Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÃ LÂU KHÔNG NÓI ĐẾN TỰ LỰC CÁNH SINH

Bùi Công Tự
Chủ nhật ngày 20 tháng 2 năm 2011 7:32 PM
 
Khi mới bắt đầu công cuộc xây dựng CNXH, đầu những năm 1960, chúng ta rất hay nói đến cụm từ “Tự lực cánh sinh”. Tục ngữ có câu “có chí thì nên” cũng là hàm ý ấy. Thế nhưng lâu nay trên sách báo cũng như trong xã hội, tôi thấy chúng ta ít nói đến cụm từ này.
Theo thiển nghĩ của tôi, tự lực cánh sinh là vô cùng cần thiết và quan trọng cho mỗi cá nhân cũng như cho cả quốc gia. Nhân dân lao động là những người tự lực cánh sinh nhất. Chả dựa dẫm vào ai được, họ phải tự bươn trải, bới đất lật cỏ, bới rác mà sống. Hình ảnh những người phụ nữ làng quê từ 2, 3 giờ đêm đã cắm cúi thồ xe rau nặng ra chợ thành phố bán, thật cảm động. Rồi câu chuyện những ông bố, bà mẹ làm phu hồ, gánh gạch thuê nuôi con đỗ thủ khoa đại học. Không thể kể hết những tấm gương tự lực cánh sinh vươn lên trong cuộc sống của nhân dân ta. Trong sản xuất kinh doanh cũng có nhiều người biết tự lực cánh sinh gây dựng cơ nghiệp từ cái đầu biết nghĩ và cái tay chịu làm.
Nhưng cũng có nhiều người, cứ học hành được tí chút là không biết tự lực cánh sinh. Họ chạy chọt nhờ vả cửa này cửa kia. Từ đó sinh ra cái quan niệm một người làm quan cả họ được nhờ. Vì không biết tự lực cánh sinh nên không ít người trở thành chây lười, ỷ lại. Trong công tác thì nảy sinh tâm lý đứng núi này trông núi nọ. Chỉ thích đi làm thuê mà không dám vươn lên làm chủ.
Về phương diện quốc gia, chúng ta cũng tự hào là dân tộc ta đã biết tự lực cánh sinh. Đánh thắng giặc Tống, Nguyên, Minh thì do cha ông ta tự lực cả đấy chứ, thuở ấy có nước nào giúp đâu ! Đến đánh thực dân Pháp, đế quốc Mỹ tuy có sự giúp đỡ của nhân dân thế giới, nhưng quyết định thắng lợi vẫn là sự bền gan của dân tộc ta.
Thời chiến thì thế nhưng chuyển sang thời bình thì hình như tinh thần tự lực cánh sinh của chúng ta giảm sút. Tôi chỉ đơn cử vài ba ví dụ. Tại sao phải đi thuê người nước ngoài thiết kế, quy hoạch thủ đô ? Ta là chủ đầu tư, tại sao phải xây dựng rất nhiều nhà máy theo phương thức chìa khóa trao tay. Giao cho người nước ngoài thực hiện từ thiết kế, mua bán vật tư thiết bị, rồi họ đưa người nước ngoài đến làm, kể cả thợ đào đất. Các kiến trúc sư của chúng ta có thể có đủ trình độ thiết kế, quy hoạch thủ đô lắm chứ ? Các kỹ sư và công nhân của chúng ta cũng có thể xây dựng được các nhà máy điện, xi măng, thép lắm chứ ? Thực tế chúng ta đã làm nhiều rồi mà. Nếu cần thì ta thuê thêm chuyên gia cố vấn nước ngoài thôi. Phải chăng vì chúng ta không chịu tự lực cánh sinh.
Nhưng tự lực cánh sinh không có nghĩa là từ chối mọi sự hỗ trựo từ bên ngoài. Và tự lực cánh sinh cũng không có nghĩa là việc gì cũng cố tự làm. Ví dụ như mấy anh ở miền Nam tự mình chế tạo máy bay. Chúng ta đều biết không thể làm được cái máy bay từ vài trăm triệu đồng VN, với một cái xưởng hết sức thô sơ. Ai dám phó thác tính mạng mình cho loại máy bay đó.
Tháng giêng này, hàng vạn hàng triệu người VN vào các đền chùa khấn vái, xin lộc, xin ấn. Âu đấy cũng là biểu hiện thiếu tự lực cánh sinh, quên mất câu thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả!” (Hoàng Trung Thông).
Tóm lại, tự lực cánh sinh là tự mình cứu mình. Với quốc gia tự lực cánh sinh chính là độc lập tự chủ. Nếu người Việt Nam ta không cố tự lực cánh sinh (Ở mỗi cá nhân và ở tầm quốc gia) thì chưa biết bao giờ đất nước mình mới sánh vai được thiên hạ.
TP Hồ Chí Minh, ngày 20/02/2011.