Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIỀN VÀ … BẢN SẮC

Hoàng Thiềng
Thứ sáu ngày 19 tháng 11 năm 2010 8:12 PM
 
 Gần đây báo chí rộ lên chuyện trùng tu di tích, bắt đầu từ câu chuyện về cổng thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, rồi đến chuyện cổng đình Kim Liên, chuyện đưa sư tử vào chùa Một Cột, chuyện chùa Nôm không còn của làng Nôm, v v và v v … Câu hỏi xoáy vào tâm người dân Việt. Người dân nước Việt yêu luỹ tre của người Việt, yêu cái giếng làng, cây đa, bến nước, sân đình của người Việt, bởi đó là đặc trưng văn hoá của người Việt. Nét đặc trưng văn hoá đó đã hình thành nên hồn cốt Việt Nam và chính hồn cốt đó đã tạo dựng nên vóc dáng Việt Nam suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Luận bàn đôi điều trên để thấy cái ý nghĩa vĩnh hằng trong cõi tâm linh của người dân nước Việt với các di tích của dân tộc. Vậy thì điều chi đã làm cho các di tích bị biến dạng sau khi đã hoàn tất “chiếc mũ trùng tu”. Ai cũng biết sau khi đã nhận được “chiếc mũ trùng tu” từ các cơ quan chức năng trao, đồng nghĩa với việc có đồng tiền bát gạo, ít là dăm tỷ đồng nhiều là cả chục tỷ đồng để các ông chủ dự án vung tay “ múa”. Đường múa của các ông chủ dự án trùng tu nó biến ảo đúng ở thời cơ chế thị trường, đúng với bệnh tư duy hội nhập “nông”. Thế mới nên nỗi người làng Nôm mà chẳng thể nhận ra chùa Nôm làng mình đang được trùng tu. Người Tuyên Quang chẳng nhận ra cổng thành nhà Mạc, một dấu ấn văn hoá triều Mạc đã khắc sâu vào tâm khảm người dân xứ Tuyên từ nhiều đời nay. Rồi chuyện đôi sư tử đá xuất hiện ở chùa Một Cột, chuyện  cổng chùa thành cổng đền, mái chùa thành mái đền… không khỏi khiến chúng ta nhói nên câu hỏi văn hoá Việt đang bị biến dạng bởi thứ văn hoá ngoại lại đang xâm nhập vào do trùng tu, tôn tạo vô lối.
Phải chăng “ Tiền vào lắm lỗ nhiều khe\ cho nên nó mới bét nhè cổ kim”( Trần Nhương). Mong sao hãy giữ gìn bản sắc văn hoá Việt bằng cách sử dụng đồng tiền của người Việt, vì người dân nước Việt.