Có thể nói, PGS.TS Nguyễn Trường Lịch đã dành phần lớn cuộc đời mình để nghiên cứu, truyền thụ cho hàng ngàn sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ về một thiên tài bậc nhất của nhân loại, đó là văn hào L. Tônxtôi. Mới đây, ông cho ra mắt cuốn chuyên luận thứ hai mang tên “Tiểu thuyết Lep Tônxtôi”. Cuốn chuyên luận này có nhiều điểm mới, nhuần nhuyễn và hấp dẫn, bổ ích cho những ai muốn có một cái nhìn sâu sắc, toàn diện và chính xác về nghệ thuật tiểu thuyết của L. Tônxtôi.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với ông nhân dịp cuốn sách vừa được xuất bản.
Phóng viên (PV): Thưa PGS.TS Nguyễn Trường Lịch, tất cả những ai đã từng học ở khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, đều nhớ đến các thầy đã truyền thụ những kiến thức vô giá về nền văn học Nga vĩ đại, mà trong đó, chuyên đề về Lep Tônxtôi thật là hấp dẫn và bổ ích. Tuy nhiên, lịch sử văn học thế giới thì rộng lớn và có nhiều văn hào độc đáo, có thể trở thành những bài học lớn. Tại sao ông không đi vào các đề tài hiện đại hơn mà vẫn trung thành với đề tài tiểu thuyết L. Tônxtôi gần như suốt cả cuộc đời mình?
Nguyễn Trường Lịch (NTL): Anh cần phải hiểu rằng, đối với giới văn học, L. Tônxtôi không bao giờ cổ cả. Ông là một đỉnh cao chưa thể vươn tới. Là khởi nguồn của những thành công và sự đổi thay to lớn trong văn học thế giới cuối thế kỷ 19 và thế hỷ 20, cho đến tận hôm nay và còn cả sau này nữa. Tấm gương lao động nghệ thuật quên mình của ông, và những tác phẩm vĩ đại như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenia, Phục sinh… để lại một kho tàng những kinh nghiệm vô giá cho các nhà văn. Đương thời, chính Đôxtôiepxky đã có lần gọi L.Tônxtôi là “vị thần nghệ thuật”. Và sau này, ông được coi là “viện hàn lâm của các nhà văn”, “là một dòng suối mát mà nhân loại mãi mãi đến uống”. Nghiên cứu và truyền thụ lại cho lớp trẻ những kiến thức về một nhà văn như thế, đối với tôi là một niềm hạnh phúc. Mà đã nghiên cứu, thì phải đến nơi đến chốn, phải nói được những gì là tinh túy của con người và tác phẩm của ông. Đó là lý do vì sao, tôi đã luôn say mê và dành gần như tất cả cuộc đời mình cho thiên tài L. Tônxtôi.
PV: Từ những nghiên cứu của ông, thì điều gì khiến L. Tônxtôi trở thành đại văn hào được cả nhân loại ngưỡng mộ ?
NTL: Trở thành một đại văn hào, có lẽ có vô vàn yếu tố đan cài vào nhau. Giải thích về một con người còn khó, về một thiên tài bậc nhất dĩ nhiên không phải dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tìm ra những nét chính yếu đã làm nên tài năng và nhân cách của ông.
Trước hết, L. Tônxtôi là một thiên tài bẩm sinh. Nói gì thì nói, là một thiên tài, ngay từ khi sinh ra anh ta phải có một tố chất riêng, một năng khiếu thiên bẩm. Đối với một nhà văn, đó là tình yêu thương vô tận đối với con người, là khả năng cảm xúc và tưởng tượng, là sự hình dung về những vấn đề đang thay đổi, đang hình thành. Anh ta, từ khởi thủy phải có một cái gì khác và hơn người bình thường.
Với tư chất bẩm sinh, với khả năng tự đào luyện mình, L. Tônxtôi trở thành một người vô cùng uyên bác. Chúng ta biết rằng, ông là một bá tước, ông có điều kiện học hành. Nhưng trường đại học không làm ông thỏa mãn, vì thể ông bỏ dở chương trình đại học và lên kế hoạch tự đào tạo cho chính mình. Ông đã thu nhận được một vốn kiến thức vô cùng lớn về tâm lý, tôn giáo, âm nhạc, mỹ học, lịch sử, khoa học… Ông thành thạo hai mươi ngoại ngữ, đọc hàng vạn cuốn sách có ghi chép cẩn thận.
L. Tônxtôi cũng là một người lao động nghệ thuật vô cùng nghiêm túc. Phương châm của ông là: “Hãy đồng hóa những người đi trước và đi xa hơn nữa”. Và ông tâm niệm: “Cả cuộc đời tôi đi tìm cái đẹp”. “Viết mà không có mục đích thì chắc chắn tôi không viết”. Bao giờ ông cũng suy nghĩ kỹ càng trước khi viết, ông nghiên cứu đến tận cùng vấn đề để có những hiểu biết sâu sắc. Và khi đã bắt tay vào viết, ông luôn trăn trở, chọn lựa chi tiết hết sức kỹ càng, nghĩ ra vô vàn yếu tố, vô vàn mối liên hệ, và sau đó chọn lấy những gì là hợp lý nhất. Bản thảo của ông được viết đi, viết lại hàng chục lần. Thậm chí, khi đã xuất bản, ông vẫn tiếp tục sửa chữa để lần tái bản sau được hoàn thiện hơn.
Và điều đáng nói nữa, dù đọc sách và học tập rất nhiều, nhưng ông không phải là nhà văn chôn thân mình trong tháp ngà nghệ thuật. Khi còn là một chàng trai trẻ, ông đã xin ra chiến trường, viết những truyện ngắn đầu tiên ở chiến hào. Sau này ông đã đi rất nhiều nơi trong và ngoài nước, đã thâm nhập vào nhiều cảnh đời, đã thấu hiểu sâu sắc muôn mặt của đời sống, thấu hiểu đủ loại người từ những vị vua, vị anh hùng, các tướng lĩnh, người nông dân, cha cố và cả những cô gái điếm… Thấu hiểu những vấn đề sâu thẳm trong lịch sử, và thấu hiểu hiện tại.
L. Tônxtôi đã dành tất cả khả năng, tất cả tâm huyết của mình để sáng tác văn học, nhằm ca tụng “nhân dân kỳ diệu vô song”; nhằm “tìm kiếm cái đẹp”. Và ông trở thành vĩ đại…
PV: Vậy theo ông, nét đặc sắc nhất về nghệ thuật mà L. Tônxtôi cống hiến cho văn học Nga và thế giới là gì?
NTL: L. Tônxtôi có đóng góp cho văn học Nga và thế giới vô cùng to lớn và chúng ta có thể nói bao nhiêu cũng không hết. Song, có thể nói, cống hiến mới mẻ nhất của ông là ở chỗ, ông là người đầu tiên đã kết hợp được yếu tố tự sự song song với yếu tố tâm lý trong anh hùng ca Chiến Tranh và hòa bình, mà trước đây, từ thời Homer cổ đại, qua thời trung cổ đến thế kỷ 18 đều chưa đạt được. Ngay cả nhà Mỹ học Heghen ở thế kỷ 18 đến Biêlinxky đầu thế kỷ 19 đều xếp yếu tố tâm lý xuống vị trí thứ hai sau yếu tố sử thi. Chính Heghen từng viết: “Trong anh hung ca, khi diễn ra sự thực hiện mục đích thì phương diện đời sống bên trong tụt xuống vị trí thứ hai, và sự diễn ra những biến cố bên ngoài nói chung được dành cho một môi trường hành động rộng hơn.”
L. Tônxtôi đặc biệt nhấn mạnh đến sự thể hiện “sự thật về tâm hồn con người” như là mục đích chính yếu nhất của nghệ thuật. Ông viết: “Nghệ thuật chính là cái kính hiển vi hướng nhà nghệ sỹ soi rọi vào những bí ẩn của tâm hồn mình và biểu hiện những bí ẩn chung đó cho tất cả mọi người”. Với suy nghĩ ấy, ông đã tìm ra tính lưu chuyển của tâm lý con người, đến những quy luật của nó hay nói một cách khác, cống hiến vĩ đại của L. Tônxtôi chính là tính biện chứng tâm hồn. Ông nói: “Thật là hay nếu viết được một tác phẩm trình bày tính lưu chuyển của con người, phô bày cũng vẫn một con người ấy thôi, nhưng khi thì là một tên vô lại, khi là một thiên thần, khi thì là người sáng suốt, khi là một thằng ngốc, khi là lực sỹ, lúc lại là một kẻ bất lực nhất”.
Ông có cái nhìn sâu thẳm vào thế giới bên trong của nội tâm con người. Ông phát hiện ra “con người trong con người”; ông miêu tả “tất cả các chiều sâu của tâm hồn con người”, ông chú trọng đến “sự thâm nhập của bản chất quá trình xã hội vào quá trình tâm lý”.
Và để đạt được mục đích của mình, ông tìm mọi thủ pháp để thể hiện tâm lý, mà đáng nói nhất là nghệ thuật độc thoại và phép soi gương. Độc thoại nội tâm và phép soi gương (mô tả con người qua các nghĩ của người khác) có nhiều sáng tạo, nhiều độc đáo, phô diễn sâu sắc tính đa diện, phức điệu của con người.
PV: Hiện nay, có những người chỉ nhấn mạnh đến tính hình thức của tác phẩm, tôi thì nghĩ rằng như thế là không toàn diện và không chính xác, có thể đẩy nền văn học trở thành một cái gì thiếu thực chất và trống rỗng. Xin hỏi ông một câu hỏi cuối, L.Tônxtôi quan niệm về cái đẹp như thế nào? Và mối quan hệ giữa hình thức với nội dung tác phẩm ra sao?
NTL: Là một nhà văn thì anh ta phải có lý tưởng thẩm mỹ của mình. L.Tônxtôi đã nói, ông “cố gắng viết lịch sử của nhân dân”. Ông cố gắng phản ánh sự thật, một sự thật trên cơ sở nhân đạo gắn liền với vận mệnh dân tộc, với những xu thế chính yếu của thời đại. Ông tâm sự: “Nhân vật chính trong truyện của tôi, nhân vật mà tôi yêu mến với tất cả sức mạnh tâm hồn, cố gắng tái hiện với tất cả vẻ đẹp của nó, nhân vật đã đẹp, đang đẹp và mãi mãi đẹp, đó là sự thật”. Chính vì thế sau này, Lê Nin đã coi L.Tônxtôi là tấm gương phản chiếu cách mạng Nga. “L.Tônxtôi vĩ đại là ở chỗ ông đã nói lên được những tư tưởng, những tâm trạng của hàng triệu nông dân Nga khi bắt đầu cuộc cách cách tư sản Nga 1905”.
Tôi nghĩ rằng, những người đi vào chủ nghĩa hình thức sớm muộn gì cũng gặp khó khăn. Cũng như vậy, tất cả những ai chỉ chú trọng đến khía cạnh nội dụng của tác phẩm mà không tìm ra một hình thức sinh động tương xứng thì cũng chỉ dừng lại ở sự đơn giản. Chính L.Tônxtôi đã nói: “Tôi nghĩ, mỗi nhà nghệ sỹ lớn phải sáng tạo được hình thức cho riêng mình. Nếu nội dung các tác phẩm có trăm ngàn vẻ khác nhau, thì hình thức của chúng cũng phải như vậy”. Nội dung và hình thức bao giờ cũng hòa quyện vào nhau và tạo nên vẻ đẹp và sức sống của tác phẩm.
PV: Xin cảm ơn ông!