Thánh thật
Có câu chuyện thế này: Đầu xuân ba học trò xuống núi làm quan quay lại am xưa trên đỉnh Ly Sơn thăm lại thầy Quỉ cốc tử với ba món quà:. Trò thứ nhất ôm một con gà, trò thứ hai ôm chai rượu, trò thứ ba đi tay không.
Qủi cốc tử hỏi trò thứ nhất, xuống núi con làm đến chức gì? Trò thưa, dạ chức cũng vừa vừa, gọi là có của ăn của để, đủ sống ạ. Trò thứ hai thưa, chức con không to, nhưng cũng đủ kẻ ra luồn vào cúi, xin thày nhận chai rượu này mừng cho con đã thành đạt ạ. Thày hỏi trò thứ ba: Còn anh, đường công danh thế nào? Lúc này trò mới lách tay vào túi ngực đưa ra một phong bì to, dày cộp, dạ thưa thày, con mang biếu thày món quà trên núi thày không kiếm đâu ra, toàn là tờ xanh thôi ạ.
Nghe ba trò trình bày xong, thày hày ngồi nghiêm trên án, mắt nhắm lặng tờ.
Lát sau thày bảo trò ôm gà: Biếu thày gà, thày biết anh chức không to, vẫn giữ bản tính cần cù thật thà, gà này chắc anh bắt trong chuồng nhà biếu thày phải không? trò lúng túng: Sao thày biết ạ: tuy anh mang cho ta có con gà nhưng dáng mạo đàng hoàng, ta chắc đó là của nhà làm ra nên thần thái mới được thế, đúng không. Đến đây thày lại tiếp: thế là khá nhưng khó đi xa, nhưng thôi sức con đến đấy thì hãy cố giữ lấy phong độ. Nhìn trò thứ hai, thày phán: Rượu anh biếu ta chắc là rượu người khác biếu anh, mác nhãn tem ngoại, chắc anh phụ trách đối ngoại nên người mang ơn anh. Trò lúng túng, thày thánh thật, chẳng gì che được mắt thày. Nhưng như thế mất quan là anh mất lộc, sẽ sống bằng gì? Đến đây anh chàng thứ ba không để thày kịp hỏi, thưa ngay: vẫn như xưa, chẳng gì che được mắt thày, em công tác ở Vinshin ạ, quà này em cậy ở đấy ra, chứ xưa nay em là thằng láo toét, có làm được cái gì ra hồn đâu ạ. Thày lúc này nghiêm mặt: Anh thật với thày thế là tốt, nhưng đường anh đi là đường đén cửa ngục, không chóng thì chầy. Anh về bảo với đồng bọn anh cẩn thận không thì lại giống thằng Mu- ba- rắc ở Ai Cập đấy.
Cả ba trò trợn tròn mắt, trên đỉnh Li sơn không di động, không điện đóm ti vi mà thày biết cả gà nhà, rượu tem ngoại đến Vinshin… Và lạ hơn nữa lại biết cả Mu ba rắc, thánh quá!
18/2/2011
Thằng đần
Ngày bé, tôi vùa nhát vừa đần.
5 tuổi, ăn nói sõi mà đêm nằm vẫn giữ tí mẹ. Bi hất tay ra rồi lại lì lì quờ quạng bám vào như con đỉa. Cái tật ấy giữ đến lớn, không có tí mẹ thì giữ tí khác, cũng là tí cả.
Còn nhớ mẹ nói: Thằng ấy đần ơi là đần, đi qua mương nước, cu cậu chân ngắn không bước qua nổi, thế là ngồi mếu. Thằng em thấy thế, vác ngay ra mảnh ván bắc ngang thành cái cầu tạm, lúc ấy mới thôi mếu. Thế mà sau này biết chuỵện có người lại khen là đần kiểu lưu Bị!
Thằng em nhanh nhẹn hoạt bát hơn nhưng lại lười học, lại cũng dốt nữa nên bỏ học dở chừng, vác cày theo đít trâu. Sau đấy làm tới cán bộ cấp xã rồi ngừng.
Còn tôi, đến lớp là ngồi lì, đít dính ghế là cắm cúi đọc, ghi chép. Từ cấp 1 bước qua cấp hai, cấp ba …rồi đi học nghề ra kiếm cơm với nhà nuớc. Cái tính ù lì thụ động, có người xếp việc sắn cho làm khá hợp với tôi, theo nhà nước là tiện nhất.
Thời của tôi, sáng kiến gì thì cũng thua cái thằng cần cù. Ở công sở, tôi ít sáng kiến, vì quá quen gọi dạ bảo vâng, cứ là răm rắp nên chẳng mấy khi bị phê bình gắt gao dù chưa được việc. Thói đời, người ta vẫn nương tay với anh đần, gia ân với anh đần. Đần là thằng đi cuối ít khi bị thóc mach ganh ghét. Mấy ai để ý đến thằng đần, nên lợi ít nhưng hại cũng ít. Không như mấy đứa hoạt bát, tiến nhanh nhưng cũng nhiều khi hoạn nạn nếu bị lãnh đạo chiếu tướng. Người ta cảnh giác những thằng như thế dễ tranh quyền đoạt chỗ. Đần một tí như tôi dù có đứng sát sạt thủ trưởng cũng không ông nào ngại vì đần chỉ biết bê đỡ chứ làm được gì hơn!.Xem ra thời nào thì đần một tí cũng lợi hơn đứa nhanh nhẹn tranh chòi.
Học ở bậc đại học, tôi cũng chỉ đứng giữa, hoặc xệ hơn một tí.
Hôm ra trường, một thằng người thành Nam, một thằng người thành Hà được điểm cao, chúng bô bô với nhau: “Ra trường chỉ có tao và mày sẽ làm nên, còn lớp này vứt tất”. Mình đứng ngay rước mặt chúng, câu nói khinh thị trùm thẳng lên đầu mà mình im thóc. Thôi im cho nó lành. Bị bảo là đần cũng chẳng chết ai. Với chúng, thằng đần thì cái gì cũng có thể nói trước mặt nó, vì thế mà tôi thành người biết lắm chuyện.
Nhưng ba mươi năm sau, mấy thằng ấy cứ từ từ chìm xuồng. Bây giờ chúng nghỉ hưu, nói đến nghề ngỗng chúng thở vắn than dài là trời không cho nó cơ hội, vận chúng không may chứ không phải kém. Chúng an phận với đồng lương hưu và mắc bệnh chửi đổng. Chúng bảo tôi viết làm đếch gì, ai mà thèm đọc chứ? Còn vẽ tranh bán, thì chúng bảo sáng tác làm tác phẩm còn chẳng thiết, làm gì ba cái tranh chợ. Ôi giọng đàn anh đến phút chót
Thằng đần như tôi hôm nay về hưu rồi nhưng vẫn loay hoay với đủ thứ việc. Nhưng có lẽ ở hàng kém nhất. Khối thằng đần khác cùng lứa lại có vị trí oách. Xem ra như thế, bị bảo là đần chưa hẳn đã là bi kịch.
28/2/2011