Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRIẾT LUẬN CUỘC SỐNG TRONG THƠ TỨ TUYỆT TRẦN MẠNH HẢO

Võ Văn Luyến
Chủ nhật ngày 21 tháng 11 năm 2010 3:11 PM

  
Tứ tuyệt sau 1975 cho thấy sự đa thanh phức điệu trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. Phương diện nào cũng được nhà thơ thử nghiệm hết mình, “vung lưới hết mình” (Chữ Chế Lan Viên) và kéo lên không ít “con cá vàng” tứ tuyệt. Đặc biệt, trong hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, tứ tuyệt đã “lót ổ“ chắc chắn trong nền thơ Việt hiện đại và có nhiều thành tựu thực sự. Lời khẳng quyết này dựa vào đời sống thơ đang có, đang “đóng đinh“ trong tâm lý và trong sáng tạo ở cả người sáng tác lẫn người tiếp nhận. Chỉ xét riêng 3 tập thơ Di cảo của Chế Lan Viên, trong đó thơ tứ tuyệt đóng vai trò quan trọng đã đưa đến một cuộc hội thảo về sự nghịêp thơ Chế Lan Viên 10 năm sau khi ông mất đã được các nhà nghiên cứu không tiếc lời ngợi ca ông là một thiên tài thơ. Dù sao, sau 1975 là cuộc chạy tiếp sức trên con đường thơ của Chế Lan Viên. Độ chín rõ ràng phải hơn. Nhưng dường như về mặt lịch sử, giai đọan trước 1975 mới chứng tỏ bản lĩnh thủy chung với tứ tuyệt, có con mắt tinh đời nhận ra sức mạnh, sức sống diệu kì của một thể loại đã có từ hàng ngàn năm nay. Chính vì vậy, dù tứ tuyệt Chế Lan Viên giai đọan sau này vẫn nổi bật hơn tất cả nhưng chúng tôi thiết nghĩ, người tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc tứ tuyệt trong điều kiện thuận lợi của cuối thế kỷ nhìn lại, nên chúng tôi chọn Trần Mạnh Hảo để nhấn vào một phong cách tứ tuyệt không mới nhưng lạ. Lạ ở chỗ Trần Mạnh Hảo sử dụng thể tứ tuyệt vốn hợp lối triết lý những vấn đề nghiêm chỉnh thì ông lại dùng như là để pha phách đùa cợt. Và còn nữa, nếu như Chế Lan Viên triết lý nghiêng về những vấn đề cao siêu, rộng lớn thì Trần Mạnh Hảo lại thích đi vào những chuyện tưởng như “nhỏ hơn sợi chỉ“ nhưng không kém phần thú vị. Nói thế, không có nghĩa tứ tuyệt Trần Mạnh Hảo rơi vào chuyện vụn vặt mà những gì ở Trần Mạnh Hảo có sự “trùng phùng“ với Chế Lan Viên ở tầng siêu nghiệm chúng tôi không nhắc lại nữa. Trần Mạnh Hảo như là người hoàn thiện thêm những gì Chế Lan Viên chưa làm kịp. Có hiểu như thế mới chấp nhận sự đóng góp nhất định của một nhà thơ không kém tài hoa này.
Thế giới nghệ thuật thơ tứ tuyệt Trần Mạnh Hảo là những gì rất gần gũi, cụ thể, nhỏ bé : Một sợi tóc, sợi lông tơ, lọ mực, con ngựa gỗ, cái thớt, con ốc, tiếng gà, trâu, vạc, cò, sáo, xơ mướp, trái điều, trái bắp, quả roi, mận v.v. nhưng thông qua nó, nhà thơ phát hiện ra ý nghĩa của vấn đề tưởng chừng giản dị quen thuộc, tất nhiên nhưng không mấy ai nghĩ ra “cái lý “ sinh tồn muôn thủa mà không cũ, bởi cái chính cần một nhịp cầu cảm thông tình người:
Đừng trách con vạc
Sao mày ăn đêm
Chao ôi đồng đất
Ban ngày như nêm
(Vạc)
Đôi khi một sự tìm hiểu trong đời không có nghĩa lý gì cả vì nó chẳng bồi đắp được gì lớn lao cao cả cho trí tuệ nhưng khi đau đớn nhận ra thì đã một thời gian đánh đổi vì nó:
Thuốc tễ ai phơi đầy mặt đê?
Tuổi thơ hí hửng nhặt đem về
Nhờ mẹ sau này tôi mới biết
Một thời lầm thuốc với phân dê.
(Thuốc tễ dê)
Với Trần Mạnh Hảo, dù quan tâm đến vấn đề lớn hoặc nhỏ, nhà thơ luôn đặt các sự vật trong quan hệ xa gần để kiến tạo nghĩa trực chỉ, ít đi vòng qua con đường gián cách của tưởng tượng.
Tuy nội lực tứ tuyệt với Trần Mạnh Hảo chưa đủ mạnh để “lóe sáng“ nhiều vấn đề trong một bài thơ bốn câu, điều này đòi hỏi ở khả năng phát hiện, ơ chỗ cần phục bút đúng lúc, ở chỗ chuyển hóa ý nghĩa của từ, tứ đắt, độc đáo và khéo thiết lập những quan hệ ở những sự vật mà theo phép logic thông thường không bao giờ có. Điều ấy đòi hỏi trí tuệ cao, tài năng lớn mới làm được. Không phải Trần Mạnh Hảo kém ở chỗ này, mà ông thiên về tính triết luận đời sống thông thường, còn Chế Lan Viên thiên về triết luận tư tưởng mang tầm khái quát những vấn đề lớn cho nên không đặt ra vấn đề so sánh ở đây, mà muốn chỉ ra Trần Mạnh Hảo đóng góp theo một chiều hướng đậm dấu ấn cuộc sống với một quan niệm gần với quan niệm nhận thức luận : “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của cuộc sống“, “thơ chính là tuổi thơ của loài người“, “nhà thơ là ông già nghìn tuổi ở trong đứa trẻ mới ra đời“ (nhà thơ). Tứ tuyệt Trần Mạnh Hảo là thứ thơ cắm rễ vào cuộc sống quanh mình, hít thở khí hậu quanh mình thật sự, không bay vào thế giới hư ảo mà mình vốn ít hoặc không quan tâm đến. Dù rằng tứ tuyệt Trần Mạnh Hảo có cả Thiền, tôn giáo, triết học... Một loạt các bài : Đừng sợ, Lá vàng rơi, Thiền cây, Thiền không, Cõi Phật, Tiên Phật, Giáng sinh, Hỏi Phật Di Lặc... đi thẳng vào vấn đề tưởng chừng như để chiêm bái một triết thuyết, nhưng đấy lại là cái cớ để bàn chuyện đời, ra ngoài ý nghĩa tôn giáo:
Em biết Phật Thiền xưa lạ thật
Nghìn năm ngài tọa một mình thôi
Đôi ta trên cỏ hiền như Phật
Đắc đạo nằm trong chỗ Phật ngồi.
(Đắc đạo)
Có lẽ trong thế giới siêu nghiệm, những “đốn ngộ“, “thái hư“, “niết bàn“, “trí huệ“, “sắc không“... được các nhà thơ Thiền thể hiện dường như quá đủ, hoặc nhận thức luận trong những trạng huống tâm đắc như để ru mình là chủ yếu chứ chẳng nghĩ thêm được gì mới hơn bởi tính khái quát của tư tưởng. Nhà nghệ sĩ vốn không như cách nhà khoa học, Trần Mạnh Hảo không biện luận điều gì nhưng con đường mà ông theo đuổi là đời, là thơ chứ không phải cõi “thái hư “ nào cả. Nói đúng hơn, nếu có thì đấy là mô thức tôn-giáo - trần - thế mà câu kinh là trang sách cuộc đời đầy quyến rũ.
Có một điều này, đọc thơ của nhiều người, ta thấy dường như họ “phát ngôn“ theo kiểu của sự thông minh nghiệm ra bao điều trong cuộc sống của mình và quanh mình, tất nhiên là theo lối dẫn của tư duy thơ, kiểu như là định nghĩa. Còn Trần Mạnh Hảo thì không tự lừa mình hay tỏ ra “đến điều“ đủ thứ:
Cái anh gọi vô tri
Chính là điều chưa biết
(Anh và cuội)
Nói được điều “chưa biết“ ấy là “sự tự biết“, mà cái tự biết mình không dễ như chúng ta nghĩ, nhân loại còn phải phấn đấu nhiều lắm, điều mà Xocrat đã từng nhắn nhủ.
Khi Kha Luân Bố tìm ra một vùng đất mà ông gọi nhầm là Ấn Độ
Ông chưa biết vùng đất kia là nửa tinh cầu
Em là nửa sau vầng trăng tôi có nhầm là vùng nhớ
Tôi chưa đến được vùng đất này như Kha Luân Bố xưa đâu
(Kha Luân Bố và tôi)
Đặc điểm trên có thể lý giải bằng môi trường sáng tạo của nhà thơ. Thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong chống Mỹ, Trần Mạnh Hảo cũng từ “bạch diện thư sinh“ “gác bút nghiên theo việc đao cung“, trang sách là cuộc đời tắm mình trong máu lửa chiến tranh, câu thơ cũng sinh ra từ đó và nhà thơ có khi như “con cò tập viết“ tự vẽ mình lên trời xanh. Dễ hiểu vì sao đất nước đã yên tiếng súng, nhà thơ lại lắng nghe những thanh âm xao xuyến, ấm áp quanh mình, dù đó không thiếu nắng mưa cuộc đời dội xuống. Triết - học - đời - sống của Trần Mạnh Hảo giản dị mà chất chứa trải nghiệm không phải ai khác, không từ đâu vận vào mà từ chính mình bước ra. Nhà thơ “tự ru“ nhưng lại là tự chứng lẽ đời:
Dường như biển rộng sông dài
Dồn vào một sợi tóc mai trên đầu
(Tự ru)
Với 176 bài tứ tuyệt trong tập thơ cùng tên của mình, Trần Mạnh Hảo đã góp phần khẳng định thể tứ tuyệt vẫn đang “lên đường“ hứa hẹn nhiều hi vọng, nhiều thành tựu hơn nữa đối với thể loại này.
Võ Văn Luyến

* Tài Liệu tham khảo:
- Tứ truyệt Trần Mạnh Hảo (Thơ): Nhà XB Trẻ - 1995.
Cập nhật lần cuối vào 15:34 26.01.2008