Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁI ĐẦU CỦA DANH HỌA FRANCISCO GOYA

Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh
Thứ sáu ngày 19 tháng 11 năm 2010 9:30 PM
Đầu của Goya bị cắt và lấy đi sau khi danh họa vừa qua đời. Đã 182 năm trôi qua, danh họa Tây Ban Nha vĩ đại nhất thế kỷ XVIII vẫn là “cái xác không đầu”! Việc làm kinh hoàng ngót 2 thế kỷ này do ai chủ trương và nhằm mục đích gì thì vẫn là điều bí ẩn. Người ta ngờ rằng chính bà Leocadia vợ một người gốc Đức bán đồ kim hoàn ở Madrit, đã từng yêu điên cuồng Goya và tình cảm ngày càng bộc lộ khi vợ Goya qua đời, là thủ phạm của vụ án bi thảm này.
Tròn 100 năm, sau khi Goya qua đời, năm 1928, người ta đã phát hiện ra một bức tranh vẽ năm 1849 mang tên “Chiếc sọ của Goya” do họa sĩ Fierros không mấy tên tuổi sáng tác. Điều đó có thể phỏng đoán rằng cái đầu của Goya đã bị cắt trước lúc mai táng và được bảo quản trong nhiều năm liền bởi một nhà khoa học giữ để nghiên cứu, hoặc một ai đó muốn độc quyền sở hữu chiếc đầu của danh họa Goya…(?)
Đất nước Tây Ban Nha là quê hương của những danh họa nổi tiếng như Velasquez, Francisco de Goya, Pablo Picasso…trong số kỳ nhân đó - Goya là người vĩ đại nhất của thế kỷ XVIII.
Francisco de Goya sinh ngày 31/3/1746, tong một gia đình làm nghề khảm vàng tại Fueudetodos, thuộc vùng Aragon - Tây Ban Nha.. Ngay từ thời niên thiếu, Goya đã học nghề này từ thân phụ của mình. Lớn lên, Goya được đưa đến Madrid phụ việc cho ông Francisco Bayeu - một họa sĩ cung đình.
Nhờ Bayeu, năm 1775, Goya được đưa vào làm việc tại Xưởng dệt thảm Hoàng gia Tây Ban Nha. Công việc chính của Goya là sáng tác các loại mẫu thảm cho Hoàng gia. Những năm tháng tạo mẫu thảm tại Madrid đã giúp cho tay nghề của Goya ngày càng thuần thục, điêu luyện. Đồng thời, cũng nhờ làm việc cho Hoàng gia Tây Ban Nha, sự nghiệp hội họa của Goya thăng tiến khá nhanh.
Năm 1780, Goya được bầu vào Viện hàn lâm San Fernando, 5 năm sau, Goya trở thành phụ tá Giám đốc hội họa. đến năm 1789, Goya được cử làm họa sĩ cung đình, phục vụ vua Charles IV (1748 - 1819).
Năm 1795, Goya thay thế người thầy của mình là Bayeu, đảm trách cương vị Chủ nhiệm bộ môn hội họa tại Viện hàn lâm San Fernando. Năm 1799, mới ngoài 40 tuổi, Goya đã bước lên tột đỉnh vinh quang của sự nghiệp - họa sĩ thứ nhất của triều đình Charles IV.
Là họa sĩ được nhà vua và cả triều đình trọng vọng, song Goya không hề màng tới vinh hoa, phú quý và những thứ danh vọng phù du. Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, Goya luôn phấn đấu thực hiện bằng được khát vọng Tự do và Hòa bình.
Năm 1789, Cách mạng Tư sản Pháp bùng nổ. Goya đã dõi theo diễn biến của cuộc cách mạng và nhiệt thành ủng hộ tư tưởng nhân quyền, dân quyền. Ngược lại, khi đội quân xâm lược do Napoleon đệ nhất dày xéo quê hương Tây Ban Nha thì ông cực kỳ phẫn nộ, đã tỏ rõ thái độ quyết tâm cùng nhân dân đứng lên chống lại bọn xâm lược Pháp. Bằng cây cọ của mình, Goya đã vẽ những tác phẩm ca ngợi cuộc đấu tranh của nhân dân Madrid chống lại quân xâm lược. Chỉ trong thời gian 4 năm (1810 - 1814), với chủ đề “Những tai họa của chiến tranh”, Goya đã thực hiện 65 bức tranh khắc (loại khắc axit) tố cáo sự tàn bạo của cuộc chiến tranh Pháp - Tây Ban Nha.
Là họa sĩ con cưng của triều đình Charles IV, Goya hiểu rất rõ bản chất của bọn tham quan ô lại và bọn trưởng giả học làm sang, kể cả vua và Hoàng gia Tây Ban Nha, Goya không kiêng nể, đã phê phán quyết liệt. Năm 1800, Goya vẽ bức tranh “Gia đình vua Charles IV”. Tác phẩm là bản tố cáo đanh thép bộ mặt thật của những kẻ gọi là “đấng minh quân” hay “phụ mẫu chi dân”. Vì những tác phẩm này mà Goya bị coi là thất sủng với triều đình Charles.
Ngày ấy, giới thượng lưu cả nước Tây Ban Nha như lên cơn sốt ái tình bởi vẻ đẹp kiều diễm của nàng Maria Cayettana - nữ quý tộc lừng danh của dòng họ quý tộc Anh. Nàng Albe là vợ góa của một quý tộc già vừa qua đời, để lại cho nàng một gia tài khổng lồ. Albe bỗng trở thành một trong những người giầu có nhất ở Madrit thời bấy giờ. Vì vậy, từ ngài thủ tướng đến sĩ quan cận vệ, từ đấu sĩ bò tót đến các họa sĩ cung đình... đều ao ước được nàng yêu. Nàng còn được dân chúng ngưỡng mộ như một thần tượng và gọi nàng là cô gái bình dân Tây Ban Nha.
Còn Goya - một họa sĩ triều đình, một Viện sĩ Viện hàn lâm tên tuổi, tính tình phóng khoáng như một hiệp sĩ, người vẽ chân dung cho nhà vua và Hoàng tộc, đồng thời là người trang trí Cung thánh ca nhà thờ Đức Mẹ Pilie và Bảo tàng Hoàng gia. Việc một người đàn bà góa chồng gặp một người đàng ông góa vợ, rồi họ yêu nhau say đắm, như định mệnh, như sự sắp đặt của thượng đế.
Từ khi Goya gặp và yêu Maria Cayettana, cuộc đời họ bắt đầu bị sóng gió. Tất cả cũng  vì sắc đẹp của Maria, nàng có quá nhiều người theo đuổi. Dù biết Goya đã chiếm được trái tim Maria, nhưng Thủ tướng Đon Manuen De Godoa vẫn tìm mọi cách để chiếm đoạt nàng. Đầu tiên Đon Manuen De Godoa nhân danh nhà vua, lưu đày Maria đến Solina - một vùng nông thôn hẻo lánh. Nhưng ông ta không thể ngờ, Goya dám vứt bỏ tước vị của họa sĩ triều đình để bỏ chạy theo nàng. Vị thủ tướng quyền uy này lại càng không thể ngờ được rằng những tháng ngày bị lưu đày ở Solina, danh họa Goya và nàng Maria Cayettana đã sống những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của họ.
Hai người hầu như quên hẳn thế giới thù hận bên ngoài để dâng hiến cho nhau trọn vẹn. Kỳ diệu thay, kiệt tác Maja khỏa thân và Maja mặc trang phục vẽ chân dung nàng Maria Cayettana đã thai nghén rồi ra đời ở đây.
Cũng chính bức tranh “Maja khỏa thân” đã là cái cớ để bọn thống trị và thế lực Giáo hội quy kết, buộc tội Goya. Một trong những “lý do” mà họ đưa ra là vì Goya đã “dám vẽ” người đàn bà trần truồng - “một hành động chống lại thượng đế, chống lại con người”. Với “tội danh” trên, Goya bị đưa ra xét xử trước Tòa án Giáo hội. Cho đến năm 1815 triều đại của vua Ferdinand VII, Goya mới được miễn tội. Sau đó vì lý do sức khỏe ông rời Tây Ban Nha qua sống tại Bordeaux – Cộng Hòa Pháp.
Còn nàng Maria Cayettana bị Thủ tướng Đon Manuen De Godoa ra tay sát hại một cách  hèn hạ.
Ngày 16/4/1828, tại Bordeaux, trái tim vĩ đại của danh họa Francisco de Goya ngừng đập. Ông từ giã cõi đời trong tình cảnh thương tâm: xa quê hương, không gia đình, không bà con thân thích, còn bản thân thì mắt mù, tai điếc, tinh thần u uất vì những khát vọng TỰ DO - DÂN CHỦ - HÒA BÌNH chưa thực hiện được.
Danh họa Francisco de Goya đã để lại cho đất nước Tây Ban Nha và nền Hội họa thế giới một kho tàng mỹ thuật đồ sộ, một tài sản cực kỳ quý giá. Theo thống kê, ước tính ông đã vẽ khoảng trên 500 tranh sơn dầu, gần 300 bản khắc axit, thạch bản và hàng trăm bản phác thảo, ký họa…Muôn mặt đời sống của xã hội Tây Ban Nha đều được ông khai thác, thể hiện. Tiêu biểu là thể loại tranh: sơn dầu, thạch bản, khắc axit, bích họa, tranh thảm… Riêng về tranh chân dung, Goya đã vẽ trên 20 bức và tới 14 bức tranh tường lớn. Những tác phẩm này hiện trưng bày tại Viện Bảo tàng Prado. Trong số hàng ngàn tác phẩm của Goya nổi tiếng nhất là những tranh: Gia đình của Charles IV, Nữ hầu tước De Pontejos, Ngày 3/5, Cơn hoảng loạn, Vị thần khổng lồ, Biến đổi bất thường, Những tai họa của chiến tranh…
Sau khi Goya từ trần, qua tiểu thuyết cùng tên Bức họa Maja khỏa thân, một lần nữa tên tuổi của danh họa lại được triệu triệu người yêu nghệ thuật trên thế giới trân trọng, ngưỡng mộ.
182 năm đã trôi qua (1828- 2010), kể từ khi danh họa Francisco de Goya qua đời, tên tuổi và sự nghiệp của ông mãi mãi đi vào lịch sử Mỹ thuật thế giới như những khát vọng về Tự do - Hòa bình và Dân chủ luôn là bài học lớn đối với các thế hệ nghệ sĩ của mọi thời đại.
Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh

1. Chiếc sọ của Goya tranh của  họa sĩ  Fierros
2.  Kiệt tác Maja khỏa thân tranh của  danh họa Goya