ông CT có dám trao giải thưởng cho hay không?”[6]
Thật lòng khi thấy ông Hảo đưa ra những kết luận “trời ơi” cùng những lời thóa mạ (chứ không phải phê bình văn học) như thế tôi thật sự không tin và không hiểu ông Hảo đã dựa vào đâu, trên cơ sở nào mà nỡ lòng xúc phạm nhà văn Sương Nguyệt Minh và những người không liên quan gì đến tác phẩm (mà ông Hảo gọi là “cấp trên” của nhà văn Sương Nguyệt Minh) như vậy? Bằng trực giác của tôi khi đọc Dị hương, tôi (và có lẽ còn nhiều bạn đọc nữa) tin là nhà văn Sương Nguyệt Minh – một đại tá quân đội không có lý do gì ông không biết về lịch sử dân tộc để rồi đi bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long; không có động cơ nào để chứng tỏ ông làm như vậy; và tôi lại càng tin hơn không có một “cấp trên” nào lại bắt nhà văn Sương Nguyệt Minh viết Dị hương để bối xấu vua Gia Long như “nhà phê bình” Trần Mạnh Hảo đã nói. Thật không hiểu nhà thơ kiêm “nhà phê bình” Trần Mạnh Hảo có “ý đồ” gì mà nỡ đưa “lưỡi kiếm” phê bình rất sắc của mình “chém” Dị hương và nhà văn Sương Nguyệt Minh một nhát chí tử như thế. Hay là ông Trần Mạnh Hảo không muốn làm một người bình thường nữa mà muốn làm một kẻ “dị thường”; muốn thử nghiệm một “phương pháp” phê bình “dị hợm” thông qua bài phê bình của ông về truyện ngắn “Dị hương” chăng?
***
Tôi vốn không quen và chưa từng gặp mặt cả nhà văn Sương Nguyệt Minh lẫn “nhà phê bình” Trần Mạnh Hảo. Tôi đơn giản chỉ là một bạn đọc thông thường đã đọc tác phẩm Dị hương của nhà văn Sương Nguyệt Minh và đã đọc bài phê bình “Dị Hương: sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế?” của ông Trần Mạnh Hảo. Bài viết này vì không có thời gian tôi không tiện đề cập đến những vấn đề liên quan đến nội dung tư tưởng của truyện ngắn Dị hương mà chỉ muốn trao đổi lại một số vấn đề với “nhà phê bình” Trần Mạnh Hảo mà tôi thấy chưa thỏa đáng (nhất là ở phương diện “phương pháp” phê bình của ông trong bài viết). Khi đặt bút viết những dòng này, bản thân tôi tự nghĩ hẳn là cũng có rất nhiều người đã nhận ra những bất cập này trong bài viết của ông Trần Mạnh Hảo chẳng qua họ không muốn lên tiếng thôi (phải chăng là do kinh nghiệm trong những lần tranh luận trước đây giúp họ nhận ra một điều: tranh luận với ông Hảo không khéo rất dễ bị ông kéo vào những cuộc “tranh cãi” ngoài học thuật rất không đáng có?). Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh và mặt bằng chung của đời sống văn học nước nhà hiện nay (như nhiều người đã từng nói) trong khi chúng ta chưa có được những tác phẩm văn học “đỉnh cao” và “đủ tầm để vươn ra thế giới” thì việc cùng nhau bàn bạc trao đổi (thông qua hoạt động phê bình) một cách nghiêm túc, thẳng thắng là rất cần thiết; và phê bình nhằm thúc đẩy và “nâng tầm” văn học nước nhà là điều rất đáng trân trọng và rất nên làm. Còn nếu như phê bình để nhằm hạ thấp nhà văn, làm nhụt chí người sáng tác chẳng những không giúp gì cho sự phát triển của văn học mà ngược lại còn giết chết nó; phê bình như thế, theo tôi không khéo sẽ rất dễ trở thành phê bình “phản văn học”.
Cuối cùng, tôi cũng rất biết và rất ý thức là với “nhà phê bình” Trần Mạnh Hảo tôi là hàng em cháu, vì thế nếu có điều chi sơ xuất mong ông hãy rộng tình bỏ qua và chỉ bảo thêm.