Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN HỌC PHẢI CHẤP NHẬN NHIỀU TRƯỜNG PHÁI

Nguyễn Đình Chính
Chủ nhật ngày 6 tháng 3 năm 2011 3:13 PM
 
- Anh tiếp cận ít hay nhiều với văn chương ở hải ngoại (đọc các tạp chí văn học, đọc trên mạng, quen biết giao lưu với những người cầm bút, v.v…)?
- Hơn chục năm nay tôi quan tâm tới văn học hải ngoại nhiều hơn văn học trong nước. Mấy năm qua các ông Khánh Trường, Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến, Trần Thiện Đạo và một vài vị khác nữa khi về Hà Nội có ghé thăm tôi tại nhà riêng của tôi. Chúng tôi mời nhau đi ăn tiệm, uống cà phê và hội luận đủ mọi thứ chuyện. Nào là chuyện văn chương, chuyện gia đình vợ con, chuyện nhân tình thế thái, chuyện chính trị chính em… Khi chia tay lại tặng nhau quà, thường là chút ít trà, rượu, thuốc (thuốc lá) và sách. Chưa thấy quý vị văn nghệ sĩ hải ngoại nào mang lửa về làm quà tặng tôi cả. Do vậy tôi (nhất là vợ con tôi) yên tâm lắm và lâu lâu cả nhà tôi lại thấy nhớ mấy vị đó.
 
- Anh có bao nhiêu tác phẩm đóng góp với các tạp chí, báo mạng ở hải ngoại?
- Tôi không hứng thú xuất bản các tác phẩm của tôi trên báo, tạp chí in bằng giấy ở hải ngoại. Lí do: ít người đọc. Gần đây tôi quan tâm tới các trang web (báo mạng). Năm 2007 tôi có một số bài trên Talawas, và từ năm 2008 thì  thêm Tiền Vệ.
 
- Anh có tiếp cận với những tác phẩm của những nhà văn ở hải ngoại in trong nước không? Trong trường hợp có, Anh đánh giá những đóng góp đó thế nào?
- Tôi đọc nhiều các tác giả hải ngoại. Kể không xiết. (Tôi có nguồn sách riêng của tôi). Tác phẩm của các anh, các bạn hải ngoại gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ.
 
- Văn chương ở hải ngoại đã đóng góp gì, hoặc có thể đóng góp gì, vào văn hóa Việt Nam nói chung?
- Về hình thức thì đi tiên phong. Về nội dung thì hơi luẩn quẩn. Bị chính trị chi phối dữ dằn.
 
- Anh suy nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng: Vì dễ tiếp cận với trào lưu thế giới, những người cầm bút ở hải ngoại có thể đóng góp được nhiều (viết, dịch…) về mặt lý thuyết và lý luận văn học hơn ở  trong nước?
 - Về dịch thuật (nhất là sách lí luận phê bình) thì phải cám ơn nhiều những người cầm bút ở hải ngoại. Tôi thấy đa số các nhà lí luận phê bình (không đọc được tiếng Mỹ, tiếng Pháp) đang nổi lên như cồn ở trong nước nên khiêm tốn khi trao đổi  với các vị đồng nghiệp ở hải ngoại. Ngoài ra, các nhà văn trong nước phịu khó tìm sách mà đọc (sách dịch trong nước khá nhiều), nhưng vẫn phải chịu khó học thêm biết thêm tiếng Anh, tiếng Pháp thì mới có khả năng tiếp cận với các trào lưu quốc tế.
 
- Những cơ quan chính thức trong nước như Hội Nhà Văn ở trung ương, các thành phố và địa phương có vai trò gì trong vấn đề hội nhập trong-ngoài không? Và nếu có, họ phải làm gì để thúc đẩy?
- Hội Nhà Văn trong nước vẫn tích cực thúc đẩy hội nhập văn học nghệ thuật theo cách riêng của Hội. Không nên khuyên bảo mách nước cho Hội phải làm như thế này làm như thế kia. Hoang đường quá!
 
- Những nhà xuất bản trong nước có vai trò gì trong vấn đề hội nhập trong-ngoài không? Và nếu có, họ phải làm gì để thúc đẩy những việc in ấn, phát hành, v.v…?
- Hàng năm, số đầu sách in của các nhà xuất bản trong nước rất nhiều. Các nhà xuất bản của các bạn ở hải ngoại thua to. (Nhưng đấy là in sách dịch đâm chém giết hiếp), còn in các tác phẩm văn nghệ hải ngoại viết bằng tiếng Việt thì lèo tèo như lá mùa thu. Luật xuất bản hiện hành trong nước đang cản trở các nhà xuất bản trong nước tiến hành việc hội nhập văn học viết bằng tiếng Việt trong ngoài nước.
 
- Những nhà văn trong nước khuyên gì để những nhà văn ở hải ngoại ứng xử thích hợp với khâu kiểm duyệt và in ấn trong nước?
- Thưa các bạn văn sĩ hải ngoại, chúng tôi đây văn sĩ trong nước còn đang tá hoả chưa biết ứng xử thế nào là ứng xử thích hợp với khâu kiểm duyệt và in ấn ở trong nước. Ốc còn chưa mang nổi mình ốc đây đâu dám khuyên bảo dạy dỗ ai.
 
- Anh có những suy tư gì về vấn đề xây dựng một nền văn học Việt Nam, không phân biệt văn chương ở hải ngoại hay văn chương trong nước.
- Theo tôi là phải cùng nhau cố gắng sáng tác những tác phẩm đích thực. Văn học phải chấp nhận nhiều truờng phái. Văn học phải độc lập. Văn học phải cảnh giác quyền lực chính trị; phải cảnh giác những hệ tư tưởng thù địch đã lỗi thời. Đó là mấy điều kiện cần để hội nhập văn chương. Hội nhập bằng tác phẩm của từng cá thể văn nghệ sĩ, của từng nhóm nhỏ văn nghệ sĩ. Có ý kiến cho rằng các bạn nên về nước cùng chúng tôi họp một “đại hội Diên Hồng văn chương”. Nhưng tôi nghĩ đây là một ý kiến chưa thực tế lắm.

NĐC  trả lời phỏng vấn Hội luân vanhọcvietnam .org