Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔI XIN CÓ Ý KIẾN!

Phạm Quang Trung
Thứ hai ngày 21 tháng 2 năm 2011 6:08 AM

Vào thời gian gần đây, thấy tôi dứt khoát đứng ra bảo vệ một số tác phẩm nhận giải cao của Hội Nhà văn trong năm vừa rồi bằng nhiều bài viết và cách thức khác nhau, nhiều đồng nghiệp mọi miền từ lâu có quan hệ mật thiết với tôi tỏ ý quan tâm gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email… Có người động viên, đưa ra lời “khen” khá là hào phóng, cho thế là được, ở chỗ, dám dũng cảm đứng ra bảo vệ cái hay cái đúng, đồng thời biết tiết chế cảm xúc để luôn giữ được giọng điệu cương quyết mà trầm tĩnh bằng việc trình bày ý kiến có lý lẽ, nhất là có trách nhiệm, trước bạn đọc. Nhưng cũng có người phản biện bằng cách chê trách “khéo”, bảo: “Gớm! Sao ông yêu cái Hội Nhà văn của ông đến thế!”. Ý anh ấy muốn nói, sau khi có khá nhiều ý kiến bẻ bai, chê trách đôi khi đến gay gắt, nghiệt ngã của người này người khác, duy chỉ một mình tôi trước sau đứng ra bênh vực, hết bênh tác phẩm được giải, lại bênh nhà văn nọ nhà văn kia, vì sao? Tôi cười hỏi lại: “Ô hay, hội của mình kia mà, sao không “yêu”? Không “yêu” sao lại tự nguyện làm đơn xin gia nhập?”. Rồi tôi còn phản công lại bằng một giả định: “Vậy nếu tác phẩm và nhà văn ấy đáng bênh vực thì liệu ông có dám xắn tay làm cái điều cần phải làm không?”. Trong điện thoại, bạn tôi im lặng, ra chiều cảm thông. Nhưng ngay buổi tối hôm ấy, tôi nhận được đoạn thư điện tử như sau của anh: “Ông giải thích thế nghe ra cũng phải. Nhưng sao các hội viên Hội đồng Lý luận - Phê bình khác không thấy lên tiếng nhỉ? Thật không khác thái độ của những bậc học giả mũ cao áo dài đời Tống bên Trung Quốc mà nhà bác học Lê Quý Đôn có lần nhắc tới trong cuốn Quần thư khảo biện: “Lúc an nhàn nhìn thấy các bậc công khanh đại phu, văn chương, phong thái tinh thần, dáng vẻ siêu nhiên như ở ngoài cõi tục, ai chẳng ngưỡng mộ ước muốn. Nhưng khi nước nhà nguy cấp (ở đây là Hội Nhà văn!) thì trông khắp bốn bề chẳng có ai mà nhờ cậy. Than ôi! Những kẻ trị nước dùng hư văn cao đàm để làm gì?”. Nhận được thư, Tôi email phúc đáp liền: “Ô hay, đi mà hỏi họ ấy chứ! Ông nổi tiếng là quảng giao kia mà. Chỉ xin được lưu ý: chả cứ các nhà phê bình hội viên đâu, trang mạng của Hội cũng im hơi lặng tiếng đến mức khó hiểu. Bình chân như vại. Cứ như việc cháy nhà hàng xóm chứ không phải tai họa ngay nơi nhà mình! Nản”.
Tưởng mọi chuyện sẽ yên ả trôi qua như bao việc lớn nhỏ ở đời. Nào ngờ, rất nhiều lần, lời nhận xét xem ra buâng quơ ấy cứ trở đi trở lại trong tôi. Ờ! Có phải mình quá “yêu” Hội mình không nhỉ? Có phải mình thiếu công tâm, thiếu tỉnh táo trong đánh giá các hoạt động của Hội mình không nhỉ?... Đại loại những câu hỏi tương tự cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi. Nhớ lại, cách đây chừng một tháng, sau khi đọc trên mạng ý kiến phản biện này khác chung quanh các tác phẩm được giải thường niên cũng như giải cuộc thi tiểu thuyết năm 2010, tôi sốt ruột gọi điện thoại tới một số nhà văn quen biết giữ trọng trách trong Hội để hiểu rõ và hiểu thêm sự tình. Trong tôi đã sáng ra bao điều giúp bản thân phần nào có được sự tự tin khi dụng bút.
Trước hết, thú thật, tôi có điều kiện cảm thông hơn với những người điều hành Hội. Giữ trọng trách trong Hội phải là nhà văn. Cố nhiên! Chẳng nhẽ lại nhờ người khác đứng ra đảm trách công việc của mình thay mình. Mà ai cũng biết phận sự chính của nhà văn là sáng tác. Chẳng ai quen làm quản lý hành chính cả! Hai dạng hoạt động cứ trái chiều nhau thế nào ấy. Thôi thì Đại hội đã tín nhiệm bầu ra, biết là sẽ gặp không ít trắc trở, nhưng cũng phải gắng gỏi mà làm. Lắm khi đầu óc cứ rối tung cả lên. Bao nhiêu việc lớn việc nhỏ dồn dập ập đến. Nằm trong kế hoạch: có. Nhưng phần nhiều là đường đột, bất thường. Xem ra cái nào cũng bức thiết, cũng hệ trọng cả. Phải giải quyết gấp. Nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới “hòa bình thế giới”! Hẳn vì thế mà kế hoạch và nỗi đam mê sáng tác ít nhiều bị cản trở, nhất là khi phải thực thi những dự đồ nghề nghiệp quy mô, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức bỏ ra. Trong khi đã nhận công này việc nọ của Hội thì ai chẳng muốn mọi chuyện đều suôn sẻ. Dẫn tới kết quả thì tốt. Càng lớn càng tốt. Nhưng khó lắm! Mà ai thừa nhận cho anh? Hiếm hoi hoặc không ai cả. Thói thường, cái làm được người đời rất ít khi nhận ra. Còn khiếm khuyết thì hay lồ lộ, có muốn ngoảnh mặt đi nó cũng cứ hiển hiện sờ sờ ngay trước mặt. Rồi bao nhiêu mũi nhọn được thể chĩa vào. Từ mọi phía. Hết người này tới người khác. Hết đợt này tới đợt khác. Toàn những đầu óc trí lự hơn người. Còn miệng lưỡi thì đạt đến mức “kỳ tài”, khiến phải trái cứ xáo tung lên, không biết đâu mà lần. Nạn nhân có cố tránh cũng không xong. Bởi, một ai từng tham gia công tác hội, địa phương cũng như trung ương, dài lâu tới vài chục năm hay ngắn ngủi chừng dăm ba năm, thì đều dễ thấy cái sự phức tạp nhiều khi đến mức vô lý, vô lối mà ngay cả những đầu óc giàu sức tưởng tượng nhất trong giới viết văn chúng ta cũng không thể hình dung ra nổi. Đôi khi chán nản, chỉ muốn phẩy tay cho qua chuyện. Mưu sự tại người, thành sự tại… lòng hội viên. Trong muôn vàn cái khó luôn rình rập, khó nhất là làm sao giữ cho được hòa khí trong một cộng đồng xã hội rộng lớn đầy những cá tính gai góc. Vì như người ta thường nói: mỗi ông nhà văn là một “ông giời con”. Mình cứ là nhất. Luôn luôn nhất. Tài năng: hiển nhiên là nhất. Trách nhiệm xã hội: cũng nhất. Lương tâm nghề nghiệp: càng nhất. Nhất tuốt. Vậy nên, tốn nhiều tâm sức hơn cả - có mấy người trải qua mà không thấm - chính là ở lối ứng xử trong mối quan hệ của một nghề nghiệp mà ai cũng thừa nhận là phức tạp vào bậc nhất trong mọi ngành nghề. Thế rồi cuối cùng không ít người trong số các nhà văn giữ trọng trách “quyền rơm vạ đá” ấy, không ai bảo ai, đều cứ đứng lỳ ra, chịu trận. Lâu thành quen. Thôi, các bác góp ý thì cứ việc góp. Quyền của các bác đã được Điều lệ Hội cho phép. Chỉ mong đừng có ác ý. Rồi chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn... Van vỉ mãi không xong, hòn tên mũi đạn tứ phía vẫn không ngưng bắn tới, có người không chịu nổi tỏ ra dằn dỗi: Chán rồi, nhiệm kỳ tới nhất định tôi xin rút, bác hãy đứng ra mà “vác tù và hàng tổng”!… Đại để, tình cảnh và tâm trạng của những người làm công việc quản lý Hội Nhà văn ở cấp vĩ mô là thế! Sao không động lòng cảm thông với họ cho được.
Nhưng… Vâng, lại nhưng!
Qua việc đi sâu tìm hiểu thêm công việc của Hội, không ít điều khiến tôi thật sự băn khoăn và lo ngại. Xin chỉ bàn tới việc xét giải. Mà cũng chỉ giới hạn ở quy trình xét giải và việc chọn lựa các thành viên Ban giám khảo - những khâu ai cũng biết là then chốt quyết định tới chất lượng giải, và nhất là trực tiếp liên quan tới làn sóng công luận hiện giờ. Như thông lệ bấy lâu, bao giờ cũng cần thành lập hai ban: Sơ khảo và Chung khảo. Tiêu chuẩn cơ bản của các thành viên Ban giám khảo xem ra rất dễ nhất trí: 1. Có kinh nghiệm; 2. Có trách nhiệm; 3. Có sự công tâm;  và 4. Có điều kiện. Nhưng chọn ai và triển khai công việc như thế nào là cả hàng loạt vấn đề nan giải. Rắc rối, cả khúc mắc nữa, nảy sinh nhiều nhất là ở chỗ này. Tôi nghĩ, trong hai ban kể trên, cần đặc biệt đề cao vai trò của ban Sơ khảo. Phải dành mọi điều kiện tối ưu, như phương tiện, kinh phí và thời giờ… cho họ. Đi cùng với quyền lợi là yêu cầu cao về trách nhiệm tập trung ở chỗ: họ buộc phải đọc kỹ càng tác phẩm và kết quả cuối cùng phải viết thành Bản nhận xét trong đó đánh giá cụ thể, toàn diện, có kết luận rõ ràng về đối tượng xem xét. Nên họp ban Sơ khảo nhiều lần, nghiêm chỉnh lắng nghe chủ kiến được phân tích, biện giải thấu triệt của từng thành viên. Rồi bàn bạc, trao đổi đến nơi đến chốn. Khi chính thức biểu quyết về giải, Trưởng ban Sơ khảo cần sơ bộ đánh giá trên cơ sở ý kiến của mọi thành viên. Phải nêu rõ chỗ nào nhất trí chỗ nào không, vì sao? Trên cơ sở đó mới đi vào biểu quyết bằng phiếu. Và, xin được lưu ý chắc không thừa: tất cả các phiên họp chính thức đều được ghi biên bản cụ thể, tỉ mỷ. Phải xem đó là hồ sơ quan trọng cần phải được bảo quản trong nhiều năm. Hội viên nào thắc mắc thì trình ra. Khi công luận có ý kiến này khác, thấy cần thì đem ra công bố. Nếu quy trình xét giải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc ở ban Sơ khảo thì công việc của ban Chung khảo sẽ rất nhanh chóng và thuận lợi. Cái chính là rất đáng tin cậy vì nền tảng xem xét đến thế đã là chắc chắn rồi. Có gì tuyệt đối đâu! Tuy nhiên, tôi đề nghị, Trưởng ban Tổ chức vẫn cần mời ít nhất là hai vị phản biện độc lập, giống như quy trình bảo vệ luận án tiến sỹ ấy, nghĩa là những người này hoàn toàn đủ tiêu chuẩn của một thành viên Ban giám khảo nhưng lại không tham gia trong ban Sơ khảo. Các phiên họp của ban Chung khảo có một nội dung rất quan trọng là lắng nghe ý kiến độc lập của các vị phản biện, trao đổi kỹ càng, rồi mới biểu quyết bằng phiếu kín. Kết quả cũng phải được công bố công khai trong hội đồng. Cố nhiên, mọi phiên họp của ban Chung khảo đều được ghi biên bản nghiêm túc theo yêu cầu chung như ở ban Sơ khảo. Công việc cuối cùng chỉ còn là sự phê duyệt (chứ không phải xem xét định đoạt lại) kết quả của Chủ tịch Hội Nhà văn hay của Trưởng ban tổ chức giải. Cũng xin đề nghị thêm: Hội đồng giám khảo nên thay đổi theo yêu cầu phù hợp của từng thể loại, từng năm, và từng cuộc thi. Một ai đã có điều tiếng này nọ trong dư luận quyết không được tham gia bất kỳ hội đồng nào sau đó. Phải lấy chứ “tín” làm trọng, như trong hoạt động kinh doanh ấy. Tất cả là nhằm tới sự đổi mới thiết thực và triệt để công tác xét giải của Hội. Thiển nghĩ, quy trình chặt chẽ như vậy sẽ tạo mọi điều kiện phát huy tính tự chịu trách nhiệm của mỗi thành viên trong Ban giám khảo – yếu tố quyết định tới tính khách quan, đảm bảo sự chân tín, góp phần tạo nên giá trị xã hội cũng như nghề nghiệp của giải thưởng. 
Riêng về việc chọn lựa các thành viên trong Ban giám khảo, tôi thấy ý kiến của nhà văn Khôi Vũ rất đáng được tham khảo. Trong dịp Đại hội Nhà văn vừa rồi, phần góp ý công tác Hội, anh đã chân tình tâm sự với tôi: “Ban giám khảo giải thưởng hàng năm cũng như các cuộc thi do Hội đứng ra tổ chức, theo tôi, phải do các hội viên Hội đồng Lý luận - Phê bình các anh đảm nhận! Chúng tôi quen viết văn làm thơ, còn các anh thì quen bình xét chất lượng viết văn của chúng tôi. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Trong nghề nghiệp của chúng ta, không gì hiệu quả bằng sự chuyên nhất. Hơn thế, cái anh sáng tác là chúa hay chủ quan! Viết văn chủ quan là cần. Thậm chí không thể thiếu. Nhưng đánh giá sản phẩm của sáng tạo lại là chuyện khác .Yêu ghét cá nhân cứ chen vào là hỏng!”. Có lẽ không ai không thấy đề xuất của tác giả Lời nguyền hai trăm năm là hữu lý. Nhưng… cái nước mình nó thế! Và, cái hội mình nó thế! Vả lại,… quen rồi, thay đổi khó lắm! Tôi bảo anh: “Hay! Hay thật! Nhưng tôi thuộc giới phê bình nên nói ra không tiện. Anh đăng ký mà phát biểu đi! Công khai giữa bàn dân thiên hạ trên diễn đàn ấy”. Khôi Vũ lè lưỡi, lắc đầu: “Ngại, ngại lắm! Chỉ biết tâm sự cá nhân thôi! Anh không thấy mấy ổng phát biểu từ sáng đến giờ đều đúng và cần cả mà có ai chịu nghe đâu! Lại còn vỗ tay mời xuống nữa chứ? Cứ như một cái chợ!”. Tôi nhìn anh ngậm ngùi. Rồi sau đấy lại thấy lòng mình dâng lên một nỗi ngán ngẩm vô duyên cớ… Tuy nhiên, khi cầm bút viết những dòng này, tôi muốn nói thật to ý tưởng sáng suốt, phù hợp mà mang đậm tinh thần xây dựng của nhà văn Khôi Vũ để mong chúng ta cùng lắng nghe và suy ngẫm. Hiển nhiên là giới phê bình chúng tôi chả ai muốn ôm rơm nặng bụng cả. Lại dễ mang điều tiếng này nọ. Nhưng khi Hội mình cần đến thì không thể không sẵn lòng. Xin được mách nhỏ: nhiều người có điều kiện bày tỏ tình yêu với Hội Nhà văn còn lớn hơn tôi nữa kia!
Ý kiến nảy ra vào lúc này của tôi chỉ có vậy. Trong quá trình ấp ủ, tôi chủ động bày tỏ ý định của mình với một đồng nghiệp cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh thân tình vỗ vai tôi bảo rằng: “Này, cái kiến nghị của ông với Hội Nhà văn ấy mà, hay ho đấy! Song… - Anh ngập ngừng chốc lát - chỉ sợ giống như chuyện đấu tranh chống tham nhũng bao năm nay ở ta ấy! Ông có biết một tay nhà báo nước ngoài sau khi xem xét kỹ lưỡng tình trạng tham nhũng của các quan chức lớn nhỏ ở Việt Nam đã nói gì không? Thấu lý lắm! Anh ta ý nhị bảo: Chống tham nhũng nào có khó. Cái khó là ở chỗ người ta có muốn chống hay không thôi!”.  Nghĩ một lát, tôi nói: “Ờ nhỉ? Chí lý thật! Nhưng mà… Không! Với Hội ta thì khác chứ! Chắc phải khác”. Và, giữa lúc này, tôi càng không tin một chuyện hệ trọng như vậy lại sẽ như nước chảy bèo trôi… Để cuối cùng mọi chuyện sẽ vẫn như cũ. Mà công chúng bao giờ cũng đòi hỏi cao, rất cao nơi nhà văn chúng ta. Họ vốn đặt niềm tin vào các nhà văn như vào chính lương tâm của con người, lương tri của dân tộc. Chúng ta không được phép ngoảnh mặt làm ngơ trước niềm tin trong sáng ấy. Nếu không thì sự tín nhiệm của xã hội đối với Hội Nhà văn chúng ta chắc sẽ tới hồi suy kiệt. Không sớm thì muộn…
Nếu thế thì nguy. Thậm nguy.
Đà Lạt, 20/02/2011
PQT.