Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẤM SÁCH, SÁCH CẤM

Phan Khôi
Thứ năm ngày 18 tháng 11 năm 2010 2:16 PM
 
Ở vào thế kỷ hai mươi, là thế kỷ mà thiên hạ làm phách, hô lớn lên hai chữ tự do, nói rằng đâu đâu cũng phải tôn trọng sự tự do, đâu đâu cũng phải tôn trọng quyền ngôn luận, quyền xuất bản nầy, bỗng dưng nghe đến hai chữ "cấm sách" thì há chẳng phải là một sự lạ hay sao? Song le, là lạ cho ở xứ nào kia, còn xứ nầy, sự ấy đã ra như cơm bữa rồi, không còn lạ gì nữa.
Sự cấm sách đã không phải là lạ, thì dầu viết ra một cuốn sách mà bàn về sự ấy, chắc cũng không ai cho là lạ, huống chi viết sơ một vài cột báo mà bàn, thì lại là sự rất thường.
Duy có một vài cột báo, viết thế nào mà có hiệu lực mạnh làm sao, đến nỗi ngày nay báo ra, ngày mai phế lịnh cấm sách, nếu được vậy thì lại là sự lạ hơn.
Nhưng mà có đâu! Chúng tôi làm gì có phép thông thần ấy? Mà dầu cho ai nữa cũng không có.
Vậy thì chúng tôi viết đây để làm chi? định nói cái gì?
Không, chúng tôi nói rất tầm thường, không có gì lạ. Như một đứa con nít khi kẻ lớn bảo ngồi yên trên giường thì chúng tôi cũng ngồi yên, không dám vùng dậy chạy, song chỉ lấy tay mó máy cái này cái kia, hay là rúc rích đôi chút mà thôi.
 
Vài năm nay, cả ba kỳ ta nơi nào cũng có cấm sách, mà cấm nhiều nhứt là Trung Kỳ rồi đến Bắc Kỳ, vậy phải lấy tình thiệt mà khai rằng ở Nam Kỳ có rộng rãi hơn, có dễ thở hơn.
Ấy nhưng mà phân biệt như vậy có làm gì, hễ đã cấm thì bất luận ít nhiều, đều mang tiếng chung là cấm sách cả.
Mà có mang tiếng cũng không làm sao, có ngại gì cái đó. Không lẽ muốn tránh tiếng rồi để cho những sách bậy bạ được lưu hành tự do mà không cấm.
Ủa mà có sách gì lại là sách bậy bạ? Dâm thơ chăng? Yêu thơ chăng? Không biết. Hễ cho là bậy bạ thì nó là bậy bạ.
Cấm thì cấm. Nhưng mà tốt hơn là nên cho biết tại làm sao mà cấm.
Một cuốn sách, in ra cốt để bán, cũng như con người có chơn để đi xứ nọ xứ kia. Nay ví phỏng an trí một người nào ở một nơi mà không cho đi đâu, thì người ấy tức là người có tội rồi, mà trước khi an trí đó, tòa án phải tuyên minh tội trạng của người ấy. Cấm một cuốn sách mà không cho bán, cũng vậy, cũng nên tuyên minh tội trạng của nó.
Hiện nay có nhiều cuốn sách bị cấm mà không hiểu vì cớ gì. Mà cũng không ai đem sự ấy ra kêu nài. Phải, không kêu nài là phải, vì có buộc tội thế nào đó, thì mới có chỗ đôi co; còn như cứ chiếu theo đạo luật chỉ có một chữ − chữ CẤM − mà thi hành, thì còn ai nói năng gì được nữa?
Hay là không cho ai nói năng gì được như vậy là đắc sách? Có lẽ. Nhưng mà thường thường hễ người ta không nói ra cho hả hơi được thì lại cứ bực tức trong lòng.
(Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn)
Mà chưa biết chừng, hoặc giả vì sách vở đặt câu không nên thân mà cấm đi chăng; nếu vậy thì lại là may phước cho học giới ta biết chừng nào.
Trên đó là cấm sách; dưới đây là sách cấm.
Một cuốn sách, bất kỳ nội dung nó ra làm sao, cứ để yên không cấm thì người ta coi như thường. Dầu có lắm người khích thích vì nó chăng nữa, song cũng còn có lắm người coi như thường. Đến cấm đi một cái, thì hết thảy ai nấy đều chú ý vào nó. Cấm đi, là muốn cho người ta đừng đọc, mà không ngờ lại làm cho người ta càng đọc!
Người ta nói rằng một pho tượng gỗ đã sơn thếp rồi mà chưa khai quang điểm nhãn thì nó chưa linh, đến chừng khai quang điểm nhãn rồi thì nó mới linh. Ấy vậy, cấm cuốn sách nào, tức là khai quang điểm nhãn cho cuốn sách ấy.
Cho nên ở ta đây đã có nhiều sách linh lắm, có nhiều cuốn đã hiển thánh rồi. Việt Nam vong quốc sử và Hải ngoại huyết thơ [1] đã hiển thánh hai mươi năm nay; còn mới đây Một bầu tâm sự  [2] cũng đòi đạp đồng ngang lên nữa.
Thiên hạ họ mua sách cấm mắc tiền lắm, thường giá mắc gấp đôi lúc chưa cấm, lâu ngày, rồi đến gấp mười gấp trăm. Tức như dân An Nam là dân không ham đọc sách, hay tiếc tiền, mà đến sách cấm thì cũng trằn trọc trằn xa mua cho được. Mua rồi đọc chùng đọc vụng, ai biết đâu mà bắt.
Người Tàu đương đời Mãn Thanh, vào khoảng Khương Hy, Kiền Long, có nhiều bộ sách bị cấm, mà cấm chừng nào thì người ta lại càng đọc và càng lấy làm thích chừng nấy. Có người đời bấy giờ đã nói: "Các cái vui ở thế gian không cái nào bằng trong đêm có tuyết, đóng cửa lại mà đọc sách cấm". (nguyên văn bằng chữ Hán : Thiên hạ chi lạc mạc quá ư tuyết dạ bế môn độc cấm thơ).
Ở đất nhà Nam ta, chỉ có mây mù mà không có tuyết, làm cho giảm mất cái thú vui trong khi đọc sách cấm. Song le, đã có cái thú khác thế vào. Có người đã phát minh ra được và nói rằng : "Không có cái thú gì bằng cái thú trong lúc trời mưa, đóng cửa cho chặt lại, rồi......đọc sách cấm ! "
Cái thế lực của sách cấm là như vậy, còn cấm sách nữa thôi? ...
                                                                                                                                      C. D. [3]
                                                                                                                           Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.763 (1.9.1928)

-------------------------------
Chú thích
[1] Việt Nam vong quốc sử  (1905), Hải ngoại huyết (1906) : hai tác phẩm chữ Hán của Phan Bội Châu (1867-1940)
[2]  Một bầu tâm sự (1927) tác phẩm của Trần Huy Liệu (1901-69)
[3]  C.D. (viết tắt của từ Chương Dân) : bút danh Phan Khôi ký các bài đăng Đông Pháp Thời Báo năm 1928 ở Sài Gòn.
● Bài này đã in trong sách : Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928 / Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn / Đà Nẵng : Nxb. Đã Nẵng & Trung tâm Văn hóa-Ngôn ngữ Đông Tây (Hà Nội), 2003, tr.