Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẢ TIN

Dương Đức Quảng
Thứ hai ngày 22 tháng 11 năm 2010 5:46 AM
 
Dương Đức Quảng
 
Đọc trên báo, nhất là trên báo mạng và blog cá nhân của nhiều người tôi thường bắt gặp không ít  bài viết trong đó có nhiều thông tin thoáng đọc đã thấy người viết cả tin khi thu thập tài liệu hoặc khai thác thông tin từ các nguồn khác nhau làm tư liệu cho bài viết của mình.
Dạo mới bước chân vào nghề báo, tôi thường được các bậc đàn anh kể lại câu chuyện về bài báo con trăn khổng lồ, dài hàng chục mét, vòng bụng to bằng vòng bánh xe đạp, nuốt được cả một con trâu ngon lành! Đó là một bài viết được đăng trên một tờ báo lớn hẳn hoi, cách đây hàng chục năm, chứ không phải là chuyện bịa cho vui bên bàn nhậu. Bài báo “chắc như đinh đóng cột này”, có tên người bắn chết con trăn, có địa điểm xảy ra sự việc, lại còn trưng ra cả da con trăn mà người viết có trong tay, đã gây tò mò cho nhiều người kể cả trong giới nghiên cứu khoa học. Nghe nói sau bài báo này có một vài nhà khoa học, trong đó có cả một Viện sĩ Hàn lâm của một nước Xã hội Chủ nghĩa lúc đó gửi thư sang Việt Nam, đề nghị cho họ sang tận nơi có con trăn khổng lồ này để nghiên cứu; nếu quả thật có con trăn như thế thì đây là một phát hiện khoa học “động trời” phá vỡ mọi công trình nghiên cứu về sinh vật học hàng thế kỷ nay. Bởi vì những loài động vật “khổng lồ” như thế chỉ tồn tại cách đây hàng triệu năm, thời kỳ của các chú khủng long “làm mưa làm gió” trên trái đất này. Té ra chẳng có con trăn không lồ nào cả mà chỉ là con trăn bình thường mà người dân địa phương bắt được. Nhưng người viết cả tin qua lời kể của một người có tật “một tấc đến trời” đã biến thành chuyện về con trăn vòng bụng to bằng vòng bánh xe đạp, nuốt nổi cả con trâu” như thế!
Sau chuyện con trăn đó, cách đây hơn 20 năm lại có chuyện con chuột khổng lồ ở nước Nga, bị nhiễm phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân Tréc-nô-bưn nên biến dạng, nặng hàng chục cân xuất hiện trên một tờ báo. Con chuột đó đã “hoành hành” nhiều nơi làm người dân khiếp sợ! Chắc người viết bài báo này cũng thuộc vào loại cả tin, có khi lấy tài liệu đúng vào ngày “cá tháng tư” mà không biết nên đã viết chuyện “con chuột khổng lồ” như là chuyện có thật, khiến cho nhiều người phải tò mò.
Còn bây giờ, không có những chuyện cả tin giật gân như thế nhưng không hiếm chuyện cả tin khác mà một số người được nghe ai đó kể lại, “thật bụng” tin thật rồi viết ra. Có người chưa từng trải qua chiến tranh mới nghe kể một quả pháo bắn trúng mâm cơm các chiến sĩ của ta đang ăn làm cho gần tiểu đội chết mà đã viết quả pháo ấy khiến các chiến sĩ bị bắn tung toé thành từng mảnh, khi thu gom lại thân thể những người đã hy sinh được chưa đầy một chiếc bát ăn cơm! Lại nữa, một người khác viết rằng máu của chiến sĩ ta hy sinh trong một trận đánởm miền Nam trước đây chảy xuống thành từng vũng, ngập cả mắt cá chân! Tôi nghĩ những người viết như thế là những người cả tin, không biết rằng chỉ riêng phần  xương của các chiến sĩ bị pháo bắn trúng đã không chỉ gom “đầy một bát ăn cơm”, chưa nói đến phần đầu và thân thể của các chiến sĩ dù có bị pháo bắn tung tóe đến đâu cũng không thể mất hết được. Và, chỉ cần có một chút kiến thức về cơ thể học cũng biết rằng máu người rất dễ đông, ra khỏi cơ thể một lát là đã đông rồi thì làm sao có thể chảy thành vũng đến mức ngập cả mắt cá chân được!
Gần đây đọc trên một số blog viết về dự án khai thác bauxit Tây Nguyên, về Lễ hội 1.000 Thăng Long, về số tiền thất thoát ở Vinashin và về một số đề tài, vụ việc khác tôi thấy không ít người cả tin về một vài con số mà một người nào đó đưa ra, không cần biết con số đó có thật hay không nhưng đã tin ngay nó đúng là như thế! Có một nhà văn ở Hà Nội mà tôi không tiện nói tên kể với tôi là ở Tây Nguyên đã có mấy trăm ngàn người Trung Quốc đến ở, trong đó có hàng trăm ngàn người là lính cải trang làm công nhân hoặc dân thường. Tôi hỏi anh lấy nguồn tin ở đâu thì được nhà văn này nói là ông A, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục N nói. Tôi phải nói thật với anh bạn nhà văn này rằng: Anh tin thì cứ tin, còn tôi, tôi không tin. Không thể có chuyện mấy trăm ngàn người Trung Quốc đã đến ở Tây Nguyên được. Chỉ cần vài chục ngàn người đã là chuyện lớn, ai đó có muốn giấu giếm cũng không thể làm được, huống hồ đây lại là vài trăm ngàn người, số người bằng cả số quân thường trực của nước ta cũng nên, đâu có thể tin được! Lại còn chuyện Lễ hội 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã tiêu tốn 94.000 tỷ đồng tiền thuế của dân hay Vinashin thất thoát trên 110.000 tỷ đồng mà một ai đó đưa ra đã có nhiều người cả tin là có thật. Việc này cụ thể ra sao thì xin để hạ hồi phân giải. Còn tôi, tôi chỉ nghĩ: Dù có vẽ hươu vẽ vượn đến đâu thì cũng không thể tiêu nổi số tiền 94.000 tỷ trong 10 ngày Lễ hội 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa qua và con số trên 110.000 tỷ “thất thoát” ở Vinashin (lúc đầu là trên 86.0000 tỷ) không thể là số tiền đã “bay hơi” khỏi Tổng Công ty này, bởi vì chắc chắn nó còn nằm ở những con tầu Vinashin đang đóng dở dang và ở nhiều tài sản khác đang được “cơ cấu “ lại. Nói như vậy không có nghĩa tôi bênh vực cho những tiêu cực, tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty này và cả ở các công ty, tập đoàn khác của nhà nước. Dù ai đó tham ô chỉ tiền triệu chứ không phải tiền tỷ, hoặc ai đó làm thất thoát chỉ vài trăm tỷ chứ đừng nói vài ngàn tỷ thì cũng cần phải bị nghiêm trị trước pháp luật. Song có điều tham ô đến đâu, thất thoát đến đâu đều cần có số liệu chính xác, không thể cả tin những số liệu “khổng lồ” mà một ai đó đưa ra về sự thất thoát này khác trong khi số liệu đó chưa được kiểm chứng! 
Vì thế, mặc dù“Cả tin: Tin ngay một cách dễ dãi, thiếu suy xét” (Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học – Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2003, tr. 98) là điều không hiếm thấy trong cuộc sống xã hội nhưng có lẽ ai cũng cần nên tránh! Bởi vì, nói như các cụ ngày xưa, nhiều khi cả tin là...mất vợ!