Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔI HIỂU RA RỒI!

Phạm Quang Trung
Thứ sáu ngày 4 tháng 3 năm 2011 6:48 PM
 
Lời thưa: Tôi viết xong bài này từ trưa nay, nhưng chưa có ý định gửi đi đâu, thậm chí việc post lên mạng nhà pqtrung.com cũng còn e dè. Bất ngờ thấy xuất hiện bài viết mới của một tác giả tận Thành phố phương Nam Cần Thơ là Nguyễn Trọng Bình nhan đề VỀ MỘT PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH… “DỊ HỢM” CỦA ÔNG TRẦN MẠNH HẢO KHI PHÊ BÌNH TRUYỆN NGẮN “DỊ HƯƠNG” trên trang mạng trannhuong.com. Thế là tôi quyết định gửi ngay bài viết cho ông chủ cai quản nó.
                                                  *
Xin phép được nói thật lòng: hiếm khi tôi chủ động theo dõi chuyên mục Diễn đàn văn học nghệ thuật trên VTV1. Tất nhiên có những ngoại lệ, như hôm nay, ngày 04/03/2011 chẳng hạn… Bà xã tôi cho ăn sáng hơi trễ so với mọi khi. Mãi tới 8h30’ mà cả nhà vẫn cứ dềnh dàng tay gắp gắp, miệng húp húp, còn hai mắt thì buâng quơ nhìn lên màn hình cho có chuyện. Nhưng, không biết là may hay là không may đây, tôi lại được nhìn, được nghe từ đầu chí cuối những lời bàn luận chung quanh chủ đề Giải thưởng Văn chương năm 2010 của Hội Nhà văn. Nói thế là bởi đã lâu lắm rồi, tôi tự nhiên thấy mất hết hứng thú đọc hay nghe những gì liên quan đến đời sống văn chương nghệ thuật và văn hóa nói chung trên mặt báo in hay báo hình. Tôi ưa báo mạng hơn nhiều. Nó nhanh nhạy, đa hướng, đa tầng, cấp thời, rất đúng với tinh thần của báo chí thật sự hiện đại của thế giới mà một trí thức đích thực thời nay phải hòa nhập. Tôi là một người chuyên làm nghề viết. Trong hoàn cảnh hiện thời ở nước mình liệu như thế có đáng trách không nhỉ? Đôi khi trong đầu tôi cứ vang lên những câu hỏi vu vơ kiểu ấy. Ừ thì cứ cho là đáng trách 100% đi chăng nữa, thì xin được phép hỏi lại: có phải hoàn toàn lỗi nằm ở phía tôi không đây nếu tôi cứ thờ ơ với các chương trình văn hóa - nghệ thuật kiểu đó? Sáng nay, khi xem và nghe  hết, một cách chăm chú, thậm chí còn lấy bút vở ra ghi ghi chép chép điều này điều nọ cho chắc ăn những gì diễn ra trong chương trình Diễn đàn…, tôi mới ngộ ra rằng, thói quen đáng buồn trên không hoàn toàn chỉ thuộc về phía cá nhân tôi nữa. Xin được phân tích đôi nét lợi ích rất hữu hạn của chương trình truyền hình vừa xem sáng nay để chứng minh.
 Ngoài người dẫn chuyện là anh Hoài Nam, tôi thấy xuất hiện những đại diện công luận mà về cơ bản phải thừa nhận là rất xứng đáng. Đó là nhà phê bình kiêm nhà thơ Lê Thành Nghị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình văn chương và dịch giả kiêm nhà khảo cứu Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng văn chương dịch của Hội Nhà văn Khóa VIII. Ngoài ra, tôi còn thấy một gương mặt khá lạ đến từ Văn nghệ Trẻ - nhà văn Phong Điệp, Trưởng ban của báo này thì phải. Có thể nói, trừ nữ nhà văn Phong Điệp ra, tôi hoàn toàn không thể hoài nghi lý do mời những nhân vật thuộc vào hàng quan chức văn chương ấy tham gia cuộc đối thoại quan trọng và ý nghĩa này. Họ có đủ thẩm quyền về trình độ và tri thức văn học để có thể đưa ra những nhận xét cùng những kiến giải đáng tin cậy của mình trước khán giả. Hơn thế, họ đều là các thành viên của Ban chung khảo giải thưởng, có dịp đọc kỹ, nghĩ kỹ, không phải một lần, về các tác giả, tác phẩm được nhất trí vinh danh ở cấp độ cao nhất. Đó là tập truyện ngắn Dị hương của nhà văn quen biết Sương Nguyệt Minh và Triệu phú khu ổ chuột, tiểu thuyết của Vikas Swarup qua bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Bích Lan - tân hội viên có hoàn cảnh riêng thật đặc biệt và đáng khâm phục của Hội Nhà văn Việt Nam. Qua chương trình, tôi còn được xem lại băng hình nhắc lại những ý kiến đầy cảm hứng của một số nhân vật như Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ và nhà văn thường dám đưa ra những ý kiến táo bạo, sắc sảo thấm nhuần chủ kiến riêng là Nguyễn Việt Chiến và Văn Chinh vào ngày 23/01/2011 (tức cách đây chừng một tháng rưỡi) trong dịp Hội Nhà văn tổ chức Lễ trao giải thưởng và kết nạp hội viên mới.
 Nhìn chung, chương trình cũng giúp khán giả xem truyền hình biết thêm một số thông tin, chẳng hạn như: Tại sao năm nay không theo hệ thống giải quen thuộc mà chỉ có Giải chính thức và thêm Bằng khen? Các tác phẩm vào chung khảo nhưng do những hạn chế nào mà chưa được nhất trí vinh danh? Do đâu mà lãnh vực thơ và lý luận - phê bình năm nay lại không có giải?… Tuy nhiên, cái chính yếu, theo tôi, khán giả truyền hình muốn biết là dư luận chung quanh các tác phẩm được giải thưởng đến lúc này - tức ngày 04/03/2011, ra sao thì tịnh không một ai đề cập tới cả. Bảo, những nhân vật trong băng hình cũ đưa ra những nhận xét một chiều (tức chỉ có chiều khen, chiều khẳng định) thì còn có lý. Vào thời điểm ấy, xem ra mọi chuyện còn xuôi chèo mát mái. Nhưng đến lúc này mà không một ai đả động gì tới dư luận sôi động trên các trang web và blog quen thuộc như trannhuong.com, về Dị hương , thì tôi quả không thể hiểu nổi. Xin nói, cư dân mạng không ai không biết cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra trong suốt hơn một tháng nay, chung quanh tập truyện ngắn nhận giải của Sương Nguyệt Minh. Lời khen có chê có, bảo vệ có vùi dập có, thẳng thừng có bóng gió có, nhẹ nhàng có gay gắt có… Mà những ai đưa ra ý kiến này nhỉ? Toàn những người có trách nhiệm như nhà văn Trần Hoài Dương, có quyền ăn nói như Trần Mạnh Hảo… Tức, không một ai quan tâm tới dư luận giải lại có thể được phép bịt tai bưng mắt. Thậm chí phải nghiêm túc lắng nghe, nghiêm túc suy ngẫm nếu không anh lập tức bị xem là kẻ ngoài cuộc. Đã vậy thì không còn được quyền bàn luận một cách chính đáng nữa rồi!
 Vì sao có chuyện này vậy? Tôi không nghĩ là những người tham gia bàn luận trên truyền hình sáng nay không biết tới thế giới mạng. Lê Thành Nghị và Nguyễn Văn Dân thì tôi biết khá rõ, các anh quấn lấy mạng nếu không nói là từng giờ thì cũng từng ngày. Riêng bà chủ trẻ phongdiep.net thì đã tham gia diễn đàn internet lâu rồi, có ai không lạ. Mà người dẫn chuyện, anh Hoài Nam thì càng phải biết chứ, nếu không thì sao trụ được ở cương vị nhạy bén này nổi. Tôi cũng không nghĩ họ không từng đọc hay nghe nói về những ý kiến khác nhau chung quanh giải thưởng quan trọng của Hội Nhà văn. Vậy thì chỉ có thể bảo là họ có biết, hơn thế, biết rất kỹ, rất rõ mà cố tính lờ đi cho qua chuyện do ngại đụng chạm chăng? Hay họ quan niệm công chúng rộng rãi chỉ nên biết đến mức thế là đủ? Hoặc họ cho chỉ xem là công luận văn chương trên các mặt báo viết chính thống của Nhà nước? Nghĩ vậy, theo tôi, là lỗi thời, thậm chí là không đúng! Nói chung, bởi bất cứ lý do nào cũng đều rất khó biện minh cho được. Vậy nên, tôi rất lấy làm thất vọng trước lời kết chung chung như thường thấy của biên tập viên chương trình, rằng hy vọng các nhà văn có nhiều sáng tạo vươn ngang tầm thời đại, và rằng, trên cơ sở đó, hy vọng Hội Nhà văn ngày càng chọn được những tác phẩm thật xứng đáng, về mọi thể loại, góp phần định hướng thẩm mỹ, thúc đẩy nền văn chương nghệ thuật của dân tộc đi về phía trước. Rằng… vân vân và vân vân. Nghĩa là rất chi… vô vị và vô bổ.
Thật nhảm hết sức!
Từ đấy, tôi mới có điều kiện hiểu rõ thêm vì sao bấy lâu nay người nghe và xem đài ở ta lại hờ hững với những chương trình văn nghệ kiểu đó đến thế!

Đà Lạt, 04/03/2011
PQT.