Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIẾNG CỔ TIÊN THIÊN

Trần Xuân An
Thứ sáu ngày 19 tháng 11 năm 2010 8:01 PM
 
rất khi không, bỗng nhớ
rừng mọc làng và trường
tiểu thuyết ta từ đó
một thời quá dễ thương
cổ sơ hơn giếng cổ
giếng Tây Nguyên trường xưa
buốt lạnh chân đồi vắng
tre chẻ đôi làm máng
vũng đọng trong hơn mưa
khe tràn quanh năm tháng
không đá lót viền bờ
không máng mài kiên cố
như giếng cổ Ca Lơ
vạn khối mồ hôi đổ
chưa hoá đá Chiêm sơ! (1)
sách vở và phấn bảng
cao xa đến ngạc nhiên
khảo cổ thành sơ đẳng:
nguyên lí giếng, tiên thiên!
mạch ngọt trái đồi đắng...
vốn sống ven đại ngàn
“Ngôi trường Tháng Giêng” đọng (2)
hiểu giếng cổ Gio An...
kì công hoài vang vọng
rất khi không, bàng hoàng!
dễ thương, bỗng dễ sợ
nếu đầu độc giếng lành
quặng thải lềnh bùn đỏ
bệnh tật tuôn tràn nhanh
và nếu sẽ chiến tranh (3) …
TXA.
6: - 16:20, 16-11 HB10
(1) Giếng cổ ở Gio An và các làng gần đó, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Theo phán đoán của cá nhân tôi, có lẽ đó là những công trình do người Chiêm (Chăm) và chủ yếu do người Kinh (Việt) tái tạo, nâng cao bằng vật liệu đá, với hàng chục ngàn mét khối đá, trên các giếng cổ đơn sơ của người Ca Lơ, sắc dân bản địa Quảng Trị. M. Colani cũng đã nghiên cứu về các giếng cổ này (xem “Những người bạn cố đô Huế” [B.A.V.H.]).
(2) Tiểu thuyết của TXA., viết về ngôi trường ở Lộc Ngãi, Bảo Lộc, Lâm Đồng, hoàn tất 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.
(3) Thêm một khổ thơ, thể hiện ý tưởng của đại tướng Võ Nguyên Giáp.