Đã lâu nay các nhà văn, nhà báo tới bạn đọc thường chú ý tới sự kiện chạy các giải thưởng văn học, báo chí…của giới mà người đời coi trọng là thanh bạch và trọng danh tiết nhất. Vậy thì có chuyện “chạy” hay không? Chắc cũng có. Song những người cầm bút chân chính không ai lại làm như vậy. Và không phải thành viên nào trong ban giám khảo nào cũng thiếu tư cách. Vậy thì hẳn phải có người cầm trịch thiếu lương tâm trong giới để “con sâu làm rầu nồi canh”. Vậy mà chuyện chạy giải thưởng cuộc thi bút ký, phóng sự “Hà Nội trên đường đổi mới và phát triển” của báo “Người Hà Nội”(Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội) hai năm 2009-2010 lại làm dư luận quan tâm hết sức bức xúc.
Cuộc thi kéo dài 2 năm qua thu hút nhiều tác giả tham gia với gần 200 tác phẩm được in trên báo. Như nhà văn Nguyễn Khắc Phục thành viên của Ban chung khảo tuyên bố “Các tác phẩm bút ký, phóng sự dự thi của báo NGƯỜI HÀ NỘI lần này là mảng tranh nhiều màu sắc đặt cho người đọc nhiều suy nghĩ những vấn đề cần làm của Hà Nội từ thành thị tới nông thôn. Nếu như Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội dựa trên các tác phảm ấy sẽ có những kịch bản phóng sự truyền hình sâu sắc chứ không phải kịch bản gạch đầu dòng hời hợt…” có những tác giả đạt 5 tác phẩm dự thi là cao nhất như nhà văn Nguyễn Bá Cự (Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội). Ban chung khảo đã làm việc xét giải 01 giải nhất, 01 giải Nhì, 04 giải 3 cùng 8 giải khuyến khích. Các tác giả xét trúng giải hẳn phải được “niêm phong” cả từ chữ ký. Sau đó báo “Người Hà Nội” công bố kết quả, tên tác giả đoạt giải đựơc đăng trên báo số 47 ra ngày 19/11/2010. Cùng với giấy mời tác giả được nhận giải ghi rõ giải được nhận. Ấy vậy mà nói một đằng chằng một nẻo. Nhà văn Nguyễn Bá Cự mừng cho giải 3 của mình được công bố trên báo, trên giấy mời chẳng thể trật đi đâu.
Ngày 20/11/2010 Nguyễn Bá Cự đi nhận giải, đồng nghiệp nhiều người bắt tay chúc mừng. Tôi nhìn Nguyễn Bá Cự mang gương mặt ủ dột bảo đồng nghiệp “nói thế nhưng không phải thế”. Nhiều người bảo nói thế nào, còn chìa tờ báo “Người Hà Nội” tươi mới màu giấy bảo “Gì đây?”. Nguyễn Bá Cự bảo “lúc Ban chung khảo làm việc xong thì vậy, sau nghe nói có người mua mất giải 3 rồi họ đưa xuống khuyến khích để an ủi ”. Có người trong toà soạn còn cho bạn bè biết sau khi chấm xong thì có hai giải bị đẩy xuống ??? Tôi hỏi Nguyễn Bá Cự thì Bá Cự lắc đầu bảo “Không biết, chỉ biết sau khi đọc báo, nhận giấy mời nói là giải 3 sau đó Tổng Biên tập báo Người Hà Nội Bùi Việt Mỹ điện cho bảo “Anh thông cảm ghi nhầm giải”. Tôi cảm thấy có điều gì đó khuất tất sao lại ghi nhầm giải từ khi báo lên khuân, sửa makét đến giấy mời tác giả đi nhận giải? Và nhiều đồng nghiệp phản ứng, thậm chí Bá Cự bị mời lên nhận giải “an ủi” lại không có chứng nhận an ủi, Bá Cự trả lại chứng nhận cho người khác trước các ống kính không hiểu các nhà ghi hình có hiểu chuyện đó không? Cũng hình hay đấy chứ! Sau đó Bá Cự đành lòng phải hỏi Tổng Biên tập Bùi Việt Mỹ về cái giải nhập nhằng này khi ông Tổng Biên tập đang ngồi cạnh nhà thơ Lại Hồng Khánh nguyên Trưởng ban Tuyên giáo thành uỷ Hà Nội và nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiêp Văn học Nghệ thuật Hà Nội thì Bùi Việt Mỹ cáu (?). Bá Cự hỏi nhà thơ Bằng Việt nhà thơ không rõ?
Ngẫm lời các cụ xưa dạy “mua danh ba vạn bán danh ba đồng”; kẻ cầm bút bất tài lại mua danh khi lắm tiền không biết sử dụng vào việc gì(!). Bá Cự thì không bán danh mà vừa bị đánh cắp mất danh. Cự thập thững bước trong ánh mắt ái ngại của bạn bè lên xe mà nhà thơ Quốc Toản bỏ tiền túi ra thuê khao Bá Cự vừa bị “ mất cắp” để về lại xứ Đoài!
Trần Minh Bạch
*Bài do tác giả Trần Minh Bạch gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog. Xin chân thành cảm ơn tác giả.
Nguyễn Xuân Diện:
Nếu câu chuyện đúng như tác giả Trần Minh Bạch thì thật đáng xấu hổ cho giới văn nghệ sĩ Hà Nội.
Tôi cũng không hiểu tại sao các ông Bằng Việt, Lại Hồng Khánh đều là nhà thơ, lại là hàng quan chức văn nghệ và tuyên giáo mà lại “ngậm miệng” không lên tiếng về trường hợp đáng xấu hổ này của những người trong ban tổ chức và hội đồng giám khảo cuộc thi: “Hà Nội trên đường đổi mới và phát triển”?.
Xin đừng để lụi đi bếp lửa “ấp iu nồng đượm” đã từng sưởi ấm bao thế hệ bạn đọc! Xin đừng để mất “trắng câu gọi đò”!
Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện