Sáng sớm nay tôi nhận được điện thoại của một người bạn ở gần nhà anh Kim Hùng, báo tin 5 giờ 30 phút ngày 21/2/2011 anh ấy đã ra đi.

Tuy biết trước thế nào cũng đến cái ngày nhà báo Kim Hùng từ giã gia đình và bạn bè, đồng nghiệp để trở về cõi vĩnh hằng, nhưng nhận được tin anh mất tôi vẫn bàng hoàng. Thế là thêm một nhà báo, một người anh, người bạn, người đồng nghiệp, một con người tử tế nữa đã ra đi!

Cách đây gần hai năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, 21/6/2009, tôi có viết một bài báo về anh, người bạn đồng nghiệp ở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trước đây, nhan đề “Phóng viên nhiếp ảnh Kim Hùng: Ngạo nghễ chống lại tử thần”, đăng trên tờ An Ninh Thế giới cuối tháng, được anh Kim Hùng rất thích. Anh đã mua hàng chục tờ báo, photo thêm nhiều bản bài báo này để tặng bạn bè. Và, như là một cơ duyên, bài báo này anh Kim Hùng đã đem đến tặng anh Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), một người quen thân của anh Kim Hùng từ hàng chục năm nay. Đọc bài báo này, từ một cảm nhận nào đó, anh Phạm Huy Hùng nhờ anh Kim Hùng giới thiệu và mời tôi về làm công việc thông tin, báo chí cho VietinBank từ cuối năm 2009 đến nay. Việc này đã trở thành “Chuyện cổ tích giữa hai Ngày Nhà báo” như tên một bài báo của nhà báo Hồ Viết Thịnh trên tờ Nhà báo & Công luận vào dịp 21/6/2010 vừa qua.

Trước Tết Tân Mão vài tháng, tôi được tin nhà báo Kim Hùng trở bệnh nặng. Anh phải vào nằm viện cả tuần lễ bởi căn bệnh ung thư trung thất quái ác đã đến giai đoạn cuối, bắt đầu di căn vào xương. Anh Kim Hùng phải ngồi xe lăn, không còn đi lại được nữa, tuy đầu óc vẫn tỉnh táo, minh mẫn. Vợ chồng tôi đến thăm anh nhiều lần, mỗi lần lại thấy anh xuống sức thêm, không biết anh còn ở lại với gia đình, bè bạn được bao lâu. Song cả hai anh chị vẫn hy vọng vào một sự kỳ diệu và vào một phép mầu nào đó để có thể kéo dài sự sống cho anh. Nghe nói ở Trung tâm chữa bệnh của Công ty Đông Nam Dược Bảo Long trên Hoà Lạc có một loại thuốc tốt, anh nhờ tôi liên hệ để lên đó điều trị. Và rồi sau hơn một tháng chưa bệnh trên đó, anh chị lại trở về nhà, lại từng giờ, từng phút chống lại tử thần đang đe doạ tính mạng của anh. Trong những ngày Tết, tôi và nhiều bạn bè của anh ở TTXVN, ở Tuần báo Quốc tế, ở Bộ Ngoại giao…đến thăm, ai cũng ngậm ngùi thương cảm. Còn anh, tuy nói đã thều thào, không thành tiếng nhưng vẫn rất lạc quan, chủ động chuẩn bị cho ngày đi xa của mình. Và hôm nay, ngày đó đã đến.

Tôi viết những dòng này đúng vào ngày 21/2/2011- ngày anh Kim Hùng đi xa. Ngày hôm nay cũng là ngày tôi đọc trên các trang mạng internet tin thủ phạm đổ xăng đốt cháy một nhà báo cũng tên là Hùng – nhà báo Hoàng Hùng ở Long An khi anh đang ngủ cách đây một tháng đã ra đầu thú trước cơ quan công an. Kẻ sát nhân đã gây ra tội ác tày trời đó lại chinh là Trần Thuý Liễu, vợ của nhà báo Hoàng Hùng. Đọc tin này, tôi căm giận người đàn bà sát nhân này bao nhiêu lại càng cảm phục và kính trọng chị Lê Thị Tâm, vợ của nhà báo Kim Hùng bấy nhiêu. Từ bốn năm nay, kể từ ngày biết tin chồng bị bệnh hiểm nghèo chị đã mất ăn, mất ngủ, chạy đôn chạy đáo khắp ngả để tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh cho anh, Trong những tháng gần đây khi bệnh ung thư của anh chuyển sang giai đoạn cuối, hầu như chị không rời chồng nửa bước, dìu anh hết bệnh viện này sang bệnh viện khác để cố chạy chữa cho anh, cố níu kéo anh thêm từng ngày, từng giờ ở lại với gia đình, họ hàng, bè bạn. Bây giờ anh đã ra đi! Biết đến bao giờ mới lấp được nỗi đau, lấp được khoảng trống mênh mông trong lòng chị?

Xin cho tôi được thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ nhà báo Kim Hùng hôm nay. Xin cho tôi được chia buồn cùng chị Tâm và các cháu trong giờ phút đau thương này.

Phương Mai. Đống Đa, Hà Nội

Đêm 21/2/2011
 
 Phóng viên nhiếp ảnh Kim Hùng:
Ngạo nghễ chống lại tử thần
 
Dương Đức Quảng
 
 
Xa ông khá lâu, cho đến một ngày biết tin ông bị bệnh ung thư, tôi gọi điện thăm, ông cười vui trong máy: Mình vẫn khoẻ, ba tháng một lần vào bệnh viện kiểm tra. Còn hàng ngày vẫn quyết liệt chống lại bản án tử hình đối với mình!.
Ông là Kim Hùng, nguyên phóng viên ảnh của TTXVN và của Tuần báo Quốc tế, Bộ Ngoại giao, một đồng nghiệp của tôi từ hơn 40 năm trước.
Một đảng viên ngoài Đảng
Kim Hùng, tên thật là Hoàng Kim Hùng, là bậc đàn anh của tôi cả về tuổi đời và tuổi nghề làm báo. Ông sinh ngày 1 tháng 1 năm 1937, năm nay đã bước qua tuổi 72, cái tuổi được coi là xưa nay hiếm của một đời người.
Sau ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc năm 1954, theo tiếng gọi của Đảng, 18 tuổi Kim Hùng gia nhập Tổng đội thanh niên xung phong Hà Nội, tham gia xây dựng tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai. Năm 1958 tuyến đường sắt hoàn thành, về lại Thủ đô, vốn biết nghề nhiếp ảnh từ nhỏ, do được học từ ông chú là chủ hiệu ảnh Xuân Dung ở 52 Hàng Bông, Kim Hùng xin vào làm việc tại Sở Nhiếp ảnh Trung ương, thuộc Bộ Văn hoá. Khi Sở Nhiếp ảnh Trung ương chuyển về TTXVN, Kim Hùng trở thành cán bộ, rồi phóng viên TTXVN, gắn bó cả đời mình với sự nghiệp nhiếp ảnh và với nghề báo.
Năm 1966, tôi là lính mới của TTXVN thì Kim Hùng đã có 12 năm làm việc tại đây. Tôi được một vài phóng viên đàn anh kể rằng, Kim Hùng là phóng viên ảnh năng nổ, đam mê với nghề, là đảng viên dự bị, được kết nạp trong thời gian công tác ở Lào, nhưng về nước lại bị ra khỏi Đảng! Ngày ấy, chuyện “ra khỏi Đảng” là nghiêm trọng, chẳng khác gì chuyện bị thi hành kỷ luật. Cũng như nhiều người khác trong cơ quan, không biết sự thể thế nào song tôi không bao giờ hỏi Kim Hùng về việc này, sợ hỏi đến sẽ làm ông buồn lòng.
Vì thế, sau hơn 40 năm tôi mới có dịp được nghe Kim Hùng kể về sự kiện mà ông bảo sau sự kiện ấy ông trở thành một đảng viên ngoài Đảng, tiếp tục rèn luyện và phấn đấu như một đảng viên của Đảng.
Năm 1961, Kim Hùng được cử tham gia Đoàn chuyên gia của TTXVN sang Khang Khay, Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, giúp bạn Lào đào tạo phóng viên nhiếp ảnh cho Bộ Thông tin. Mấy năm bên nước bạn, Kim Hùng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được kết nạp vào Đảng.
Hết nhiệm kỳ làm chuyên gia tại Lào, về nước, đúng vào dịp tiến hành đợt sinh hoạt bảo vệ Đảng trong cơ quan, Kim Hùng được Bí thư Đảng uỷ TTXVN gọi lên, thông báo quyết định ông không được chuyển từ đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức vì lý lịch gia đình không rõ ràng. Ông nội của Kim Hùng là quan huyện, từ Hà Nam ra Hải Dương mua đất lập ấp, còn bố ông sau cách mạng Tháng 8/1945 có tham gia Việt Minh, nhưng sau lại vào thành Hà Nội, rồi bị Pháp bắt và mất tích từ khi Kim Hùng còn nhỏ, đến nay ông vẫn không biết lý do vì sao. Vì thế lý lịch gia đình ông được xem là không rõ ràng!.
Hôm nhận quyết định đó, Kim Hùng nói với Bí thư Đảng uỷ TTXVN: Từ nay tôi không còn là đảng viên, nhưng tôi vẫn tự coi mình là đảng viên của Đảng, lấy ngày tôi được kết nạp vào Đảng làm một ngày kỷ niệm. Tôi sẽ là một đảng viên ngoài Đảng!.
Bây giờ, sau hơn 40 năm kể lại chuyện đó, Kim Hùng nói với tôi, ông không ân hận hoặc thắc mắc gì về việc mình không còn là đảng viên, vẫn thực hiện đúng lời ông đã nói năm xưa: Một đảng viên ngoài Đảng!.

Hai lần 5 ngày trong cuộc đời cầm máy ảnh
Hơn 50 năm cầm máy ảnh, Kim Hùng đi nhiều nơi, cả trong nước và ngoài nước, chụp được hàng ngàn bức ảnh báo chí và nghệ thuật về nhiều đề tài, công nghiệp, văn hoá, thể thao, chính trị, ngoại giao…, trong đó có nhiều tác phẩm được giải thưởng trong nước và quốc tế. Năm 1975, lần đầu tiên Kim Hùng đạt giải thưởng nhiếp ảnh trong nước với tác phẩm Rót thép - giải nhì Triển lãm ảnh toàn quốc sau ngày thống nhất đất nước. Năm 1982, tác phẩm Đêm sông Đà ông chụp trong thời gian 20 ngày bám công trường xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình đã giành được giải nhất cuộc thi ảnh Cơ giới hoá xây dựng do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Năm 1996, bức ảnh Lấp lánh ánh than của ông đã giành được giải ba trong Triển lãm ảnh mang tên Ngành than và người thợ mỏ.
Năm 2001, các nước trong khối ASEAN tổ chức cuộc thi ảnh mang tên Hướng tới tầm nhìn ASEAN 2020: cùng hợp tác trong Đông Nam Á. Cuộc thi này đã nhận được 700 tác phẩm nhiếp ảnh của hơn 200 tác giả từ các nước trong khối ASEAN gửi tham dự. Việt Nam chọn 20 bức ảnh của các tác giả trong nước gửi dự thi, thì Kim Hùng có 2 tác phẩm, trong đó bức Khai mạc Hội nghị ASEAN VI tại Hà Nội của ông nằm trong số 12 tác phẩm đoạt giải Quốc tế của cuộc thi, được công bố đúng ngày diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN, tháng 7/2001 tại Yan-goon, Myanmar.
Nói tới giải thưởng nhiếp ảnh của Kim Hùng không thể không nhắc tới chùm ảnh với 3 tác phẩm, mang tên 30 phút lịch sử, ông chụp ngày diễn ra sự kiện ngăn sông Đà (đợt I) trên công trường xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, năm 1982. Chùm ảnh này của ông đã nhận được giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trong năm, trong đó có bức ảnh rất ấn tượng Kim Hùng bấm máy đúng thời khắc hòn đá vừa rời khỏi tay Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, gần như đang bay trên mặt nước khi Chủ tịch thả nó xuống dòng sông Đà để bắt đầu ngăn dòng nước làm đập thuỷ điện.
Hơn 50 năm cầm máy ảnh, Kim Hùng có hai cuộc triển lãm ảnh riêng, gắn với kỷ niệm về con số 5 mà ông nhớ mãi. Đó là trong 5 ngày được tháp tùng Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đi tham dự Hội nghị quốc tế các nước tài trợ cho Việt Nam tại Pháp năm 1993, ông đã dành những giờ phút hiếm hoi ngoài giờ làm việc ở Pháp, chụp tới gần 30 cuộn phim về thủ đô Paris. Về nước ông chọn được 54 bức ảnh mở cuộc triển lãm Paris trong tôi tại Trung tâm văn hoá Pháp ở Hà Nội, được dư luận trong nước và nước Pháp đánh giá cao. Năm 1997, được tháp tùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm sang dự Hội nghị các nước tài trợ cho Việt Nam ở Nhật Bản, Kim Hùng cũng tranh thủ 5 ngày lưu lại thủ đô Tokyo ngoài giờ làm việc để ghi lại trong ống kính của mình những hình ảnh về con người, phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống sôi động, cổ kính, hiện đại ở thủ đô nước mặt trời mọc. Về nước, ông chọn ra 60 tấm ảnh, mở cuộc triển lãm riêng 5 ngày ở Tokyo nhân kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, được người xem đánh giá là ống kính của ông không chịu bất lực trước một Đông Kinh rộng lớn và muôn màu!.
 
Ngạo nghễ chống lại tử thần
Cuộc đời phóng viên, trong đó có gần 30 năm là phóng viên chính trị ngoại giao, Kim Hùng không chỉ trải qua mà còn được chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của đất nước; hơn thế, còn là người ghi lại những giây phút lịch sử của các sự kiện ấy. Năm 1973 ông có mặt tại Quảng Trị chụp ảnh các hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tiếp Đoàn ngoại giao ngay tại vùng giải phóng. Sau năm 1975, ông là phóng viên TTXVN chụp ảnh đặc phái viên của Tổng thống Mỹ lần đầu tiên sang Việt Nam. Ông có mặt tại Campuchia, nghẹn ngào bấm máy chụp các đồng chí thương binh cụt chân, cụt tay - những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã đổ máu trên đất bạn, trong buổi lễ rút quân về nước.
Suốt 25 năm Kim Hùng là phóng viên ảnh ngoại giao của TTXVN, chuyên chụp ảnh đón tiếp các đoàn khách quốc tế sang thăm Việt Nam và hoạt động của nhiều vị lãnh đạo Việt Nam đi thăm và làm việc ở Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… Ông là phóng viên ảnh đã có mặt tại biên giới Việt-Trung khi chiến tranh biên giới nổ ra năm 1979 và là phóng viên ảnh duy nhất được tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm sang Trung Quốc để chính thức nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau chiến tranh biên giới. Ông cũng là phóng viên ghi lại được hình ảnh Chủ tịch nước Trần Đức Lương trên diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh thiên niên kỷ tại Liên hợp quốc (tháng 9/2000 tại New York, Mỹ), đánh dấu sự kiện thế giới kết thúc thế kỷ thứ XX của thiên niên kỷ đầu tiên, đầy biến động bước sang thế kỷ thứ XXI, mở đầu thiên niên kỷ thứ hai chúng ta đang sống.
Trong gia tài nhiếp ảnh của mình, Kim Hùng còn lưu lại những tấm ảnh quý giá ông chụp nhiều chính khách nổi tiếng trên thế giới: Tổng thống Pháp Mit-tơ-răng; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào; Tổng thống Mỹ Bill Clin-ton; Tổng thống Nga V.Pu-tin; Thủ tướng Nhật Bản Ko-zu-mi… Một phóng viên đồng nghiệp của Kim Hùng nhận xét, Kim Hùng là một phóng viên khá đặc biệt, không phải là đảng viên nhưng được nhiều vị lãnh đạo cấp cao quý mến, tín nhiệm. Ngoài phóng viên ảnh của TTXVN chuyên trách chụp ảnh cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, trong nhiều chuyến đi công tác nước ngoài, Kim Hùng được Chủ tịch nước và Thủ tướng tín nhiệm cử tháp tùng, điều hiếm khi xảy ra.
Năm 1999, Kim Hùng nghỉ hưu ở TTXVN, nhưng lại bắt đầu những công việc mới ở Tuần báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao, tiếp tục cầm máy làm phóng viên xê dịch, như ông nói, đến năm 2008 mới nghỉ hẳn khi lâm bệnh hiểm nghèo.
Ngày 6/6/2007, ông phải vào Bệnh viện Việt Đức mổ để cắt khối u trung thất đã to bằng quả xoài, dài tới 9 cm, sau đó liên tục trong nhiều tháng phải vào bệnh viện K để trị xạ vì bị ung thư.
Đến thăm ông đúng hai năm sau ngày ông mổ, Kim Hùng kể với tôi, trước Tết Kỷ Sửu vừa qua, căn bệnh của ông lại tái phát và di căn thành hạch trên cổ. Ông lại phải vào bệnh viện trị xạ, lần này lại bị bỏng, nên phải điều trị hàng tháng. Về nhà ông lại lao vào niềm đam mê nhiếp ảnh, giúp đỡ các cháu sinh viên báo chí, nhiếp ảnh… làm luận văn tốt nghiệp, và giúp một số bạn đồng nghiệp làm triển lãm, làm sách ảnh… Ông bảo không để thời gian rảnh rỗi gặm nhấm mình, đánh gục mình. Mới đây, ông lại nhận tham gia công việc của Ban biên soạn lịch sử hoạt động của ngành ngoại giao, làm các bộ ảnh và sách ảnh chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành vào tháng 9/2010.
Nhìn Kim Hùng lạc quan và đầy tự tin, đang ngạo nghễ chống lại tử thần, tôi nhớ bốn câu thơ kiểu Bút Tre mà ông Vũ Chí Công, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao, hiện là Đại sứ Việt Nam tại Cuba, làm tặng Kim Hùng dịp Tết năm 2000: Hoan hô đồng chí Hoàng Kim/Hùng ta bấm máy hết phim mới thồi/Săn tìm cái đẹp ở đời/Ăn thua chỉ một giây thôi chớp liền.
Đọc bốn câu thơ vui ấy, tôi lại bùi ngùi nhớ tới lời ông khi chia tay tôi: Có thể chỉ còn “một giây thôi là bản án tử hình đối với mình có hiệu lực. Song còn một giây nào, giờ nào, ngày nào được sống mình còn sống có ích cho nghề, cho đời… Mình không quên được công lao và tình nghĩa của các bác sĩ, của vợ con, bạn bè đối với mình, giúp mình chiến thắng cái chết trong hai năm qua!.
Mong sao Kim Hùng, người anh, người bạn đồng nghiệp quý mến của tôi sẽ sống lâu hơn thời gian hai năm qua, kể từ ngày ông bị tuyên án tử hình, để ông kịp hoàn thành nốt ý nguyện và công việc đang còn dang dở.
 
Tháng 6/2009
D.Đ.Q