Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN HỮU TIẾN KHÔNG PHẢI LÀ TÁC GIẢ QUỐC KỲ

Lê Ánh Đào
Thứ tư ngày 12 tháng 1 năm 2011 7:05 AM
 
NVTPHCM- “Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả cờ đỏ sao vàng bởi tư liệu khoa học, nhân chứng, “pháp lý” đều đã có đủ. Vấn đề còn lại, ông Lê Quang Sô có phải là tác giả đích thực của lá cờ đỏ sao vàng mà đồng chí Phan Văn Khỏe – Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho đã “trình ra” trong Hội nghị Xứ ủy ở Tân Hương tháng 7/1940 hay không thì các cơ quan có trách nhiệm nên làm rõ”.
 
Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả Quốc kỳ không chỉ mới được đưa ra công luận. Cách đây gần 10 năm đã có công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ do Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Trung ương thực hiện cùng với cuộc hội thảo do Hội đồng tổ chức tại T.78 (TP. Hồ Chí Minh) vào tháng 12/2000. Gần hơn là Hội thảo khoa học Mỹ Tho - Từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 đến cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Tỉnh ủy Tiền Giang và Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương tổ chức tại Mỹ Tho tháng 11/2005. Cả 2 công trình này đều phủ định quan điểm Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ đỏ sao vàng. Dư luận báo chí cũng đã nói nhiều và đáng chú ý nhất là loạt phóng sự tư liệu Nền Cộng hòa 49 ngày đăng trên báo Tuổi Trẻ 5 kỳ liên tiếp vào tháng 11/2006. Theo tìm hiểu của tôi, có thể khẳng định được Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả cờ đỏ sao vàng dựa vào các căn cứ trong 2 cuốn tư liệu khoa học Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ (LSKNNK) do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội phát hành năm 2001, tái bản năm 2005 của Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Trung ương về lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ và Kỷ yếu Hội thảo khoa học Mỹ Tho - Từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 đến cách mạng Tháng Tám năm 1945 (KYHTKHMT) do Tỉnh ủy Tiền Giang và Viện Lịch sử Đảng TW xuất bản tháng 11/2005. Đây đều là những nguồn tư liệu mang tính khoa học, có độ tin cậy cao, đặc biệt cuốn LSKNNK là công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá xuất sắc.
 
Cờ đỏ sao vàng do Tỉnh ủy Mỹ Tho khởi xướng
 
Hội nghị Xứ ủy mở rộng tại Tân Hương (Mỹ Tho) diễn ra từ ngày 21 đến ngày 27/7/1940 chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam kỳ đã thông qua vấn đề sử dụng cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa: “Đồng chí Trần Văn Thời- Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu đi họp hội nghị tháng 7.1940 của Xứ ở Tân Hương (Mỹ Tho), trở về phổ biến tại hội nghị cán bộ của tỉnh là trong cuộc nổi dậy sắp tới ta dùng cờ đỏ sao vàng.... Đồng chí Trần Văn Sớm, lúc đó là Bí thư Quận ủy Giá Rai có được nghe phổ biến như vậy trong cuộc họp này. Đồng chí Trần Văn Sớm hiện là Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Biên soạn công trình Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ” (LSKNNK trang 104). “Hội nghị Xứ ủy mở rộng tháng 7 năm 1940 ở Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, trong đó có nghị quyết về hình thức của chính quyền, Quốc kỳ, khẩu hiệu, chính sách đối với các tầng lớp nhân dân. Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng 5 cánh” (Tổng luận Hội thảo – KYHTKHMT trang 230). Như vậy có thể khẳng định vấn đề lá cờ đỏ sao vàng được thống nhất sử dụng làm ngọn cờ khởi nghĩa Nam kỳ và được đưa ra sớm nhất là tại Hội nghị Xứ ủy ở Tân Hương (Mỹ Tho) tháng 7/1940. Các hội nghị sau đó như Hội nghị Xứ ủy tại Xuân Thới Đông - Tân Xuân, Hóc Môn tháng 9/1940 như bạn Đỗ Phú Nhuận đề cập chỉ là tiếp tục khẳng định việc sử dụng cờ đỏ sao vàng cho khởi nghĩa Nam kỳ mà thôi.
Cờ đỏ sao vàng do Đảng bộ Mỹ Tho đề xuất tại Hội nghị Xứ ủy ở Tân Hương đã được khẳng định: “Hội nghị Xứ ủy tháng 7 ở Tân Hương đã chấp nhận phác thảo lá cờ Mặt trận do Tỉnh ủy Mỹ Tho đề nghị” (Tham luận Sự ra đời của lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 23-11-1940 ở Mỹ Tho” của Lê Minh Đức – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Tiền Giang - KYHTKHMT trang 97); “Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ Tho là sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đảng bộ, nhân dân Mỹ Tho trong thực tiễn phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam…. Xuất hiện trước tiên ở Mỹ Tho, cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, hòa bình, hữu nghị, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế của nhân dân Việt Nam. Sức sáng tạo cách mạng đó thuộc về Đảng bộ, nhân dân Mỹ Tho - Gò Công. (Tham luận Những đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang trong phong trào giải phóng dân tộc (1939 – 1945) của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm – Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – KYHTKHMT trang 127, 128). Đảng bộ Mỹ Tho lúc bấy giờ do đồng chí Phan Văn Khỏe làm Bí thư kiêm Thường vụ Xứ ủy, sau khởi nghĩa Nam kỳ đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ vào tháng 12/1940.
 
Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến không liên quan việc đề xuất cờ đỏ sao vàng.
 
Tại Hội nghị Xứ ủy ở Tân Hương (Mỹ Tho), đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – Bí thư Thành ủy Sài Gòn- Chợ Lớn kiêm Xứ ủy viên và đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (Phụ trách cơ quan in ấn của Xứ ủy tại Chợ Lớn) không đến dự. 3 ngày sau Hội nghị Tân Hương (30/7/1940) hai đồng chí này bị bắt tại cùng một địa điểm ở Chợ Lớn (LSKNNK trang 95; Tổng luận hội thảo – KYHTKHMT trang 53).
Danh mục tài liệu, tang vật do địch liệt kê trong vụ bắt Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Hữu Tiến ngày 30/7/1940 hiện lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 Thành phố Hồ Chí Minh có 74 loại gồm sách, truyền đơn, tài liệu in, tài liệu viết tay, dụng cụ in ấn – không có loại tài liệu, vật dụng, dụng cụ nào liên quan đến việc vẽ, in hay viết về cờ đỏ sao vàng mặc dù có nhiều tài liệu có nội dung liên quan đến khởi nghĩa (LSKNNK trang 95 và Phụ lục Bản kiểm kê tài liệu trang 709 – 712).
“Nhân chứng sống” là đồng chí Nguyễn Văn Cung – tham gia trong Hội đồng biên soạn lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ đã cung cấp việc đồng chí cùng bị giam chung một cabanon với đồng chí Nguyễn Hữu Tiến trước khi địch đưa đồng chí Nguyễn Hữu Tiến ra xử tử. “Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đoán biết địch sẽ xử tử đồng chí. Đồng chí dạy tôi lý luận, kể cho tôi biết nhiều chuyện. Tôi chưa hề nghe đồng chí nói về việc đồng chí là người vẽ sáng tạo lá cờ đỏ sao vàng” (Công văn số 1393/VHTT- BTCM ngày 18/4/2001 của Bộ Văn hóa – thông tin). Đồng chí Nguyễn Văn Cung kể lại sau cuộc khởi nghĩa nổ ra, có đồng chí bị bắt lên phòng tra tấn đã nhìn thấy cờ đỏ sao vàng bị địch bắt được về kể lại nhưng cũng không thấy đồng chí Nguyễn Hữu Tiến nói gì. “Đồng chí Nguyễn Văn Cung coi đồng chí Nguyễn Hữu Tiến như bậc thầy cách mạng của mình… Đồng chí Nguyễn Văn Cung cho rằng nếu đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người sáng tác đầu tiên về lá cờ chắc chắn đồng chí sẽ kể cho nghe về suy nghĩ trong khi vẽ ra lá cờ đó như thế nào” (Tham luận Những đóng góp to lớn của nhân dân và Đảng bộ Mỹ Tho trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ của Trần Giang (Đồng chí Trần Giang chính là Chủ nhiệm công trình LSKNNK) - KYHTKHMT trang 54).
Công văn số 1393/VHTT- BTCM ngày 18/4/2001 của Bộ Văn hóa – thông tin phúc đáp Tờ trình số 207/TT – UB ngày 21/2/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã khẳng định: “Tất cả các nguồn tài liệu hiện có tại Cục lưu trữ Trung ương Đảng, tại Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người đã vẽ lá cờ Tổ quốc”.
 
Ông Lê Quang Sô- người mà nhiều chứng cứ lịch sử
đã cho thấy chính là tác giả lá Quốc kỳ
 
“Nguyễn Hữu Tiến - Truyện” và những hệ lụy.
 
“Tư liệu thành văn” đầu tiên ở nước ta khẳng định đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc kỳ chính là cuốn truyện “Nguyễn Hữu Tiến” của nhà văn Sơn Tùng do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành tháng 8/1981. Trong cuốn truyện này, với sự sáng tạo văn chương của mình, tác giả đã xây dựng nên tất cả những suy nghĩ, trăn trở và cả “thao tác” vẽ cờ của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, sáng tác cả những bài thơ “dùm” đồng chí Nguyễn Hữu Tiến - là bài thơ mà sau này rất nhiều bài báo, tài liệu tuyên truyền đã mặc nhiên công nhận là thơ Nguyễn Hữu Tiến!
Trong phóng sự tư liệu nhiều kỳ “Nền cộng hòa 49 ngày” do báo Tuổi Trẻ thực hiện tháng 11/2006, tác giả Bùi Thanh đã kỳ công tìm hiểu vấn đề ai là tác giả cờ đỏ sao vàng. Đã phỏng vấn trực tiếp nhà văn Sơn Tùng chỉ để tìm ra câu trả lời căn cứ nào mà ông “sáng tác” việc Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc kỳ. Sau khi kể về những căn nguyên mang đậm chất tiểu thuyết mà không nêu được cứ liệu xác đáng nào, ông Sơn Tùng nói “Tôi yêu con người này và viết về con người này. Còn sự thật lịch sử như thế nào, tôi nghĩ các nhà khoa học cứ tiếp tục làm rõ”! (Báo Tuổi Trẻ ngày 22/11/2006 – Bài 4).
Hư cấu là một thuộc tính của sáng tạo văn học, nghệ thuật. Trong thực tế đã có không ít tác phẩm văn học, nghệ thuật hư cấu khác với sự thật lịch sử như biến nhân vật lịch sử từ tốt thành xấu và ngược lại, hoặc làm sai lệch sự kiện lịch sử mặc dù điều đó là rất không nên. Ông Sơn Tùng có quyền hư cấu về nhân vật Nguyễn Hữu Tiến trong tác phẩm văn học của mình nhưng hư cấu một vấn đề trọng đại là “cho” Nguyễn Hữu Tiến trở thành tác giả lá Quốc kỳ - linh hồn của dân tộc, của đất nước ta thì quả là… liều. Tuy nhiên điều đáng nói, thậm chí khó hiểu là một tác phẩm văn học lại trở thành cứ liệu khoa học cho những công trình biên soạn lịch sử ở cấp cơ sở như cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Duy Tiên thời kỳ 1930 – 1945 do Huyện ủy Duy Tiên, tỉnh Hà Nam xuất bản tháng 8/1996 hoặc trở thành tài liệu tuyên truyền chính thống như bộ đề - đáp án cuộc thi tìm hiểu “60 năm Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” triển khai cho cả nước và nhiều tài liệu tuyên truyền khác trong hệ thống đoàn thể.
Tóm lại, có thể khẳng định được Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả cờ đỏ sao vàng bởi tư liệu khoa học, nhân chứng, “pháp lý” đều đã có đủ. Vấn đề còn lại, ông Lê Quang Sô có phải là tác giả đích thực của lá cờ đỏ sao vàng mà đồng chí Phan Văn Khỏe – Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho đã “trình ra” trong Hội nghị Xứ ủy ở Tân Hương tháng 7/1940 hay không thì các cơ quan có trách nhiệm nên làm rõ, tránh để tình trạng “khó hiểu” như hiện nay. Tôi thiết nghĩ nên có một công trình khoa học cấp nhà nước để kết luận vấn đề này bởi Quốc kỳ liên quan đến “quốc thể” và tất cả công dân Việt Nam. Mặt khác, việc không công nhận đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ đỏ sao vàng đã được khẳng định trong một văn bản cấp nhà nước (Công văn số 1393/VHTT- BTCM ngày 18/4/2001 của Bộ Văn hóa – Thông tin) cũng cần được phổ biến rộng rãi vì nhiều tờ báo vẫn đăng bài tuyên tuyền theo hướng cũ (có thể do không nắm được thông tin) sẽ tiếp tục làm sai lệch nhận thức của công chúng.

Copy từ NVTPHCM
Nguồn: Hồn Việt số 30, 12.2009