Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN NHỎ ...KHÔNG NHƯ CON THỎ (16) - CÁM ƠN BÁC LÊ HUY NGỌ NHÉ!

Tô Hoàng
Thứ hai ngày 21 tháng 2 năm 2011 8:37 PM
 
 Lâu ngày rồi mới lại được gặp bác Lê Huy Ngọ-Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-phát triển nông thôn những năm trước. Số là tối qua, Chủ nhật ngày 20 tháng 2 năm 2011, ngồi xem Bản tin Thời sự của VTV 1 lúc 19giờ bỗng gặp bác Lê Huy Ngọ khi bác cho ý kiến về thực chất của chương trình xây dựng nông thôn văn hóa hiện nay. So với thời bác Ngọ còn làm bộ trưởng, so cả với thời sau này khi bác giữ chức Trưởng ban chống bão lụt T.Ư quả là nom bác có già, có yếu đi – mà làm sao tránh khỏi quy luật của trời đất, phải không bác? Nhưng mừng là bác vẫn giữ nguyên được gương mặt âu lo, đầy khổ đau, giọng nói nhanh vội như luôn sợ không nói nhanh, không nói gấp như vậy thì không dãi bày được hết nhiều ẩn ức, nhiều chất chứa trong lòng trước những gì chướng tai gai mắt. Và cho dù màn hình chỉ cho phép bác ngồi, nhưng chúng em vẫn dễ dàng hình dung ra nếu đứng lên, bác vẫn te tái, tất bật, quần sắn móng lợn lên bờ xuống ruộng để chia sẻ nỗi cực nhọc, vất vả và những thiệt đơn thiệt kép của bà con nông dân…
 Tối nay bác Lê Huy Ngọ nói gì trên ti vi? Bác Ngọ nói, đừng nghĩ rằng mỗi làng, mỗi xã xây được một cái Nhà văn hóa là nhân dân làng, xã ấy đã đạt tới một cuộc sống văn hóa.Tiếp tới, bác Ngọ dẫn ra, làng, xã kia xây được một cái trường học mới nhưng liệu cái trường ấy có đủ thày, cô không; lương lậu của thày cô ra sao để họ yên tâm truyển đạt kiến thức cho con em nông dân? Còn chưa nói chương trình giảng dạy cải tiến, cải lùi đến đâu rồi? Cũng như thế, xã nọ làng kia xây được một trạm xá mới, nhưng không bói đâu ra một ông y sỹ chịu về làm việc ở thôn xã và giá thuốc ở ngoài thị trường cứ tăng vèo vèo..v..v.. Bác Ngọ nói, Nhà văn hóa, ngôi trường, trạm xá mới xây chỉ là điều kiện thôi. Để văn hóa hóa nông thôn thì còn biết bao việc phải làm! Làm một cách thực chất, nghĩa là phải gỡ từ gốc gác của mọi vấn đề. Một câu phát biểu của bác làm sáng bừng lên nhiều điều mù mờ, mông lung, giả tạo cần phải được phơi ra ánh sáng! Cám ơn bác Lê Huy Ngọ!
 Vâng, làm sao xây dựng nông thôn văn hóa hoặc văn hóa hóa nông thôn nổi khi sáng sáng mở trang báo ra luôn gặp tin tức bà con nông dân chỗ này nơi khác đang bị ăn cướp ruộng vườn để xây dựng các khu chế xuất mới, các sân gold? Vẫn quanh quẩn chuyện trồng con gì, cây gì nay hạt điều mai con cá ba sa bị ép giá? Sao có thể gọi là xây dựng nông thôn văn hóa nổi, khi vẫn còn đó quốc nạn các cháu gái vừa chớm vào tuổi trăng tròn đã vội khăn gói tìm lên thành phố mong kiếm tiền nhanh bằng nghề mãi dâm hoặc tìm cách ra nước ngoài yên phận hẩm với một ông chồng là người Hàn quốc, Đài loan? Ngay trong Bản tin Thời sự tối nay, sau khi bác Ngọ lên tiếng, có liền một phóng sự ghi nhanh nữa phản ánh việc nhiều điểm bán xăng dầu tại tỉnh Daklak đã tích dầu nhớt diedel lại, không chịu bán ra khiến bà con nông dân không có dầu chạy máy mà tưới tắm cho càphê vào đúng lúc mùa khô bắt đầu. Người trồng cà phê chưa kịp vui mừng vì cà phê tăng giá lập tức sẽ méo mặt vì đòn trời giáng này! Thì ra, nhà văn hóa, bệnh xá, trường học dù có xây nên cũng là  thứ trang hoàng, sơn phết cho một nông thôn sẽ càng hứng chịu tai họa nặng nề hơn trong nạn lạm phát đang bùng nổ! Suy rộng ra thêm, từ nông thôn đến thành thị -khắp nơi cuộc sống đầy âu lo, phấp phỏng; người dân luôn luôn phải gồng lên chống trả với biết bao tai họa rình rập- thử hỏi những mầm đọt văn hóa làm sao xanh tốt nổi trên mảnh đất nhiều điều đau đầu nhức óc như thế?
Tối qua, tôi cũng đã kịp lấy giấy bút ghi ngay những cái tên: Anh Ngọc, Tiến Thành, Đức Sơn, Gia Hiếu- những biên tập viên, quay phim của VTV1- các tác giả của thiên phóng sự truyền hình giúp cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ lên tiếng về thực chất của chương trình xây dựng nông thôn văn hóa. Thiên phóng sự ngắn 5,3 phút của các em bổ ích, thiết thực và chắc chắn đánh động tâm can người xem đài hơn nhiều những bộ phim truyện truyền hình vài chục tập nhạt thếch phỏng theo những tích tuồng Hàn quốc, Đài loan. Xin cám ơn các em! VTV1 rất cần có thêm nhiều phóng sự dám nhìn thẳng vào những vấn đề bức xúc, phanh bung những sự thật của đời sống như thế !