Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ KHÔNG CÓ DA KHÔNG CÓ MŨI

Duy Phi
Thứ sáu ngày 19 tháng 11 năm 2010 7:48 PM
 
Nhân Kỷ niệm lần thứ 90 năm sinh Chế Lan Viên (1910- 2010)
 
   Thời nay, Đông Tây có khá nhiều loại thơ: thơ truyền thống, thơ hậu hiện đại, thơ Vispo, thơ số, thơ rụng đuôi, thơ siêu văn bản… Đạo của thơ mênh mông, đi mãi không cùng, nói hoài chưa hết.
   Cùng với thơ vì công chúng (Thơ chúng ta được hàng triệu người quan tâm không phải vì nó là những cuộc diễn tập ngôn ngữ mà vì tinh thần trách nhiệm của nhà thơ- S. Quasimodo) có loại thơ “vị nghệ thuật”.
   Lê Quý Đôn quan niệm “ Chuộng cái lạ, gò gẫm từng chữ từng câu, ấy là thứ thơ kém”. Trong phái ấy, Tế Hanh thường viết một lần xong bài thơ, ít khi ông sửa chữa. Bây giờ lại có loại thơ thoáng chợt, thơ tia chớp, khi nảy tứ thơ, viết ngay và xong “béng”. Trái lại, có loại thơ mỗi bài là một kỳ công. Ba năm làm được hai câu/ Mỗi lần ngâm lại, đôi châu lệ mờ (Nhị cú tam niên đắc/ Nhất ngâm song lệ lưu- Giả Đảo). Nửa sau thế kỷ XIX, một số thi sĩ Pháp như Théophile Gautier, Paul Valéry… , ngày ngày dường như nhốt mình trong “thơ xưởng” để phác đẽo, cắt gọt, nạm dát chữ.  Lê Đạt làm thơ là đi tìm “bóng chữ”, “Bắt từng con chữ biểu phát ra những ánh chiếu khác lạ về âm sắc, nghĩa lý”. Chế Lan Viên làm một bài thơ dăm câu, sửa đi chữa lại thường mất một cuốn vở (theo Nguyễn Bùi Vợi).  
   Từ đó lại có thơ kỳ bí và thơ dễ hiểu. Ngày nay không ít người đả phá loại ý lưỡng cư, loại thơ kỳ bí, cho rằng, thời hiện đại, người ta quý thới gian từng phút, có gì muốn nói thì nói toẹt ra, sao cứ phải thi tại ngôn ngoại, ẩn ảo… Cổ nhân dạy: Đạo chi xuất khẩu, đạm hồ kỳ vô vị- Đạo ra cửa miệng, lạt lẽo vô vị. Lại có câu: Vật tương tạp, cố viết văn- Sự vật giao thoa, đan dệt rất phức tạp với nhau nên gọi là văn. Octavio Paz chỉ rõ: “Không bao giờ hình ảnh thơ nghĩa là thế này hoặc thế kia, hình ảnh đồng thời nói cái này và cái kia, hơn nữa, nó còn nói cái này là cái kia”. Thơ Chế Lan Viên có nhiều bài ở dạng Octavio Paz.   
    Lại có người phân biệt thơ có muối và thơ nhạt, không muối (không ít nhà thơ choảng muối quá tay, thơ mặn gắt- dùng cả khẩu hiệu, thi phẩm thành bài thuyết đạo lý).
   Có khi phân biệt lứa thơ, thơ già và thơ trẻ. Tôi nhớ láng máng ở đâu đấy, có một nhà thơ danh tiếng, đang bực với mấy nhà thơ trẻ nào đó, ông nói: “Bọn làm thơ trẻ bây giờ ngu dốt quá! Nó như cái ô-tô lên dây cót. Hết dây cót là không chạy được nữa. Như những cô gái tuổi dậy thì, ra vẻ lắm, oai lắm (ông khuỳnh tay, vênh mặt)… , lấy chồng vào là hết”.
   Chế Lan Viên tỏ ra thận trọng, minh triết, ông am hiểu quy luật lão lai tài tận, sự khắc nghiệt của tạo hoá, tre già măng mọc, trong Di cảo Thơ, bài Soi lỗ, dường như ông tự nói với mình: Kìa dưới rừng người ta đã hát bài hát khác theo mùa xuân mới/ Nhưng vào rừng chặt cây trúc mới, tìm ngọn gió xuân, anh không còn sức nữa rồi / Anh lấy cây sáo cũ của mình ra soi thêm lỗ/ May ra bài hát anh còn được hát giữa đêm chơi... Với các nhà thơ trẻ, Chế Lan Viên trong bài Về thi pháp trẻ, đã nhìn với con mắt bao dung và thấy được vẻ đẹp trong sự cách tân của họ: Những bài thơ già muốn ổn định trong biền ngẫu, vừa làm xứng đôi, môn đăng hộ đối / Chỉ có sức trẻ mới nhảy ba bậc cấp một lần, vọt phi ra ngoài cửa sổ/ Chỉ có thanh xuân mới so le, thô bạo, cộc cằn/ Ôi! Có khi sai lầm lại phì nhiêu hơn cái khôn khéo, nghèo nàn, trật tự...
*  
   Đọc trên WEB, Hồi ký của N.Đ.M có câu: “Xuân Diệu nói, thơ Chế Lan Viên không có da, không có mũi”.
   Mới đầu, coi là một câu nói vui, tôi không suy nghĩ gì, sau cũng băn khoăn. Gạt đi chuyện đố kỵ tầm thường. Đây là hai nhà thơ lớn, nhân cách cao thượng, bạn của nhau.   Xuân Diệu sinh năm 1917, hơn Chế Lan Viên ba tuổi, họ đều là phát lộ tài năng thơ sớm. Xuân Diệu gốc Hà Tĩnh, nhưng sinh ở đất Gò Bồi, Tuy Phước, Bình Định. Thời Tự lực văn đoàn, Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới, được tôn là Ông hoàng thơ tình. Chế Lan Viên sinh ở Diễn Châu, Nghệ An nhưng từ nhỏ đã sống tại An Nhơn, Bình Định. Mười lăm mười sáu tuổi, Chế Lan Viên trong con măt xanh của Hoài Thanh: “Cậu bé ấy đã khiến bao người kinh ngạc. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở thế kỷ XX, nó đứng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật”. Đó là một thần đồng. Cánh đây mấy năm, tôi đã có dịp đến lầu Cửa Đông thành Hoàng đế (Bình Định). Trên lầu thơ, lầu tư tưởng này, tôi đã được thắp nén hương trước chân dung, anh linh Chế Lan Viên cùng Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, nhóm thơ lẫy lừng: Bàn thành tứ hữu.  Sau khi Chế Lan Viên mất, thân nhân còn cho xuất bản Di cảo Thơ của ông, 2 tập (254 bài thơ). 
   “Thơ Chế Lan Viên không có da, không có mũi”. Về học thuật, có ý gì đây? “Thơ có da có mũi”: thơ có từ cảm giác, từ các giác quan (da, mũi…), lập ý từ trực giác. Xuân Diệu, người luôn “hít thở da thịt thiên nhiên”, ông quan niệm thơ phải chân chân chân thực thực thực, thơ phải “có da có mũi”. Ví dụ, Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy/ Hiển hiện hoa và phảng phất hương (Huyền diệu). 
   Lẩn thẩn, tôi đọc lại nhiều bài thơ Chế Lan Viên, và dò dẫm. Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa (Tiếng hát con tàu). Giết chết một mùi hương, dễ thôi, cứ quậy bùn lên để giết/ Nhưng vượt lên bùn, sen cứ ngát hương sen (Hương sen). Đến với hương anh cứ phải đi vòng/ Đi bất tận mà thua loài ong nhỉ/ Vụt một cái, chúng vào sâu tận nhuỵ/ Vào cung hoa thầm kín nhẹ như không (Thua ong). Mấy câu thơ trên của Chế Lan Viên, xem ra cũng “có da có mũi” đấy chứ.
    - Ai kêu ta trong cùng thẳm Hư vô? Ai réo gọi trong muôn sao chới với?
   - Những nhà thơ mất giá/ Lại thường hay đổi tiền/ Mong dùng nhiều chữ lạ/ Lừa người tiêu quá quen (Mất giá).
   - Hãy nhớ mình là nước, hãy trôi đi, đừng quẩn mãi chân cầu/ Khốn nỗi! Có người cuộc đời là ở phía đằng sau/ Họ níu kéo các bình minh đã tắt, các hoàng hôn đã tắt/ Quên chuẩn bị tiếng gà cho ngày mọc hôm sau (Tiếc nuối).
   Những vần thơ trên của Chế thi sĩ hình như…  “không có da không có mũi” thật? 
   “Thơ có da có mũi”, tức thơ làm từ trực giác. Xưa, ca dao thường theo thể hứng, phú, tỷ, đều từ trực giác, trực cảm. Sau này, con người phát triển cao về tư duy, tâm hồn phong phú, đa dạng mới có thơ trí tuệ, thơ siêu thực. Văn chương đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của nhiều đối tượng. Có người cho rằng thơ viết từ trực giác là viết bằng con tim, còn thơ trí tuệ là sản phẩm của bộ óc. Họ chê bai thơ trí tuệ. Hình như đã có những cuộc tranh luận. Chế Lan Viên từng viết: “Đừng nói trái tim cao hơn bộ óc! Không khéo thì ta rơi vào chủ nghĩa phi lý lúc nào cũng nên… Thực ra khi đã là thơ, thì khó phân biệt đâu là trái tim đâu là bộ óc”. 
   Kỳ lạ, Chế Lan Viên khuất, hơn hai mươi năm nay thơ ông vẫn ở đỉnh cao, chói lọi (khác với một vài nhà thơ, đỉnh cao mà mỗi ngày mỗi thấp). Thơ ông gồm cả hai loại, “có da có mũi” và “không có da không có mũi”. Thế mới biết, một nền văn học thường cần cả loại: thơ trực cảm  và thơ trí tuệ… Thiển nghĩ, về lâu dài thơ vẫn cần có những bài thơ “không có da không có mũi”- thơ trí tuệ kiểu Chế Lan Viên, kiểu bài thơ Mùa hè nồng cháy sau đây của Heinrich Heine (Đức): 
Mùa hè nồng cháy
Ở trên má em
Mùa đông lạnh lẽo
Ở trong tim em
Nhưng có một ngày
Hỡi em!
Mùa đông sẽ trên má
Mùa hè sẽ trong tim.
 Tế Hanh dịch