Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN LÀNG CÀ KÊ(6)

Vũ Duy Chu
Chủ nhật ngày 20 tháng 2 năm 2011 7:30 PM

Tết Tân Mão vừa rồi bữa rượu tất niên ở nhà ông bác tôi qui tụ đám con cháu đi làm ăn tứ xứ và bạn của chúng từ các nơi xa khác về. Chúng tranh luận rất sôi nổi hào hứng nhiều vấn đề. Nào là chất Tràng An của những người tự nhận mình là người Hà Nội hiện nay như thế nào? Bác Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải liệu có làm được gì thiết thực cho bà con mình không hay lại viện đủ cớ như mấy bác trước. Vấn đề Bôxit, tàu cao tốc, vấn đề lúa má, vấn đề nào cũng nóng cả.
Một đứa bỗng lên tiếng:
- Xin thưa các bác, nhà chúng em nghĩ tất cả các chuyện tốt xấu nãy giờ chung qui lại là do vấn đề con người mà ra cả. 85-90% dân số Việt Nam hiện nay là nông dân. Các quan chức từ thấp đến cao của chúng ta xuất thân từ đâu?
Thế là một cuộc tranh luận mới chỉ tập trung quanh vấn đề người thành phố, người nhà quê, những thói quen sinh hoạt và ứng xử xã hội.
Chẳng có gì thực hơn những câu chuyện chúng kể lúc tranh luận cả.
***
Câu chuyện thứ nhất
Mấy đứa con của cô chú tôi lấy vợ lấy chồng đi làm ăn xa, nên nhà chỉ có hai cô chú. Nghe tin chú làm nhà mới đã lâu nhưng tôi bận chưa đến mừng được. Hôm ấy vợ chồng con cái thằng Hòa, đứa con đầu của cô chú về chơi, chú cho tìm tôi sang uống rượu cho vui.
Chỉ cái nhà mới, Hòa bảo tôi:
- Cái nhà này em phải nhờ thằng bạn kiến trúc sư nó vẽ cho đấy. Anh ạ, phải nói khu phố này nhà bố em đẹp nhất. Mỗi cái cổng là lệch, nhìn thông thống, mảnh quá, không tương xứng.
- Sao thế?
- Khổ, bố em bảo cái cổng trông nó bít bùng, hách dịch lắm, ai đến người ta ngại không muốn vào. Ông kiên quyết đòi đập bỏ, làm cái cổng theo ý ông đấy.
Ông chú bảo tôi:
- Anh tính, cả ngày hai vợ chồng già vò võ, thấy ai đến nhà mình chơi thì mừng lắm. Thế mà người trong nhà phải ra tận cổng, nâng cái miếng sắt bằng bàn tay có gắn bản lề vào cánh cổng nặng trình trịch mới nhìn thấy khách. Khách thì không dám thò tay vào nâng miếng sắt ấy lên để nhìn vào nhà. Đến chơi nhà bà con mà cứ như rình mò, mất hết tự nhiên, thoải mái.
- Con đã phải lắp cái chuông điện trên trụ cổng đấy thôi. Ai đến chơi thì bấm chuông chứ bố?
- Vâng, tôi biết. Nhưng nhiều hôm tôi dở tay, không kịp ra mở cổng ngay, khách bấm chuông xong phải chờ. Thế là chó xộc ra, sủa ông ổng, nhặng xị lên như xua đuổi kẻ gian. Hàng xóm cũng là người già cả như mình, đêm hôm phiền chứ anh. Thiên hạ người ta quyền cao chức trọng, tiền bạc lắm, thì mới cần cái sự kín cổng, cao tường. Mình nhà quê ra phố, chỉ tùng tiệm đủ ăn, tự nhốt mình làm gì cho khổ.
Hòa nghe bố nói thì lặng im không cãi, nhưng lại nói đến chuyện cái chuông cổng. Nó bảo:
- Bố em đòi ngắt điện cái chuông đi mới lạ. Em chả còn hiểu ra làm sao nữa.
Ông chú tôi thong thả:
- Tôi hỏi anh, anh nghe thằng con trai bốn tuổi của anh gọi tôi: Ông nội ơi, ông nội ơi, mở cổng cho con với, anh có thấy thích, thấy sung sướng không? Hay là anh nghe cái chuông kính coong…kính coong…thích hơn, sung sướng hơn?
Anh trả lời tôi đi.
***
Câu chuyện thứ 2
Bữa tôi sang nhà thằng cháu kỹ sư xây dựng chơi, thấy cái nhà nó xây đẹp cực. Nó bảo sau khi tham khảo các mẫu nhà trong Internet, nó tự thiết kế, sau đó nhờ cả mấy thằng bạn cùng học Đại học Xây dựng góp ý, phản biện. Cái toa let nhà nó từ cái hộp xà bông, giá phơi khăn, hộp đựng giấy vệ sinh… đều hàng ngoại cao cấp, sang trọng, hoàn hảo nhưng trông thật giản dị, chứ không phô phang, cầu kỳ. Đặc biệt cái buồng tắm đứng và bồn tắm của Tây Ban Nha thì thôi rồi, đẹp mê man. Chỉ ngắm thôi đã thấy mát rười rượi…
Đột nhiên tôi nhìn thấy một sợi dây thừng sù sì, đúng thừng cột trâu, móc vào một cái khoen sáng loáng trên vách kính buồng tắm. Thấy tôi ngạc nhiên, thằng cháu bảo:
- Cái thừng trâu này cháu lấy ở quê mang vào đấy. Cháu cắt dần ra từng đoạn để kỳ lưng chú ạ. Cháu dùng thừng kỳ lưng từ hồi chăn trâu cắt cỏ ở nhà, quen rồi. Kỳ bằng thừng mới mặn, mới đã ngứa, kỳ bằng bông tắm nhàn nhạt da thế nào ấy. Cháu còn không dùng được sữa tắm, chỉ dùng xà bông tắm thôi.
- Dị ứng sữa tắm à?
- Không chú. Sữa tắm nó có chất giữ ẩm da kỳ mãi cứ nhơn nhớt, nhơn nhớt. Ghê.
***
Câu chuyện thứ 3
Ông cậu tôi là một quan chức cấp trung ương. Ở làng tôi từ cổ chí kim chỉ có hai người oai như thế. Một bữa tôi đang ngồi làm việc, nghe cậu tôi gọi điện thoại bảo:
- Này, cậu đang ở Sài Gòn, khách sạn X, số 165 đường Y. Mày có rảnh ghé cậu ngay nhé, có việc…
Tôi phi xe máy đến khách sạn thấy cậu đang đứng hút thuốc ngoài hành lang. Cậu vỗ vai tôi bảo:
- Cậu vào đây cả tuần nay rồi nhưng bận quá, không đến thăm mẹ mày được. Cậu gửi cho mẹ chút quà, mày cầm về giúp cậu nhé. Lần sau vào thư thả hơn, cậu sẽ đến thăm mẹ mày.
Tự nhiên tôi nổi máu… chán cậu. Khách sạn cậu ở nằm ngay trên đường nhà mẹ tôi, cách nhau khoảng cây số.Tôi nhìn gói quà cậu gửi cho mẹ tôi: Một dúm mứt sen, chắc là chia từ gói nửa ký ra làm hai, đựng trong túi nilon bèo nhèo chưa kịp gói.
Tôi bảo cậu:
- Cháu không hiểu cậu bận gì đến nỗi cậu vào cả tuần mà không dành nổi mấy phút tới thăm mẹ cháu. Từ đây tới nhà mẹ cháu chừng cây số là cùng. Nếu thực sự cậu bận đến như thế, cậu có thể nhờ lái xe hoặc người của khách sạn đến nói với mẹ cháu rằng: Ông X vào Sài Gòn nhưng bận quá không đến thăm bác được. Ông gửi lời thăm sức khỏe bác và gửi biếu bác chút quà. Mẹ cháu thế nào chả xúc động, còn nhân viên của cậu thì phục và càng kính trọng cậu. Cậu thấy phải không? Mà quà của cậu phải gói lại cho gọn ghẽ chứ!
- Ừ đúng rồi, mày nói phải đấy, cậu xin lỗi. Thôi mày về cơ quan làm việc đi, để cậu tính…
***
Câu chuyện thứ 4
Ông bác tôi cũng làm việc ở trung ương, lâu lâu ông lại đánh xe con về thăm làng. Tôi cứ nghĩ về làng thì ông giản dị, xuề xòa để xóa khoảng cách với bà con thân quyến của ông quanh năm rị mọ, chân lấm tay bùn. Nhưng nhìn kỹ ông thì không phải. Cái gốc gác nông dân vẫn còn rất đậm trên gương mặt ông, dù ông đã sống mấy chục năm ở Hà Nội, dù ông đã làm việc mấy chục năm ở cơ quan cấp trung ương.
Hồi ông Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Sài Gòn, báo chí mình viết rằng người ta thuê nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng, các chuyên viên thẩm mỹ cao cấp đến trang điểm cho ông, để ông xuất hiện trước công chúng.
Quả đúng như thế, Bill Clinton xuất hiện như một tài tử điện ảnh. Ông bước những bước khỏe khoắn đầy tự tin, trang phục lịch lãm, nụ cười rất tươi, vẫy tay chào công chúng Việt Nam…
Hôm ông bác tôi xuất hiện trên truyền hình, tôi thất vọng quá. Ông ngồi tiếp một đoàn khách nước ngoài. Nét mặt ông căng thẳng. Ông ngả người ra phía sau và nghiêng vai hơi nhiều, chắc là để nghe người phiên dịch sau lưng ông nhắc vở. Một hai lần thấy ông cười, mắt hấp háy, nhưng cười không tự nhiên và hàm răng nhấp nhô, ám khói thuốc lá.
Tôi nghe nói Bộ Ngoại giao của ta có vụ Lễ tân, không hiểu Vụ này họ có lo trang điểm cho các chính khách khi xuất hiện trước ống kính truyền hình và công chúng không nhỉ?
Tôi lại nghĩ, ngay cả các Biên tập viên truyền hình còn được chăm sóc kỹ lưỡng trước khi lên hình, nói chi đến các chính khách.
Thiên hạ nhìn vào các chính khách là thấy được một phần diện mạo quốc gia của họ. Vì thế, một số quốc gia tiên tiến thì Tổng thống, Thủ tướng và những quan chức cao cấp chủ chốt khác phải là người có trình độ uyên bác, ngoại hình bắt mắt và phải …trẻ nữa.
Câu chuyện thứ 5
Đây là câu chuyện người viết bài này xin kể . Câu chuyện tôi đọc được trên tờ Tuổi trẻ Chủ nhật cách nay đã khá lâu rồi nên không nhớ tên phóng viên tác giả.
Một ông người miền trung nghèo khó quá phải tìm vào Phú Quốc làm thuê cho một chủ hãng nước mắm. Ông chủ hãng thấy ông làm thuê này mặt mũi hiền lành chất phác lại rất siêng năng bèn gả con gái cho ông. Từ người làm thuê, ông kế thừa gia sản cha vợ cùng những kinh nhiệm học được, hãng nước mắm của ông trở nên rất nổi tiếng. Tất nhiên ông rất giàu có…
Phóng viên Tuổi trẻ thấy ông tắm bì bũm trong nhà tắm tối om mà không bật điện thì lạ quá, bèn hỏi;
- Sao bác không bật điện cho sáng mà tắm thoải mái?
Ông trả lời:
- Ối trời, các bộ phận cơ thể mình chỗ nào mình chả thuộc, cần gì bật điện mới thấy, mới tắm được hả cháu.
***
Có người bảo với tôi rằng cái chất nông dân thật thà hiền lành, chịu thương chịu khó rất đáng trân trọng, rất quý báu. Nhờ những phẩm chất ấy của người nông dân, chúng ta mới có gạo mà xuất khẩu đứng hàng thứ 2 thế giới chứ.
Nhưng làm lãnh đạo mà không có những phẩm chất vượt trội khác thì đất nước cũng chả khác gì đa số gia đình nông dân hiện nay, giỏi lắm chỉ đủ ăn là cùng.
Sài Gòn, 20.2.2011
V.D.C