Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔI HÁT CA NGỢI ĐẢNG

Vũ Duy Chu
Thứ tư ngày 12 tháng 1 năm 2011 7:21 PM
 
Sáng nay vào Blog của ông Nguyễn Xuân Diện thấy ông giới thiệu Video Clip mấy bài hát ca ngợi Đảng. Mấy bài này ai cũng biết cả. Tôi đã từng hát một bài hát ca ngợi Đảng từ những năm 1963 -1964 của thế kỷ trước. Lâu lắm rồi tôi chưa từng nghe ai hát bài này nữa.
Hồi ấy, trường cấp 2 huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định của tôi kết nghĩa với Đoàn Văn Công Bình Minh của tỉnh. Tôi nhớ hình như không có hoạt động nào của Đoàn Văn Công với trường vì sự kết nghĩa này cả. Duy nhất có một lần, sau lễ chào cờ sáng thứ 2, học sinh toàn trường nghe thày Hiệu trưởng tuyên bố: Hôm nay, các anh chị diễn viên Đoàn Văn công Bình Minh, đơn vị kết nghĩa với trường ta, sẽ dạy cho các em bài hát Mặt trời lên…(Tất nhiên là thày Hiệu trưởng nói dài lắm, nhưng tôi không nhớ hết, tên và lời bài hát có thể tôi nhớ cũng chưa chính xác hoàn toàn…. Còn tên tác giả bài hát thì…càng chịu)
Đây là bài hát ca ngợi Đảng, lời như sau:
Mặt trời lên xua hết mây mù/ Và xua tan những đêm dài âm u/ Trước mặt ta chói rực mặt trời/ Đảng là chân lý sáng soi ngàn đời/….Đất nước chúng ta hồi sinh/ Từ Xô Viết năm xưa Nghệ Tĩnh/ Đây Sơn La, Côn Đảo vùng lên/ Ánh sáng soi đường đấu tranh…
Duy điều này thì tôi không thể nào quên được: Ấy là anh diễn viên dạy chúng tôi hát rất đẹp trai, khoảng 23, 24 tuổi và hát rất phấn khích. Học sinh toàn trường thì ngồi xổm trên sân đất lầm bụi hát theo đôi tay bắt nhịp của anh. Hồi đó, không có một học sinh nào có nổi một đôi dép, dù là dép cao su để đi học. Cả mùa hè đường đá dăm nóng rát gan bàn chân, mùa đông rét cóng tay không cầm nổi bút viết, chúng tôi đều đi chân không đến trường. Không có dép kê ngồi, ai cũng phải ngồi xổm, bệt xuống sân là bẩn hết quần. Nhiều đứa chỉ có một cái quần dài nâu sồng duy nhất…
Bạn đã từng ngồi xổm cả tiếng, hơn một tiếng đồng hồ chưa? Hãy thử một lúc xem sao. Bạn chỉ cần ngồi thắng lưng lên là muốn ngã ngửa ra phía sau. Thế là bạn phải ngồi hơi cúi về phía trước để tự cân bằng. Có đứa mỏi quá chống lén hai tay ra phía sau, có đứa chịu không nổi ngã bệt xuống.
Nhưng học sinh toàn trường thì vẫn hát. Những đứa hàng đầu thì hát to, vì sợ thày cô để ý. Những đứa hàng giữa và hàng cuối thì hát nhỏ, rồi hát lí nhí vì nắng hè đã bắt đầu gay gắt.
Học sinh nông thôn, nhất là lứa tuổi cấp 2, hầu hết nhút nhát, không quen xuất hiện trước đám đông, không quen bị lộ diện trước đám đông. Quản ca lớp bắt nhịp bài hát, có đứa tưởng cả lớp đang cùng hát nên cứ hát to tướng cho thoải mái. Ai dè quản ca bắt nhịp sai, cả lớp không hát được. Đứa hát to nhất bị tẽn tò, quê quá, không dám hát nữa. Nhưng bị thày cô chiếu tướng, hắn ta giả vờ mấp máy môi. Thời bây giờ gọi là hát nhép, rất tinh quái...
Còn trò này nữa. Một số đứa dạn dĩ nhưng không thuộc trọn một bài hát đồng ca nào cả. Chúng hát rất to những câu thuộc được, còn câu lõm bõm toàn hát nhép, nhưng lại đưa hai bàn tay vỗ ngang miệng bôm bốp. Có mà tài thánh thày cô cũng không phát hiện ra sự gian lận.
Có thể anh diễn viên không biết cái tật này của học trò nên hăng hái hát đến phút chót. Bài hát lắm luyến láy. Lời bài hát Đảng là chân lý sáng soi ngàn đời … “gồng lên” quá, nên học trò thò lò mũi xanh không hiểu được. Đã không hiểu thì làm sao thấy hấp dẫn mà hát hăng lên được.
Rồi buổi học hát cũng kết thúc trong tiếng vỗ tay phấn khởi của tất cả thày cô, anh chị diễn viên và mấy trăm học sinh trên sân trường.

***
Chưa hết, tôi còn nhớ một bài hát ru ca ngợi Đảng nữa. Bao bà mẹ làng tôi những năm tôi kể trên thường đem ra ru con ời ời. Tôi cũng lại không biết ai đã sáng tác lời ru này. Lớn lên, tôi được học sử Đảng kỹ lưỡng, thấy tháng thành lập Đảng trong lời ru ấy cũng không đúng. Lời ru rằng:
Hôm nay mồng ba, tháng ba
Là ngày kỉ niệm Đảng ta ra đời
Con ơi, mẹ dặn mấy lời
Công ơn của Đảng con thời chớ quên…
Sau này, tôi đem cái sai này ra tranh luận với bạn bè, có người bảo: Người ta phải chế ra tháng ba ở câu lục, thì nó mới vần với Đảng ta ở câu bát chứ? Có ông lại bảo: Hai câu cuối bài hát ru mới là quan trọng. Đảng là chân lý ngàn đời rồi, sai có một tháng nhằm nhò gì.
Tôi học hết cấp 2, cấp 3 trường huyện, rồi đi bộ đội và bây giờ thì… hát ru cháu. Nghĩa là tôi đã hát biết bao nhiêu lần những bài hát ca ngợi Đảng, đã ru bao nhiêu những lời hát ru ca ngợi Đảng. Hầu hết ý tứ những bài hát, bài ru này giống nhau cả.
Có lúc bất chợt nhớ đến cái buổi đầu học hát ca ngợi Đảng ở trường huyện cách đây gần 50 năm, tôi tự hỏi: Tác giả bài hát Mặt trời lên… ấy là ai ta ơi? Sao họ tài thế? Cái anh diễn viên đẹp trai dạy mình hát ngày ấy tên là gì nhỉ?
Ừ, lẩn thẩn thì tự hỏi vậy thôi, đâu có gì.
Sài Gòn, 12.1.2010
V.D.C